Sáng tác

Tóc mượn. Truyện ngắn dự thi của Hồ Kiên Giang

Hồ Kiên Giang
Truyện
09:24 | 27/11/2024
Baovannghe.vn - Niềm hãnh diện ấy nội truyền sang cha khi chọn vợ. Cũng như nội, tóc má dài quá lưng, đen huyền, óng ả. Cái nếp này má dạy chị cách chăm sóc, vuốt ve hàng ngày nên tóc chị giống y chang tóc của má, của bà nội. Mỗi sáng thức dậy, sau khi rửa mặt xong, má kêu chị ngồi ở mép giường để nhẹ nhàng gỡ từng sợi tóc rối cho thẳng thớm, cột lại đàng hoàng. Mỗi chiều, bao giờ má cũng nấu nồi nước lá sả để gội tóc cho má và cho chị.
aa

Đã năm ngày chị xin nghỉ với lí do gia đình có việc riêng, suốt ngày quanh quẩn ở nhà nhưng không dám soi gương vì sợ thấy mái tóc lởm chởm chưa tới vai sẽ đau lòng. Chị cũng chẳng dám gội đầu bởi tủi phận khi bị chồng cắt xén mái tóc đen dài phủ mông, dày cỡ hai nắm tay được chăm chút kĩ lưỡng mỗi sáng trước khi đi làm. Lúc chị bốn, năm tuổi, lần nào bà nội thắt bím tóc cho chị đều dạy: “Là con gái mỗi ngày thức dậy phải tươi tắn, dành thời gian chải tóc. Muốn tóc đẹp con chịu khó hái lá khế, lá sả hoặc bông bụp nấu nước gội, sau đó xức dầu dừa cho tóc óng mượt, không bị rối. Ông bà mình dạy “Cái răng, cái tóc là gốc con người” không sai đâu con.”

Tóc mượn. Truyện ngắn dự thi của Hồ Kiên Giang
Minh họa Phạm Hà Hải

Bà nội kể thời chiến tranh ác liệt, bom đạn giặc khắp nơi nhưng chưa bao giờ bà nghĩ sẽ cắt tóc ngắn gọn gàng cho thuận tiện nhiệm vụ giao liên. Nội nói: “Thanh niên trai tráng rất thích con gái để tóc dài. Nó không chỉ thể hiện bản chất, vóc dáng phụ nữ mà còn biểu thị tính tỉ mỉ, cần mẫn, chịu thương chịu khó. Năm nội mười bảy tuổi đã có nhiều người thương vì mái tóc dài này nhưng mình phải chọn người vừa bụng để trao gửi tấm thân. Ông nội con để ý bà lâu lắm mà không dám nói vì ông là bộ đội nên hành quân chiến đấu khắp nơi, đâu phải như bây giờ hễ muốn là gặp. Bà cũng có cảm tình với ông. Sau ngày đất nước thống nhất mới tổ chức đám cưới, năm đó bà hai lăm tuổi. Bữa rước dâu về nhà chồng, hàng xóm cứ xuýt xoa nhà ông nội có phước khi cưới dâu có mái tóc dài đến gót chân. Con thấy hãnh diện chưa?”

Niềm hãnh diện ấy nội truyền sang cha khi chọn vợ. Cũng như nội, tóc má dài quá lưng, đen huyền, óng ả. Cái nếp này má dạy chị cách chăm sóc, vuốt ve hàng ngày nên tóc chị giống y chang tóc của má, của bà nội. Mỗi sáng thức dậy, sau khi rửa mặt xong, má kêu chị ngồi ở mép giường để nhẹ nhàng gỡ từng sợi tóc rối cho thẳng thớm, cột lại đàng hoàng. Mỗi chiều, bao giờ má cũng nấu nồi nước lá sả để gội tóc cho má và cho chị. Sợ không đủ lá sả, cha khoanh vuông đất sau nhà bằng bốn cái đệm bàng trồng sả. Má cười: “Nhiều vậy bán chớ nấu gội sao hết?” Cha dừng cuốc, quệt mồ hôi: “Kệ, thà dư chớ đừng để thiếu. Thiếu khó ngủ lắm!” Có bữa má hái nắm lá chanh còn xanh lè nấu nước gội đầu. Đêm, cha thủ thỉ: “Mới thì có mới thiệt nhưng mùi hắc quá.” Tiếng của má: “Ừ, vậy thì đi kiếm mùi khác cho ngọt ngào.” Giọng cha nhừa nhựa: “Tóc dài dễ giận quá ta!” Sau đó im lặng, chỉ có tiếng vạc tre giường lúc khoan lúc nhặt lẫn trong tiếng ếch nhái kêu râm ran sau hè.

