Chuyên đề

Nhớ “tiếng” chợ quê. Tản văn của Ngọc Chi

Ngọc Chi
Văn học địa phương
15:00 | 26/11/2024
Baovannghe.vn - Tôi nghiện cái “tiếng”, cái không khí của chợ quê. Ồn ã, tiếng người, tiếng gà, mèo, lợn, chó, v.v… huyên náo cả một vùng.
aa

Từ nhỏ, tôi đã yêu thích không khí của chợ quê. Chợ quê là thế giới đầy ắp những điều mới lạ với một đứa trẻ như tôi. Thường lúc nào có dịp thực sự đặc biệt, tôi mới được mẹ cho đi chợ cùng. Đó là vào dịp đầu năm học mới, mẹ dẫn tôi đi mua đồ chuẩn bị cho việc đi học trở lại sau ba tháng nghỉ hè, hoặc phiên chợ Tết. Cũng có khi mẹ phá lệ, chẳng vì dịp gì nhưng vẫn chở tôi đi chợ, có lẽ mẹ hiểu được niềm vui sướng của tôi mỗi lần được đi chợ. Suốt cả đêm hôm trước, tôi cứ háo hức, sung sướng, một nỗi sung sướng âm ỉ như chực trào ra. Tôi nằm thao thức không ngủ được, sợ ngủ quên không kịp dậy sẽ lỡ mất buổi chợ với mẹ. Thấy tôi cứ loay hoay mẹ doạ:”Không ngủ mai sẽ không cho đi chợ nữa”. Tôi nhắm mắt ngay, nhưng đầu óc thì không ngừng mơ tưởng về phiên chợ ngày mai.

Nhộn nhịp chợ quê. Ảnh: Nguyễn Đạo.
Nhộn nhịp chợ quê. Ảnh: Nguyễn Đạo.

Cái chợ quê mà tôi háo hức kia nào có to tát gì, chỉ là những dãy lều lợp mái rạ, tranh tre, nằm lúp xúp trên một khoảng đất trống. Nhưng với tôi, một bé con, thì đó là cả một thiên đường.

Mẹ cầm tay tôi, nhưng tôi chỉ chực thoát khỏi mẹ để đến được hàng tò he thoả ước ngắm nhìn cụ già tay thoăn thoắt vê, nặn bột. Và rồi một thế giới màu sắc hiện ra trước mắt tôi: là chú gà trống có cái mào đỏ tươi, là Tôn Ngộ Không với gậy Như Ý, là cô Tiên váy xanh váy đỏ… Càng mê nữa khi bên cạnh những chú tò he ngộ ngĩnh là hàng kẹo bột mà ở quê tôi gọi là kẹo “ở lổ”, hàng bánh rán, bánh đúc… với những lời mời chào của các o, các bà. Cảm giác lúc đó tôi có thể ăn hết những món trong hàng quán đó. Rồi mẹ cũng tìm được tôi sau khi đã mua những thứ cần thiết, mẹ kéo tôi đến hàng áo quần, miệng không ngừng càm ràm vì cái tội hay chạy lung tung của tôi. Tôi không khoái áo quần mới lắm, cứ đứng ưỡn ra cho mẹ ướm thử. Bởi trước mắt tôi giờ chỉ có mấy hàng tò he, bánh rán đang nhảy múa, mời gọi… Mẹ tôi là một người phụ nữ tằn tiện, tằn tiện đến khôn cùng với bản thân mình nhưng lại rất hào phóng với chồng con. Cuối buổi chợ, bao giờ mẹ cũng mua cho tôi một con tò he, một đùm kẹo “ở lổ” để về chia cho anh chị ở nhà. Thế là tôi vui sướng suốt đường về nhà và cả những ngày sau đó, rồi lại háo hức cho phiên chợ tiếp theo.

Thỉnh thoảng, tôi được mẹ nhờ đi chợ khi mẹ bận việc gì đó. Tôi tự hào lắm, bởi bọn con nít trong xóm mấy ai được như tôi, mấy ai được hùng dũng ra chợ một mình như tôi. Vui nhất là khi đến chợ sẽ được các bà, các o, các mự xuýt xoa: “Con bé ni còn nhỏ mà đã đi chợ giúp mẹ rồi nhỉ”, dù thực ra tôi chỉ ra lấy thức ăn chỗ hàng quen mẹ đã dặn từ trước. Nhưng vẫn thấy hãnh diện vô cùng.

Tôi nghiện cái “tiếng”, cái không khí của chợ quê. Ồn ã, tiếng người, tiếng gà, mèo, lợn, chó, v.v… huyên náo cả một vùng. Chợ quê, nên hầu như mọi người biết nhau, người mua lẫn kẻ bán. Chợ quê, nhà có gì thì bán nấy, đôi khi phải tranh thủ đem hàng ra chợ bán xong còn kịp về ra đồng. Chợ quê, gặp nhau, mời chào cũng kịp kể dăm ba câu chuyện. Chợ quê là nơi lan truyền những chuyện trong làng, ngoài xã, có khi là những câu chuyện kể dở từ phiên họp trước… Có lẽ, không riêng gì tôi, rất nhiều người thích không khí ấy.

