Diễn đàn lý luận

Ai về Kinh Bắc - Lời bình Nguyễn Thanh Kim

Tác phẩm và dư luận 08:39 | 27/01/2024
Văn Cao là một nghệ sĩ đa tài, ở lĩnh vực nghệ thuật nào ông cũng có những đóng góp riêng. Không kể Tiến quân ca đã thành Quốc ca của cả nước, sự nghiệp âm nhạc của ông trải dài hơn nửa thế kỷ biến động với những ca khúc: Trương Chi, Thiên Thai, Suối Mơ, Sông Lô được các thế hệ yêu mến; ngoài ra ông còn vẽ tranh, làm thơ. Tập thơ Lá (NXB Tác phẩm mới ấn hành năm 1988), ngay trang đầu Văn Cao cho in bài Ai về Kinh Bắc
aa

VĂN CAO

Ai về Kinh Bắc

Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc

Tôi gửi nhờ đem hộ lá thư?

Trời hỡi! Ốm nằm trong quán trọ

Bạn bè còn lại mấy bài thơ...

Trông qua song cửa: Trời vàng úa

Mấy lá bàng rơi nhắc nhở thu!

Chiều tím cũng đang chầm chậm xuống

Sương mù chìm lẫn lá vàng thưa.

Hỡi người cưỡi ngựa về Kinh Bắc

Tôi gửi thư đưa hộ mẹ già

Cố thét song lời tôi yếu quá

Ngựa đều chân chạy, nhạc càng xa.

1941

Lời bình của Nguyễn Thanh Kim

Văn Cao là một nghệ sĩ đa tài, ở lĩnh vực nghệ thuật nào ông cũng có những đóng góp riêng. Không kể Tiến quân ca đã thành Quốc ca của cả nước, sự nghiệp âm nhạc của ông trải dài hơn nửa thế kỷ biến động với những ca khúc: Trương Chi, Thiên Thai, Suối Mơ, Sông Lô... được các thế hệ yêu mến; ngoài ra ông còn vẽ tranh, làm thơ. Tập thơ Lá (NXB Tác phẩm mới ấn hành năm 1988), ngay trang đầu Văn Cao cho in bài Ai về Kinh Bắc. Có lẽ duy nhất trong đời sáng tác, Văn Cao viết bài thơ về đất Kinh Bắc. Sau này ông cũng không ngờ rằng lại có Đêm nhạc Văn Cao được tổ chức ở thị xã nằm bên bờ sông Thương mơ mộng đúng vào mùa xuân (nay là thành phố Bắc Giang), năm ông cho ra đời tập thơ và cũng là sự kiện nghệ thuật của người dân đất Bắc, kính trọng và ngưỡng vọng tài năng của ông.

