Diễn đàn lý luận

Bài thơ "Trưa 30-4-1975" của Thanh Quế

Phạm Đình Ân
Tác phẩm và dư luận 14:06 | 22/04/2025
Baovannghe.vn - Trưa 30 tháng Tư, ngay lúc ấy cờ ta bay trên dinh “Độc lập”, một chiến sĩ quân giải phóng đã đột nhiên ngã xuống bởi một viên đạn của kẻ thù bắn lén.
aa

TRƯA 30 - 4 - 1975

Bài thơ
Sài Gòn hôm nay. Ảnh Tony Nguyen

THANH QUẾ

Bạn tôi hát: “Sài Gòn ơi, ta đã về đây…”

Mặt anh lung linh nắng

Chúng tôi không ngờ, từ một hẻm sâu, kẻ thù đang rình bắn

Anh ngã xuống buổi trưa ngày 30 tháng Tư.

Ngay lúc ấy cờ ta bay trên dinh “Độc lập”

Cờ lượn nhấp nhô qua những phố phường

Bao người không quen nhau

Bỗng khoác tay hát giữa lòng đường

Thành phố trào lên như biển.

Năm tháng trôi qua những tờ lịch treo tường

Nhưng ánh mắt bạn tôi khi đó

Cứ lặng gửi bao điều thăm thẳm nữa

Trong mỗi ngày đời tôi

1 - 1981

LỜI BÌNH

Đã có nhiều bài thơ viết về ngày 30 tháng Tư năm 1975. Có thể nhớ ngay được những bài: Nếu không có ngày 30 tháng Tư của Đinh Thị Thu Vân, Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập của Hữu Thỉnh… Người viết bài bình này muốn tìm thêm một bài khác. Thì đây, trong “Những bài thơ tự chọn” trên phụ san báo Văn nghệ năm 1983 có bài của Thanh Quế.

Nhà thơ Thanh Quế có một cách viết riêng. Ông thuật lại một sự việc. Một sự việc oái oăm, trái khoáy, vô cùng đáng tiếc, lẽ ra có thể tránh được ở một hoàn cảnh, tình huống rất thuận lợi, khi mọi may mắn chắc chắn đang và sẽ đến với từng con người. Trưa 30 tháng Tư, ngay lúc ấy cờ ta bay trên dinh “Độc lập”, một chiến sĩ quân giải phóng đã đột nhiên ngã xuống bởi một viên đạn của kẻ thù bắn lén. Anh đang hát sôi nổi, hào hùng: “Sài Gòn ơi, ta đã về đây…”, gương mặt anh sáng ngời ánh nắng. Trên thực tế lịch sử, có thể cùng khoảnh khắc đó, hoặc trước và sau đó, còn một số chiến sĩ khác cũng ngã xuống. Nhưng tác giả chỉ nói về một người. Độc giả cũng chỉ hướng sự chú ý vào một người. Anh ấy là một điển hình, một đại diện.

Độc giả góp vui cùng tác giả và nhân dân cả nước, một niềm vui trào dâng ào ạt, như chưa từng được hưởng niềm hạnh phúc tột cùng đến thế: Cờ lượn nhấp nhô qua những phố phường/ Bao người không quen nhau/ Bỗng khoác tay hát giữa lòng đường/ Thành phố trào lên như biển. Chỉ mấy câu thơ thôi, hình ảnh, âm thanh, sắc màu rộn ràng, náo nức, tươi đẹp đang hiện ra trước mắt độc giả một cách rất sinh động, khiến ai ai cũng cảm thấy như chính mình đang được may mắn, vinh hạnh trực tiếp chứng kiến, tham dự (hoặc chứng kiến lại, tham dự lại) vào sự kiện trọng đại trưa ngày 30 tháng Tư.

Ngỡ mọi người đang hòa vào niềm vui dậy trời, bất tận mà quên đi một chiến sĩ vừa hy sinh. Không, như lời một bài hát: Không thể nào quên! Chính khổ thứ hai của bài thơ đã làm tăng thêm nỗi xót tiếc của tác giả, của mọi người đối với người chiến sĩ đã hy sinh đúng vào lúc giải phóng hoàn toàn miền Nam, đất nước đã liền một dải - một tình huống, khoảnh khắc đặc biệt. Cũng vì thế mà nỗi căm giận kẻ thù hèn hạ càng tăng lên. Chúng biết rõ chúng thất bại hoàn toàn mà vẫn giương súng bắn tỉa một người chiến thắng - một người đại diện cho cả một đất nước, một lẽ phải đã chiến thắng.

Nếu bài thơ chỉ dừng ở khổ thứ hai thì đó là một sáng tác hỏng. Khổ cuối đã làm cho bài thơ nặng xuống nhằm nâng tầm tác phẩm lên cao. Năm tháng đã, đang và sẽ trôi qua. Nhưng ánh mắt người liệt sĩ Cứ lặng lẽ gửi bao điều thăm thẳm đến nhân vật xưng tôi - suốt ngày này qua ngày khác

Ánh mắt người liệt sĩ vẫn mãi mãi dõi theo không chỉ một người mà còn dõi theo tất cả, để gửi đến chúng ta không phải là niềm căm giận, mà là tình yêu cao cả đối với đồng loại, là lẽ sống chân chính, cao đẹp ở đời, là trách nhiệm của những người còn sống đối với hàng nghìn, hàng triệu người đã ngã xuống, trách nhiệm đối với nhân dân, Tổ quốc.

Kí ức chiến tranh. Truyện ngắn của Trần Quốc Cưỡng

Kí ức chiến tranh. Truyện ngắn của Trần Quốc Cưỡng

Baovannghe.vn - Nửa đêm. Bà nội rón rén bước xuống giường. Tiếng dép va vào nền xi măng lẹp xẹp. Tiếng ho khục khặc. Giọng thảng thốt: “Út! Út ơi! dậy! dậy! tháo huy chương…”.
Diễn ngôn về văn hóa Việt Nam và những đối thoại xuyên thời từ một tiểu thuyết du ký

Diễn ngôn về văn hóa Việt Nam và những đối thoại xuyên thời từ một tiểu thuyết du ký

Baovannghe.vn - Cuốn sách Hồ Xuân Hương và Tôi của tác giả Đông Di được xếp - có lẽ do chính tác giả xếp - vào thể loại tản văn. Nhưng khi đọc xong và nghĩ sâu về tác phẩm này, tôi vẫn cứ muốn xem nó là một tiểu thuyết, chính xác là một tiểu thuyết du ký.
Tiếng lòng của người lính Hà Nội trên mặt trận vùng biên năm ấy

Tiếng lòng của người lính Hà Nội trên mặt trận vùng biên năm ấy

Baovannghe.vn - Hoàng Nguyên yêu thơ lắm. Ở đâu và lúc nào anh cũng đắm đuối thơ. Anh thuộc Thơ Mới, nhất là Nguyễn Bính. Anh noi gương mà làm thơ. Nhưng thơ anh lại rất ít lục bát. Anh làm thơ thể dài, nhưng cũng không phải thơ tự do.
Tổ chức Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025

Tổ chức Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025

Baovannghe.vn - Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025 dự kiến kéo dài 5 ngày từ ngày 14 đến 18/11, tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Nhận diện truyền thống và hiện đại

Nhận diện truyền thống và hiện đại

Baovannghe.vn- Hiện đại hóa xã hội Việt Nam đang diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, với những tác động nhanh chóng và phức tạp tới mọi lĩnh vực đời sống. Trong bối cảnh đó, vấn đề kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trở thành một yêu cầu cụ thể và cấp bách trong chiến lược phát triển bền vững.