QUÊ CHỒNG
NGUYỄN THỊ NGỌC HÀ
Bến sông năm ấy tôi về
Nước lên ngập trắng con đê quê nghèo
Câu hò lỡ tuột dây neo
Để cho lạnh cả mái chèo qua sông
Nửa quen nửa lạ quê chồng
Đường thôn lầy lội chiều đông vắng người
Tìm đâu khói rạ tháng mười
Khoai ngon chợ Rộ một thời ngày xưa
Chỉ còn mẹ đẫm dưới mưa
Dầm bùn đi đón dâu vừa về thăm
Rầu lòng muôn nỗi khó khăn
Mừng con mà những nếp nhăn cũng cười
Nước sông tràn mắt mẹ tôi
Tràn về tôi một dòng đời gian nan
Sông Lam chịu lũ bao lần
Áo cơm nhàu nát sóng vần mà đau
Cánh cò phiêu bạt phương nao
Đồng xanh ngập nước bạc màu gió hoang
Năm sau tôi trở về làng
Mẹ tôi cánh hạc đã mang về trời!
Căn nhà quạnh quẽ đơn côi
Giàn trầu héo úa đâu người sớm hôm.
LỜI BÌNH
Miền Trung, trong đó có xứ Nghệ, là dải đất có khí hậu khắc nghiệt, khô khát, hằng năm lại gánh chịu biết bao nhiêu trận bão lũ hoành hành. Đây là miền quê gian lao nghèo khó nhưng sâu nặng nghĩa tình. Nghĩa tình sâu nặng không chỉ có ở người miền Trung với nhau mà còn là mối gắn kết bền chặt người miền Trung với người ở các vùng miền khác. Đây cũng là dải đất đầy duyên nợ với thơ ca. Bài thơ “Quê chồng” của Nguyễn Thị Ngọc Hà - người con gái sinh ra và lớn lên ở một làng hoa nổi tiếng đất Hà thành - cho người đọc cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp của duyên nợ và nghĩa tình ấy.
Tranh: Trần Nguyên |
Bến sông năm ấy tôi về…, câu thơ mở đầu lắng trầm xúc động khơi dòng hồi tưởng. Chữ nào cũng gợi cảm: bến sông là không gian gợi nhớ, năm ấy là thời gian gợi thương, tôi về là sự kiện gợi cảm xúc gần gũi, ấm áp. Kí ức chừng như đã rất xa nhưng đậm nét, khó quên. Những hình ảnh quá khứ ấn tượng nhất hiện về, tươi nguyên và ám ảnh. Nhưng ám ảnh nhất không phải là ấn tượng thị giác mà là những cảm giác sâu kín trong tâm hồn. Cơn đại hồng thủy đã khiến cho miền quê của những câu hò điệu ví rùng mình kinh sợ: Câu hò lỡ tuột dây neo/ Để cho lạnh cả mái chèo qua sông. Năm ấy là năm 1978, xứ Nghệ xảy ra trận lụt kinh hoàng.
Cái năm Nước lên ngập trắng con đê quê nghèo có lẽ cũng là năm tác giả bài thơ lần đầu về xứ Nghệ. Cái cảm giác lần đầu tiên đặt chân nơi bến sông quê nghèo ấy được diễn tả thật tự nhiên mà tinh tế: Nửa quen nửa lạ quê chồng. Quen vì dòng sông, con đê, lũy tre, lối xóm, thậm chí cả lũ lụt… đã từng được nghe chồng miêu tả và có thể hình dung phần nào. Nhưng giữa nghe kể và chứng kiến chắc chắn không thể nào trùng khít, nên thấy lạ – nhất là khi tận mắt thấy trận lụt mà ngay cả người địa phương cũng không tưởng tượng nổi mức độ của nó! Quê hương non xanh, nước biếc như tranh họa đồ vốn yên vui, thơ mộng, hiền hòa giờ hiện lên thật tội nghiệp: Đường thôn lầy lội chiều đông vắng người/ Tìm đâu khói rạ tháng mười/ Khoai ngon chợ Rộ một thời ngày xưa. Thiên tai đã gây ra bao mất mát, tan hoang, chất lên mảnh đất nghèo muôn nỗi khó khăn!
