Văn hóa nghệ thuật

100 hiện vật của Hoàng đế Napoleon được đưa ra đấu giá

Hoài Bắc
Mỹ thuật 08:42 | 27/05/2025
Vào ngày 25 tháng 6 tới, tại trụ sở Sotheby’s Paris, khoảng 100 hiện vật gắn liền với Hoàng đế Napoleon Bonaparte, từ chiếc mũ hai sừng nổi tiếng đến chiếc giường chiến dịch di động, sẽ được đưa ra đấu giá công khai. Những hiện vật này đều đến từ bộ sưu tập tư nhân đồ sộ của Pierre-Jean Chalençon, một chuyên gia hàng đầu về Napoleon và là nhà sưu tầm kiên định trong suốt bốn thập niên qua. Theo Sotheby’s, đây là một “tổng hợp phi thường về lịch sử thời Napoleon”, kết hợp giữa “các biểu tượng lịch sử vĩ đại và những di vật thân mật”
aa

Dẫn đầu danh sách hiện vật là chiếc mũ hai sừng màu đen mang tính biểu tượng, ước tính có giá từ 500.000 đến 800.000 euro (567.620-908.190 USD). Khác với các sĩ quan thời đó đội mũ từ trước ra sau, Napoleon thường đội mũ theo chiều ngang, kiểu en bataille, khiến đôi cánh mũ xòe ra hai bên, tạo nên một hình bóng dễ nhận diện giữa chiến trường. Chiếc mũ này do thợ làm mũ chính thức của ông, Poupard chế tác, và được Tướng Mouton, một trong những chỉ huy thân cận nhất, tặng lại cho Napoleon.

100 hiện vật của Hoàng đế Napoleon được đưa ra đấu giá
Napoleon trong trang phục đăng quang. Ảnh: Sotheby's.

Bên cạnh đó là các hiện vật từ lễ đăng quang năm 1804 tại Nhà thờ Đức Bà Paris: thanh kiếm và cây gậy của sứ giả, do xưởng vũ khí Boutet tại Versailles chế tác, được trang trí bằng biểu tượng ong và tia sét, hiện được định giá từ 200.000 đến 400.000 euro (227.040-454.100 USD). Áo choàng nhung thêu vàng từng được Thống chế Nicolas-Charles Oudinot mặc trong buổi lễ, có mức giá ước tính từ 30.000 đến 50.000 euro (34.050–56.760 USD).

100 hiện vật của Hoàng đế Napoleon được đưa ra đấu giá
Chiếc mũ hai sừng mang tính biểu tượng của Napoleon. Ảnh: Sotheby's.

Điểm nhấn của phiên đấu giá không chỉ nằm ở các biểu tượng quyền lực mà còn ở những kỷ vật cá nhân sâu sắc. Chiếc giường chiến dịch gấp được thiết kế riêng cho Napoleon, đi kèm với rèm màu xanh lá và vàng cùng hộp đựng du lịch, được định giá từ 40.000 đến 60.000 euro (45.400-68.110 USD). Một đôi tất thêu tên viết tắt của ông (NB) có mức giá khởi điểm 50.000-80.000 euro (56.760-90.810 USD). Ngoài ra, còn có giấy chứng nhận hợp pháp hóa hôn nhân của ông với Joséphine vào năm 1804 (30.000-50.000 euro).

100 hiện vật của Hoàng đế Napoleon được đưa ra đấu giá
Chiếc giường di động được thiết kế dành riêng cho Napoleon. Ảnh: Sotheby's.

Không thể thiếu trong danh sách là bản di chúc bổ sung, do chính tay Napoleon viết khi ông bị bệnh trong thời gian lưu đày tại đảo Saint Helena, nơi ông qua đời năm 1821. Văn bản này có đóng dấu cá nhân và được ước tính từ 300.000 đến 500.000 euro (340.570-567.620 USD).

Trong phiên đấu giá, nhiều bức tranh giá trị sẽ được đưa ra: bản sao chân dung Napoleon trong trang phục đăng quang do xưởng vẽ của François-Pascal-Simon Baron Gérard thực hiện theo đặt hàng tuyên truyền, có mức giá ước tính 300.000 euro (340.570 USD). Một bức khác là Bonaparte in Italy của họa sĩ Edouard Detaille vẽ năm 1908, mô tả ông trong chiến dịch Ý 1796-1797, giá 60.000-100.000 euro (68.110-113.520 USD).

100 hiện vật của Hoàng đế Napoleon được đưa ra đấu giá
Paul Delaroche, Napoleon tại Fontainebleau, ngày 31 tháng 3 năm 1814 (1848). Ảnh: Sotheby's.

