HOA SỮA
NGUYỄN PHAN HÁCH
|
Tuổi mười lăm, em lớn từng ngày
Một buổi sớm, em bỗng thành thiếu nữ
Hôm ấy mùa thu, anh vẫn nhớ
Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ.
Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu
Mùi hoa sữa trong áo em và mái tóc
Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt
Vậy mà tan trong sương gió mong manh.
Tại vầng trăng? Tại em hay tại anh
Tại sang đông không còn hoa sữa?
Tại siêu hình? Tại gì không biết nữa
Tại con bướm vàng có cánh nó bay.
Đau khổ nhiều nhưng éo le thay
Không phải thời Rômêô và Juyliét
Nếu chẳng có đứa nào dám chết
Đành lòng thôi mỗi đứa một phương.
Chỉ mùa thu vẫn tròn vẹn yêu thương
Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ
Hương của những tình đầu nhắc nhở
Có hai người xưa đã yêu nhau…
LỜI BÌNH
Từ lâu, hoa sữa vẫn được coi là một loài hoa đặc hữu của Hà Nội. Và nhắc đến hoa sữa là người ta nghĩ đến phố Nguyễn Du - một đường phố đi qua hồ Thiền Quang và nhớ đến Hà Nội. Nếu nói quá lên: Nhắc đến hoa sữa là người ta nghĩ đến Hà Nội. Loài hoa này thường nở vào cuối thu đầu đông. Có lẽ vì thế mà có nhà thơ từng viết:
Mùa thu ở đầu
Mùa đông ở cuối
Giữa khoảng cách vô hình vời vợi
Hoa sữa rơi, hương thơm miên man
Thấy yên ngọn gió ngang tàng
Dắt hương hoa theo người vào lối nhỏ
Xoáy sâu một vùng gió - nhớ
Mùa này ai đã tìm nhau?
Và cũng đã lâu, ít nhất trong làng văn nghệ có tới 3 người có thơ và ca khúc mang tên hoa sữa hoặc gắn với hoa sữa. Đó là nhà thơ Hải Như, nhạc sĩ Hồng Đăng và nhà thơ Nguyễn Phan Hách. Trong đó, Hải Như viết trước và viết sau, gần như cùng ra đời cùng một lúc là Hồng Đăng và Nguyễn Phan Hách.
“Hoa sữa” của Nguyễn Phan Hách đậm chất tự sự và câu chuyện tình được “kể” ngay từ khổ thơ đầu tiên: Có một cô gái đang tuổi tròn trăng, một sớm nào trở thành thiếu nữ. Có một chàng trai không biết bao nhiêu tuổi gặp khi “hoa sữa thơm ngây ngất quanh hồ”. Tất nhiên không chỉ có hoa, mà người cũng ngây ngất nữa. Bởi không có sự ngây ngất thì không có nguồn cơn làm điểm xuất phát cho bài thơ này. Những khoảnh khắc ngây ngất ấy, đương nhiên là trong hoài niệm: “Hôm ấy mùa thu, anh vẫn nhớ…”
Như vậy, nói theo các cụ nhà ta thì “cảnh” đã có, “tình” đã có và “sự”, cũng đã có trong thơ. “Sự” ở đây là một mối tình đầu đã xuất hiện, là nàng đã có chàng và chàng đã có nàng, dù còn mơ hồ và lắm mộng mơ “mang hương sắc mùa thu” và “mùi hoa sữa” lắm. Tình yêu ấy có thể nặng về “cảm”, nên đến cũng nhanh, mà đi cũng chóng, rồi nó “tan trong sương gió mong manh”.
Đây là bước chuyển tiếp ở khổ thứ hai.
Đến khổ thứ ba, thứ tư, chất “luận lý” bắt đầu len vào mạch thơ một cách tự nhiên. Hay nói một cách khác: Chàng và nàng cùng “mổ xẻ” rất đáng yêu cái nguyên do mà hai ta “chia cắt”, cho rằng có thể tại nhiều thứ (vầng trăng, anh, em, hoa sữa không còn, siêu hình…) và cuối cùng thì “tại con bướm vàng có cánh nó bay”.
“Tại con bướm vàng có cánh nó bay” là một hiện tượng tự nhiên và cũng là một câu thơ hay một cách tự nhiên, thi sĩ, như được buột ra từ sự dẫn dắt ở ba câu thơ trước. Nhưng đấy mới nhìn từ góc độ chủ quan. Còn nhìn từ góc độ khách quan, lại khác:
Đau khổ nhiều nhưng éo le thay
Không phải thời Rômêô và Juyliét
Nên chẳng có đứa nào dám chết
Đành lòng thôi mỗi đứa một phương.
Ấy là bi kịch và cái sự đổ tại, đổ thừa cho cái thời không còn Rômêô và Juyliét nữa; thời mà chất lãng mạn ngày một thưa thớt, thui chột; thời mà “không còn người chơi hoa nào bị chết bởi mùi hương”… Vì thế mà “chẳng có đứa nào dám chết”. Cho nên hậu quả là… ngậm ngùi: “Đành lòng thôi mỗi đứa một phương”.
Rốt cục, mùa thu vẫn thế, vẫn “tròn vẹn yêu thương”, “hoa sữa cứ trở về mới độ”, cho dù tình yêu chia tách. Nhưng cái còn lại mãi mãi và kết tủa mãi mãi là hương. Hương ở đây chính là mùi thơm của hoa sữa và của những mối tình đầu. Đây cũng là một hành trình thăng hoa.
Từ chuyện kể đời sống, khổ cuối đẩy lên thành chuyện kể có chất cổ tích, có vẻ như không có hậu mà vẫn có hậu:
Hương của những tình đầu nhắc nhở
Có hai người xưa đã yêu nhau…
Bài thơ hay vì mạch thơ hanh thông, đưa đẩy, giàu xúc cảm. Tứ thơ giản dị nhưng không đơn giản và đứng được là nhờ vừa có hồn, lại vừa có cốt.
Nhưng sâu xa hơn, ý tứ bài thơ chỉ ra được bản chất của những mối tình đầu nói riêng và những mối tình nói chung: Đẹp và buồn, đẹp và mong manh, đẹp vì chỉ là những khoảnh khắc toàn hoa, chưa khi nào kết quả.
Mà suy cho đến cùng, cái đẹp nào trên cõi đời này mà chẳng mong manh!
Đặng Huy Giang | Báo Văn nghệ số 16 - 2016
-------------
Bài viết cùng chuyên mục:
Bài thơ "Cô hái mơ " của Nguyễn Bính Bài thơ " Mưa về...!!!" của Nguyễn Hồng Vinh Bài thơ "Buổi sớm" của Tô Thi Vân Bài thơ "Cho một người" của Anh Ngọc Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh |