BUỔI SỚM
|
TÔ THI VÂN
Kính tặng cha
Cha ơi!
Con châm đóm rồi
Con mời cha hút
Mong cha đừng quá say
Điếu thuốc lào đầu tiên trong ngày
Cha thả khói con cay cay mắt
Mẹ ơi! Con xin mẹ chớ một lần nặng lời
Mỗi khi cha gắt
Này em- Hãy dịu dàng mỗi bữa dâng cơm
Cha ăn ngon bởi lòng em thành kính
Các con ơi!
Mỗi lần ông gọi, mỗi khi ông nhờ
Các con hãy vui và nhanh như những con cún
Đừng mải tranh nhau cái kẹo, đồ chơi
Để ông ngồi một mình bên cây gậy
Cha ơi!
Đóm trên tay con cuộn cháy
Mặc ngoài đời gió lay
(9-1993)
LỜI BÌNH
Trong kho tàng thơ ca kim cổ ở nước Nam ta, thơ viết về người mẹ thì đã nhiều. Hình như thi nhân nào dù hay, dù chưa thật hay, cũng có ít nhất một bài, một đôi câu thơ viết về mẹ. Có thể đó là người mẹ đã mang nặng đẻ đau sinh ra mình, nhưng cũng có thể đó là người mẹ được nâng cấp lên như một biểu tượng về Tổ Quốc... Tuy nhiên, thơ viết về người cha, nếu tôi không nhầm, thì cũng còn khá khiêm tốn, nếu không muốn nói là quá ít ỏi. Sao vậy? Đơn giản vì người mẹ vất vả nuôi con từ khi đứa trẻ hoài thai còn nằm trong bụng mẹ, rồi đau đớn lúc sinh thành, rồi chăm bẵm bú mớm dầm dề cho đến khi con trưởng thành. Mẹ “thương con, thương cả bước gần bước xa”... Người cha gần gũi với con ít hơn người mẹ. Thêm nữa, trong hoàn cảnh chiến tranh, cha thường xuyên vắng nhà, vì phải ra trận đánh giặc. Hoặc giả như trong thời bình, cha thường đi làm ăn xa, thi thoảng mới về thăm vợ thăm con. Chưa hết, không thế thì cha còn phải lo nhiều chuyện lớn, bởi cha là cột trụ của gia đình... Ca dao xưa đã có câu: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”... là cũng có cái lý cái tình tự nhiên của nó cả.
Tô Thi Vân là nhà thơ xuất thân từ đồng ruộng. Anh cũng có quãng thời gian “trà trộn” vài tầng lớp công nhân, nhưng bản tính “giai cấp” của Tô Thi Vân vẫn không sao thoát ra được cái tư duy cố hữu của nguồn gốc mình. Thơ Tô Thi Vân thường hướng về những phận người lam lũ, quăng quật với nắng mưa nơi đồng chua nước mặn. Những đối tượng thẩm mĩ, những nhân vật hữu hình và vô hình hiện lên trong thơ Tô Thi Vân, chủ yếu là những con người chân lấm tay bùn cụ thể, ráo mồ hôi là đã thấy trắng tay. Những người ấy cũng có khi là người mẹ, người cha, người chị, người em, rồi con cháu gần gũi trong nhà. BUỔI SỚM là bài thơ Tô Thi Vân viết về người cha của mình, rất chân thành và cảm động.
Cha ơi!
Con châm đóm rồi
Con mời cha hút
Mong cha đừng quá say
Điếu thuốc lào đầu tiên trong ngày
Cha thả khói con cay cay mắt
Vài chi tiết đơn giản vậy thôi, nhưng bạn đọc đủ hình dung thấy một người đàn ông đã quá già yếu, có thể đã không còn đủ khả năng tự thực hiện cái thú vui đơn giản của riêng mình là cầm lấy cái điểu cày, tay vân vê nhét mồi thuốc vào lõ điếu, quẹt diêm châm lửa, rít một hơi thật dài, rồi ngửa cổ khoan khoái thả khói lên trời mỗi buổi sớm mai. Thế nên, việc này bây giờ đã đến cái đận phải nhờ đến cậu con trai, mặc dù hắn cũng đã có vợ có con, nghĩa là nó cũng đã làm cha, không phải còn trẻ con nữa để mà sai bảo. Nhưng người con trai thì lại làm việc này một cách tự nguyện, rất cẩn trọng “châm đóm” rồi “mời cha hút”. Tiếng gọi “cha ơi!” mở đầu bài thơ đã cho thấy tình cảm chân thành và thương kính của người con với cha của mình. Cha hút, rồi cha say là con thích rồi, nhưng mà con cũng “mong cha đừng quá say”, vì “điếu thuốc lào đầu tiên trong ngày” thường khiến người hút quá say. Mà say thuốc lào đối với người già cả, đôi khi cũng có thể là rất nguy hiểm nữa kia!... Bạn đọc còn có thể hình dung thấy người con đang rất chăm chú cẩn trọng, cẩn trọng đến từng ly từng tý. Châm đóm cho cha rồi, nhưng anh vẫn còn phải nheo mắt ngửa mặt lên quan sát xem cha hút thế nào, có say lắm không, để còn đề phòng bất trắc, cho nên, khi “Cha thả khói con cay cay mắt”. Có lẽ là vì khói thuốc làm mắt cay cay, nhưng cũng có thể còn thêm cái sự thương cảm của người con đối với cha già...
Rồi tác giả nói với mẹ của mình, tất nhiên cũng tuổi đã cao. Tuổi già thường hay lẩm cẩm, dở tính dở nết. Biết tính cha rồi thì bảo rằng “Mẹ ơi! / Con xin mẹ chớ một lần nặng lời / Mỗi khi cha gắt”! Cha tâm tính tuổi già, hay giận dỗi bất chợt, nếu như mà mẹ cũng nặng lời, “bấc ném đi, chì ném lại” thì sinh ra bất ổn. Cha mẹ bất hòa, con sẽ không vui, cả nhà mình cũng sẽ không vui. Tiếp đấy, thi nhân lại khéo loéo dặn vợ, rằng “Em hãy dịu dàng mỗi bữa dâng cơm” cho cha, bằng cả tấm lòng thành kính. Lại còn dặn dò cả lũ trẻ, rằng các con “hãy nhanh như những con cún” mỗi khi ông gọi, “đừng mải tranh nhau cái kẹo, đồ chơi/ Để ông ngồi một mình bên chiếc gậy”! Nhà thơ nông dân rất tinh tế khi ông bảo các con “Hãy nhanh như những con cún”, chứ không phải là “nhanh như những con sóc”. Con cún, con chó con, vừa dễ thương, lại vừa gần gũi.
Dặn dò tỉ mỉ với mẹ, với vợ, với các con đâu đấy cả rồi, tác giả lại quay sang thưa với người cha vẫn đang ngồi đó bên cái điếu cày:
Cha ơi!
Đóm trên tay con cuộn cháy
Mặc ngoài đời gió lay...
Vẫn tiếng gọi “cha ơi” đầm ấm nhẹ nhàng. Câu cuối thật hay, vừa cụ thể lại vừa mang nghĩa hàm ẩn. Toàn bộ bài thơ chỉ có độc thoại nội tâm nhân vật trữ tình chủ thể. Ngôn ngữ giản dị như lời ăn tiếng nói thường ngày, gần như tác giả không có ý làm thơ, nhưng tình thơ thì vô cùng vô tận, cảm động lòng người. Thơ Tô Thi Vân thường cấu tứ chặt chẽ, viết một hơi như thể chẳng cần “thôi xao” nhiều. Thơ hay ở tứ, hay cả ở tổng thể trữ tình. Đó chính là nét riêng làm nên phong cách của thi sĩ họ Tô vậy!...
Vũ Bình Lục | Báo Văn nghệ
-------------
Bài viết cùng chuyên mục: