Chuyên đề

Yury Rytkheu: Hiện tượng độc đáo của văn học Nga – Xôviết

Câu chuyện văn hoá
08:31 | 04/04/2020
Nhà văn Nga-Xô viết nổi tiếng người dân tộc Chukchi Yury Sergeyevich Rytkheu sinh ngày 8/3/1930 tại làng Uelen, khu tự trị Chukotka, Viễn Đông. Năm 1947, ông bắt đầu công bố những bài tiểu luận và bài thơ đầu tiên của mình trên báo chí. Năm 1953, tập truyện ngắn đầu tay của ông Những người bên bờ biển đã được xuất bản. Tập truyện Truyền thuyết Chukotka xuất bản năm 1956, đã giúp ông trở nên nổi tiếng ở Liên Xô và nước ngoài.
aa

Nhà văn Nga-Xô viết nổi tiếng người dân tộc Chukchi Yury Sergeyevich Rytkheu sinh ngày 8/3/1930 tại làng Uelen, khu tự trị Chukotka, Viễn Đông. Năm 1947, ông bắt đầu công bố những bài tiểu luận và bài thơ đầu tiên của mình trên báo chí. Năm 1953, tập truyện ngắn đầu tay của ông Những người bên bờ biển đã được xuất bản. Tập truyện Truyền thuyết Chukotka xuất bản năm 1956, đã giúp ông trở nên nổi tiếng ở Liên Xô và nước ngoài.

Trong những năm 1990, các tác phẩm của Yury Rytkheu đã được xuất bản ở nhiều quốc gia: Pháp, Phần Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức, Ý, Nhật Bản và các nước khác. Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà văn (1930-2020), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một vài nét về cuộc đời và văn nghiệp của ông.

Nhà văn Yury Rytkheu

Nhà văn cổ điển tương lai của văn học Nga trước khi lên tám tuổi không nói tiếng Nga. Đến năm mười bảy tuổi, thơ và truyện ngắn của ông đã được các tờ báo địa phương đăng tải. Năm hai mươi ba tuổi, Rytkheu được kết nạp vào Hội Nhà văn Liên Xô. Điều này không có gì lạ, trong số các nhà văn Nga, nhiều người có nguồn gốc nước ngoài: Fonvizin (Đức), Zhukovsky (Thổ Nhĩ Kỳ), Pushkin (châu Phi), Lermontov (Scotland), Pasternak và Brodsky (Do Thái)... Càng ở xa, bức tranh càng trở nên đa dạng. Vào thời Xô viết, nền văn học này có một chỗ dành cho chàng trai từ vùng Viễn Đông xa xôi.

Hơn một trăm năm trước, ông nội của Rytkheu tới New York và làm việc ở sở thú. Công việc được trả lương cao, và ông đã nghĩ đến việc đưa gia đình sang Hoa Kỳ sinh sống. Nếu thế, chưa chắc cháu trai ông đã trở thành nhà văn. Ở Hoa Kỳ, Canada hoặc Greenland của Đan Mạch, dân bản địa Bắc cực nhiều gần gấp đôi so với ở Liên Xô. Nhưng họ chưa bao giờ có nền văn học riêng. Thậm chí vào thời đó, số người biết chữ cũng không. Trong khi ở Liên Xô, hầu như ai cũng biết chữ. Thậm chí ở thành phố Leningrad có một trường đại học đặc biệt dành cho con em các dân tộc này.

Khi cậu bé ra đời, ông nội của cậu, một thầy mo, theo phong tục địa phương, đã đặt tên cho cậu. Để làm điều đó, người Chukchi sử dụng một dụng cụ đặc biệt giống như con lắc, con lắc phải dừng lại khi người ta đọc một cái tên nào đó trong một loạt các tên có sẵn. Nhưng không hiểu vì sao, hôm đó "con lắc" không dừng lại, cho dù ông nội cố gắng bao nhiêu; bực mình, ông nói: “Vậy thì tên cháu sẽ là Rytkheu” (nghĩa là “Vô danh”).

Trước đây, người Chukchi không có họ lẫn phụ danh. Do đó, khi làm hộ chiếu, Rytkheu đã “mượn” tên và phụ danh của một cán bộ địa chất người Nga quen biết trong làng, và trở thành Yury Sergeyevich. Còn tên của ông được dùng làm họ - Rytkheu.

Cuốn sách đầu tay của Rytkheu Những người bên bờ biển được xuất bản năm 1953. Nó khá đơn giản, chỉ là những câu chuyện cảm động và hài hước về những người dân làng, nhưng thành công hóa ra lại khá lớn. Cuốn sách đã được dịch sang tiếng Anh và nhận được lời chúc mừng của nhà văn Ernest Hemingway. Khi Rytkheu lần đầu tiên tham dự một hội nghị văn học ở Hoa Kỳ, chân dung của ông được in trên trang bìa của tạp chí thời thượng National Geographic.

