Sự kiện hợp tác quân sự giữa quân đội cách mạng Việt Nam với quân đội nhân dân Trung Quốc ở chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn đã ghi một dấu ấn trong lịch sử quân đội hai nước và mối quan hệ giữa hai Đảng. Sự kiện này đã tạo nguồn cảm hứng cho nhà văn Phạm Vân Anh viết tiểu thuyết Biên khu Việt Quế, tái hiện hành trình quân đội cách mạng Việt Nam phối hợp chiến đấu cùng quân đội nhân dân Trung Quốc giải phóng một số huyện lỵ giáp biên giới Việt Trung, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cách mạng hai nước.
|
Sự kiện lịch sử diễn ra trong thời gian không dài, chỉ 4 tháng (từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1949) khi cách mạng Trung Quốc chưa hoàn toàn thành công. Tài liệu lịch sử có ghi lại, theo đề nghị của đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tư lệnh Biên khu Việt Quế, với phương châm “giúp bạn cùng là giúp mình”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã phái một lực lượng vũ trang sang giúp Trung Quốc mở chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn nhằm xây dựng một khu giải phóng ở liền biên giới Đông Bắc nước ta, thông ra biển, nhằm khuếch trương lực lượng đón đại quân Nam Hạ giúp cách mạng Trung Quốc xây dựng, củng cố chiến khu Điền Quế - Việt Quế. Những thông tin và tư liệu lịch sử để lại rất ít ỏi. Nói đúng hơn, những ghi chép thông tin về sự kiện lịch sử Thập Vạn Đại Sơn trên mặt tư liệu gần như không có gì, ngoài mấy dòng thông tin sơ sài như trên. Nói như vậy để thấy được những nỗ lực lớn của Phạm Vân Anh trong việc sưu tầm tài liệu để viết Biên khu Việt Quế. Khi trò chuyện với tôi, chị tiết lộ phải bỏ ra hơn bốn năm ròng rã, đi thực tế dọc biên giới tìm tư liệu và chút thông tin ít ỏi ở các nhà bảo tàng và các khu di tích cách mạng, các nhân chứng may mắn còn sống để làm “chất bột” cho tác phẩm của mình.
Trước vô vàn lựa chọn về phương thức biểu hiện tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết viết về chiến tranh nói riêng, trong Biên khu Việt Quế, Phạm Vân Anh đã chọn “lối viết hiện thực” cổ điển. Các sự kiện trong tác phẩm được kể tuân theo thời gian tuyến tính.
Biên khu Việt Quế được Phạm Vân Anh tổ chức thành bảy chương. Thông qua các chương, tác giả đã tái hiện lại cuộc hành quân gian lao, vất vả trên đường sang nước bạn; những cuộc chiến đấu anh dũng, những trận đấu trí căng thẳng; những tổn thất, hi sinh của quân đội ta trong hành trình thực hiện sứ mệnh quốc tế cao cả Việt Nam. Trải qua bao gian khổ vất vả, đội quân Thập Vạn Đại Sơn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở về nước. Cuộc chia tay diễn ra vô cùng cảm động giữa bộ đội Việt Nam với nhân dân địa phương và quân giải phóng Trung Quốc. Qua nội dung kể trên, chủ đề tư tưởng của tác phẩm đã được bật lên. Đó là các vấn đề về chiến tranh, hòa bình, số phận con người bị lưu lạc trong chiến tranh muốn trở về quê hương. Tác giả đã tái hiện lại thời quá khứ đẹp đẽ của lịch sử quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa quân đội ta với quân đội nhân dân Trung Quốc. Trong khi Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, tổn thất trong cuộc chiến tranh chống Pháp nhưng vì nhiệm vụ quốc tế, vẫn không ngại đưa quân sang chi viện, khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới trở về.
