Diễn đàn lý luận

A Sáng trên hành trình đi tìm chính mình

Trần Vũ Long
Chân dung văn học
11:02 | 01/08/2024
Baovannghe.vn - Tôi quen biết A Sáng từ khi hắn mới chân ướt chân ráo bìu ríu vợ con từ vùng núi Cao Bằng xuống Hà Nội lập nghiệp, vậy mà cũng gần 20 năm...
aa

Tôi quen biết A Sáng từ khi hắn mới chân ướt chân ráo bìu ríu vợ con từ vùng núi Cao Bằng xuống Hà Nội lập nghiệp, vậy mà cũng gần 20 năm. Hồi đấy chúng tôi đều là những đứa “trẻ ranh” lơ nga lơ ngơ khi mới bước chân vào báo Văn nghệ vốn nhiều nhà thơ, nhà văn, họa sĩ tên tuổi. Bọn tôi thân với nhau như hình với bóng, cùng nhau quanh quẩn trong tòa soạn, rồi lang thang phố phường, quán nước vỉa hè, đến mức mọi người trong cơ quan bảo hai thằng này có vấn đề về giới tính. Khi đó A Sáng chủ yếu làm công việc họa sĩ trình bày báo cho tờ phụ san Văn nghệ Trẻ. Ngoài việc dàn trang trình bày tờ báo, còn phải đi đặt minh họa truyện ngắn nên hắn được làm quen với khá nhiều họa sĩ. Mang danh là họa sĩ trình bày nhưng hồi đó hắn chẳng dám vẽ minh họa cho báo bao giờ, vì hắn tự nhận xét mình vẽ xấu, kể ra thì lúc đó hắn nói cũng có lý. Có lẽ một trong những yếu tố để cho người ta trưởng thành hơn là phải biết mình là ai, ở đâu, có thể làm gì, để từ đó mà vươn lên.

A Sáng trên hành trình đi tìm chính mình
Họa sĩ Hoàng A Sáng

Tôi quý A Sáng ở điều đó. Khi mới bước chân vào báo Văn nghệ, tôi và A Sáng có may mắn được gần và chơi thân với họa sĩ Thành Chương, khi đó ông đang còn làm họa sĩ trình bày cho báo Văn nghệ, anh em chúng tôi vẫn gọi là Văn nghệ già. Có thể nói đây là một điều vô cùng may mắn cho sự nghiệp sáng tác hội họa của A Sáng về sau này. Bản thân tôi, chẳng có chút khả năng cũng như kiến thức gì về vẽ vời nhưng cảm thấy được mở mang nhiều điều mỗi lần được ngồi nghe họa sĩ Thành Chương nói chuyện về hội họa, hay ngồi xem ông trình bày báo, rồi vẽ minh họa cho báo. Hồi đó A Sáng đang còn nghèo chẳng có tiền mua họa phẩm về để vẽ cho thỏa niềm yêu thích của mình. Thỉnh thoảng ki cóp được chút tiền để mua toan, mua màu, rồi vẽ được dăm bảy bức, hắn lại

A Sáng trên hành trình đi tìm chính mình
Bình yên...

mời họa sĩ Thành Chương, và tôi đi ké đến nhà xem những bức tranh mới ra lò của hắn. Cũng không cần phải ý tứ, có thể nói luôn khi đó tranh hắn vẽ chẳng có gì để bận tâm, bởi chưa có sự định hình rõ nét, giống như cậu học trò đang đi học vẽ. Danh họa Thành Chương thì vốn là người thẳng thắn, không góp ý thì thôi chứ đã góp ý thì đến nơi đến chốn. Cứ mỗi lần được họa sĩ Thành Chương góp ý hắn như được một gáo nước lạnh để tỉnh thêm ra. Cứ như vậy hắn lặng lẽ, cặm cụi vẽ và cũng chẳng dám mời họa sĩ Thành Chương đến thẩm định tranh nữa, bởi hắn biết mình vẫn chưa vượt qua được cái ngưỡng đó. Lâu lâu, tự nhiên cảm thấy có bức nào ưng ý, hắn mới chụp ảnh rồi lại đem khoe với họa sĩ Thành Chương. Nhưng kết quả vẫn khiến cho hắn buồn tiu nghỉu. Sau đó hắn đi khỏi báo Văn nghệ. Hắn lao vào công việc viết báo. Thú thực lúc đó tôi đã nghĩ hắn sinh ra là để viết báo chứ không phải vẽ tranh pháo. Công việc làm báo đã đem lại cho hắn thu nhập, thương hiệu trong làng báo, đã kéo hắn đi và say sưa với vòng quay đó, nên cũng không có thời gian để cho hắn nghĩ tới việc vẽ vời. Mỗi thằng một

