Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều tại Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V "50 năm Văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế". Ảnh Hà Phương |
Hội nghị Lý luận Phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương và Nhà xuất bản Giáo dục là hội nghị tổng kết văn học Việt Nam 50 năm qua kể từ năm 1975. Tại Hội nghị này với 43 tham luận, chúng ta sẽ có một cái nhìn vừa tổng quát, vừa chuyên sâu về những thành tựu của văn học Việt Nam 50 năm qua và về xu thế của văn học Việt Nam trong một thời đại mới.
Chặng đường 50 năm qua là một chặng đường có những bước ngoặt lớn của đất nước đã tác động rất lớn vào sự phát triển văn học Việt Nam.
Bước ngoặt thứ nhất bắt đầu từ sau ngày 30/4/1975, khi cuộc chiến tranh kết thúc và đất nước được thống nhất. Đây là giai đoạn văn học được viết trong thời bình, được viết bởi các nhà văn Việt Nam trên cùng một mảnh đất từng bị chia cắt. Cho dù các nhà văn chưa bắt kịp nhịp đi của lịch sử thì đấy vẫn là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử đất nước và trong tâm khảm của những người cầm bút. Kể từ khi chiến tranh kết thúc, các nhà văn vẫn tiếp tục viết về chiến tranh. Nhưng trong một cách tiếp cận mới và một thi pháp mới, bởi vậy đề tài về chiến tranh được khai thác từ nhiều góc độ, nhiều cung bậc, mang lại một cái nhìn đa chiều về chiến tranh nhưng vẫn tập trung vào sự hi sinh, khát vọng lớn lao của một dân tộc cho độc lập tự do, thống nhất đất nước, Bên cạnh các nhà văn quen thuộc viết về chiến tranh, là một thế hệ các nhà văn trẻ không trải qua chiến tranh nhưng mang đến một cái nhìn trung thực và đầy nhân văn về chiến tranh.
Bước ngoặt thứ hai là một bước ngoặt vô cùng quan trọng đối với đất nước Việt Nam, đặc biệt với nền văn học Việt Nam. Đó là công cuộc đổi mới của Đảng được tiến hành trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Công cuộc đổi mới đã tác động sâu sắc vào sự sáng tạo của các nhà văn Việt Nam, nó mở ra một biên độ rất rộng về đề tài, về đối tượng, về thi pháp và tư tưởng. Có thể nói một thời đại mới của văn học đã bắt đầu được sinh ra cùng những tác phẩm đóng góp thực sự vào một tầm cao mới của văn học Việt Nam. Công cuộc đổi mới cũng cho chúng ta định giá lại một cách chính xác và công bằng những tác giả, tác phẩm văn học mà một thời với những lý do cần thiết của lịch sử chúng ta chưa có một đánh giá chính xác. Bởi thế những tác giả, tác phẩm đích thực của nền văn học Việt Nam đã được công bố, tái công bố, khẳng định và tôn vinh.
Bước ngoặt thứ ba là một bước ngoặt được mở ra khi đời sống chính trị của Việt Nam hoà nhập vào đời sống chính trị chung của thế giới. Lúc này văn học có thể nói đã trở lại đầy đủ với bản chất nguyên vẹn của nó, đây là giai đoạn những vấn để của nội dung, của thi pháp, của tư tưởng tác phẩm đã có những bước đi chung trong dòng chảy của văn chương thế giới. Và cũng từ đó, một xu thế mới của văn học Việt Nam đã xuất hiện.
Hội nghị Phê bình Lý luận lần này sẽ mang tới một cái nhìn khoa học, có tính lịch sử, có tính tổng kết cũng như phác thảo một diện mạo văn học Việt Nam trong những thập kỷ tới của đất nước. Hội nghị một lần nữa khẳng định và tôn vinh những giá trị đã có của văn học Việt Nam 50 năm qua, đồng thời cũng là sự chào đón một thời đại mới của văn học Việt Nam như chúng ta từng chờ đợi.
Chúc hội nghị thành công.
Xin trân trọng cám ơn.