Trong chiến lược phát triển Văn hóa, Đảng và Nhà nước đã xác định việc phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa, con người Việt Nam. Song, thực tế cho thấy, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những đột phá về khoa học và công nghệ, cùng những biến động phức tạp của kinh tế, chính trị thế giới, đã đặt ra không ít thách thức đối với sự phát triển của thị trường văn hóa. Những thay đổi nhanh chóng trong thói quen tiêu dùng và nhu cầu thụ hưởng văn hóa của công chúng, đòi hỏi thị trường văn hóa Việt Nam phải đổi mới, sáng tạo và thích ứng linh hoạt hơn bao giờ hết.
Đại biểu tham dự Hội nghị |
Theo PGS.TS. Đinh Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, thị trường văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội, cũng như nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại một số bất cập và hạn chế cần được khắc phục.
Vì vậy, việc tổ chức Hội thảo, không chỉ là cơ hội để các đại biểu chia sẻ những kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn, mà còn là môi trường để kết nối tri thức, mở ra các hướng đi mới, sáng tạo và bền vững trong phát triển thị trường văn hóa, đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng các chiến lược phát triển thị trường văn hóa phù hợp với thực tiễn và bối cảnh của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Theo PGS.TS. Đặng Hoài Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, văn hóa là "sức mạnh mềm" của quốc gia và các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng đóng góp lớn cho GDP đất nước. Do đó, việc xây dựng chính sách phù hợp, hiệu quả để phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa là yêu cầu cấp thiết nhằm giải phóng năng lực sáng tạo và sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chính vì vậy, yêu cầu đổi mới, sáng tạo và thích ứng linh hoạt của thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa ở bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, thảo luận đưa ra được những vấn đề lý luận và giải pháp hiệu quả nhằm phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa ở nước ta theo hướng đồng bộ và toàn diện |
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã trình bày các báo cáo tham luận, tiến hành thảo luận, trao đổi những vấn đề lý luận cơ bản như vai trò và đặc điểm của thị trường văn hóa trong bối cảnh mới, đi sâu vào các khía cạnh thực tiễn như: xây dựng chính sách, vai trò của khoa học và công nghệ, mối quan hệ hợp tác công - tư, cũng như các mô hình phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo…
Ngoài ra, các tham luận cũng nhấn mạnh đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong những yếu tố then chốt để thị trường văn hóa Việt Nam có thể bắt kịp xu thế phát triển toàn cầu.
Đặc biệt, các chuyên gia đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã có những chia sẻ từ thực tiễn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, phát huy các giá trị du lịch văn hóa thông qua công nghệ số ở các quốc gia này.
BTC kỳ vọng, những quan điểm, đóng góp của đại biểu sẽ là nguồn thông tin đáng tin cậy giúp tham mưu cho các nhà quản lý, xây dựng, ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế, các doanh nghiệp có những thông tin hữu ích, giúp lựa chọn chiến lược kinh doanh hiệu quả, tránh các rủi ro và các tác động tiêu cực…