Sáng tác

Bờ Trăng vẫn gió. Truyện ngắn dự thi của Hà Thanh Tú

Hà Thanh Tú
Truyện
11:00 | 27/11/2024
Baovannghe.vn- Bờ Trăng, xã lưng dựa vào núi Cố, trông ra cái vịnh biển được tạo tác bởi hai nhánh núi, mấy năm gần đây có ông chủ tịch xã như thế. Ngữ tuổi ngoài bốn mươi, to cao, mặt chữ điền, lông mày rậm, mắt sáng, sống một mình trong căn nhà trên triền thấp của núi như nhiều nhà dân trong xã.
aa

Xuống hết bậc thang cuối để ra khỏi cơ quan, Ngữ nghe cô văn thư gọi giật:

“Chú, có cô kia đợi chú mấy giờ đồng hồ. Cổ mới về lúc nãy, nói là lên thành phố, hôm sau quay lại”.

Ngữ chựng chân lại. Chiều nay, Ngữ dự cuộc họp đánh giá công tác tuần kéo dài trong nhiều giờ, cũng như vừa kết thúc cách đó vài phút. Ngữ không muốn họp dài, song chẳng cách nào thoái thác họp vì đều là những vấn đề liên quan đến địa phương mà chủ tịch xã như Ngữ cần phải đưa ra bàn bạc, quyết định. Đã có những lúc họp nhiều quá, Ngữ mệt và chán nhưng chẳng biết làm gì vì ai đó nói rồi: trong các cấp chính quyền, cấp cơ sở như lu nước, hứng bao nhiêu cũng chẳng đủ. Ngữ hỏi thêm cô văn thư về người chờ mình. Cô nói:

“Tuổi ngoài bốn mươi da trắng. Sang trọng lắm chú, như Việt kiều ấy!”

Đến đây Ngữ biết người chờ mình là Hạnh. Ngữ gật đầu, cảm động vì sự thân tình của người dưới quyền, trước khi theo con đường nhỏ men triền núi về nhà. Ngữ đang độc thân. Giờ này, Ngữ có thể tìm vui với bạn bè ở mấy cái quán, song anh thích nghỉ ngơi sau giờ làm việc, bởi vậy về nhà là ưu tiên số một của Ngữ.

Bờ Trăng vẫn gió. Truyện ngắn dự thi của Hà Thanh Tú
Minh họa Phạm Hà Hải

Bờ Trăng, xã lưng dựa vào núi Cố, trông ra cái vịnh biển được tạo tác bởi hai nhánh núi, mấy năm gần đây có ông chủ tịch xã như thế. Ngữ tuổi ngoài bốn mươi, to cao, mặt chữ điền, lông mày rậm, mắt sáng, sống một mình trong căn nhà trên triền thấp của núi như nhiều nhà dân trong xã. Lần nào về tới nhà, trong khi chờ ráo mồ hôi, Ngữ hay trông xuống mặt vịnh, chứng kiến mọi hoạt động diễn ra bên dưới, từ cái màu nước hanh hao, đỏ sậm pha chút vàng chuyển sang xám sậm khi trời chiều hoàng hôn; cảnh người đi lại, chuẩn bị đi biển đêm… rồi mới tắm táp, nấu nướng, ăn uống, đọc vài trang sách… cho tới lúc ngủ. Thói quen nhìn ra mặt vịnh lâu nay giúp Ngữ dần khám phá ra vẻ đẹp tiềm ẩn, thu hút của nơi mình đang sống. Như người thợ kim hoàn khám phá vẻ đẹp của một viên ngọc, thấy ở viên ngọc những điều mà ít người liên tưởng, cảm nhận được. Đầu tiên là tên gọi Bờ Trăng. Người xưa, chính xác là những người đi biển miền Trung, khi nương gió đưa thuyền vô Nam đánh bắt đã khám phá ra cái vịnh lắm cá, quyết định lưu lại lập làng. Rồi chính họ thấy rằng, vào mỗi mùa trăng, hai nhánh núi Cố như hai cái bờ nhốt trăng lại, làm nước vịnh sáng linh lang nên đã gọi nơi họ định cư bằng cái tên đầy hình tượng, gợi cảm dù nhiều người trong họ thất học. Họ- những người cảm nhận được vẻ đẹp của tự nhiên với sự nhạy cảm trong máu thịt. Bờ Trăng thành cái tên gây ấn tượng với nhiều người là thế. Thứ hai, núi Cố, ngọn núi chạy dọc biển mấy chục cây số, đỉnh núi bốn mùa mây phủ như bức tường thành kiên cố, uy nghi, trầm tĩnh, tạo nên khí chất, dung chứa và khép kín của người Bờ Trăng. Người Bờ Trăng sẵn sàng nhận người nơi khác tới, sống tương thân tương ái trước thiên nhiên, song cũng đơn độc, xa cách với thế giới phồn hoa đô hội. Người Bờ Trăng như núi, như biển bao la trong tính cách của mình. Ngữ lâu nay nghĩ về điều đó và không khỏi có chút tự hào, thay vì mặc cảm là người của núi rừng xa cách.

