Khi nhắc nhớ về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, mỗi người dân đất Việt ắt hẳn đều cảm thấy tự hào, vang lên những rung cảm xúc động. Với nhà thơ Hữu Thỉnh, ông đã dành “những suy cảm của một người làm thơ sau độ lùi 70 năm” để viết lên trường ca “Giao hưởng Điện Biên”. Tác phẩm thể hiện rõ thế mạnh của cây bút trường ca đã in dấu trong nền văn học nước nhà.
|
Trường ca “Giao hưởng Điện Biên” của nhà thơ Hữu Thỉnh được lấy cảm hứng từ cuốn sách “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện. Vào dịp đầu xuân Tân Tỵ - 2001, nhà thơ Hữu Thỉnh có vinh dự thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học năm 2000 của Hội tặng tác phẩm “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất vui mừng và chia sẻ hy vọng cuốn sách sẽ có thêm nhiều độc giả đón nhận. Sau khi trao tận tay cuốn sách cho nhà thơ Hữu Thỉnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vui vẻ nói: “Đây là quà năm mới tôi tặng đồng chí”. Món quà đầu năm mới bình dị ấy đã gieo vào lòng nhà thơ những nghĩa tình sâu nặng với Điện Biên. Để rồi, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà thơ Hữu Thỉnh đã đặt bút viết lên trường ca đầy đủ những sự kiện, trọn vẹn những cảm xúc gửi trao.
Trường ca “Giao hưởng Điện Biên” có kết cấu gồm 21 chương, đan xen với 5 phần bình luận bằng thơ. Cuốn sách có sự chỉn chu trong trình bày, trước mỗi chương đều có ký họa do hoạ sĩ Ngô Xuân Khôi thể hiện. Có thể coi, tác phẩm là bản tổng thuật về chiến dịch Điện Biên Phủ bằng thơ đầy đủ và chi tiết. Âm hưởng chung của tác phẩm là khúc tráng ca, hùng ca và hoan ca đầy rạo rực, khí thế; đan xen trong đó là những góc cạnh cảm xúc chân thành, mộc mạc như sông suối, như đất đồi Điện Biên.
Đúng như tên gọi của mình, “Giao hưởng Điện Biên” thực sự là sự hòa điệu của những câu chuyện, gói gọn trong trang thơ vừa khúc triết, lắng sâu vừa tình cảm, sắt son. Đó là lớp lang những nốt bổng trầm, những câu chuyện hòa kết trong nhịp điệu hòa ca chung để làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Mở đầu cho bản hòa nhạc cảm xúc ấy là khúc ca tri ân người “chiến sĩ” đặc biệt, cũng là “người ra trận đầu tiên” cho chiến dịch: Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bác lẫn vào mây, mây lẫn núi/ dốc dài dép mỏng bước du xuân/ Việt Bắc tiễn Người chim náo nức/ biên giới ngày qua lại xích gần. Bước chân của Người dẫu lặng lẽ nhưng có cả dân tộc, cả đất, cả nước, cả mây trời vùng biên giới ngóng chờ theo. Thông qua cầu nối được xây đắp từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc chiến chính nghĩa của dân tộc đã nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, những người cộng sản chí nghĩa chí tình. Thế nên, sự trở về của Bác về sau được nhà thơ miêu tả bằng câu chữ vui tươi, góp thêm niềm vui khôn tả: Bác vui trở lại quê nhà/ cây cao đợi bóng tin xa báo mừng/ lán khuya thao thiết hương rừng/ lúa chiêm được vụ tưng bừng chiến khu. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là “người ra trận đầu tiên” và khi chiến thắng hoan ca tưng bừng, Người được nhắc đến với niềm tôn kính nhất: xin dâng Bác! Tháng năm vừa kịp/ chiến công này Người ra trận đầu tiên/ bốn mùa xuân Người bước qua biên giới/ góp bão từng ngày thành một Điện Biên.
Khúc ca đầu cất lên thâm trầm mà dìu dặt để cho những khúc ca sau thêm phần tráng ca, hào hùng. Người đọc có thể nhận ra, trong nhiều câu thơ cảm xúc kia, chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng được tô điểm bằng sự đoàn kết, hy sinh hết thảy của cả dân tộc. Có những người được nhắc rõ tên như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng, phó giáo sư Nguyễn Hữu An, giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Trần Cừ, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Chu Văn Khiêm… và có những người được nhắc đến mang tên chung như anh đóng cối xay, chị dân công, cô nữ sinh, người mẹ già, em nhỏ… Tất cả tạo nên bản nhạc có đầy đủ những lớp dày, lớp mỏng, lớp trầm, lớp bổng… thêm phần sục sôi, kịch tính.
Điểm đặc biệt của “Giao hưởng Điện Biên” là lối viết kết hợp giữa hồi cố và hiện thực. Lẽ thường, ở trường ca, người đọc sẽ được xuôi theo thời gian tuyến tính nhưng với “Giao hưởng Điện Biên”, thời gian được biến cải theo góc nhìn của chủ thể trữ tình. Có khi, chủ thể trữ tình đứng ở ngôi “ta” để đứng trên sự vạm vỡ, mạnh mẽ, kiêu hãnh với chiến tích hào hùng của dân tộc được thuật lại mang tính hồi cố: ta tính sổ những tháp canh hút máu/ giữa quê hương mà đau đớn quê hương/ những vùi dập kiếp người tủi nhục/ những khát khao bị truy đuổi cùng đường/ về Hà Nội! Ta sẽ về Hà Nội/ tiếng thiêng liêng của sông núi ngàn đời/ cờ lại thắm trên Ba Đình ngày ấy/ trời lại xanh thăm thẳm mắt cười. Cũng có khi, chủ thể trữ tình đứng ở ngôi “tôi” để chắt chiu những xúc cảm hiện tại: Tôi trở lại thăm đường số sáu/ tìm lại dấu chân hối hả ngày nào/ núi vẫn núi, đèo vẫn đèo, vẫn suối/ trời vẫn trời nao nức ở trên cao… Dù ở ngôi kể nào, chủ thể trữ tình cũng đóng vai người dẫn dắt câu chuyện bằng thơ ca đầy đủ và tường minh nhất. Cũng bởi vậy, mỗi mục bình luận, người đọc lại thấy một “điểm dừng” về mặt tình cảm. Đó là điểm dừng vừa đủ, để ta thấy nhân vật “tôi” đã trưởng thành qua câu chuyện lịch sử được thắp sáng như thế nào. Từ một cậu bé: Năm ấy tôi mười hai tuổi/ đi phu trên bốt Vàng/ gánh gạch từ những chùa bị phá/ xây tháp cao cho địch đứng nhòm cho đến một thế hệ sinh ra từ ngày ấy/ lại lên đường “xẻ dọc Trường Sơn”/ những tướng lĩnh vang danh từ ngày ấy/ dẫn năm cánh quân giải phóng Sài Gòn.
Một dấu ấn khác trong “Giao hưởng Điện Biên” là cách tân trong hình thức thơ. Tiếp cận tác phẩm, người đọc vừa đắm chìm trong ngôn ngữ, hình tượng thơ vừa mê mải với sự sắp xếp câu chữ mang tính tạo hình. Điển hình như đoạn thơ khi viết về hình ảnh người lính đào chiến hào, tạo thế gọng kìm vươn dài để bao vây cứ điểm của thực dân Pháp: tiếng cuốc/ vọng về quê/ xa lắc/ cha ta đang nhớ/ mẹ đang mong/ nhích lên/ bằng đôi tay/ phồng rộp/ nhìn chiến hào sâu/ lại ấm lòng/ cuốc/ suốt đêm vang/ tiếng cuốc/ như trái tim ta/ đập bộn bề/ nhìn nhau/ chỉ nhận ra/ đôi mắt/ nụ cười rạng rỡ/ lá thư quê. Những câu thơ được ngắt dòng liên tục hiện trên trang sách trực tả những nhát cuốc đưa lên, chạm xuống hằn in lối giao thông hào đang mở. Người đọc thấy được sự gấp gáp, miệt mài trong từng hành động. Mỗi nhát cuốc là thẳm sâu nghĩ suy, rạo rực quyết tâm chiến đấu vì quê hương, đất nước của người lính. Tính liên tưởng, tạo hình đã hòa kết trong những câu thơ giàu sức sáng tạo như vậy.
Trường ca “Giao hưởng Điện Biên” đã kể câu chuyện gần gũi, tri tâm và ân tình về chiến thắng lịch sử của dân tộc. Đó là hành trình trở về của cảm xúc nơi mỗi con đường, dòng sông, ngọn đồi, con người đều trở thành người dẫn chuyện, kể cho thế hệ sau về tinh thần yêu nước, chiến đấu quả cảm của một thời Điện Biên khói lửa. Như chính nhà thơ Hữu Thỉnh đã khắc hoạ: ta có đất, có trời, có biển/ từ tay không đã cất cánh bay/ một thế hệ ra đời sau thống nhất/ ra Trường Sa giữ Tổ quốc từng ngày/ một ngọn đuốc trao tay nhiều thế hệ/ mang Điện Biên trong mỗi con người…