Sáng tác

Âm vang một mùa hoa

Minh Thông
Tản văn
09:54 | 23/01/2025
Baovannghe.vn - Khi cái giá rét hanh hao đã thưa dần trong sắc nắng tháng Tư, mỗi chúng ta lại thêm một lần được bâng khuâng trước những chùm hoa loa kèn nở tưng bừng bên hiên nhà, bậu cửa.
aa

Chẳng biết từ bao giờ, cái loài hoa vốn khởi nguyên có cái tên khá nôm na và bất đắc dĩ là “huệ Tây" ấy du nhập vào Việt Nam, để thời điểm rộ mùa cuối Xuân của nó như cũng muốn lanh lảnh cất lên một giai điệu âm lộng. Nhưng kể cũng từ gần bốn mươi năm rồi, những người lính trở về từ chiến trường khói lửa bao giờ cũng nhìn hoa mà biết lại đã sắp đến những ngày đáng nhớ. Vâng, là ta đang nói đến cái khoảnh khắc 30 tháng Tư hàng năm ấy, cái thời điểm cả dân tộc được “núi sông liền một dải”, “Nam Bắc hợp một nhà”, là “cha gặp con, vợ gặp chồng, chàng trai làng bên gặp cô gái xóm dưới...", là “Thế giới biết rõ một Việt Nam David”, là “Lịch sử đã sang một trang mới”... Nhiều lắm, mà tất cả chỉ đơn giản xuất phát từ một mùa hoa loa kèn sau thật nhiều năm bền bỉ.

Không thể đơn giản gán ghép những ý nghĩa lịch sử to tát cho một loài hoa mảnh mai đến mức gầy guộc như loa kèn, dĩ nhiên. Nhưng tôi vẫn cứ hay liên tưởng về những điều như nghịch lý trong dung dị. Liệu có khi nào trước giờ ra đi, một anh chàng tân binh chưa một lần được yêu lại có thể làm ngơ trước cô bạn láng giềng bẽn lẽn sang cắm giùm một đùm vụng dại? Liệu có bao giờ giữa chiến trường địa võng thiên la, trong tâm tưởng những người lính đội mũ tai bèo, áo màu cỏ úa, lại trống vắng một hậu phương lớn với cả một trời hy vọng bình an? Trong những phút lâm chung, hay những giờ thương khó, liệu có người lính nào dù thô vụng về lời nói nhưng day dứt đủ điều về tình yêu cuộc sống, lại có thể lãng quên một âm hưởng của lặng thinh, là giai điệu hoa loa kèn nơi quê nhà yêu dấu? Cái dữ dằn của chiến trường tất nhiên không thể dung thứ cho mỗi yếu mềm huyễn ảo, nhưng mỗi người trong cả đoàn quân năm ấy hẳn cũng không bao giờ chỉ đơn giản anh hùng theo kiểu siêu ngã siêu nhân. Vâng, không ai có thể giản đơn mắc một chiếc áo choàng lên chiếc đinh ý tưởng, dẫu có là hoa loa kèn, nhưng ta hiểu mỗi chiến công thầm lặng hay vang rền nơi chiến trường đạn bom thì luôn bắt rễ từ những nắm đất mảnh mùn nhân sinh và máu thịt, chứ không thể độc hành siêu ngã như đây đó các nhà “hiền triết" thường thích với nước dưới sông lên niệm chú.