Chiều nay trông ra vịnh, nhưng khác mọi ngày, Ngữ không cảm thấy ấn tượng trước những con thuyền đang trong trạng thái uể oải, mơ ngủ trước đó bỗng chốc choàng thức dậy, hối hả, lao xao, giòn tiếng máy, bắt đầu ra khơi… mà lại nghĩ nhiều đến Hạnh. Hạnh hiện lên lộng lẫy và thu hút. Chà, cái cô này làm mình cứ phải suy nghĩ! Ngữ biết, Hạnh muốn nắm thông tin dự án đầu tư vào Bờ Trăng, song lúc này thật tình, chưa có câu trả lời. Một mình Ngữ không thể quyết định. Nếu Ngữ bạo phổi quyết định tất, việc thành, địa phương được lợi thì không nói gì, ngược lại, sẽ là lời ong tiếng ve đầy tai, bao phiền toái đi theo. Thận trọng là không thừa, cho dù chẳng phải lúc nào nó cũng được người bên ngoài, người trong cuộc hiểu đúng, chia sẻ. Ngữ thở hắt ra. Vài ngày tới, Ngữ phải họp thành viên uỷ ban, kết luận về dự án của Hạnh.

Kể ra sự xuất hiện của Hạnh ở Bờ Trăng, việc cô ấy chờ đợi anh trong nhiều giờ gây cho Ngữ những xúc cảm, cùng bao kỉ niệm sống dậy một cách mãnh liệt. Thoạt tiên là những năm tháng ấu thơ. Bờ Trăng khi ấy là làng đánh cá biệt lập với bên ngoài. Mở mắt ra thấy núi, thấy biển. Con trai, con gái thất học. Con trai học đi biển khi giọng bắt đầu vỡ; con gái phụ mẹ xẻ cá, đỡ đần công chuyện chờ đến tuổi lấy chồng. Bởi vậy, khi anh Út ngoài hai mươi tuổi đỗ tú tài, từ Quảng vào Bờ Trăng, có ý định mở lớp dạy học, tức khắc cả làng xôn xao, là cơ hội để con em họ biết chữ. Ngữ và nhỏ Hạnh được người lớn dắt tay đến lớp, chung một bàn.

Lớp học ngày hai buổi. Cả lớp gọi người dạy mình bằng anh thay vì thầy. Khi nửa cuốn vở đầu tiên của bọn Ngữ đầy chữ thì đúng mùa trăng rằm. Lần đầu tiên thấy ánh trăng ẩn mình mơ màng diễm tuyệt trong sương núi, anh Út bỗng dưng thương bọn nhỏ trong vịnh. Ở cái thế giới biệt lập này chúng thiếu đủ thứ. Út hỏi cả lớp có chơi trăng bao giờ, chúng đều ngơ ngác. Nỗi ngơ ngác ngây dại vì thông lệ ở đây: mùa trăng đàn ông nghỉ biển, nhưng đàn bà con gái phải tranh thủ trăng vá lưới đến khuya. Anh Út dặn bọn trẻ:

“Tối nay, các em tập trung tại nhà anh. Nhớ tắm rửa sạch sẽ. Xin phép cha mẹ đàng hoàng”.