Cha về nhà nội chiết mấy nhánh bưởi Năm Roi trồng trước cửa. Vài tháng sau nó bén rễ, đâm chồi nảy lộc xanh mướt không cần bón phân. Tới mùa, bông nở trắng tươi, thơm ngào ngạt, lan tỏa vào tận trong nhà. Má hái vài lá sắp tàn, thêm mấy cái bông bưởi vừa hé nở bỏ vô nồi nấu nước gội tóc. Cha kể: “Hồi con gái, tóc má dài tới đầu gối, rất nhiều trai tráng xóm trên xóm dưới ước mơ được một lần hôn mái tóc thơm mùi bông bưởi của má nhưng có được đâu, bị cha cho “rớt đài” hết. Bởi vì, đâu có ai… đẹp trai lồng lộng bằng cha.”

Chị càng lớn tóc càng dài thì tóc bà nội lại rụng dần. Nội nói đó là quy luật tự nhiên không ai tránh được. Mỗi sáng, nội ngồi trước hàng ba chải tóc, cẩn thận gỡ từng cọng tóc rụng mắc vào lược, vuốt thẳng. Mỗi ngày vài sợi, theo thời gian số tóc ấy nhiều thêm, to tròn cỡ bằng ngón tay cái, nội cắt ngắn chừng bảy tấc, cột chắc chắn. Chị thấy nội chăm sóc số tóc ấy cứ thắc mắc, nội giải thích: “Hồi xưa bà để tóc dài, chỉ kẹp thôi. Khi sanh cha con bà bới lên cho gọn, nó lớn bằng cái tô lận. Bây giờ tóc rụng nhiều, bới chỉ bằng cái chén hà. Vậy nên khi bới bà chắp nối thêm mớ tóc này để thấy nhiều như thời trẻ. Với lại, bà con hàng xóm muốn bới tóc nhưng tóc ít quá thì nội cho nên gọi là tóc mượn. Con biết không, có ai mượn tóc mà đem trả bao giờ đâu, chủ yếu là làm đẹp cho nhau thôi.”

Năm chị mười tuổi tóc dài đến giữa lưng. Trước giờ đi học, má tết tóc chị thành hai bím rồi buộc nơ bằng vải đỏ. Mười sáu tuổi tóc chị dài đến mông, dày hơn hai nắm tay. Má không tết tóc cho chị nữa mà để chị tự chăm sóc. Song, má vẫn thường khuyên chị, làm gì thì làm nhưng nhớ phải giữ gìn mái tóc, đó là “gốc con người”, để mai này lấy chồng được nhiều hạnh phúc, giống như bà nội, như má. Nhiều khi má định sai chị việc nọ việc kia, nhưng thấy chiều xuống, má kêu thằng Bé Ba, Bé Tư làm thay. Trên sàn nước, chị cúi người hất mái tóc ra phía trước, ngọn tóc nổi trên mặt sông bồng bềnh. Một tay chị múc nước lá bông bưởi pha sẵn trong thau đổ từng chút lên đầu, một tay vuốt từng lọn tóc cho ướt đều, lấy mặt sông làm gương soi xem sợi tóc nào còn khô. Gội xong, chị đứng dưới tán cây bưởi vừa chải vừa hong tóc trong nắng hoàng hôn. Cha ngồi uống trà bên hiên nhà, choàng tay qua vai má, nói: “Nhìn giống má tụi nhỏ hồi xưa.” Má hất tay cha, nghiêm giọng: “Già rồi nghen. Tụi nhỏ nhìn thấy nó cười đó.”