Vâng, là tôi đang nói đến những gì mà bạn bè quốc tế vẫn hay nhắc khi nói về Việt Nam. Đấy là chủ nghĩa anh hùng cụ thể mà không hề đại ngôn hay lâm ly hư huyễn. Thế giới những năm 70 thế kỷ trước thì tất nhiên chưa thể có những siêu mạng, siêu xa lộ thông tin, hay cởi mở thông thênh như thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI này. Nhưng nhất định những cô gái chàng trai trong sáng của chúng ta không thể không biết mình lên đường vì đâu, và cái đích của cuộc trường chinh là gì. Người Việt Nam xưa nay, từ thuở Hùng Vương Hồng Bàng vốn chưa bao giờ thích binh đao khói lửa. Nhưng cái khốn khó của vị trí địa lý lẫn thời cuộc lịch sử cứ luôn bắt chúng ta phải tri diện tri tâm những vị khách sỗ sàng và nhiều ham muốn. Cái cốt lõi của vấn đề chính là ta không muốn mù mờ thiếu minh bạch trong bộn bề quan hệ. Chúng ta không muốn bất cứ ai đến đất này dựng lên những toàn quyền, thống sứ, trại lính, lầu xanh... hồng nô dịch và tha hóa người dân. Chúng ta cũng không thể nhắm mắt làm ngơ trước những hành động đem việc nhà ra nhờ sự giải quyết của thiên hạ. Và cốt lõi của vấn đề là chúng ta muốn dứt điểm một kiểu quan hệ, thà mất lòng trước nhưng cho một lần và mãi mãi, dù những hy sinh và mất mát có thể là không dễ được xẻ chia đồng cảm.

Âm vang một mùa hoa
Ảnh minh họa. Nguồn pixabay

Và cái đích của cuộc chiến cuối cùng cũng đã được giải quyết. Giữa mùa hoa loa kèn năm 1975 đáng nhớ ấy, những người lính trung thực và quả cảm của chúng ta đã chấm dứt mọi hồ nghi dè bỉu. Dải đất hình chữ S mỏng manh và nắng gió bên bờ Thái Bình Dương đã trở lại thanh bình. Nếu bảo phải làm gì cho nụ cười trở lại thì rõ ràng chúng ta đã làm hết sức mình. Không thể có cái giá nào quá rẻ cho một sự nghiệp tầm kích đến vậy, và lại càng không bao giờ lịch sử được phép lặp lại. Những người con của chúng ta từ cả hai phía (nhiều sử gia còn đến vậy, và lại càng không bao giờ lịch sử được phép lặp lại, có thể còn có người chưa hiểu hết chiến tranh, chứ những con bảo đến ba, bốn phía) giờ đã có thể ngồi lại bên nhau. Thế giới dân đích thực của đất mẹ Việt Nam hẳn sẽ phải thở phào khi bóng đen ấy đã lùi vào dĩ vãng. Lại cũng không thể cứ đơn thuần gán ghép niềm kiêu hãnh cho những siêu lính trinh trắng, dù đó có ánh ỏi tinh khôi như một sắc hoa loa kèn. Nhưng tôi hiểu trong ngày vui sum họp, chắc chắn những đùm thanh khiết trong thô vụng mà rạng ngời ấy chắc chắn sẽ làm chúng ta hiểu nhau hơn và nhân lên nhiều những điều thầm kín.