Từ lúc đó, bọn trẻ chỉ mong đến giờ tập trung. Hạnh rủ Ngữ đi cùng. Ngạc nhiên thay, đứa nào cũng quần áo tươm tất, khác hẳn khi chúng đến lớp. Đám học trò rồng rắn đi trên cát theo chân anh Út. Chân chúng xới tung, nhoà nát mặt bãi đang mát dần về đêm. Biển phía trước, ì oạp sóng vỗ. Khi còn cách mép nước chục bước chân, chúng được lệnh ngồi xuống. Mỗi đứa nhận cục xôi ngọt nấu đường đen Quảng Nam với mè đen trong giỏ xách anh Út mang theo. Quay về chúng, anh Út nói át tiếng gió:

“Đêm nay chúng ta thưởng trăng. Cùng giờ lúc này, trong các thành phố, thị xã, nhiều em đang rước đèn Trung thu, phá cổ. Đêm nay là tết trăng rằm. Anh mong các em có một kỉ niệm đẹp. Các em nhìn trăng đẹp không? Em nào kể cho các bạn nghe về cô Hằng Nga. Không kể thì hát...”.

Nhưng rồi, năm phút, mười phút qua, không cánh tay nào giơ lên. Anh Út tiếp:

“Trong khi chờ các em, anh kể chuyện trước vậy. Theo nhiều tài liệu, ngoài cửa vịnh của chúng ta vài trăm mét, đáy biển bằng phẳng, rất nhiều cỏ biển. Cỏ biển là thức ăn ưa thích của cá cúi hay bò biển. Nơi nào nhiều cỏ biển, cá cúi hay tìm tới”.

Anh Út cao giọng, tiếp:

“Em nào thấy bò biển rồi? Bò biển thân to, da dày, đuôi nằm ngang như mái chèo. Những đêm trăng như đêm nay, bò biển lên các mỏm đá ven bờ đùa giỡn. Trông xa, tưởng như nàng tiên cá. Tuyệt không các em? Các em hãy tự hào về quê hương mình. Một nơi hữu tình, phong phú động, thực vật biển…”. Ngữ và Hạnh say sưa lắng nghe anh Út, quên rằng một trong hai đứa tựa đầu vào vai đứa kia.

…Anh Út từ giã bọn Ngữ khi chúng vừa biết ráp vần, biết viết. Anh đi học đại học trong Sài Gòn.

Từ hôm Hạnh không còn đi học, ông Tư Hường, ba Hạnh, người có cái thuyền hai mươi ngựa, muốn Hạnh giúp mẹ muối thêm lu mắm, phơi nhiều cá xẻ, chờ dăm bữa nửa tháng đi thuyền vô chợ thành phố bán. Hạnh vì vậy suốt ngày áo quần đầy mùi mắm, cá. Ngữ muốn nói chuyện gì với Hạnh phải tới nhà, nhưng chỉ chốc lát, bởi Ngữ phải chăn một đàn dê núi cho gia đình.

Trẻ Bờ Trăng như cây rừng lầm lũi lớn lên.

Một buổi chiều đầu tháng Năm, sau khi con dê đầu đàn vô chuồng rồi, Ngữ theo triền núi xuống nhà Hạnh ở cửa vịnh. Ngữ có chuyện kể với nhỏ. Buổi sáng đang băm băm leo núi, con dê đầu đàn bỗng nhiên kêu be be riết róng như có sự bất thường. Có trăn núi? Ngữ tự nhủ. Trăn núi dài mười mấy thước, nuốt nguyên con bê là chuyện chẳng lạ. Con dê ắt khiếp sợ trăn núi? Ngữ bươn lên phía trước, tay cầm chiếc câu lim dài, bổ bổ trước đầu con dê đầu đàn, như là một cách chống đỡ trước trăn. Bất ngờ, tiếng nói trầm trầm, cất lên sau tảng đá:

“Chú nhóc. Bọn anh đây. Đừng có la!”.

Một người mặc quần áo màu cứt ngựa, vai mang ba lô đứng lên liền đó. Tiếp theo, hai người khác. Người đầu tiên đứng lên hỏi nhà ông Tư Hường.

“Ông đó bà con với anh. Phiền em giúp”.