A Sáng trên hành trình đi tìm chính mình
Nhà là nơi để về...

quỹ đạo riêng, công việc của hắn thì bận rộn, nên tôi và hắn cũng ít gặp nhau. Thi thoảng họa sĩ Thành Chương lại ới tôi và hắn cùng đi ăn trưa, những lúc đó hắn lại được ông động viên và cả kích bác để tiếp tục dành thời gian cho việc vẽ tranh. Tuy không nói ra nhưng những lời của họa sĩ Thành Chương và bạn bè đã khiến cho hắn có suy nghĩ nghiêm túc hơn trong hội họa. Rồi một ngày, hắn khoe những bức tranh trên facebook của hắn, những người đã từng quen biết và có quá trình theo dõi cái sự vẽ tranh của hắn cảm thấy có gì đó thay đổi trong hắn. Những bức tranh của hắn tuy chưa được đẹp nhưng chớm hình thành một ngôn ngữ riêng. Với khả năng thẩm định tranh pháo nghiệp dư của mình, thú thực khi đó tôi cảm thấy hắn vẫn chưa làm chủ được mầu sắc, bố cục trong bức tranh của mình cho lắm nhưng trong hắn hình như đang lóe lên một năng lượng, môt tình yêu dành cho công việc này. Một thời gian dài hắn đều đặn đưa tranh lên facebook cho mọi người xem nhưng mãi vẫn chưa thấy gì bứt phá. Đã có họa sĩ nói với tôi rằng, có lẽ A Sáng chỉ vẽ được đến thế và chỉ viết báo là hợp. Bản thân tôi đôi khi cũng có nghĩ như vậy, nhưng tôi cảm kích bởi sự say mê với công việc vẽ tranh của hắn. Tranh không đẹp cũng chẳng sao, xem như nó là một thú vui để mình được giải tỏa tinh thần, giải tỏa năng lượng, Cá nhân tôi cũng là người yêu hội họa nhưng tôi không thể vẽ được, đó là điều làm tôi cảm thấy ghen tị với bất cứ ai dù chỉ là biết vẽ một chút. Tôi cảm thấy vẽ tranh là một hình thức sáng tạo giúp cho người nghệ sĩ giải tỏa cảm xúc trong người một cách nhanh nhất, trực tiếp nhất, và nó là công việc sáng tạo mang tính độc lập nhất trong các loại hình nghệ thuật. Công việc sáng tạo giống như một thứ trời cho, nó không đơn thuần là sự chăm chỉ, khổ luyện. Và, ở A Sáng dường như có được may mắn khi hội tụ được mấy yếu tố đó. Ngoài việc hắn đam mê hội họa, khổ công với toan với màu, nhưng đến một ngày trời đã thương hắn, đã cho hắn. Hắn đã làm cho anh em bè bạn bất ngờ với những bức tranh hắn đưa lên facebook quãng sau này. Thành thực mà nói nếu không có yếu tố tài năng mà ta gọi là trời cho thì cũng rất khó cho người làm sáng tạo định hình, tạo dấu ấn. Bởi không ít người cũng chăm chỉ với màu với toan, thời gian dành cho nó còn nhiều hơn hắn nhưng cả đời vẫn không tạo được dấu ấn trong lòng công chúng. Tôi thực sự ấn tượng với A Sáng ở hai mảng tranh mà hắn hay vẽ, đó là tranh thiền và tranh về đề tài miền núi. Đề tài miền núi thì dễ hiểu, bởi nó là tuổi thơ, là tình yêu, là kí ức của hắn với vùng quê Cao Bằng đầy thơ mộng, như là chất kích thích khả năng sáng tạo của hắn. Còn về mảng tranh thiền thì tôi chưa lý giải được, bởi hắn cũng không phải là người có xu hướng tu thiền và tìm hiểu tôn giáo nhiều, thôi thì âu cũng là cái duyên trời cho. Bây giờ thì tranh của hắn đã được công chúng biết đến và tìm mua nhiều. Không chỉ trong nước, tranh của hắn đã được công chúng, nhà sưu tập nước ngoài đến hỏi mua. Hắn sẽ chẳng còn phải ki cóp tiền để mua toan, mua màu về vẽ. Giờ đến xưởng vẽ của hắn tôi bị ngợp bởi tranh pháo và toan màu la liệt. Có lần hắn tâm sự muốn nghỉ công việc làm báo để chuyên tâm vào việc vẽ tranh. Lúc đó tuy không nói ra nhưng tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ đó của hắn. Dẫu rằng với công việc viết báo hắn là người có khả năng và bản lĩnh. Công việc đó giúp hắn rất nhiều để có thu nhập tốt, tuy nhiên hình như hắn phải bắt đầu lựa chọn cho mình một con đường khác. Con đường đó có thể sẽ còn nhiều gian truân nhưng nó sẽ tạo cho hắn một đời sống khác trong bản thể, trong cuộc sống thường ngày và trong sáng tạo. Chẳng hiểu sao tôi tin vào điều đó và tôi muốn hắn làm như vậy. Có thể sau khi đọc những dòng chữ này hắn chỉ cười mỉm. Tôi vẫn luôn nghĩ, với người nghệ sĩ phải biết lựa chọn cho mình một con đường rất riêng, anh ta không thể đòi hỏi quá nhiều thứ một lúc, thậm chí anh ta phải biết hy sinh, chấp nhận sự cô độc trên con đường sáng tạo để tìm con đường của riêng mình. Tôi muốn A Sáng phải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, điên rồ hơn, cô đơn hơn và cả vật vã đau đớn hơn để dấn thân vào con đường sáng tạo của riêng mình. Sở dĩ nói như vậy bởi tôi tin trong con người hắn còn điều gì đó chưa phát tiết hết mà chính bản thân hắn cũng không biết được điều đó. Hắn vẫn còn bị chi phối bởi quá nhiều điều đang diễn ra hàng ngày trước mắt hắn.

