TIC TẮC - TÍC TẮC
LÊ THÀNH NGHỊ
|
Chiếc kim giây
Bé như sợi tóc
Ngắn như bước đi của kiến
Khẽ như tiếng đập tim ta
Tic tắc, tíc tắc
Khi ta trẻ, khi ta vui, khi ta vội…
Thường rất dễ bỏ qua!
Chỉ được nhớ mỗi khi ta ốm, ta đợi chờ
Mỗi khi hồi hộp
Mỗi khi đo huyết áp
Tiếng chiếc kim giây và tiếng tim đập
Thường lúc làm ta lo!
Trên mặt đồng hồ
Cái đơn vị nhỏ nhất của thời gian
Cứ âm ỉ, âm thầm, âm u
Và âm vang…
Đêm người già không ngủ.
Nhưng cái âm ỉ, âm thầm, âm u, âm vang này
Đủ để làm loài khủng long tuyệt chủng
Đủ để vùi Kim Tự Tháp xuống cát đen
Đủ để đưa ta thành bụi
Đủ để đưa hết thảy mọi điều trên thế gian
Về mo… trong tic - tắc.
LỜI BÌNH
Với tên bài thơ, có gây sự chú ý cho người đọc nhưng, đọc mấy câu thơ đầu chẳng có gì mới lạ. Chỉ là, tác giả nói về chiếc kim giây đồng hồ - ai mà không biết! Rồi, tả nó bằng phép so sánh thực, dễ hiểu: Bé như…/ Ngắn như…/ Khẽ như…, và cứ đều đều tic tắc vô thức, đếm từng khắc thời gian. Thế nhưng, đọc tới: Khi ta trẻ, khi ta vui, khi ta vội…/ Thường rất dễ bỏ qua! thì ta không thể bỏ qua được cái âm thanh rất nhỏ này nữa. Như mơ hồ nhắc ta cần lưu ý điều gì?
Đúng rồi, khi ta trong tâm trạng hồi hộp đợi chờ ai, đợi chờ điều gì, đợi chờ sự việc, đợi chờ sự kiện…, thì mới thấy từng khắc thời gian tí ti này cứ khoáy vào trí não, cứ đốt cồn cào gan ruột. Và quan trọng hơn thế, khi sức khỏe ta có vấn đề, cơ thể ta đau ốm thì, từng tic tắc rất nhỏ của áp huyết kế, từng dao động rất nhỏ của điện tim đồ… ở ngoài vùng an toàn, đều là nỗi lo sợ trong tâm thức ta - nỗi lo sợ lặng thầm về những manh nha đe dọa sự sống.
Khi ta trẻ, khi ta vui, khi ta vội… thì, thường từng giây thời gian chẳng có ý nghĩa gì, đâu cần phải lưu tâm. Nào người trẻ có mấy khi mất ngủ, có mất ngủ một đêm cũng chỉ đơn thuần trằn trọc, bực mình tí chút. Người già không (mất) ngủ đêm mới sinh đa ngẫm bởi, tuổi già là tuổi vào vùng "tri thiên mệnh", càng thức càng thấy đêm dài. Rồi, cái tiếng tic tắc - tíc tắc đều đều của chiếc kim giây đồng hồ trong đêm thanh vắng cứ quấy rầy, gây khó chịu. Nó cứ âm ỉ, âm thầm, âm u/ Và âm vang… hiện lên muôn nỗi, soi chiếu mồn một lên chiếc phông "tri thiên mệnh". Soi rõ mọi sắc màu tham - sân - si, hiển thị mọi cung bậc hỉ - nộ - ái - ố. Và hơn thế, là sự đời, sự thời, nhân thế…
Và nữa, trên cái phông “tri thiên mệnh” ấy cứ tic tắc hiện ra những giả thiết, luận thuyết (và thực tế lịch sử từng có) kinh hoàng: Nhưng cái âm ỉ, âm thầm, âm u, âm vang này/ Đủ để làm loài khủng long tuyệt chủng/…/ Đủ để đưa hết thảy mọi điều trên thế gian/ Về mo… trong tic - tắc. Đúng như lời cổ nhân: "Tích gió thành bão". Có thể xửa xưa, từng giọt nước nhỏ cứ tích tụ lại rồi thành cơn Đại Hồng Thủy làm loài khủng long tuyệt chủng? Có thể xửa xưa, từng rung chấn nhỏ tích tụ lại rồi cộng hưởng thành vụ nổ Big-bang, đốt bao sinh vật trong vũ trụ thành tro bụi? Cả vạn ngàn tic tắc thời gian, vạn ngàn hạt vật liệu tí ti cộng lại mới xây được một Kim Tự Tháp, nhưng có thể, chỉ một tic tắc mà cơn địa chấn gây ra, cơn sóng thần ập xuống cũng xóa tan lâu đài ấy nếu, nền móng, chất lượng lâu đài không đủ vững chắc?
Lần lượt hồn cốt từng câu thơ, khổ thơ được sắp xếp như những bậc thang, như góc mở dần. Từ bậc thấp nhất, góc mở nhỏ nhất, đưa trí nhận của người đọc dần dần cao hơn, rộng hơn - từ "trực quan sinh động tới tư duy trừu tượng", và ngược lại. Dùng cái cụ thể, nhỏ nhặt để biểu đạt cái khái quát, lớn lao. Bài thơ cho ta nhiều suy ngẫm, thức nhận về lẽ đời theo thuật logic học.