Lại có một điều trùng hợp kỳ lạ nữa mà, thú thực, suốt gần bốn mươi năm ấy tôi vẫn chưa hết bỡ ngỡ và thấy khá thú vị. Đấy là sự châu tuần của hai niềm vui trong cùng một dịp. Vâng, tiếp ngay sau ngày Việt Nam hoàn thành một giai kỳ trọng đại, thế giới lại bước vào ngày lễ lớn hướng tới cả một giai tầng quảng đại là những người lao động, ngày Mùng 1 tháng 5. Thật hiển nhiên là không ai quy hoạch được chiến tranh, nên phải chăng khi niềm vui đan cài, ta có thể tự cho phép mình lẩn thẩn nghĩ về một thứ gì đó như xa xôi, như kỳ thú? Tôi còn nhớ khi đó bộ óc tiền phong lãnh đạo cuộc biến chuyển lớn ở Việt Nam còn mang tên là Đảng Lao động, nên màu sắc và phong vị của chiến công trong mùa Xuân rộng dài ấy lại càng gần hơn với vẻ ẩn chứa mặc định. Sự nghiệp của những người Cộng sản, có thể nói, không gì khác hơn là hướng về toàn thể những người lao động, nên thành quả của nhân dân Việt Nam cũng chính là thuộc về mọi người lao động Việt Nam, thuộc về mọi lớp người lao tâm khổ tứ trên quả địa cầu này. Tôi còn nhớ khi đó, đi đến đâu trên dải đất chữ S cũng thấy những khẩu hiệu tưng bừng kiểu như: “Vinh quang đời đời thuộc về những người lao động”, “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”, “Tinh thần ngày 1/5 bất diệt"... Và tất nhiên, tất cả những người lao động trên toàn thế giới đều hướng về Việt Nam khi đó. Tôi còn nhớ, trong vô vàn điện, thư chúc mừng thắng lợi của chúng ta, Liên đoàn những người lao động Mỹ gọi tắt là ALU đã gọi chúng ta là “những người anh hùng anh em", và chiến công ngày 30/4 là “phần thưởng của những người thua thiệt". Tôi không định nói chúng ta “vác tù và hàng tổng", nhưng quả thực, chiến công và sự nghiệp của dân tộc này tương hợp với tâm tư và khát vọng của đa phần cộng đồng nhân loại, nên hành xử của chúng ta được hưởng ứng bởi có thể nói là toàn thể loài người tiến bộ.

Từ đó đến nay, đất nước và con người Việt Nam đã trải qua một thời kỳ tuy hòa bình nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Chúng ta cũng có những vụng dại chậm chạp nhất định khi đương đầu với nhiệm vụ chấn hưng đất nước. Nhưng thật mừng là cho đến hôm nay, trong không khí tưng bừng kỷ niệm ngày 30/4 và 1/5 này, vị thế và tiếng nói của những người lao động Việt Nam, cả khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, đã và đang càng lúc càng xuôi thuận. Tất nhiên giờ đây không ai còn cổ hủ phân biệt khái niệm lao động theo kiểu cực đoan, hay nhìn nhận bạn thù theo lối xưa cũ nữa, nhưng sự nghiệp của mọi nhà đang nỗ lực lao động dựng xây.

Những mùa hoa loa kèn, tôi không định nhắc lại cái khái niệm giàu suy tư và hoài niệm này để thay thế cho bao ước mơ và khát vọng hiện thực ngày mới. Nhưng tôi tin chắc một điều không bao giờ cũ: tháng Tư hết, tháng Năm về bao giờ cũng bịn rịn, ngỡ ngàng, nhưng cũng rất cương cường trong tâm thức Việt Nam.

Văn nghệ, số 17+18/2013
Qua ô cửa - Thơ  Huỳnh Thị Quỳnh Nga

Qua ô cửa - Thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga

Baovannghe.vn - Cúi xuống nhặt hạt nắng/ Thả lên trời mênh mông
Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử về Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử về Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Baovannghe.vn - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có Quyết định số 88/QĐ-BTTTT ngày 21/1/2025 ban hành Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Xuân về - Thơ Phan Duy

Xuân về - Thơ Phan Duy

Baovannghe.vn - Nghe chiều vừa đến quanh đây/ nghe thương nhớ rót khô gầy lên môi
Nhớ mình cuối năm - Thơ Nguyễn Xuân Sang

Nhớ mình cuối năm - Thơ Nguyễn Xuân Sang

Baovannghe.vn- Phiên chợ rũ mình ngày cuối/ Tất tả hàng hoá tới lui
Con ngựa. Truyện ngắn của Trần Nhã Thụy

Con ngựa. Truyện ngắn của Trần Nhã Thụy

Baovannghe.vn - Khuya lắc. Bên sông vẫn còn tiếng gọi đò ráo riết vọng sang. Người lái đò vừa chửi thầm trong bụng vừa hướng tay lái cho mũi đò chạm bến. Khách là hai tay đàn ông vừa kịp nhún chân nhảy phắt lên bờ. Con đò uể oải, nhẫn nại quay trở lại. Có thể đó là chuyến đò cuối cùng. Sức người cũng có hạn.