Ngữ nghĩ bụng: Người này hỏi ba Hạnh. Không chỉ, sau này con nhỏ nói ích kỉ. Ngữ chỉ con đường nhỏ đi xuống, nói thêm:

“Nhà sát biển là nhà ổng”.

Khi Ngữ tới nhà Hạnh, ba người hỏi đường ban sáng tập trung nấu cơm. Hạnh và ôngTư Hường có mặt ở đó. Người hỏi đường ôm vai Hạnh, chậm rãi nhưng đầy nghiêm túc nói với ông Tư Hường:

“Em không muốn anh và cháu khổ, nên phải quyết định”.

Ngữ chờ họ nói chuyện một lúc, ngoắc Hạnh ra cách nhà một quãng, hỏi gặng:

“Ông đó là chú Hạnh hả?”

“Chú út em. Chú leo núi về đây. Chú nói chẳng còn biết chạy đâu, ngoài việc tìm ba.”

“Sao lại chẳng biết chạy đâu? Sao lại leo núi?”

“Ba Hạnh nghe đài phát thanh nói, miền Trung vỡ trận trước bộ đội cách mạng rồi. Lính VNCH, mạnh ai nấy chạy. Mà thôi, ba Hạnh dặn ai hỏi gì cũng nói không biết”.

Hạnh lắc đầu, nghiêm túc. Ngữ làm mặt giận: “Không nói thì thôi!”. Trên đường về nhà bụng Ngữ tưng tức, định bữa sau hỏi tiếp Hạnh về ông chú.

Thời điểm đó mưa núi sắp về. Đàn dê cần thức ăn trong những ngày không lên núi. Ngữ phải cắt cỏ dự trữ. Có cỏ đàn dê mắn đẻ, nhà Ngữ có cái sống.

Mất một tuần Ngữ không gặp nhỏ Hạnh. Khi Ngữ rảnh rang tới, nhà Hạnh đã đóng cửa. Người lớn nói:

“Cả nhà ông Tư Hường đi rồi. Vượt biển với ba người lính. Trước khi đi, họ hút hết dầu mấy thuyền gần đó để không ai đuổi theo được”.

Ngữ cay cay ở mắt, sống mũi. Trong phút chốc, Ngữ giận con nhỏ Hạnh vô kể!

…Ngữ trở thành chủ tịch xã mấy năm gần đây. Bờ Trăng được thành phố xác định: giàu tiềm năng du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng. Một con đường ô tô mở men núi tới trung tâm xã. Đường tới đâu, người ta dựng nhà chiếm đất, mở homestay, nhà khách tới đó. Vào đầu thời điểm cấp trên xác định khai thác du lịch Bờ Trăng, Ngữ được yêu cầu đi học thêm và rồi anh lấy được bằng cử nhân kinh tế.

Năm ngoái, lúc bắt tay xã giao trưởng đoàn du khách, Ngữ sững sờ trước đường nét quen thuộc của người phụ nữ đeo kính trắng. Hai lúm đồng tiền sâu trên khoé miệng, cái nút ruồi son trên mí mắt phải. Ngữ chậm rãi:

“Hạnh phải không?”

Người kia hai hàng nước mắt lăn dài trên má, nghẹn ngào:

“Em đây”.

Rồi Hạnh ôm chầm Ngữ khi mà còn cách nhau một khoảng.

“Tới Mỹ một thời gian, em viết thư cho anh. Song đều là những lá thư không được gởi đi vì Bờ Trăng là một điểm rất nhỏ trên hành trình thư từ nước ngoài về Việt Nam. Và cho dù ai đó có muốn giúp phải đợi những con thuyền từ Bờ Trăng đi bán cá trong thành phố, mới chuyển thư. Thời đó, nước ngoài lại là tư bản nữa, là cái gì đáng sợ với không ít người trong nước mình. Người ta sợ không ít thứ từ thế giới tư bản sau năm 75, nên người nhận thư dễ được cho “đội chiếc mũ”. Em chỉ còn biết gói kỉ niệm về anh; về những buổi sáng mai ngọt ngào khi chúng ta đến lớp; đêm trăng lần đầu tiên chúng ta thưởng trăng… trong những giấc mơ, những lá thư cất trong chiếc hộp thường xuyên khoá kín, mà ngay cả chồng em cũng khó đọc được. Em là thế. Em không phụ rẫy người gắn bó với mình, nhưng niềm riêng, khó chia sẻ”.

