Chuyên đề

Bác Hồ trong tác phẩm văn chương

Câu chuyện văn hoá
06:04 | 07/06/2021
Trong nền văn học Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều tác phẩm văn học viết về Bác Hồ có giá trị, ý nghĩa sâu sắc, vượt qua thời gian. Để có được điều này, trước hết bởi Bác Hồ là một lãnh tụ vô cùng đáng kính của dân tộc Việt Nam. Tài năng, đức độ, phong cách của Người đã lay động triệu triệu trái tim người Việt và nhiều dân tộc khác trên thế giới. Đối với những người cầm bút, Bác vừa là tấm gương sáng, vừa là người dẫn đường, vừa là nguồn cảm hứng bất tận.
aa

Trong nền văn học Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều tác phẩm văn học viết về Bác Hồ có giá trị, ý nghĩa sâu sắc, vượt qua thời gian. Để có được điều này, trước hết bởi Bác Hồ là một lãnh tụ vô cùng đáng kính của dân tộc Việt Nam. Tài năng, đức độ, phong cách của Người đã lay động triệu triệu trái tim người Việt và nhiều dân tộc khác trên thế giới. Đối với những người cầm bút, Bác vừa là tấm gương sáng, vừa là người dẫn đường, vừa là nguồn cảm hứng bất tận.

Nhân dịp kỉ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021), chúng ta cùng đọc lại những tác phẩm văn học tiêu biểu và kinh điển viết về Bác Hồ, lấy hình tượng Bác Hồ làm nhân vật trung tâm và lan toả tình yêu, sự hi sinh của Bác dành cho dân tộc Việt Nam.

Ra mắt lần đầu năm 1982, cho tới nay Búp Sen Xanh của nhà văn Sơn Tùng đã được Nxb Kim Đồng tái bản lần thứ 30. Cuốn sách được Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết lời giới thiệu ở lần tái bản đầu tiên. Búp Sen Xanh là kết tinh của lòng yêu kính vô bờ với vị lãnh tụ của dân tộc và quá trình điền dã bền bỉ, nghiên cứu tài liệu không mệt mỏi của nhà văn Sơn Tùng suốt mấy chục năm.

Từ năm 1948, nhà văn Sơn Tùng đã đến gặp trực tiếp bà Thanh và ông Khiêm - là anh chị ruột của Bác, được gia đình cung cấp những tài liệu quý báu về cuộc đời, gia cảnh của Bác. Nhà văn Sơn Tùng cũng đi khắp các miền đất nước lần theo dấu vết mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Hồ Chủ tịch từng đi qua. Ông cũng tìm đến những nơi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đi, gặp những người từng quen biết chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành như người thủy thủ từng biết Bác từ năm 1913… Cùng với việc sưu tầm nghiên cứu các tư liệu quốc tế, các sách báo viết về Bác, đặc biệt các chồng công văn mật, các giấy tờ…

Cho đến nay Búp Sen Xanh vẫn là tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Việt Nam kể lại một cách chân thực, cảm động và trọn vẹn từ thời thơ ấu, thời niên thiếu cho đến tuổi hai mươi của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi bước chân xuống con tàu Đô đốc Latouche-Tréville để ra đi tìm đường cứu nước.

Nhà văn Sơn Tùng tiếp tục khẳng định tình yêu với Bác Hồ qua cuốn sách Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh. Cuốn sách ra mắt lần đầu năm 2016, gần ba thập kỉ sau khi nhà văn Sơn Tùng hoàn thiện tác phẩm. Bản thảo cuốn sách do con trai nhà văn Sơn Tùng sưu tầm từ những trang viết tay của cha.

Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh tái hiện lại quãng thời gian Bác Hồ (khi đó tên là Nguyễn Tất Thành) đi từ Huế vào Nam, hành trình gian nan vượt đèo Cù Mông, Rù Rì, Đèo Cả và dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh (tỉnh Phan Thiết) - trường học do những người yêu nước lập nên. Qua cuốn sách, độc giả sẽ cảm nhận rõ tâm tư, tình cảm của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi đất nước đang trong vòng nô lệ, trước nỗi đau đáu của cha “Nước mất! Nhà tan! Đi đi con. Tất Thành! Tất Thành…”

Truyện dài Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng của nhà văn Sơn Tùng được chỉnh sửa từ kịch bản phim Hẹn gặp lại Sài Gòn - bộ phim nhựa công chiếu năm 1990 được đông đảo khán giả yêu mến.

Vẫn giữ những chi tiết nội dung cuốn Búp sen xanh, viết về Bác Hồ ở tuổi hai mươi, nhưng trong tác phẩm này, nhà văn Sơn Tùng khắc họa rõ hơn tình cảm cao thượng và đẹp đẽ của cô gái Lê Thị Huệ (Út Huệ) với chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Tình cảm ấy được nhen lên từ ngày Nguyễn Tất Thành còn là cậu học sinh trường Quốc học Huế, cho tới khi anh rời bến Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước.

Cuốn sách Từ làng Sen (Lời: Sơn Tùng - Tranh: Lê Lam) với lời kể ngắn gọn súc tích của nhà văn Sơn Tùng và 25 bức tranh minh họa màu nước ấm áp của họa sĩ Lê Lam, được long trọng ra đời vào dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1990).

Mở đầu bằng hình ảnh làng Chùa, núi Hồng, sông Lam quê Bác, và kết thúc là hình ảnh “con tàu đang rời xa bến cảng Nhà Rồng, chở theo người đầu bếp, người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Ba, còn vọng lại tiếng nói của anh: Tổ quốc ta, nhân dân ta phải có độc lập, tự do chứ không thể nô lệ mãi được”, cuốn sách giúp người đọc hiểu thêm về vị lãnh tụ kính yêu từ thuở ấu thơ cho tới khi Người bước chân ra đi tìm đường cứu nước.

Là tác giả của nhiều cuốn sách viết về Bác Hồ, nhà văn Sơn Tùng từng chia sẻ: “Không phải do một sự ngẫu nhiên, một sự tình cờ, mà từ tình yêu kính Bác với một quá trình hình thành và tích lũy trong tâm hồn tôi đã dẫn đến việc cầm bút viết những trang kể về một số hình ảnh thuở thiếu thời của Hồ Chủ tịch.”

Ngày 1/9/2007, cuốn tiểu thuyết về Bác Hồ Cha và con của nhà văn Hồ Phương ra mắt độc giả tại Làng Sen quê Bác. Với lòng ngưỡng mộ, yêu kính Bác, nhà văn Hồ Phương đã trân trọng lấy họ Hồ trong bút danh của mình. Tác giả Cỏ non luôn ấp ủ mong muốn viết một tác phẩm về Bác. Nhưng phải đến tuổi thất thập, ước mơ ấy mới trở thành sự thực.

Nhà văn Hồ Phương không kể lại cuộc đời của Bác theo mạch thời gian, theo dòng sự kiện từ nhỏ cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước. Cậu bé Nguyễn Sinh Côn bắt đầu xuất hiện trong tác phẩm khi đã ở tuổi thiếu niên.

Trong tác phẩm, trường đoạn chàng Côn lên Bình Khê từ giã cha mình, dấn thân vào một cuộc ra đi không hẹn ngày về, được nhà văn Hồ Phương miêu tả vô cùng hồi hộp và xúc động. Nỗi băn khoăn chàng thanh niên đang khát khao một cuộc đổi đời cho dân tộc; tâm tư của những chí sĩ yêu nước bất phùng thời đầu thế kỉ 20 như cụ Phó Bảng để lại xúc cảm mạnh mẽ cho người đọc. Cuốn sách dành nhiều trang khắc họa về cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, theo cảm nhận của nhà văn Hồ Phương, là “ảnh hưởng rất nhiều, nếu không nói là nhiều nhất đến sự hình thành và phát triển tính cách của cậu Côn - sau này là Nguyễn Tất Thành.”

Được nhà văn Sơn Tùng cho phép sử dụng văn liệu trong truyện Búp sen xanh và Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp sử liệu, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã viết kịch bản Nhìn ra biển cả cho bộ phim truyện nhựa cùng tên được thực hiện nhân kỉ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tác phẩm đi sâu khắc họa những diễn biến nội tâm của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành trước bối cảnh xã hội khi ấy, và hành trình từ Huế đến Phan Thiết của người thanh niên luôn khát khao tìm một con đường cho dân tộc đi theo.

Kể chuyện Bác Hồ (Nhiều tác giả) được biên soạn theo Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên dưới hình thức sách tranh khổ lớn. Cuốn sách giúp bạn đọc nhỏ tuổi nắm bắt những dấu mốc quan trọng nhất, từ quê hương, tuổi thơ đến những năm tháng hoạt động cách mạng đầy thăng trầm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuốn sách kể lại ngắn gọn cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, từ thuở ấu thơ ở Làng Sen, khi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành bước chân xuống tàu Đô đốc Latouche-Tréville, những dấu mốc quan trọng trong hơn ba mươi năm hoạt động cách mạng ở hải ngoại và cho đến khi Người đứng trên quảng trường Ba Đình đọc Tuyên ngôn Độc lập.

Bác Hồ kính yêu (Nhiều tác giả) là tuyển tập những câu chuyện được chọn và soạn lại từ các sách báo và tạp chí, được sắp xếp theo trình tự thời gian, giúp độc giả hiểu thêm cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bạn đọc có thể tìm thấy ở đây nhiều câu chuyện quen thuộc như chuyện Hai bàn tay, chuyện anh Ba làm phụ bếp trên tàu, chuyện Bác Hồ làm báo Người cùng khổ... Những câu chuyện Tiếng sét trên bàn hội nghị Véc-xay, Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa quốc tế vô sản, Tổ quốc cách mạng... giúp độc giả hiểu thêm về hành trình gian nan mà Bác đã trải qua để tìm ra ngọn đuốc soi sáng con đường cho cách mạng Việt Nam.

Dù được viết bởi nhiều tác giả khác nhau, nhiều hình thức thể hiện khác nhau, nhưng những tác phẩm viết về Bác Hồ cùng có chung một tình yêu vô bờ, niềm biết ơn to lớn, niềm tin tưởng tuyệt đối với Người. Qua đây chúng ta hiểu thêm về lòng yêu nước thương nòi, những giá trị văn hóa, truyền thống quê hương, gia đình, đã hun đúc nên người con ưu tú của dân tộc Việt Nam; hiểu thêm về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tác phẩm viết về Bác đã góp phần làm đầy lên, phong phú thêm, sinh động và gần gũi hơn hình tượng người lãnh tụ yêu kính của dân tộc ta.

ĐỨC SƠN

Nguồn VNQĐ


Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...