Mở đầu bài thơ, Văn Cao viết: Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc, trong khoảnh khắc chờ mong đến vô vọng bạn đọc nhận được tiếp một thông báo trong giả định mà hợp lý: Tôi gửi nhờ đem hộ lá thư? và tiếng kêu nhà thơ trong hoàn cảnh nơi ở tạm dọc đường, một hoàn cảnh éo le và bi đát: Trời hỡi! Ốm nằm trong quán trọ/ Bạn bè còn lại mấy bài thơ... ta nhận ra ngay tâm trạng của người lữ thứ “Giang hồ mê chơi quên quê hương” - cái mẫu nghệ sĩ mà cố thi sĩ Tản Đà đã từng đề cập, gặp sự trắc trở phải nằm lại ốm đau không thuốc men, tiền hết gạo không, gia tài còn lại mấy bài thơ bạn bè, ngóng trông bóng ngựa và bị dày vò bởi nỗi khắc khoải. Sự cô đơn tràn ngập mênh mang ở một không gian chật hẹp và buồn bã: Trông qua song cửa: Trời vàng úa và thời gian như ngưng lại trong: Mấy lá bàng rơi nhắc nhở thu. Nội giới hoà nhập với ngoại giới trong màu trời tím và lá vàng pha nhòe sương khói của độ đậm nhạt làm tăng thêm cái hoang vắng trong lòng người lữ thứ: Chiều tím cũng đang chầm chậm xuống/ Sương mù chìm lẫn lá vàng thưa. Khổ cuối bài thơ Ai về Kinh Bắc cứ rõ dần ra từ làn sương mờ ảo và giải nghĩa được thông báo. Khổ thơ đầu mới chỉ là khơi gợi, hé mở: Hỡi người cưỡi ngựa về Kinh Bắc/ Tôi gửi thư đưa hộ mẹ già. Bạn đọc bây giờ chợt hiểu lòng người lữ thứ nhớ đến mẹ già trong bước đường lận đận của mình, nhớ tấm lòng cưu mang và nhân hậu muôn thuở ấy. Hen-rích Hainơ (nhà thơ Đức) đã từng viết về cái đắng cay của cuộc đời khi... “Con quay về với mẹ/ Tâm trí chán chê, thân thể rã rời”. Ngay cả trong hoàn cảnh này, Văn Cao cũng không có được cái may mắn như vậy! Thấy rồi bóng ngựa chờ đợi đến mòn mỏi mà đành bất lực: Cố thét song lời tôi yếu quá, rồi lại vời trông cái hy vọng mỏng manh ấy đi qua, buồn cho thân phận mình trong tiếng nhạc reo não nề và nhịp dồn gấp vó ngựa: Ngựa đều chân chạy, nhạc càng xa...

Bài thơ Ai về Kinh Bắc Văn Cao viết năm 1941 và ông đưa in trong tập Lá như để ghi lại một kỷ niệm trong bước đường truân chuyên của mình. Bài thơ có cấu trúc gọn ghẽ, trình tự dồn nén trong ba khổ thơ 12 câu theo thể thất ngôn được viết khá mạch lạc cho bạn đọc thấy cả khung cảnh, tâm trạng, hoàn cảnh và thân phận của người nghệ sĩ tài danh mà lận đận trong nỗi khắc khoải cô đơn. Chỉ có sống thực, viết thực mới tạo nên những câu thơ tài hoa như thế.

Nguồn Văn nghệ số 4/2024


Một thương binh như con thuyền vượt cạn. Bút ký của Thi Nga

Một thương binh như con thuyền vượt cạn. Bút ký của Thi Nga

Baovannghe.vn- Sau một thời gian dài dưỡng bệnh tại trạm điều dưỡng quân y, anh trở về nhà. Từ trên xe bước xuống, đôi nạng gỗ (vết chân tròn) đã thay chân phải của anh.
Say nắng ở Arab Saudi. Bút ký của Lê Đình Thực

Say nắng ở Arab Saudi. Bút ký của Lê Đình Thực

Baovannghe.vn- Vào giữa mùa hè, vùng Trung Đông trời tối muộn. Mặt trời lặn lâu rồi mà cái nóng vẫn hầm hập, buổi chiều mới dịu bớt.
Chẳng phải chuyện đùa - Thơ Quang Huy

Chẳng phải chuyện đùa - Thơ Quang Huy

Baovannghe.vn- Lẳng lặng mà nghe/ Những lời tôi đặt
"Lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu" là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

"Lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu" là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Baovannghe.vn - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa ký các quyết định công nhân di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu, Nghệ thuật trống tế Yên Thành và chữ Thái ở tỉnh Nghệ An
Về ngoại cắm câu cua

Về ngoại cắm câu cua

Baovannghe.vn - Lối bạch đàn quen thuộc mát rượi dẫn vào nhà ngoại kia rồi, tôi và nhỏ Minh Anh chạy trước, bỏ ba má đi từ từ phía sau. Đến chiếc cầu cây bắt qua xẻo nước, phải dừng lại thôi vì không dám qua dù có tay vịn. Nước lớn đầy, đỏ hồng phù sa. Gió thổi tóc nhỏ Minh Anh bay bay, hôm nay tôi thấy nhỏ đẹp lạ lùng, hái một nhánh hoa lứt tim tím, tôi cài lên tóc nhỏ, sợ sâu nên nhỏ hét toáng lên muốn khóc.