Ngày trước, ở xóm tôi, các bà hay rủ nhau đi chợ sớm. Thường đã hẹn từ tối qua, khi ngồi quanh ấm nước chè xanh. Sáng mai, mới tinh mơ đã nghe các bà í ới gọi nhau đi chợ. Họ đi từ khi mặt trời còn đang ngái ngủ. Các bà đi bộ, mỗi bà đội một cái thúng trên đầu, vừa đi vừa trò chuyện ríu ran. Hôm nào có phiên chợ là bà nội tôi lại đội thúng đi, lúc về đã thấy mấy đứa cháu đứng đợi ở sân nhà. Chúng tôi biết kiểu gì bà cũng mua quà cho chúng tôi, khi gói kẹo chanh, lúc cái bánh rán. Cảm giác mong ngóng bà hay mẹ đi chợ về vẫn như còn nguyên vẹn trong tôi. Cái thúng của bà nội, trên cùng đậy tấm lá chuối. Khi bà về đến nhà, đỡ cái thúng xuống, chúng tôi hồi hộp nhìn theo bàn tay bà lấy tấm lá chuối ra. Hình như bà biết lũ chúng tôi háo hức đến nhường nào nên thường bà sẽ làm rất từ từ, vừa làm vừa mắng yêu: “Cha cha cái lũ chỉ chực ăn quà là giỏi”. Khi chúng tôi lớn lên, bà đã già rồi, không còn sức đội thúng đi chợ nữa. Mỗi lần tôi sang chơi, bà đều hỏi hôm nay con có đi chợ không. Bà ngong sáng ra đã mây mù thì lắm cá tươi lắm đây. Vừa đưa trầu cau cho bà tôi vừa nói, cá tươi nhiều lắm bà ạ. Bà cười móm mém, nhìn xa xa. Chắc bà nhớ chợ…

Những món hàng dân dã được bán ở chợ quê. Ảnh: Nguyễn Đạo.
Những món hàng dân dã được bán ở chợ quê. Ảnh: Nguyễn Đạo.

Thường chợ quê họp theo phiên, ngày lẻ hay chẵn tùy chợ, có khi tháng chỉ họp 5 phiên (ngày 1, 9, 15, 21, 28) theo lịch âm, chứ không như bây giờ, ngày nào cũng có chợ. Hình như, cái gì thiếu thốn mới đánh thức nhiều cảm xúc trong con người nên tôi mới nhớ chợ quê nhiều đến vậy.

Lớn lên, khi có dịp đến một vùng đất mới, điều mà tôi muốn khám phá đầu tiên là chợ của vùng quê đó. Nhìn vào chợ là thấy được cung cách sống, điều kiện kinh tế và cả tính cách của con người nơi đây. Bất cứ ở đâu trên dải đất hình chữ S này, chợ quê đều đem đến cho tôi cảm giác thật gần gũi, thân quen.

Cuộc sống ngày càng phát triển, hàng quán, siêu thị cũng nhiều hơn, chợ quê đã dần dần mất đi. Con người quen với sự đủ đầy, tiện lợi. Cuộc sống vội vã, cuốn mọi người vào guồng quay của nó, chẳng mấy còn ai có thời gian vừa đi chợ vừa thẩn thơ nhìn ngắm nữa. Rồi đây, chợ quê, có lẽ chỉ còn trong ký ức của tôi và những ai trót đa mang với nó.

Tôi nhớ cái chợ quê nhỏ bé của tôi. Nhớ tiếng lao xao mua bán, nhớ tiếng mời chào, tiếng cười đùa, cả những tiếng ồn ã cãi cọ giữa những người đi chợ. Đủ mọi cung bậc cảm xúc mà tôi gọi đó là thanh âm, là “tiếng” chợ quê. Hơn hết thảy, tôi nhớ mẹ – người đã cùng tôi đi bao phiên chợ quê, đã cho tôi một tuổi thơ lóng lánh sắc màu. Không biết nơi mẹ đến, có cái chợ quê nào cho mẹ nữa không!?

Nguồn Tạp chí Sông Lam

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Baovannghe.vn - Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông do Đài PT-TH Hà Nội tổ chức tại Nhà Hát Lớn vào tối 13/12 với sự tham gia của Dàn giao hưởng trẻ Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Baovannghe.vn - Sáng 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Baovannghe.vn - Ban Nội chính TƯ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Baovannghe.vn - Xe máy được chỉ ra là phương tiện xả khí thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường như NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5.
Biết viết và không biết viết

Biết viết và không biết viết

Baovannghe.vn - Tôi thường dè dặt khi đưa ra các dự đoán về công nghệ, nhưng tôi khá tự tin về dự đoán này: trong vài thập kỉ tới, sẽ không có nhiều người có thể viết.