*

Chầm chậm bước tới bàn trang điểm, chị ngồi đối diện chiếc gương đã che kín bằng cái khăn choàng tắm. Chị nhẹ nhàng kéo khăn xuống, trong gương dần hiển hiện gương mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, nhất là mái tóc bị xởn chỗ dài chỗ ngắn. Cũng phải, nhiều đêm chị không chợp mắt, cố nén tiếng nấc tức tưởi trong hơi thở khò khò đầy mùi men rượu bia của chồng. Có lần giữa khuya, Tính thức giấc thấy chị khóc, quát: “Nếu không ngủ thì biến chỗ khác cho người ta ngủ. Tóc ngắn thì mai mốt nó dài chứ có gì mà khóc.” Dứt lời anh ngáy tiếp, còn chị kéo mền trùm kín đầu nhớ về những buổi trưa hè nóng bức, cha mắc võng nằm dưới tán cây vú sữa, má ngồi cạnh chải tóc cho Bé Năm đã chấm vai. Má nói những lời mà rất nhiều lần nói với chị: “Trời cho con gái con lứa là phải đẹp, cả người lẫn nết. Mái tóc cũng đẹp, càng dài càng đẹp. Phải ráng giữ nghen con.” Bé Năm “dạ” chứ nào hiểu hết lời má. “Con thấy tóc chị Hai con đẹp không?” “Dạ, đẹp lắm!” Dứt lời, nó chạy đi chơi với bạn bè trong xóm.

Cũng như bà nội, như má, hàng ngày chị chăm sóc mái tóc trở thành thói quen không thể thiếu. Và chính mái tóc này khiến bao nam sinh ngẩn ngơ thầm ước sở hữu từ lúc chị vào trung học ở trường huyện. Hồi ấy, nữ sinh chọn hàng chục kiểu tóc phù hợp gương mặt và cá tính như để tóc tém, cúp bê; sành điệu hơn thì uốn sóng nước và xoăn sóng lơi, uốn vểnh, uốn cúp; sính ngoại thì bob, muller layer, hippie, pixie… Mỗi người một kiểu vừa ít tốn thời gian chải chuốt vừa thể hiện trào lưu tuổi trẻ, riêng chị giữ nguyên mái tóc dài óng mượt. Trong khi bạn bè xài dầu gội các kiểu trên thị trường thì chị vẫn dưỡng tóc bằng nước má nấu từ các loại lá cây hái trong vườn nhà. Những năm lên thành phố học đại học ở kí túc xá, hàng ngày tranh thủ dậy sớm chăm sóc mái tóc như một phần cuộc sống của chị. Trong môi trường này, chị gặp anh. Nhiều lần anh cố tình làm quen nhưng chị viện lí do từ chối. Bữa nọ trời mưa, chị nhận lời anh vô quán trước cổng trường uống nước, anh thỏ thẻ: “Con gái ở thành phố hiếm để tóc dài nên khi thấy em… anh muốn đứng tim luôn.” Rồi anh hỏi: “Con gái bây giờ thường lựa ngành hot dễ kiếm việc làm, thu nhập cao sao em chọn nông nghiệp?” Chị trả lời không cần suy nghĩ: “Cuộc sống của người dân quê em còn khó khăn lắm, đất đai rộng nhưng chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất. Em học ngành này có thể hướng dẫn bà con cách trồng trọt, chăm sóc vừa giảm chi phí, nhân công vừa mang lại lợi nhuận cao hơn. Từ đó, kinh tế phát triển giúp nhiều gia đình đủ khả năng lo cho con cái ăn học tới nơi tới chốn, không phải bỏ ước mơ vào đại học.” Anh gật gật đầu nhất trí với quan niệm của chị. Rồi anh kể: “Hồi trước cha anh lái xe tải chở hàng hóa thuê lên thành phố, mẹ ở nhà làm vườn. Năm anh mười tuổi, cha mẹ bán mấy chục công đất chỉ đủ mua căn nhà nhỏ trong hẻm và mướn lô bán trái cây ở chợ. Một lần, cha đang lái xe ngủ gật gây tai nạn, tuy không nghiêm trọng nhưng thường đi đêm, sức khỏe cũng yếu nên bỏ nghề. Buổi đầu lập nghiệp cũng vất vả lắm nhưng cha mẹ luôn động viên anh và em gái phải học hành đàng hoàng để sau này đỡ cực thân. Anh chọn ngành kinh tế bởi ở đây nhiều doanh nghiệp nên xin việc dễ dàng.”

