Ba tác giả nói trên được giải thưởng lần lượt qua các năm 2019 (Trần Quang Đạo, tác phẩm “Bay trong mơ”), 2020 (Võ Khắc Nghiêm, tác phẩm “Thị Lộ chính danh”), 2021 (Vĩnh Quyền, tác phẩm “Trong vô tận”).
Đây là sự kiện văn học do Hoàng gia Thái Lan tổ chức. Do tác giả Võ Khắc Nghiêm đã qua đời nên con gái ông là chị Võ Thị Kim Chi đã đại diện cha mình tới Thái Lan nhận giải thưởng.
Năm nay, Công chúa thứ hai của Quốc vương Thái Lan là Sirivannavari Nariratana Rajakanya thay mặt Hoàng gia chủ trì lễ trao giải và trực tiếp tặng thưởng cho các nhà văn thuộc 10 nước (Brunei, Cambodia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) tại sảnh Hoàng gia, khách sạn Mandarin Oriental.
Trong lễ trao giải, công chúa Thái Lan bày tỏ sự vui mừng được chủ trì lễ trao Giải thưởng Văn học khu vực Đông Nam Á lần thứ 45, chúc mừng các nhà văn được giải thưởng cao quý của ba năm 2019-2020-2021.
Nhà văn Vĩnh Quyền chia sẻ: “Tôi rất xúc động trước vinh dự mà Hoàng Gia Thái Lan đã trao cho tôi với Giải thưởng Văn học ASEAN. Đây là giải thưởng thường niên ra đời từ 45 năm về trước. Kể từ đó, thủ đô Bangkok của Thái Lan trở thành nơi vinh danh các tác phẩm xuất sắc của các nhà văn trong khu vực Đông Nam Á.
Tôi tin tưởng mạnh mẽ những người sáng lập đáng kính của giải thưởng này, không chỉ nhằm khuyến khích những thành tựu cụ thể trong sáng tạo văn học, mà thực chất hơn, là thúc đẩy sự quan tâm và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực bởi văn học là một phương tiện giao lưu văn hóa tuyệt vời. Điều này đã góp phần thay đổi thực tế tồn tại trong nhiều thế kỷ rằng người dân ở Đông Nam Á là chuyên gia về lịch sử, văn hóa và tin tức của các nước phương Tây hơn là của các nước láng giềng gần nhất.
Do đó, sáng kiến cơ bản và vô cùng quý giá của Nhà vua và Hoàng gia Thái Lan cần được phát huy hết tác dụng.
Nhân dịp này, tôi muốn đề cập đến một hiện tượng khác là các dịch giả và nhà xuất bản ở Đông Nam Á cho rằng văn học các nước trong khu vực chưa đáng để dịch và giới thiệu. Điều này dẫn đến một hạn chế nữa là độc giả Đông Nam Á nếu muốn sẽ không thể tìm hiểu văn học lẫn nhau. Điều này cũng đúng với thế giới nói tiếng Anh.
Vì vậy, tôi rất mong tất cả những tác phẩm được giải thưởng này sẽ được những người sáng lập sự kiện tập hợp lại trong Tủ sách Văn học Đông Nam Á và những tác phẩm tiêu biểu đó sẽ được dịch sang tiếng Anh, xuất bản và giới thiệu đến bạn đọc trong và ngoài nước.”
Giải thưởng Văn học ASEAN là một giải thưởng được trao hàng năm cho các nhà thơ nhà văn của khu vực Đông Nam Á, năm nay kỷ niệm 45 năm thành lập giải. Nhiều nhà văn Việt Nam từng đoạt giải thưởng này, trong đó có Tố Hữu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Hữu Thỉnh, Nguyễn Chí Trung, Lê Văn Thảo, Nguyễn Nhật Ánh,… Giải thưởng thường do một thành viên của gia đình Hoàng gia Thái Lan chủ trì. Đây là một sự kiện được tổ chức rất trang trọng, với nghi lễ cầu kỳ, xứng với đẳng cấp Hoàng gia, rất gây ấn tượng với các nhà văn đoạt giải thưởng và giới văn chương khu vực.
Bên cạnh lễ trao giải thưởng, các tác giả còn tham gia các sự kiện giao lưu, hội thảo với đông đảo độc giả, sinh viên và người hâm mộ. Nhà thơ Trần Quang Đạo vinh dự đọc thơ trong sự kiện cùng với một số nhà thơ được chọn ở các nước khác.
Các giải thưởng được trao cho các nhà văn từ mỗi quốc gia thành viên các nước ASEAN, mặc dù không phải tất cả các quốc gia trong khu vực ASEAN đều được có mặt mỗi năm. Giải thưởng này đôi khi được trao cho một công việc cụ thể của một tác giả, hoặc nhà văn được trao giải thưởng thành tựu trọn đời. Các loại hình tác phẩm được vinh danh khác nhau, bao gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, văn học dân gian, công trình học thuật và tôn giáo.
Nguồn Vanvn.vn