Ngược lại, bức Napoleon at Fontainebleau, 31 March 1814 của Paul Delaroche (1848) thể hiện một Napoleon cô độc, trầm lặng trước lễ thoái vị đầu tiên, được định giá 150.000-250.000 euro (170.280-283.810 USD). Chính sự đối lập này giữa hình tượng oai hùng và phút giây suy tàn đã khiến bộ sưu tập này trở nên độc nhất vô nhị trong dòng ký ức vật thể của lịch sử châu Âu.

Việc bộ sưu tập đồ sộ của Pierre-Jean Chalençon được đưa ra đấu giá phần nào cho thấy nghịch lý giữa lòng đam mê lịch sử và áp lực tài chính. Chalençon, một nhân vật quen mặt trên truyền hình Pháp, đã tích lũy hàng trăm hiện vật liên quan đến Napoleon suốt nhiều thập kỷ. Theo Artnet, ông buộc phải bán bộ sưu tập vì khoản nợ lớn, được mô tả là “cái giá của đam mê”.

100 hiện vật của Hoàng đế Napoleon được đưa ra đấu giá
Thanh kiếm và cây gậy của Herald được sử dụng trong lễ đăng quang tại Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: Sotheby's.

Marine de Cenival, Giám đốc bán hàng của Sotheby’s Paris, phát biểu: “Từ những biểu tượng uy nghiêm của quyền lực đế quốc đến những kỷ vật mang tính cá nhân sâu sắc, bộ sưu tập này tái hiện sự phức tạp phi thường trong di sản của Napoleon - tầm nhìn, tham vọng và sự bí ẩn lâu dài của ông.” Bà cũng nhấn mạnh: “Ít có bộ sưu tập nào nắm bắt được trọn vẹn cả huyền thoại và con người như thế.”

Trước khi được đấu giá ở Paris, một phần các hiện vật sẽ được trưng bày tại Sotheby’s Hong Kong từ 23-27/5 và Sotheby’s New York từ 5-11/6, như một cuộc hành trình xuyên lục địa của di sản đế chế.

Khi những chiếc tất, thanh kiếm hay bức tranh vẽ Napoleon được định giá bằng euro và đô la, câu hỏi vẫn lặng lẽ vang lên: liệu ký ức có thể được sở hữu? Hay chính lịch sử cũng đang chịu sự định đoạt của thị trường? Phiên đấu giá này không chỉ là một sự kiện văn hóa, mà là sự khúc xạ của quyền lực, ký ức, và sự tiêu thụ trong thời đại toàn cầu hóa lịch sử.

Ruộng, rừng, và hành trình đời người

Ruộng, rừng, và hành trình đời người

Ra mắt lần đầu vào năm 2006, Màu rừng ruộng - tiểu thuyết đầu tay của Đỗ Tiến Thụy - đến nay vẫn là tác phẩm gây ám ảnh nhất trong văn nghiệp của anh. Trên nền không gian kép Ruộng và Rừng, nhà văn không chỉ tái hiện một thế giới nông thôn Bắc Bộ và Tây Nguyên hậu chiến bằng lối kể truyền thống ngồn ngộn chi tiết, mà còn mạnh mẽ đặt ra câu hỏi về sự lạc hậu, mông muội và bi kịch tinh thần mà con người phải gánh chịu dưới ách tập tục, luật tục và ký ức tập thể.
Tự do của loài chim - Thơ Vi Thùy Linh

Tự do của loài chim - Thơ Vi Thùy Linh

Baovannghe.vn- Loài chim nào bay cao, nhanh nhất/ Loài chim nào nhiều sức mạnh
Nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi ra mắt cuốn sách thứ 11 "Sự thật, Lẽ phải và Ngọn bút"

Nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi ra mắt cuốn sách thứ 11 "Sự thật, Lẽ phải và Ngọn bút"

Baovannghe.vn - Sáng 12/6, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Thư viện Quân đội phối hợp Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức lễ ra mắt cuốn sách Sự thật, Lẽ phải và Ngọn bút của nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi.
Vai trò của thanh niên trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Vai trò của thanh niên trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Baovannghe.vn - Chiều 12/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án Thanh niên tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam giai đoạn 2024-2029.
Triển lãm "Chân dung thời gian" của họa sĩ Phạm Duy Quỳnh

Triển lãm "Chân dung thời gian" của họa sĩ Phạm Duy Quỳnh

Baovannghe.vn - Triển lãm Chân dung thời gian của họa sĩ Phạm Duy Quỳnh giới thiệu tới công chúng 24 tác phẩm sơn dầu và 12 tác phẩm sơn mài khổ lớn trong bộ sưu tập của họa sĩ.