Chính kỉ niệm của lần đầu gặp gỡ, sự chân thành của anh đã nuôi dưỡng tình cảm trong chị. Phần nữa là anh xuất thân ở quê có thể đồng cảm với cách nghĩ, cách làm của chị nên chị nhận lời cầu hôn của anh sau khi ra trường. Ngày cưới, chị không ra tiệm làm tóc, chỉ ngồi yên lặng để má vừa chải tóc vừa dặn dò: “Con lấy chồng nghĩa là từ nay trở thành con của người ta rồi, phải kính trọng ba mẹ chồng như kính trọng tía má, phải thương yêu em chồng như thương yêu Bé Ba, Bé Tư, Bé Năm. Cái gì không biết thì hỏi, muốn làm việc gì thì xin, đừng làm phật ý bên chồng. Nói năng, đi đứng cũng phải ngó trước ngó sau bởi vì ai cũng chú ý mỗi hành động của con, nếu không vừa mắt họ bình phẩm này nọ khó nghe lắm. Tía má không muốn con lấy chồng xa, lại lên thành phố lạ người lạ cảnh, lỡ có chuyện gì không ai bênh vực nhưng vì con thương thằng Tính nên chìu ý con. Còn điều này nữa là con phải ráng giữ mái tóc này nghen, dù lí do gì cũng đừng cắt đi uổng công chăm sóc. Mái tóc không chỉ biểu hiện tánh tình, phẩm hạnh của con mà còn chứng tỏ gia đình mình nền nếp, con hiểu ý má chưa?” Chị nuốt trọn từng lời má, gật đầu “Dạ.” Sau đó má lấy nước bông bưởi nấu đặc quánh, rắc lên tóc chị như một loại nước hoa, thơm dìu dịu, ngọt ngào. Chị mặc áo dài màu đỏ, khoác thêm chiếc áo ren trắng làm tôn mái tóc dài đen huyền. Trên chiếc đò dọc đưa chị ra thị trấn để lên xe về thành phố, mái tóc chị bay bay, óng ánh trong nắng sớm làm những người tiễn dâu cứ tiếc chị đi lấy chồng xa, sẽ ít có dịp nhìn ngắm nữa.

Anh làm ở công ty xuất nhập khẩu, chị cũng xin vào Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quận đúng chuyên ngành học. Theo thời gian, việc làm, việc chồng con đã cuốn chị, thỉnh thoảng mới tranh thủ về quê thăm gia đình vài ngày. Một lần, chị mang về cho má mấy loại dầu gội đầu rất khó nhớ tên, nói méo cả miệng vẫn chưa đúng. Chị nói: “Má lớn tuổi rồi, xài loại này cho tiện, khỏi mắc công nấu nước.” Má nhìn chị rất lâu, thở dài: “Má xài không quen. Với lại, tóc má đâu còn nhiều nữa. Nấu nồi nhỏ là đủ gội rồi. Còn con Bé Năm thì tự nó chăm sóc tóc dài đến nửa lưng.” Dứt lời, má xổ tóc bới xuống, vén hết ra trước ngực, nâng lên bàn tay nhẹ nhàng chải. Có những sợi tóc rụng mắc vào răng lược, má gỡ từng sợi, vuốt thẳng, cột lại thành lọn nhỏ, rồi đem vắt trên vách cạnh giường ngủ. Hình ảnh đó bừng thức nhắc nhở chị phải chăm sóc tóc mỗi ngày. Thế nhưng chị đâu ngờ mái tóc dài đen dài óng mượt được nhiều người ước ao, tấm tắc khen là nguồn cơn của một nỗi đau khó phai.

