Phan Hoàng, nhà thơ? Tất nhiên. Phan Hoàng, nhà báo? Tất nhiên. Phan Hoàng, người viết biên khảo? Tất nhiên. Phan Hoàng, người phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam nhiều nhất làng báo? Tất nhiên.
Trong cái sự tất nhiên ấy, hoàn toàn không có gì ngẫu nhiên. Nghĩ cho cùng, làm nên các trang văn của Phan Hoàng qua từng năm tháng vẫn là đi, đọc, quan sát, nhận xét và cuối cùng là viết. Miệt mài viết. Nghề văn, hạnh phúc nhất, hài lòng nhất là gì? Viết. Không có một từ nào có thể hoán đổi và so sánh với niềm vui kỳ diệu ấy.
Tôi quen biết Phan Hoàng từ những năm anh còn là sinh viên. Trong số các nhà báo tương lai ngày ấy, khi cộng tác với trang Nữ sinh viên của báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh do tôi phụ trách, nay gần như chẳng mấy ai theo nghề. Hầu hết bỏ cuộc, Phan Hoàng vẫn tiếp tục bền bỉ.
Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra là tập sách mới nhất của Phan Hoàng. Cũng phải thôi, những người tứ xứ đến lập nghiệp, như Phan Hoàng chẳng hạn, đã đến lúc viết cái gì đó về vùng đất này. Một địa danh của tình cảm gắn bó. Một không gian sống để thành danh như hôm nay. Âu cũng là tình là nghĩa của một nhà thơ đã tự nhủ: “Với Sài Gòn - vùng đất không phân biệt gốc tích xuất thân, nếu chịu khó làm việc, sống nghĩa tình với nhau thì ai cũng có thể làm tốt công việc mà mình yêu thích. Và tôi, một trong số những người đó. Không chỉ là quê hương thứ hai cưu mang, nâng cánh cho mình mà tôi yêu thành phố này còn vì những con người tài năng, hào hiệp, nghĩa tình mà thế hệ nào cũng nổi lên những hình ảnh đáng trân trọng”.
Vâng, trong tập sách này thêm một điều khiến ta cảm tình với Phan Hoàng còn là những tên tuổi, những ân nhân, những đồng nghiệp mà anh đã từng gặp gỡ từ những ngày đầu tiên đến với Sài Gòn. Anh nhắc lại sự ân tình. Có trước có sau. Có thuỷ có chung. Nào riêng gì anh, nhiều người thành danh cũng chọn lấy phép ứng xử ấy.
Hãy cầm lấy Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra và chia sẻ tiếng lòng của Phan Hoàng đã nói hộ cho nhiều người: “Thành phố lớn nhất đất phương Nam ẩn chứa nhiều bất ngờ thú vị và có sức hấp dẫn lớn, luôn dung nạp, cảm hoá, tạo bệ phóng cho những tài năng dựng nghiệp. Nhất là những người sa cơ thất thế. Thành phố này cũng là nơi mở đầu cho nhiều chương trình hoạt động xã hội từ thiện có sức lan toả rộng lớn trên tinh thần nghĩa hiệp “Làm ơn há dễ trông người trả ơn” của Lục Vân Tiên”...
Ấy cũng là tinh thần xuyên suốt của tập sách này.
Bên cạnh đó, Phan Hoàng còn viết về “cổ tích” của Sài Gòn qua các giá trị văn hoá, những đổi thay thăng trầm năm tháng. Thật ra vấn đề này nhiều người đã viết, và sẽ còn tiếp tục viết nữa nhưng ở đây Phan Hoàng đã chọn cho mình một cảm hứng là thổi vào đó cảm xúc của thơ, của cái nhìn nhà thơ. Nhờ đó, cũng cùng vấn đề nhưng qua cái nhìn của anh, nó đã có một sắc thái mới và đậm dấu ấn cá nhân.
Khi hay tin Phan Hoàng ra sách mới (và cũng như các bạn văn khác), tự lòng tôi bao giờ cũng có tiếng reo vui. Tiếng reo ấy là đã bắt gặp đồng điệu của những con người lao động miệt mài cùng con chữ. Những người say mê làm việc và luôn có sách mới, tự họ cũng là một sự thôi thúc cho chính mình vậy.