Đà Lạt cao hơn mặt biển gần 1.600m; nên không khí loãng, sớm chiều lúc nào cũng se lạnh. Mỗi khi ra phố, tôi lại có dịp khoác lên mình trang phục của thời tiết cuối thu Hà Nội. Không hiểu những tháng tiếp theo Đà Lạt mưa nắng thế nào, còn hiện tại đang tháng 3, nắng thì mỏng mà gió lại dày. Gió cứ vấn vít cây cỏ hoa lá, vấn vít từng bước mưu sinh trên đường. Nắng mong manh như tơ nhện giăng qua qua muôn vàn cây lá để rồi trải lớp vàng trong suốt xuống những con dốc quanh co, xuống các thung lũng, các hồ nước trong thành phố.
Nói về Đà Lạt tôi không thể không nhắc đến thông. Chẳng biết từ bao giờ thông đã mọc không thành hàng thành lối trên khắp các đồi đất đỏ bazan xuống tận các thung lũng quanh năm mù sương. Có những gốc thông cội, cả vòng tay tôi ôm không trọn. Cây lớn cây bé đua nhau vươn thẳng lên trời chẳng khác gì muôn ngàn người đứng mà thiền vậy. Giữa đồi thông tôi thêm hiểu thế nào là âm thanh của gió, có lúc rì rào thầm thĩ, có lúc réo rắt tựa tiếng đàn, có lúc trời cả gió, thông hú lên thành tiếng, vẳng xa... rít xiết quằn quại. Thế mới hay cái tài của các nhạc sĩ, họ thể hiện trong dàn hợp xướng tiếng gió giữa ngàn thông như thật vậy.
Từng con đường nhỏ lượn quanh triền đồi cao đồi thấp nối phố nọ đến phố kia sẽ đơn điệu nếu như không có những biệt thự ẩn hiện dưới từng bóng thông già. Những biệt thự trầm mặc trước thành phố mỗi ngày một đổi mới. Mỗi biệt thự ấy vẫn ẩn chứa sự thăng trầm của một đời, của một thời quá vãng. Thành phố Đà Lạt được người Pháp xây dựng làm khu nghỉ dưỡng cách nay đã hơn một trăm năm. Những khu biệt thự sang trọng trên các sườn đồi, những hồ nước cảnh, những khu sinh thái, khu vui chơi đều dành cho quan lại người Pháp và gia đình trong thân tộc của các triều đại cũ.
|
Bên những kiến trúc cổ, có nhiều công trình mới. Nhưng Đà Lạt vẫn vẹn nguyên một thành phố như trong truyện cổ tích. Chỉ tiếc, trên những rẻo đường mềm như lụa, bảng lảng sương mây, bảng lảng làn khói thơm thơm ai đó đốt lá thông rụng ở lưng đèo, lại chỉ nghe tiếng còi xe hơi xe máy ngược xuôi hối hả. Tôi phong phanh chiếc áo dài tơ lụa, bách bộ trên con đường nắng như ú tim trong sương kia lại thèm nghe tiếng vó ngựa gõ đều trên đường cùng tiếng lục lạc gần xa đâu đó giữa rừng thông vẳng lại. Tôi tìm lên thác ĐacTanLa, thác CamLi, thác Pren, tìm suốt Thung Lũng Vàng lại quay về Hồ Xuân Hương cũng chẳng thấy đâu tiếng lục lạc ngày xưa ấy. Nghe nói ở Thung Lũng Tình Yêu vẫn còn xe ngựa, nhưng chỉ dùng để chụp hình kỉ niệm. Nửa muốn tìm tiếng lục lạc ở Thung Lũng Tình Yêu... nửa lại ngại ngần trễ nải. Hình như hoa dại ven đường hiểu tâm hồn tôi, hiểu nỗi buồn của người đang mắc nợ chính mình nên hoa cứ rưng rưng theo bước chân lữ khách.
Non nước đã ưu ái cho vùng đất này một sức sống mãnh liệt. Cây lả gió vẫn xanh, hoa lả gió vẫn tươi và bất kể loại hoa nào cũng thắm hết mình vào rực rỡ ấy. Trừ công viên hoa, thung lũng hoa, các dải phân cách bằng hoa, luôn có bàn tay người chăm sóc, tôi vẫn gặp trên các lối mòn ít người qua lại, trên những vách đồi hoang, hoa vẫn rưng rưng nở giữa thiên nhiên bao la. Hình như nơi đây cành khô rụng xuống cũng nở ra hoa hay sao ấy! Nhiều người gọi Đà Lạt là Thành Phố Hoa. Có đến, có đi giữa hương sắc thứ thiệt, tôi mới nhận thấy đúng như vậy.