Với cuốn sách này, Rytkheu bất ngờ trở thành một khuynh hướng văn học. Cư dân của các đô thị lớn hết thế hệ này đến thế hệ khác nghẹt thở vì khói bụi, sự chen chúc và cuộc sống vô nghĩa. Nhưng họ muốn tin rằng dường như vẫn có một cuộc sống khác. Vào những năm đó, trên thế giới, người ta bắt đầu xuất bản những cuốn tiểu thuyết viết về một thế giới, ở đó mọi thứ khác với những gì chúng ta vốn có.

Nhà văn Mỹ Faulkner hay nhà văn Brazil Jorge Amadou khẳng định, dường như ở cách xa các thành phố, có một cuộc sống thực sự ý nghĩa, hoặc ít ra là có niềm vui thầm lặng. Và những cuốn sách đầu tiên của Rytkheu cũng nói về điều đó: về thiên đường đã mất, nơi mọi người đều quen biết nhau, không có người xa lạ, tất cả là hàng xóm, láng giềng, và cả vũ trụ chỉ là một dải bờ biển thân thuộc từ lâu với một bãi hải mã không xa. Một thập kỷ rưỡi sau, có hàng chục nhà văn cổ điển Nga ngay lập tức làm nên tên tuổi văn học của mình chính trong lĩnh vực này - từ Vasily Shukshin đến Fazil Iskander. Nhưng người đầu tiên là Rytkheu, nhà văn Chukotka, người lúc bấy giờ vẫn còn bỡ ngỡ với cái tên và phụ danh Yury Sergeyevich của mình.

Trong mười lăm năm tiếp theo, Rytkheu đã lần lượt xuất bản các cuốn tiểu thuyết như: Trong thung lũng của những chú thỏ con (1962), Ayvangu (1964), Bình minh Leningrad (1967), Những con tàu thủy đẹp nhất (1967), Giấc ngủ đầu sương mù (1970), Sương giá trên ngưỡng cửa (1971). Về nguyên tắc, chừng ấy đã đủ cho một sự nghiệp văn chương sáng giá ở Liên Xô lúc bấy giờ. Nhiều nhà văn xuất thân từ các vùng dân tộc xa xôi đã làm như vậy. Trở nên nổi tiếng với cuốn sách đầu tiên về túp lều du mục (mái nhà tranh nông dân...) trên chính quê hương mình, cho đến khi nghỉ hưu, họ chỉ việc nhân bản thành công. Độc giả của những cuốn sách như vậy xem ra rất ít ỏi, nhưng giới lãnh đạo hài lòng.

Thời đó, độc giả thích những món ăn độc đáo hơn. Thần tượng của giới trí thức những năm 1970 là các nhà văn "hiện thực huyền ảo" Mỹ Latinh: Garcia Marquez, Julio Cortazar, Miguel Asturias. Sách của họ thực sự mê hoặc. Độc giả trí thức có cảm giác như loại văn học đó không thể tồn tại ở Liên Xô, mặc dù chính trong những năm đó, những cuốn tiểu thuyết xuất sắc của các nhà “hiện thực huyền ảo” vùng cực Bắc Liên Xô đã lần lượt được xuất bản. Chúng cũng tuyệt vời không kém tác phẩm của các nhà văn Mỹ Latinh, nhưng ít nổi tiếng hơn ngay cả trên đất nước mình.

Có thể nói, trong những thập kỷ đầu tiên, Yury Rytkheu là nhà văn vùng cực Bắc nổi tiếng nhất. Rồi bỗng nhiên sau đó, cả một thế hệ nhà văn người dân tộc bước vào nền văn học lớn theo con đường Rytkheu đã mở: Semyon Kurilov (tiểu thuyết Khanido và Khalerkha), Ivan Gogolev (tiểu thuyết Hạc đen), Vladimir Sangi (tiểu thuyết Đám cưới của gia đình Kevong)... Đọc họ, bạn ngạc nhiên tự hỏi: vì sao hệ thống kiểm duyệt của Liên Xô lại bỏ sót tất cả những tác phẩm này, bởi vì ở đây có nhiều điều kỳ ảo hơn bất kỳ tác phẩm nào của Carlos Castaneda, và yếu tố thần thoại đa thần giáo cũng đậm đặc hơn trong Chúa tể của những chiếc nhẫn.

Và một lần nữa Rytkheu có thể dừng lại ở đây. Không phải nhà văn nào (thậm chí nhà văn lớn) cũng có thể trở thành biểu tượng của một dòng văn học hoàn toàn mới lúc sinh thời. Nhưng Rytkheu không dừng lại. Ông tiếp tục viết ngay cả sau khi chế độ cũ, quen thuộc với những người thuộc thế hệ của ông, đã sụp đổ. Thật cay đắng đối với tất cả mọi người khi nó sụp đổ, và mỗi người tự tìm lối thoát theo cách của mình. Có người đi vào chính trị hoặc kinh doanh, có người im lặng, có người đơn giản là đắm mình vào rượu. Còn Yury Rytkheu vẫn tiếp tục viết.