Hạnh kể lúc họ ngồi trong quán ăn cạnh cửa vịnh do Ngữ chủ động mời, nhằm giới thiệu một Bờ Trăng có nhiều thay đổi. Biển sáng lấp lánh vì mặt trời chiếu xiên. Những con thuyền đánh cá ở xa, gợi nhớ con thuyền nhà Hạnh. Một ngày đã xa lắm rồi, trước cả khi anh Út mở lớp dạy học, Ngữ có lần cùng Hạnh đi bán sản phẩm trên con thuyền. Cả hai ngắm trời, ngắm biển, ngắm núi khi thuyền chạy và rồi Hạnh đặt một tay lên vai Ngữ:

“Thích ghê. Em thích đi đâu cũng có anh. Đi với anh!”

Không biết Hạnh quên hay còn nhớ? Hạnh tiếp nối câu chuyện:

“Sang Hoa Kỳ, em tập trung học, ra trường, rồi đi làm... Còn anh, nói em nghe mấy đứa rồi?”.

Ngữ cười hồn nhiên, tỉnh rụi: Vẫn “lính phòng không”. Hạnh sửng sốt, hồ nghi:

“Thật chứ? Sao… vậy anh?”

Một cái nhếch mép nhẹ nhàng ở Ngữ. Bao năm qua, không ít cô gái để Ngữ chọn lựa. Mấy lần đi họp trên tỉnh, Chủ tịch thành phố, cấp trên, người quen lâu nay của Ngữ, có cô cháu tốt nghiệp đại học, dễ nhìn, đứng ra làm mối. Nhưng Ngữ từ chối khéo. Đôi khi Ngữ nghĩ về Hạnh, không biết cô ở chân trời nào, cuộc sống ra sao? Có bao giờ cô nghĩ, hoặc hình dung về một quê hương ven biển nơi sinh ra, lớn lên?

“Anh còn nhớ chỗ mình thưởng trăng? Em muốn ngồi lại nơi ấy”.

Hạnh hỏi khi hai người đi dạo trên bãi.

“Khi ra đi, em 12 tuổi. Anh hơn em một tuổi. Tuổi ấy biết ít nhiều rồi”.

Hạnh nhắc. Vài sợi tóc Hạnh bay vướng mặt Ngữ. Ngữ nói chắc nịch: “Nhớ chứ. Những năm em bặt tin tức, mùa trăng anh hay ra đó. Có những đêm, chỉ anh, trăng và bãi bờ”.

“Đừng kể nữa anh,… em khóc đó!”

Giọng Hạnh thấp, nhỏ trước khi rủ rỉ.