A Sáng trên hành trình đi tìm chính mình
Giấc mơ vằng
A Sáng trên hành trình đi tìm chính mình
Sắc màu
A Sáng trên hành trình đi tìm chính mình
Bình minh

Tranh của A Sáng ngày hôm nay không quá chăm chú vào kĩ thuật, không bị nệ quá vào sách vở, bài bản, thậm chí tôi vẫn cảm thấy có chút ngây ngô trong nét vẽ của hắn, nhưng rõ ràng trời đã thương hắn, hắn đã nhập và thăng hoa để tạo ra cho mình một phong cách, điều này không phải dễ có và ai cũng làm được. A Sáng đã làm chủ được mầu sắc một cách nhuần nhuyễn, làm chủ được thần thái bức tranh, tạo ra một câu chuyện, để có thể dẫn dắt người xem vào thế giới riêng của mình, dẫu đó là một vẻ đẹp miền núi, vẻ đẹp của thiền, hay một bức tranh tĩnh vật. Phần lớn tranh A Sáng đang vẽ có chiều sâu tình cảm. Hắn có một đời sống nội tâm, một sự cảm thụ riêng về đời sống xung quanh, về quê hương, về con người và cảnh vật. Khi loạt tranh thiền của hắn vừa vẽ xong, tôi vô cùng ấn tượng với một bức tranh mà hắn đặt tên là Cha và con. Thú thực tôi không thích lắm với việc đặt tên cho bức tranh. Bởi tôi nghĩ một bức tranh đẹp là do cảm xúc anh nhìn vào nó, mầu sắc đó, bố cục đó, nét vẽ đó làm anh rung động, chứ không phải sự định hướng của họa sĩ đối với người xem nó phải là cái gì. Hãy để mỗi người xem tranh tạo ra cho mình một hình dung khác, thế giới khác của riêng họ. Tôi có nói với A Sáng rằng tôi rất thích bức Cha và con, hắn cũng nói đó là bức tranh hắn cảm thấy thăng hoa khi vẽ. Mấy tháng sau, hắn tổ chức triển lãm tranh với cái tên Miền A Sáng. Hắn đã rất đúng khi lấy cái tên là Miền A Sáng, bởi hình như đó chính là một khung trời riêng, một miền đất riêng mà hắn đã tạo ra. Miền đất ấy có thể chưa thực sự hấp dẫn, chưa thực sự mầu mỡ nhưng đó là miền đất của riêng hắn, chí ít hắn cũng đã dựng được một túp lều cho mình trên miền đất ấy và có gắn biển A Sáng. Đối với người làm công việc sáng tạo, chưa bàn chuyện hay dở, đẹp xấu, thì điều quan trọng nhất là hãy tạo cho mình một con đường riêng để anh không bị trộn lẫn vào đám đông. Nếu người nghệ sĩ quá hăng say với đám đông, lăn xả vào nó thì trước sau anh cũng tự kết liễu mình. Sau triển lãm Miền A Sáng, bức tranh Cha và con vẫn còn nguyên đó. Thực lòng tôi muốn hỏi mua hắn bức tranh đó từ rất lâu nhưng ngại không dám nói vì tôi vẫn biết giá một bức tranh đâu có hề rẻ mà túi tiền của mình thì có hạn, nói ra đôi khi làm bạn khó xử cũng nên. Nhưng rồi tôi cũng quyết liều đặt vấn đề với hắn rằng muốn mua bức tranh đó. Rồi hắn bán cho tôi cái roẹt. Tôi vẫn biết hắn thích bức tranh và bán cho tôi trên tinh thần bạn bè, vừa bán vừa cho là chính. Bức tranh Cha và con giờ đây đang được treo trang trọng trong nhà tôi. Tôi yêu mầu sắc bức tranh. Tôi yêu tinh thần toát lên từ bức tranh. Tôi yêu bức tranh đó vì những câu chuyện mà tôi đã từng tưởng tượng ra khi ngồi ngắm nó. Tôi yêu những đường nét mềm mại trong nét vẽ vừa tạo cảm giác ngây ngô nhưng lại như một triết lý, một hàm ý của họa sĩ. Tôi yêu vì đó là bức tranh của một ngườì bạn, khi ngắm nhìn nó khiến tôi nhớ về những ngày tháng bạn bè rong duổi. A Sáng đã học hỏi về nghề từ nhiều họa sĩ đàn anh đi trước, đăc biệt là họa sĩ Thành Chương. Nhưng A Sáng là người học trò giỏi khi biết học hỏi để không bị lặp lại mà đã tìm ra cho mình con đường riêng. Đã có lúc tôi lại thấy lo rằng hắn lại đang lặp chính mình khi quá say sưa vào sự thành công vừa hé mở nhưng thật may là hình như gần đây hắn cũng nhận ra điều đó để mà biến hóa để vượt thoát chính mình.

A Sáng trên hành trình đi tìm chính mình
Phong cảnh

Tranh của A Sáng có mầu sắc riêng, đường nét riêng, bố cục riêng, thế giới quan riêng, lối kể chuyện và dẫn dụ riêng. Tất cả điều đó đã tạo nên Miền A Sáng. Đó chính là sự thành công của người nghệ sĩ sáng tạo. Mong rằng hắn sẽ làm cho Miền A Sáng trở nên đẹp đẽ hơn.

Trần Vũ Long |Báo Văn nghệ

Dương Bích Liên của "Nghiêm Liên Sáng Phái": Tài năng nhưng cô độc giữa đời Phạm Quốc Ca - Chân dung đồ Nghệ xứ ngàn thông Đấu giá bức "Chân dung mẹ tôi" của danh họa Nguyễn Nam Sơn Trao giải cuộc thi "Chân dung cuộc sống"- Bức tranh sinh động của cuộc sống muôn màu Triển lãm "Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động" ở quê hương Lenin
Bản tin Văn nghệ: Tự hào về Thủ đô anh hùng qua “Hà Nội – Bản hùng ca phố”

Bản tin Văn nghệ: Tự hào về Thủ đô anh hùng qua “Hà Nội – Bản hùng ca phố”

Baovannghe.vn - “Hà Nội – Bản hùng ca phố”, cho chúng ta thấy một Hà Nội xứng với danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, Thành phố đang phát triển trong thời đại mới.
Chuyển đổi số tại BSR: Thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy công việc

Chuyển đổi số tại BSR: Thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy công việc

Baovannghe.vn - Đổi mới tư duy, thay đổi cách làm việc và ứng dụng công nghệ được Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn đã có những kết quả vượt trội, góp phần vào kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty
Nhà không có đàn ông. Truyện ngắn của Đào Phong Lan

Nhà không có đàn ông. Truyện ngắn của Đào Phong Lan

Baovannghe.vn - Tôi sinh ra trong một ngôi nhà to lớn với những cột kèo nâu bóng cũ kỹ, nham nhở những vết khắc vụng dại. Mảnh sân rộng đầy rêu và khu vườn tối tăm đầy bí mật. Sau này mẹ tôi kể lại, ngày tôi ra đời, hàng trăm con bướm bay về đậu rợp cả sân. Bà nội tôi bỏ vào buồng, không ra nữa. Bà ốm ba tuần lễ. Bà chỉ ốm ba tuần lễ khi quá tuyệt vọng vì một điều gì đó. Bà đã hy vọng quá nhiều về một đứa cháu trai.
Hoa Anh Đào trong tâm thức người Nhật

Hoa Anh Đào trong tâm thức người Nhật

Baovannghe.vn- Người Nhật luôn dành cho thiên nhiên một tình cảm đặc biệt. Với những đổi thay đa dạng phong phú và bốn mùa khác biệt được gọi là “siêu thị thời tiết”, người Nhật luôn ý thức đang sống ở một trong những nơi đẹp nhất hoàn vũ.
Bộ Giáo dục & Đào tạo: Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên

Bộ Giáo dục & Đào tạo: Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên

Baovannghe - Trong dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ Giáo dục & Đào tạo ( GD&ĐT) xin ý kiến Quốc hội có nội dung đề xuất Nhà nước sẽ trả tiền học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo.