Sinh năm 1948 tại Vĩnh Phú. Nguyên quán Hà Tây. Học Toán và Điều khiển học tại Đức. Tốt nghiệp Đại học Merseburg năm 1971. Đã làm việc tại Phủ Thủ tướng. Dạy tiếng Đức tại Đại học Ngoại ngữ. 1978-1984: Phó chủ nhiệm khoa Lý luận và lịch sử mỹ thuật Đại học Mỹ thuật Hà Nội. 1984-1989: Ban Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam. 1986-1989: Tổng Biên tập tạp chí Mỹ thuật. Vẽ từ năm 1965. Bắt đầu triển lãm trong và ngoài nước từ 1990. Tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Nghệ thuật Fukuoka Nhật Bản, Bảo tàng Nghệ thuật Singapore và các sưu tập tư nhân trong và ngoài nước.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật - họa sĩ Nguyễn Quân - Ảnh: NMH |
Tác giả của 9 cuốn sách: Raphaelo; Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại; Tiếng nói của hình và sắc; Mỹ thuật của người Việt; Mỹ thuật ở làng; Ghi chú về nghệ thuật…
*
Với một số bài viết của ông, của Thái Bá Vân, Phan Cẩm Thượng, Lương Xuân Đoàn, Nguyên Hưng... liệu chúng ta đã có một nền phê bình mỹ thuật?
NNC-HS Nguyễn Quân: Tôi nghĩ người đầu tiên của phê bình mỹ thuật hiện đại Việt Nam là Thái Bá Vân. Ông ấy viết rất ngắn như những tiểu phẩm trên báo chí nhưng đạt được sự tâm giao giữa người viết và người vẽ. Ông ấy hơn hẳn những người khác là ở chỗ văn chương. Theo ông Hoàng Ngọc Hiến, nhà phê bình cũng cần phải có văn chương. Với Thái Bá Vân và những sách nghiên cứu về mỹ thuật như của Phan Cẩm Thượng, của tôi, có thể nói là chúng ta đã có một nền phê bình mỹ thuật. Nền phê bình ấy bắt đầu từ Viện Mỹ thuật do Nguyễn Đỗ Cung sáng lập và Khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật của Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Lúc ấy với vai trò là Phó chủ nhiệm khoa, tôi không nghĩ là có thể làm được ngay cái ngành này.
Trong tình cảnh yếu toàn diện của các ngành phê bình nghệ thuật thì có lẽ phê bình mỹ thuật cũng không đến nỗi.
Trong những bài viết người ta thấy được trên mặt báo hiện nay, người ta có cảm giác đó là sự thù tạc chứ không phải phê bình chân chính. Ông nghĩ sao?
NNC-HS Nguyễn Quân: Một bài phê bình trên báo không thể đáp ứng những yêu cầu quá cao. Dù thế vẫn có thể xem những bài viết trên báo là phê bình. Một bài báo giới thiệu triển lãm thì không thể chê người ta, nhưng cũng không thể khen quá đáng được. Vấn đề thuộc về phong cách và bản lĩnh người viết. Phê bình phải có khuynh hướng trường phái của nó. Thí dụ trường hợp của Thái Bá Vân là một kiểu khuynh hướng. Những bài của tôi có tính kết cấu của nghệ thuật học. Còn của Phan Cẩm Thượng có tính lịch sử. Dù khuynh hướng nào thì cũng ra cá tính, còn hơn cái anh không có khuynh hướng.
Tôi nghĩ viết phê bình không phải vì họa sĩ hay công chúng, mà thực ra vì chính cá nhân người viết. Nó là cách nhận thức thế giới của riêng anh ta.
Phê bình là việc làm cho người ta ăn phở chứ không phải kể phở ngon như thế nào. Ngoài ra, phê bình cũng còn lệ thuộc vào chính trị.
Nói về sự thù tạc thì thật ra đó là một thứ truyền thống Á Đông như bình thơ bình văn. Một thứ tâm giao đỉnh cao. Nhưng với thứ sản phẩm “thù tạc” kiểu quảng cáo, tiếp thị trên báo chí hiện nay nó đã bị tầm thường hóa.
Vừa vẽ tranh vừa viết báo, ông có tự tiếp thị cho mình không?
NNC-HS Nguyễn Quân: Tôi chưa bao giờ viết về tranh mình. Tôi không tiếp thị. Tất nhiên tôi có lợi thế. Tôi nghĩ tôi là người giảng dạy nhiều hơn. Cách viết của tôi cũng có tính văn hóa chung nhiều hơn. Tôi viết sách là chủ yếu. Một số là kết quả từ những bài chuyên luận trên báo. Từ khi bắt đầu có thị trường thì mới có những bài viết giới thiệu triển lãm. Tuy nhiên loại đó cũng ít. Từ những bài báo đầu tiên tôi viết về Nguyễn Phan Chánh cho đến Trần Văn Cẩn sau này tôi chưa bao giờ phải hối tiếc.
Tôi đã vẽ tranh trong khoảng 20 năm rồi mới bán bức tranh đầu tiên. Tôi cũng là người đầu tiên mở ra thị trường tranh nước ngoài. Bán được tranh là thích, nhưng vấn đề là bán cho ai. Có tranh cho việc trưng bày nhà cửa. Có tranh cho người du lịch. Có tranh cho người thích. Bán được tranh cho người thích mới là điều đáng nói.
Dường như cho đến thời điểm này, chúng ta vẫn còn bận tâm về chuyện mới cũ trong nghệ thuật. Tại sao thế?
NNC-HS Nguyễn Quân: Sự bận tâm ấy có nhiều lý do. Xã hội càng thay đổi thì câu hỏi đặt ra càng thiết thân hơn. Bản chất nghệ thuật, nghệ sĩ là bi kịch. Cái cũ xa xưa thì muốn giữ cho chặt, đồng thời cũng muốn có cái gì mới tinh. Đối với tôi tính dân tộc chẳng có gì quan trọng. Cái mới cũ bề ngoài trong cái áp lực trực tiếp của xã hội không quan trọng. Cái thiên cổ và cái mới tinh trong nội tại của người nghệ sĩ mới quan trọng. Cái mới thật bao giờ cũng chứa cái thiên cổ, cái truyền thống. Cái cổ kính thật bao giờ cũng rất hiện đại.
Trong sự xáo trộn của xã hội, cái mới cái cũ nó không thật. Nó chỉ là sự thay đổi vị trí. Bản chất của nó không phải cũ hay mới.
Do xã hội của mình biến động nhanh, cái mới tới vừa thích vừa sợ. Tôi cho rằng vấn đề ở đây chỉ là chủ nghĩa cơ hội. Mà chủ nghĩa cơ hội thì xảy ra ở khắp nơi. Trong sự đảo lộn ấy, thời gian tự nó sàng lọc.
Có một họa sĩ nói rằng: chúng ta hiện nay mới chỉ có những người chịu khó và những kẻ lười biếng, còn người sáng tạo thì không. Ý kiến của ông về chuyện này?
NNC-HS Nguyễn Quân: Hồi xưa khi tôi làm một công trình về lịch sử mỹ thuật Việt Nam, có người nói ông làm lịch sử mỹ thuật Việt Nam làm gì, so với Tàu, Mỹ, Tây chúng ta chỉ là hòn đất. Tôi nói rằng một mảnh gốm Lý Trần cũng quý. Tượng gỗ tô màu ở các chùa Việt Nam theo tôi là một thành tựu tầm cỡ thế giới của người Việt. Sông nào cũng có phù sa. Thời nào cũng có tài năng.
Một cái nhìn sổ toẹt như vậy chỉ là sự bất đắc chí. Ở một chừng mực nào đó thì đó là thái độ nóng vội hoặc có vấn đề về văn hóa.
Nếu chỉ chọn một người tiêu biểu cho hội họa Việt Nam, ông chọn ai?
NNC-HS Nguyễn Quân: Câu hỏi đó khó. Hội họa Việt Nam trong thế kỷ XX, người đầu tiên tôi nghĩ tới là Nguyễn Phan Chánh. Người thứ hai vì khiêm tốn tôi không nói (Đấy là nói theo một giai thoại về B. Brecht và Chaplin).
Xem tranh của ông, tôi nói thật, thấy không đều. Cái sự không đều ấy nằm ở chỗ khuynh hướng hay cảm xúc?
NNC-HS Nguyễn Quân: Tôi nghĩ chủ yếu do cảm xúc. Trong thể thao họ thường nói: phong độ thì nhất thời, nhưng đẳng cấp thì vĩnh viễn.
Ngày 23 tháng 7 năm 2003
Viết & Đọc - Chuyên đề mùa xuân 2024