“Ở nước ngoài, không ít lần đứng trước biển, em nghĩ về anh. Có đêm vợ chồng em đi dạo bên bờ biển Cali. Lúc ấy em nghĩ về Bờ Trăng, về con đường lưng chừng núi, nghĩ tới anh đi con đường đó, nghĩ tới con cá cúi, các nàng tiên cá. Dường như tất cả những gì không mang theo được em đều nhớ. Em nghĩ cuộc ra đi có phải là định mệnh? Nếu là định mệnh, em có cãi số được để một lần quay về, nhìn thấy anh; cũng như tự hỏi: anh có còn ở đó? Em nghĩ, mỗi con người có đời sống riêng không ai giống ai. Như em đây, sống ở nước ngoài, tiếp xúc với văn minh, nhiều nền văn hoá, nhưng vẫn yêu quê mình. Em là đứa không muốn chối bỏ gốc gác, nguồn cội mình. Khuya đó, em mang hình ảnh anh vào giấc ngủ, nên khi chồng em đòi gần gũi, em thấy sẽ gượng gạo, nếu im lặng. Chồng em từ lâu mong con, thoả thuận đặt tên con theo ý em. Có lẽ sự từ chối với cái lý do không xác đáng làm anh ta khó ngủ… Sáng ra, anh ta bảo em mơ, rồi hỏi Ngữ là ai? Em giải thích. Anh ta giữ thái độ im lặng. Vài lần sau đó, bằng cách nào đó anh ta mở được cái hộp thư khoá kín. Ngọn lửa bùng lên từ đó. Nhiều tháng anh ta không gần gũi em, không chờ nhau về ăn chung, không hỏi em đi đâu. Tụi em cãi nhau nhiều lần. Thời điểm đó, em nghĩ thấy tội cho người chung sống với em, bởi lẽ, cái sự nghĩ của em dành cho anh những ngày ở Mỹ là tình cảm sáng trong của hai đứa trẻ lớn lên trên quê hương, có nhiều điểm đồng cảm, nhiều kỉ niệm. Đó chưa phải là tình yêu trai gái. Nếu tình yêu trai gái, ba em có buộc, chú em gào thét, hăm doạ em không bỏ anh mà đi. Em đâm giận thói ích kỉ của người em gọi là chồng, cả trách mình khi xưa vội vàng trong hôn nhân. Em giải thích nhiều, anh ta vẫn không nghe. Cuối cùng tụi em li dị. Em trở lại những ngày tháng đơn độc. Lấy công việc làm vui. Và rồi, nhiều đêm giữa hai giấc ngủ, hình ảnh anh hiện ra thường xuyên. Nó thúc giục em trở về với một câu hỏi anh đang làm gì và như thế nào? Ngữ nói đi: Ngày em đi rồi anh làm gì? Sao anh không ra thành phố mà ở đây?”.

Từ lúc nào, Hạnh ngả đầu vào vai Ngữ. Mùi hương tóc thoang thoảng. Lần đầu tiên trong bao năm, Ngữ cảm nhận hương tóc Hạnh, mùi thơm da thịt Hạnh. Nắm lấy tay Hạnh lúc này nghĩa là nói với cô ấy, bao năm qua Ngữ mong Hạnh quay về! Ngữ nhìn sang Hạnh. Đúng lúc đó sau lưng họ, có tiếng người nói rồi tiếng bước chân thậm thịch, cùng ánh đèn pin. Ngữ giải thích:

“Người ta đi bắt còng bán cho mấy nhà hàng quanh đây. Người các nơi tới Bờ Trăng đều thích món cháo còng.”

Hạnh thấy cần đứng lên. Cô nói nhỏ:

“Mình đi dạo thêm một chút rồi về anh!”

Đêm đó trước khi về chỗ ở, Hạnh kể có mấy lần gặp anh Út.

“Thầy ấy du học và hiện là giáo sư Viện Hải dương học. Thầy đang làm việc trong cơ quan Liên Hợp quốc chuyên về môi trường tại Việt Nam. Trước khi về đây, em có gọi cho thầy. Để rồi em gởi anh số điện thoại của thầy.” - Hạnh nói.

Hạnh về Bờ Trăng lần thứ hai, thuê nhà dân ở qua tuần. Hàng ngày, Hạnh đi dọc bờ biển vài cây số, chẳng biết làm gì? Người trong uỷ ban báo cáo. Ngữ hỏi khéo Hạnh:

“Công việc em ra sao? Đi về nhiều, liệu có ổn?”.

Hạnh điềm nhiên:

“Em làm việc cho tập đoàn du lịch Hong Kong. Nhân về thăm quê, tập đoàn yêu cầu em tìm hiểu du lịch Bờ Trăng. Tập đoàn đã xin đầu tư du lịch ở quê mình. Em có nhiệm vụ tìm hiểu thêm một số thuận lợi khi triển khai dự án”.

“Em muốn tìm hiểu từ cửa phía trái vịnh đổ lên phía Bắc?”

Ngữ ngắt lời. Hạnh tròn mắt:

“Anh biết à? Có vài tập đoàn, công ty cũng muốn vào ngay chỗ ấy. Nhưng Chủ tịch thành phố hứa ủng hộ tập đoàn em. Về mặt địa phương, anh giúp nhé?”

