Diễn đàn lý luận

Bài thơ "Vì sao anh yêu em?" của Ngô Thế Trường

Đặng Huy Giang
Tác phẩm và dư luận
12:00 | 02/11/2024
Baovannghe.vn - Với Ngô Thế Trường, tình yêu là những gì bí ẩn, không thể nào hiểu nổi. Bởi thế mà một năm, hai năm, ba năm, bốn năm… cho dù đã xa em, cho dù tóc của người con trai thủa nào đã bạc… nhưng ông vẫn hỏi: Vì sao anh yên em?
aa

VÌ SAO ANH YÊU EM?

Bài thơ
Tranh: Tshaus Muas

NGÔ THẾ TRƯỜNG

Một năm rồi hai năm

Em đi xa lắm rồi

Vì sao anh yêu em?

Ba năm rồi bốn năm

Năm năm thêm tóc bạc

Vì sao anh yêu em?

Vì sao anh yêu em

Nhắm mắt vào lại gặp

Đôi mắt của trong xanh

Đôi môi buồn vẫn thắm.

Giờ yêu nhiều hương lúa

Thương những cánh đồng vàng

Nhiều đêm anh vẫn hỏi

Vì sao anh yêu em?

Vì sao anh yêu em?

Vì sao anh yêu em?

Về đất sâu, còn hỏi.

LỜI BÌNH

Tình yêu là gì? Đã khó giải thích. Tại sao hai ta có nhau? Tại sao là lại là anh (hoặc em) ở bên em (hoặc anh) mà không là người khác? Xem ra còn khó giải thích hơn nhiều. Và để nắm bắt được những thứ ấy, chắc chắn còn khó giải thích hơn nhiều.

Xa xưa, các cụ nhà ta bảo: Theo tình tình chạy, chạy tình tình theo. Phải chăng khi mình theo nó (tình) thì nó bỏ mình, còn mình bỏ nó thì nó theo mình?

Với S.Kaputikyan (nhà thơ lớn của Armenia), tình có khi chỉ là sự làm nũng dễ thương của một cặp trai gái đang gắn bó với nhau, nói thế này thì phải hiểu thế kia và phải hiểu nhau, phải gặp gỡ nhau từ ánh mắt. Có khi hoàn toàn ngược lại. Em bảo anh đi đi/ Sao anh không đứng lại/ Em bảo anh đừng đợi/ Sao anh vội về ngay/ Lời nói thoảng gió bay/ Đôi mắt huyền đẫm lệ/ Sao mà anh ngốc thế/ Không nhìn vào mắt em – là một minh chứng trong thơ.

Với B. Brecht (nhà thơ lớn người Đức), thì tất yếu của tự nhiên khác tất yếu của xã hội. Xã hội, trong có con người, tình cảm của con người là chủ thể vốn phức tạp, không rõ ràng, thuần túy như một cộng một bằng hai, hai lần hai là bốn như tự nhiên. Ý tưởng này đã làm nên một tứ thơ độc đáo:

Khi bạn tung hòn sỏi lên trời

Hòn sỏi nói tôi sẽ rơi về đất

Bạn tin hòn sỏi kia nói thật

Nếu có ai ném bạn xuống nước

Chắc chắn bạn sẽ bị ướt

Nếu có cô gái viết thư và hẹn giờ đến gặp

Thì bạn chớ vội vàng tin

Vì đó không phải là tất yếu của tự nhiên.

Với Nadimhitmet (nhà thơ lớn người Thổ Nhĩ Kỳ), tình yêu lứa đôi là Khi ta đạt tới em/ Thì ta biết nơi em là nơi không tới được bao giờ. Hình như chính cái nơi không tới được bao giờ làm cho tình yêu trở nên hấp dẫn, cao cả.

Tôi, kẻ viết bài này, cũng đã từng viết: Ôi con đường tình yêu/ Dài quá, cả đời đi không hết. Với tôi, tình yêu là vô tận, vô cùng, vô hạn, cần phải tiếp tục khám phá, trong khi đời người chỉ là hữu hạn.

Còn cụ Nguyễn Công Trứ nhà ta có hai câu lục bát viết về tình yêu thật trứ danh. Cụ gọi tình yêu là “cái tình” và triển khai “cái tình” như sau:

Cái tình lá cái chi chi

Dẫu chi chi cũng chi chi với tình.

Hai chữ “chi chi” được sử dụng đầy biến hóa. Thứ nhất, nó dùng để hỏi. Thứ hai và thứ ba, nó dùng để khẳng định. Có thể diễn nôm: Tình yêu là cái gì nhỉ? Dẫu tình yêu là cái gì thì ta cũng gì gì (hết lòng, không toan tính) với nó.

Với Ngô Thế Trường, tình yêu là những gì bí ẩn, không thể nào hiểu nổi. Bởi thế mà một năm, hai năm, ba năm, bốn năm… cho dù đã xa em, cho dù tóc của người con trai thủa nào đã bạc… nhưng ông vẫn hỏi: Vì sao anh yên em? Cứ nhắm mắt lại, ông lại nhớ một đôi mắt, một đôi môi… Cho dù đã yêu nhiều hương lúa, thương nhiều cánh đồng, nhưng ông vẫn hỏi: Vì sao anh yêu em? Có cảm giác: Ngô Thế Trường đẫ bất chấp thời gian để kiên định trước sau với câu hỏi ấy.

Đấy cũng là ý bốn khổ đầu tứ thơ Vì sao anh yêu em? của Ngô Thế Trường. Còn đây là khổ kết của Vì sao anh yêu em? thật sâu sắc:

Vì sao anh yêu em?

Vì sao anh yêu em?

Về đất sâu, còn hỏi.

Cái điểm nhấn “Vì sao anh yêu em”, thực chất chỉ là một câu hỏi, làm nên một tứ thơ, đã đem lại hiệu quả nghệ thuật không ngờ, mà trong đó, đương nhiên, câu trả lời là chưa có hoặc không bao giờ có. Và câu hỏi “Vì sao anh yêu êm?” còn đeo đẳng người viết cho đến ngày “Về đất sâu” nữa kia. Đây cũng là sự để ngỏ để người đọc cùng tham gia vào tứ thơ và đi tìm lời giải đáp tự bản thân của mỗi người. Nói theo cách nói của Chế Lan Viên thì… Bài thơ hay chỉ làm một nửa/ Còn một nửa để mùa thu làm tiếp…

Đây là một tứ thơ giản dị mà sâu sắc không ngờ. Làm thơ mà không phải làm thơ. Không làm thơ mà lại làm thơ. Tứ thơ được triển khai như không, như thể nhà thơ đã bắt được một tứ thơ rồi cứ thế mà tự nhiên nhi nhiên viết ra vậy.

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Baovannghe.vn - Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông do Đài PT-TH Hà Nội tổ chức tại Nhà Hát Lớn vào tối 13/12 với sự tham gia của Dàn giao hưởng trẻ Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Baovannghe.vn - Sáng 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Baovannghe.vn - Ban Nội chính TƯ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Baovannghe.vn - Xe máy được chỉ ra là phương tiện xả khí thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường như NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5.
Biết viết và không biết viết

Biết viết và không biết viết

Baovannghe.vn - Tôi thường dè dặt khi đưa ra các dự đoán về công nghệ, nhưng tôi khá tự tin về dự đoán này: trong vài thập kỉ tới, sẽ không có nhiều người có thể viết.