Trong dòng hồi tưởng về nạn lụt hiện lên hình ảnh cảm động của người mẹ. Tất cả những hình ảnh của quê chồng từng được nghe đến thuộc lòng giờ chẳng thấy đâu, chỉ nhớ mỗi dáng mẹ chồng: Chỉ còn mẹ đẫm dưới mưa/ Dầm bùn đi đón dâu vừa về thăm/ Rầu lòng muôn nỗi khó khăn/ Mừng con mà những nếp nhăn cũng cười... Thương quê chồng, con dâu lặn lội về thăm, mẹ chồng lại đội mưa dầm bùn đi đón. Con dâu lần đầu về với miền quê gian khó, lại vào dịp mưa lũ, người mẹ nhân hậu ấy vừa mừng vừa thương. Thương vì dâu con vất vả và mừng vì có con dâu thảo hiền. Bao nỗi niềm hiện lên qua các hình ảnh những nếp nhăn cũng cười và đôi mắt mẹ già chan chứa... Trong muôn nỗi khó khăn của đất trời khắc nghiệt, tình người càng ấm áp biết bao! Nước sông tràn mắt mẹ tôi/ Tràn về tôi một dòng đời gian nan, cảm nhận và thấu hiểu tấm lòng nhân hậu chân chất của mẹ, người con dâu càng thương đời mẹ và thấm thía nỗi thương quê chồng: Sông Lam chịu lũ bao lần/ Áo cơm nhàu nát sóng vần mà đau/ Cánh cò phiêu bạt phương nao/ Đồng xanh ngập nước bạc màu gió hoang. Thương quê lại càng thương nhớ mẹ: Một năm sau trận lụt kinh hoàng ấy, con dâu lại trở về lúc Mẹ tôi cánh hạc đã mang về trời!. Dòng hồi tưởng khép lại trong cảm xúc ngậm ngùi, sâu lắng trước thực tại: Căn nhà quạnh quẽ đơn côi/ Giàn trầu héo úa đâu người sớm hôm…
Đọc Quê chồng, ai cũng nhận thấy hai hình tượng đẹp: mẹ chồng nhân hậu và nàng dâu hiếu thảo. Hai hình tượng này, rất tự nhiên, đã soi chiếu và làm sáng lên vẻ đẹp của nhau. Vẻ đẹp ấy hiện lên qua hệ thống ngôn từ giản dị mà tinh tế, mộc mạc mà gợi cảm trong hình thức lục bát quen thuộc. Cạnh dòng Lam mùa lũ trong đời và trong thơ như chúng ta đã thấy, còn một dòng ngôn ngữ lặng lẽ vận động chảy về phía… trái tim: từ quê nghèo đến quê chồng rồi tôi trở về làng, từ mẹ (chồng) đến thân thương mẹ tôi rồi cung kính mẹ tôi cánh hạc… và tiếc nhớ đâu người sớm hôm,… Ngoài các hình ảnh đặc sắc như mẹ dầm bùn, sông quê sóng vần, cánh cò phiêu bạt, đồng xanh bạc màu gió hoang, có lẽ ta nên chú ý đến từ lạnh ở câu thứ tư. Nước lũ tháng mười, nhất là vào buổi chiều đông vắng người, lạnh lắm. Lạnh cả mái chèo - đó không chỉ là cảm nhận của da thịt. Chữ lạnh xuất hiện rất tự nhiên nhưng tôi cứ nghĩ đó là chữ của linh giác, chữ của đồng cảm, chữ của tình yêu. Và như vậy, chúng ta phải hình dung về nhân vật thứ ba sau hình tượng mẹ chồng và nàng dâu…, bởi đó cũng là một cách chúng ta hình dung về hạnh phúc!
Có được sự đồng cảm sâu sắc ấy, cô dâu người Hà Nội đã thực sự trở thành người con của quê hương xứ Nghệ nghĩa tình! Kết thúc bài thơ là không gian căn nhà quạnh quẽ nhưng mỗi lần đọc lại Quê chồng, bài thơ được viết từ năm 1998, ta lại chỉ thấy những tấm lòng nồng ấm thiết tha…