Tác giả đã không ngần ngại khi nói đến những sự hi sinh của bộ đội Việt Nam qua nhân vật Phó Tiểu đoàn trưởng Trần Bình, hoặc nhân vật Lý Ban được cứu sống bằng tình yêu thương chăm sóc của người phụ nữ Việt kiều. Tác giả đã mạnh dạn lý giải tâm lý về sự thay đổi tính cách của nhân vật Trịnh Phong khi tự tìm đến cái chết, như một cách hướng về cái tâm thiện lương trong tâm hồn con người. Tôi cho rằng với việc tạo ra những tình huống ấy, tác giả đã làm cho cuốn tiểu thuyết của mình trở nên thật gần gũi với hiện thực đa dạng, phong phú của đời sống con người. Nếu chiến tranh là tình huống bất thường thì con người vẫn có đời sống tình cảm và cách hành xử như bình thường, và đó mới là bức tranh chân thực của cuộc sống.
Nhà văn Phạm Vân Anh đã có những thành công nhất định trong việc tái hiện góc khuất chiến tranh trên nền cảm hứng sử thi. Các nhân vật được định hình trong nhiều mối quan hệ khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp, từ tình riêng đến nghĩa chung để từ đó đặt ra nhiều vấn đề lịch sử và thời đại. Toàn thiên tiểu thuyết toát lên khát vọng, mong muốn chủ đạo về một mối quan hệ hữu nghị và hòa bình bền chặt giữa hai dân tộc, hai quân đội như lời của nhân vật Long Xuyên ở chương cuối “Biên giới mùa này đẹp quá, đẹp như ngày chúng tôi lên đường cách đây 60 năm trước. Các cháu hãy nhìn xem, biên cương Tổ quốc ta hùng vĩ tựa như chiếc xương sống của con rồng khổng lồ, còn những nhánh núi chạy ra biển lớn là những dẻ xương sườn kiến lập nên một thế núi hình sông vững chãi. Đây chính là dải hành lang giới hạn không gian sinh tồn của dân tộc Việt, là nơi ấm áp tình hữu nghị, tình thân tộc giữa cư dân hai bên biên giới. Các cháu hãy gắng công vun đắp gìn giữ”. Tuy nhiên để đạt được sự sâu sắc về tư tưởng như kỳ vọng của người đọc thì đòi hỏi phải đầu tư thêm thời gian.
Điều thành công là nhà văn thể hiện được tinh thần quốc tế vô sản đầy chân tình, không vụ lợi của con người trong thời đại bấy giờ. Qua tác phẩm, người đọc sẽ có cảm nhận đủ đầy về người cộng sản, về lòng dũng cảm, nghĩa khí và tinh thần dân tộc của những người lính làm nhiệm vụ quốc tế.
Biên khu Việt Quế còn hấp dẫn bạn đọc ở ngòi bút đầy chất văn của tác giả. Đó là lối viết câu, dùng từ mềm mại, đầy nữ tính. Đó là lối viết bám chặt các chi tiết ấn tượng và hình ảnh tạo không gian khoáng đạt kỳ vĩ, đậm chất sử thi. Đó là cách miêu tả khéo léo nhuần nhuyễn đẩy cho cảm xúc được bật lên. Bằng cách viết ấy, nhà văn đã nêu bật được tư tưởng yêu hòa bình, phản đối chiến tranh. Viết về chiến tranh là để xây dựng hòa bình, bởi vì ước nguyện của con người sinh ra đều mong có cuộc sống hạnh phúc trên một đất nước hòa bình độc lập, phồn vinh, một xã hội ổn định.
Đọc sách bây giờ rất khó? Đọc tiểu thuyết lại càng khó hơn? Bởi bất cứ ai cũng có câu chuyện về cuộc đời và cuộc sống, nghĩa là ai cũng có thể kể chuyện của mình. Nhà văn chỉ khác người bình thường ở chỗ biết cách kể câu chuyện theo cách riêng. Với Biên khu Việt Quế, tác giả đã kể được một câu chuyện rất khó kể - vì nó quá quen thuộc - theo cách riêng. Nhà văn Phạm Vân Anh đã thực sự thành công, và luôn xứng đáng là của một cây bút xông xáo, nhiệt huyết, đã có hàng chục giải thưởng văn chương, trong nhiều năm qua, một cây bút nữ đáng chú ý của văn chương đương đại.