Chuyện bắt đầu từ hơn năm trước, khi anh nhận chức trưởng phòng sales quốc tế của công ty xuất nhập khẩu. Đảm nhiệm “nguồn sống” quan trọng nhất, anh thường xuyên xa nhà đi tìm đối tác quảng bá sản phẩm, kí kết hợp đồng. Có chuyến anh ra miền Bắc mở rộng thị trường cả tuần mới về. Chị ở nhà chăm sóc con trai học lớp năm, con gái mới vô lớp một. Diễm phúc là chị được cha mẹ và em chồng thương, hàng ngày đưa rước hai con đi học nên chị có thời gian giữ nếp cũ chăm chút mái tóc trước khi đến cơ quan.

Một lần anh đi đàm phán với khách hàng về đến nhà say mèm, vừa bước vô phòng đã rít qua kẽ răng: “Hai tiếng đồng hồ trước em đi đâu?” Chị ngạc nhiên: “Ơ, có đi với ai đâu. Hết giờ làm việc em về nhà mà.” “Em còn nói dóc sao? Lúc nãy tiệc tàn chuẩn bị tiếp khách tăng hai, anh thấy em lên xe ô tô trước cửa vũ trường Thiên Phúc. Nói đi, xe đó của ai? Ở đâu?” Ôi trời, chị choáng váng, rõ ràng chị xử lí công việc xong thì hơn năm giờ chiều mới rời cơ quan, chạy xe một mạch về nhà, không ghé bất cứ chỗ nào. Chị phân trần: “Chắc anh say quá nên nhìn lộn ai đó.” “Lộn con khỉ. Cả thành phố này chỉ mình em tóc dài, không phải em thì ai? Hơn mười năm sống ở đây, giờ em thích kiểu đi đứng lả lơi chứ gì?” Mặt chị nóng bừng, cổ nghẹn lại. Từ ngày quen rồi cưới nhau đến giờ, chưa lần nào anh nặng lời với chị như vậy. Chị cũng luôn giữ trọn đạo dâu thảo, bổn phận vợ hiền, thiên chức mẹ đảm đang - những đức tính của người phụ nữ được má dặn dò trước ngày xuất giá. Thậm chí, có lần chị dự tết tất niên của công ty anh, cô nhân viên của anh thủ thỉ: “Chị phải cố giữ chồng nghen.” Chị cười: “Do công việc nên ảnh phải giao đãi với khách hàng chứ không có gì đâu.” Dần dần, nhiều người đồn đoán anh có những mối quan hệ vượt giới hạn đối tác nhưng chị chẳng để tâm. Đó là niềm tin tưởng anh như tin bản thân mình luôn chiếm lĩnh nỗi hờn ghen trong chị.

Một bữa chiều muộn, anh nhắn tin về trễ, cả nhà ăn cơm trước nhưng chị đợi anh. Lúc chị bới cơm cho chồng, dò hỏi: “Hôm trước anh nói gặp em ở vũ trường Thiên Phúc nhớ không?” Anh buông đũa: “Em nhận rồi hả?” Nghe giọng anh hơi bực, chị chậm rãi kể: “Không phải em mà là con Hạnh. Hồi trước, trường ở xã chỉ dạy hết lớp chín, lên lớp mười em phải xuống huyện học. Trong ba năm phổ thông em đều ngồi cùng bàn với con Hạnh, nhà nó ở ngay thị trấn nên em thường tới nhà nó chơi. Ngày đó Hạnh cắt tóc ngắn như con trai, ba má nó thấy em tóc dài bắt nó để theo, dù không thích nó vẫn nghe lời. Em chỉ nó cách gội đầu, chải tóc. Tốt nghiệp cấp ba tóc con Hạnh dài gần hết lưng, tụi em cũng chia tay từ đó. Mấy ngày trước em gặp nó ở đám cưới thằng Đức làm chung cơ quan với em. Hạnh nói chủ vũ trường Thiên Phúc là chồng nó. Hầu hết nhân viên nữ ở đó cắt tóc ngắn, chỉ mỗi nó để tóc dài cho không… đụng hàng.” Chị nhìn chồng bình thản và cơm, chẳng biết anh có hiểu lời chị và nhận ra có lần mình vô cớ không. Đột nhiên chị hỏi: “Gần đây em nghe mấy người trong công ty anh nói…” Anh cắt ngang: “Thời buổi ‘Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều’, biết đâu có kẻ ‘ăn không được phá cho hôi’, chuyện gì mà không thể. Em đừng nghe thiên hạ nói bậy.” Chị gật gật đầu như nắm rõ căn nguyên câu chuyện.

Ngỡ tưởng những hục hặc trong cuộc sống vợ chồng sẽ dần phai theo tháng rộng năm dài, sẽ trôi xuôi khi hạnh phúc ngày càng vun đắp, ai dè… Chị để xe ở cơ quan, đi taxi về đến nhà hơn chín giờ đêm. Anh mở cửa, nghe mùi bia rượu từ chị, giận dữ: “Bây giờ em bày đặt nhậu nữa hả?” Chị xua tay: “Đâu có đâu. Hôm nay trưởng phòng em nhận quyết định về sở công tác, cơ quan nấu vài mâm liên hoan chia tay, em uống có một ly bia mà chóng mặt quá trời… Em không ăn cơm nổi, phải nằm nghỉ mới được.” Anh dìu chị lên giường, đắp mền cẩn thận rồi ra ngoài cửa nhà hút thuốc. Khoảng nửa đêm, chị thức giấc khi nghe tiếng “rèn rẹt” bên tai, có thanh kim loại chạm vào cổ lành lạnh. Chị mơ màng nhìn anh đang ngồi cạnh, tay cầm kéo thản nhiên cắt mái tóc chị. Hoảng hốt, chị bật ngồi dậy vuốt tóc chỉ còn lọn nhỏ cỡ ngón tay út nguyên vẹn. “Sao anh cắt tóc em?” Dưới ánh sáng mờ mờ của đèn ngủ, chị thấy anh nhoẻn miệng cười: “Cắt ngắn cho gọn.” “Hồi xưa anh nói thương em… vì tóc dài mà?” “Nhưng giờ lấy chồng có con rồi, giữ tóc dài để bẹo hình bẹo dạng hay chi?” Lời của anh như lưỡi dao cứa tim chị đau nhói. Chị ngồi bất động như pho tượng để anh “xử” hết những sợi tóc dài cuối cùng, nói trong nước mắt: “Anh cắt tóc em như cắt tóc của bà nội, của má em rồi!”

Hôm nay đã hết thời gian nghỉ phép, chị rời bàn trang điểm chuẩn bị đi làm. Vừa đến cơ quan thì đồng nghiệp xúm lại hỏi sao chị đành đoạn cắt tóc ngắn. Đó là cắt đi công sức nửa đời người chăm sóc, cắt bỏ niềm hãnh diện thường trực của chị. Không thể trả lời vì ghen vô cớ mà chồng thẳng tay cắt bỏ không thương tiếc, chị cười nói: “Mình đang sửa nhà bụi mù mịt, lại chăm sóc hai con, trong khi anh đi công tác suốt nên cắt ngắn cho tiện. Mai mốt con lớn, quởn việc mình nuôi tóc dài lại.” Nói vậy nhưng chị không biết đến bao giờ mới được mái tóc như ngày xưa. Nghĩ đến đó, chị cảm giác nước mắt mình ứa ra.