Vẫn cái quán view biển họ ngồi lần đầu. Vẫn chiếc bàn cũ, nhưng lần này, thay vì thoải mái lại có chút lấn cấn trong Ngữ. Ngoài cảnh hữu tình, quê Ngữ còn có gì nữa mà nhiều nhà đầu tư muốn vào? Có vài chủ đầu tư đề nghị Ngữ dành cho cuộc gặp riêng. Họ nhờ Ngữ bắc một nhịp cầu. Nhịp cầu thật ư? Hay đó chỉ là cách nói để sau đó lợi lộc trao về? Một cách chạy dự án! Ngữ từng nghe chuyện, cũng vì chấp thuận chạy dự án, một ông Bộ trưởng nhận tới mấy triệu đô la để sau đó ngồi tù. Họ chắc không chạy Ngữ đến mức đó. Ngữ rất sợ cái cảnh sáng sáng sau tiếng kẻng, tự mình phải đi đổ bô. Một phút yên lặng trôi đi, Hạnh nhìn Ngữ, ánh mắt xao xuyến:

“Dự án thành công, em về đây luôn. Em không còn tha thiết khi đi xa nơi mình lớn lên”.

Thêm bất ngờ với Ngữ. Ngữ xoa hai bàn tay, khẳng định về mặt cá nhân, ủng hộ Hạnh khi dự án mang lại sự phát triển địa phương. Hạnh khẽ chạm tay vào má Ngữ, khích lệ:

“Tập đoàn em vào được Bờ Trăng, những triền núi quê mình sẽ thành thiên đàng nghỉ dưỡng. Du khách nước ngoài khắc đổ xô tới. Lúc đó, anh chỉ cần cái homestay trên triền núi sẽ sống tốt”.

Hạnh lại chồm người qua chiếc bàn nhỏ giữa hai người, gỡ cọng dương khô vướng trên tóc Ngữ. Lúc ấy, nom Hạnh trẻ hơn tuổi bốn mươi của mình…

…Ngữ nói với cô văn thư có chút việc riêng vắng mặt tại uỷ ban xã, rồi theo con đường nhỏ ra cửa vịnh, từ đó ngược lên phía Bắc. Đây là nơi Hạnh hay lui tới. Ngữ cần tự mình kiểm tra trước khi mở cuộc họp, lấy ý kiến đề nghị lên cấp trên về dự án của Hạnh. Đoạn này, chân núi soài ra thành một bãi bằng phẳng, có nhóm đá bảy màu sát mép nước. Dọc theo triền núi lớp lớp những hòn đá hình thù kì dị: ông mặt dài, con cá, con tôm,.. hứa hẹn là điểm săn ảnh, vui chơi lí tưởng. Mấy năm trước, người ta còn phát hiện hang ngầm thông lên núi ở đoạn này. Trước cửa hang cỏ biển bị xắn không đều nhau như thể bị cắt bởi những hàm răng khoẻ của bò biển. Hang ngầm có thể là nơi bò biển giao hoan, sinh sản…

Mắt Ngữ thâu tóm cả vùng nước xanh biếc. Ngữ thật sự xúc động. Ngữ tự hỏi, nếu dự án của Hạnh triển khai, một phần ngọn núi Cố bị tác động, sau khi một loạt biệt thự mọc lên, du khách từ phương trời nào đổ về đây? Có người lịch sự, tôn trọng văn hoá địa phương, giữ gìn vẻ đẹp thiên nhiên, nhưng sẽ không tránh khỏi những con người vung đồng tiền thoả lòng ham muốn khám phá, bỏ qua những khuyến cáo về giữ gìn môi trường, cảnh quan. Khi đó, các con đường đi lại ven biển có bị cấm như một số nơi Ngữ từng biết? Là lãnh địa của nhà đầu tư, dành cho khách nước ngoài, dân sở tại không được ra vào? Có khá nhiều câu hỏi hiện lên trong đầu Ngữ, buộc tìm hiểu.

...Nghĩ lan man, Ngữ theo đường vòng về đến nhà lúc nào không hay…

Dự án của Hạnh được đưa ra xã để mọi người bàn. Phương châm, phát triển du lịch, tạo việc làm cho lao động địa phương nhưng phải bảo đảm sự vững bền về tài nguyên thiên nhiên... Hạnh không gặp được Ngữ bởi do việc đột xuất, cô rời Bờ Trăng vào đúng thời điểm diễn ra cuộc họp. Hạnh cũng gọi cho Ngữ, nói đang nhờ kiến trúc sư nước ngoài thiết kế một biệt thự kiểu châu Âu trên sườn núi.

Mấy đêm liền Ngữ mất ngủ. Hạnh nói sẽ về sống trong cái biệt thự trên triền núi khi dự án triển khai. Đời Ngữ sẽ không phải lo ngày mai khi trong căn biệt thự ấy có bóng Hạnh vào ra. Lí tưởng là cần thiết. Nhưng lí tưởng không phải là cái viển vông mà là cái trở thành hiện thực một lúc nào đó. Ngữ buộc phải lựa chọn là thế. Một đêm, Ngữ gọi cho thầy Út tham vấn và nói rõ đây là dự án của tập đoàn do Hạnh đại diện.

“Cơ quan về môi trường biển của Liên Hợp Quốc vừa hỗ trợ chính phủ Việt Nam xây dựng Bờ Trăng thành nơi Bảo tồn sinh thái biển trong số ít nơi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Hết sức tránh tình trạng những nơi phong phú về tài nguyên, đẹp nhất, đặc thù, hiểm yếu nhất… lần hồi rơi vào tay người nước ngoài dưới danh nghĩa đầu tư kinh tế. Nên cân nhắc, Ngữ à”.

Không dễ thắng được những ham muốn vật chất, sự giàu sang và sắc đẹp. Đã có bao con người hôm trước còn đứng trên bục cao nói lời đạo đức, vàng ngọc thì hôm sau đã phải cho tay vào còng. Ngữ mất nhiều ngày để có thể nói rõ ý kiến của mình với thành phố, đề nghị dời dự án của tập đoàn do Hạnh đại diện đến một vị trí phía Nam. Ở đó, dự án vẫn triển khai được, xã không mất đi một vùng sinh thái biển đặc trưng. Hạnh không gọi lại cho Ngữ trong nhiều tháng sau đó… Mà không chỉ riêng Hạnh, mấy nhà đầu tư nữa, cũng muốn vào nơi thầy Út lưu ý. Ngữ cứ phải nói với họ về bảo tồn đa dạng sinh học… đến phát mệt! Áp lực vẫn đè nặng lên Bờ Trăng, lên Ngữ, người quản lí địa phương giàu tiềm năng du lịch, đang rất hot ở Việt Nam…

VN16/2024

Bờ Trăng vẫn gió. Truyện ngắn dự thi của Hà Thanh Tú
Tranh minh họa. Nguồn pinterest.com
Cơn mưa cơn nắng - Thơ Trần Đức Tín

Cơn mưa cơn nắng - Thơ Trần Đức Tín

Baovannghe.vn- Trong chiếc giỏ thầy thuốc/ không có vị chữa lành
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôn vinh và chào đón một thời đại mới của Văn học Việt Nam

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôn vinh và chào đón một thời đại mới của Văn học Việt Nam

Baovannghe.vn - Chặng đường 50 năm qua là một chặng đường có những bước ngoặt lớn của đất nước đã tác động rất lớn vào sự phát triển văn học Việt Nam. Văn nghệ xin đăng toàn văn Bài phát biểu của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều tại Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V "50 năm Văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế".
Bàn giải pháp: Phát triển thị trường văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới

Bàn giải pháp: Phát triển thị trường văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới

Baovannghe.vn - Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Phát triển thị trường văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới" (ICCM 2024) với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế từ các viện nghiên cứu, trường đại học danh tiếng cả trong và ngoài nước đã được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị nhằm đưa ra những giải pháp Phát triển thị trường văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới
Mặt trời vẫn chiếu sáng - Thơ Bạch Diệp

Mặt trời vẫn chiếu sáng - Thơ Bạch Diệp

Baovannghe.vn - Ngay cả khi bạn bất lực/ Nhắm chặt mi thả mình trong bóng tối
Khai mạc Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V

Khai mạc Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V

Baovannghe.vn - Sáng 27/11 Hội Nhà văn Việt Nam, phối hợp với Hội đồng lý luận phê bình VHNT Trung ương tổ chức Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V "50 năm Văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế". Hội nghị diễn ra tại Hà Nội.