Truyền thuyết của các dân tộc vùng Bắc cực kể rằng có một thời con người và cá voi là anh em cùng sống với nhau. Nhưng sau đó, con người đã giết người anh em của mình để ăn thịt và sống sót trong những ngày giá lạnh khủng khiếp nhất. Và tất nhiên, con người sống sót, nhưng thế giới vấy máu sau đó không còn là ngôi nhà ấm cúng đối với anh ta nữa. Tuy nhiên, truyền thuyết cũng kể rằng điều này không phải bao giờ cũng vậy - những con cá voi sẽ còn trở lại, chúng sẽ tha thứ cho người anh em tội lỗi của mình, và có thể vẫn như trước đây, cuộc sống sẽ lại tràn đầy ánh sáng và lòng nhân hậu.

Tác phẩm văn học lớn khác với loại sách xu thời ở chỗ nó có thể nói về những vấn đề thực sự quan trọng. Trong bảy mươi tám năm của cuộc đời mình, Yury Rytkheu đã viết gần sáu mươi cuốn sách. Và, tất nhiên, trong số đó, có những cuốn tiểu thuyết hiện nay không thể đọc lại và không cần thiết. Nhưng có một số cuốn (ví dụ như truyện vừa Khi đàn cá voi bỏ đi) từ lâu đã trở thành tác phẩm cổ điển. Ngay cả khi Rytkheu không viết thêm gì nữa, thì chừng ấy cũng đã đủ.

Thế hệ văn học của ông thật đáng khâm phục. Yury Rytkheu chỉ trẻ hơn Arkady Strugatsky và Chingiz Aitmatov hai tuổi, nhưng lớn hơn Valentin Rasputin và Nikolay Rubtsov bốn tuổi. Họ rất khác nhau, và tiểu sử của họ cũng không giống nhau. Nhưng ít nhất có hai điều gắn bó họ với nhau. Thứ nhất, tất cả họ đều sinh ra ở những nơi mà bạn không thể tìm thấy trên bản đồ. Và thứ hai, tất cả họ đều trở thành nhà văn cổ điển của nền văn học Xô viết một thời vang bóng, nhưng ngày nay hầu như không còn ai biết đến.

Ngày 8 tháng 3 năm nay, nếu còn sống, Yury Rytkheu bước sang tuổi chín mươi. Gần một thế kỷ trôi qua, nhưng những cuốn sách của ông chưa trở thành lịch sử, và hiện nay bạn vẫn có thể đọc chúng như thể đang trò chuyện với một người đối thoại thú vị. Ở Nga, rất ít người được tận hưởng niềm vui này: trong ba mươi năm gần đây, các tác phẩm của ông không một lần được tái bản trên quê hương của ông. Nhưng ở châu Âu, sách của ông vẫn được xuất bản và đọc khá tích cực; gần một triệu bản đã được bán trên khắp thế giới.

Yury Rytkheu qua đời gần mười hai năm trước, chỉ vài tuần sau khi cuốn sách cuối cùng của ông Từ điển hành trình được xuất bản. Ông sinh ra cách thành phố Saint-Petersburg bảy ngàn cây số, bên bờ đại dương đóng băng vĩnh cửu, nhưng ông yên nghỉ tại đây, trong nghĩa trang Komarovo, cách nữ thi sĩ Anna Akhmatova không xa. Ông là nhà văn Chukotka đầu tiên và, không nghi ngờ gì nữa, nhà văn Nga vĩ đại.

(Theo báo Nga)

Nguồn Văn nghệ số 14/2020


Khai mạc: Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Khai mạc: Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Baovannghe.vn - Trong hai ngày 21 và 22/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Trượt - Thơ Vũ Thanh Hoa

Trượt - Thơ Vũ Thanh Hoa

Baovannghe.vn- Đám mây chiều sũng nước/ trùm lên thành phố
Bài thơ "Không nói" của Nguyễn Đình Thi

Bài thơ "Không nói" của Nguyễn Đình Thi

Baovannghe.vn - Nhà thơ Nguyễn Đình Thi - gương mặt thơ tiêu biểu của thơ ca kháng chiến, từng để lại ấn tượng đáng quý trong bạn đọc yêu thơ về sự cách tân, tìm tòi và sáng tạo cho thơ ca hiện đại...
Bài thơ “Chợ chim” của Hữu Thỉnh

Bài thơ “Chợ chim” của Hữu Thỉnh

Baovannghe.vn - Nói đến Chợ chim là nói đến chim và chợ. Đây là cuộc họp mặt ăn tiệc rộn ràng của họ hàng nhà chim tại cái chợ của chúng - chợ theo cách hiểu của tác giả bài thơ...
Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời rét, ngày nắng hanh.