Dọc lối mòn, Dã Quỳ đã cháy hết mình cho trời đất, còn MiMoSa vẫn lay lay những cánh lá biêng biếc ánh bạc, với đôi ba bông hoa vàng nuột như cố nán lại với tháng ba để chờ ai đó... Riêng hoa Phượng Tím đang vỡ òa sắc tím vào tháng ba, đang vỡ òa cái màu thủy chung ấy vào tâm hồn tôi, để trong tôi, vòm ngực chiều bỗng dưng loạn nhịp, nhớ về một người.
Lang thang trong thành phố nửa cổ kính, nửa hiện đại như kẻ bị hoa nhập đồng. Chạm ánh mắt nụ cười của bất cứ ai đã sinh sống ở đây, tôi đều thấy như có sắc diện của một màu hoa nào đó trên gương mặt, trong ánh mắt họ. Tôi gặp ánh mắt ấy, gương mặt ấy ở bác lái xe ôm, ở những người bán hàng rong giữa trung tâm thành phố, ở các sạp hàng trong chợ đêm Đà Lạt, ở các Xơ trong nhà thờ ĐôMen, ở các thày tu trong Thiền Viện Trúc Lâm... và cả trong những nhà văn, họa sĩ... Họ không ồn ào, không vồn vã mà vẫn đôn hậu nhiệt thành.
Mặc dù đã giành giật từng khoảnh khắc tháng ba ở Đà Lạt cho mình, nhưng thời gian cứ truội qua tôi từng ngày không thương xót. Chiều chiều từ tầng ba khu biệt thự trên quả đồi cao nhất, tôi nhìn về phía tây nam thành phố. Không xa. Một vùng những nhà kính, nhà bạt trải màu trắng sáng tới sát chân dãy đồi xanh mờ trong sương. Đã dự định tìm đến các trại hoa, thế mà quá nửa thời gian ở Đà Lạt trôi đi tôi mới tới được. Những nhà hoa, những giàn hoa đủ các loại, đủ màu sắc trải ra trước tôi, đẹp đến nỗi đứng trước bất cứ vườn hoa nào ai cũng có thể quên hết những muộn phiền còn lẩn quất đâu đó trong cuộc đời. Chủ nhân của vùng hoa này là những người dân từ làng hoa Ngọc Hà, làng hoa Tây Hồ, làng hoa Quảng Bá, làng hoa Tây Tựu. Từ đầu thế kỷ trước thuộc Hà Đông, ngày tôi lớn lên, các vùng hoa trên đã thuộc thành phố Hà Nội. Những người đầu tiên đã khai đất hoang, gieo trồng những hạt giống hoa mang từ quê mình vào Đà Lạt. Họ lập nên ấp Hà Đông từ năm 1936, bây giờ là phường 8 thuộc thành phố Đà Lạt. Lớp người tiên phong ấy đã cao niên hoặc không còn nữa. Lớp con cháu họ đã áp dụng kĩ thuật trồng hoa tiên tiến trên thế giới, nên không những hoa to đẹp, được màu sắc, được hương mà sản phẩm lại cao, đã cung cấp đủ hoa cho các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang... và hàng triệu, triệu cành trên một năm xuất ra nước ngoài. Tôi sinh ra từ làng hoa Ngọc Hà và hiện đang sinh sống trên làng hoa Tây Hồ, Hà Nội. Trước hương sắc bời bời, tôi thầm tự hào về những người đồng hương của mình giữa đất trời Đà Lạt.
Bài hát Tháng ba Tây Nguyên có câu: “Tháng ba mùa con ong đi lấy mật..." Tâm hồn tôi cũng muốn bay theo những chú ong cho trọn tháng ba để được thưởng thức hết các vị ngọt thơm từ hương hoa ở Đà Lạt. Nhưng, những điều ước muốn đâu phải lúc nào cũng có thể đạt được. Giữa đến và về là một chặng đường. Giữa về và trở lại là một khoảng đời. Tôi nuôi khoảng đời ấy như đất trời Đà Lạt nuôi hoa vậy.