*

Sáng sớm, Bé Năm gọi điện nói má mất đêm qua, ra đi nhẹ nhàng như đang ngủ. Chị báo cho chồng thì anh nói bận đối tác không thể về cùng, kêu chị dẫn hai con đi trước. Ba mẹ chồng chị cũng nói trưa về sau. Tất bật chuẩn bị, chị tranh thủ soi gương chải tóc rồi cột túm lại bằng dây thun, lấy nón kết đội lên. Trên quãng đường về, chị lo lắng không biết nói với gia đình, bà con như thế nào về mái tóc ngắn ngủn này. Ngày chị rời nhà theo chồng, má dặn đi dặn lại phải giữ mái tóc, coi đó là niềm tự hào. Chồng Bé Năm làm ruộng gần nhà, học theo tía khoanh đất trồng sả cho vợ gội dầu dưỡng tóc. Vợ chồng nó tuy lam lũ nhưng giữ nguyên nếp cũ của bà nội, của má. Đột nhiên trong đầu chị thoáng qua ý nghĩ trở về quê để sống với những kỉ niệm đẹp thời trẻ vẫn tươi nguyên. Ở đây chị có điều kiện phụng dưỡng tía khi hai thằng em đã cưới vợ, đứa làm ở huyện, đứa công tác trên tỉnh, thỉnh thoảng cuối tuần mới tranh thủ về thăm nhà. Nhưng còn chồng, gia đình chồng và hai con thì sao? Không thể vì phiền muộn riêng tư mà quên lời tía dặn: “Lấy gà theo gà, lấy chó theo chó.” Chị phải học cách chấp nhận dù có nghiệt ngã đến đâu, bởi bên cạnh chị còn tình thương của ba mẹ chồng. Bữa anh cắt tóc chị, mẹ chồng biết chuyện tức giận: “Thằng Tính này khùng hả? Má luôn hãnh diện với mọi người có con dâu tóc dài óng mượt, bây giờ nó cắt mất rồi. Con yên tâm, để má kêu nó về chửi cho một trận, bắt nó phải xin lỗi con!” Có điều, lời xin lỗi của anh dù thật lòng đến đâu, chân thành cỡ nào làm sao nối dài tóc chị như trước.

Hồi xưa, từ trung tâm xã về nhà chị phải đi đò dọc hoặc lội bộ chừng hai cây số, giờ thì xe ô tô đến tận cửa. Chị hối hai con xuống xe, vội vàng dẫn nó vào nhà. Trong nhà, bà con đến khá đông chuẩn bị đám tang má. Mọi người đợi chị về nhìn mặt má lần cuối mới khâm liệm. Vài người đàn ông ngồi uống trà trước hàng ba đang chia sẻ nỗi buồn với tía. Tía quay lại, nheo nheo mắt nhìn chị: “Đứa nào vậy bây?” Chị rướm nước mắt khi gần một năm chưa về thăm tía mà tóc ông bạc hết, mắt cũng mờ, mới gần bảy mươi tuổi thôi mà. Chị trả lời, giọng run run sắp khóc: “Dạ, con với hai đứa cháu ngoại của tía nè.” “Bây có lộn nhà không vậy? Con Bé Hai tóc dài mà?” Tía đã nhìn rõ gương mặt, nhất là mái tóc dài ngày xưa mà má chăm chút, vuốt ve, nâng niu giờ chỉ đến vai, không che hết cái cổ trắng ngần của chị. Ông để ly trà xuống bàn, giọng ôn tồn: “Gì vậy con? Chẳng lẽ khổ đến nỗi phải bán tóc mà ăn sao?” “Dạ, không phải đâu tía. Tại công việc bộn bề quá mà con không có thời gian nên cắt ngắn vầy cho tiện.” Tía nghẹn giọng: “Chồng bây nó không cản sao?” “Dạ… ảnh cũng tiếc lắm!” Chị nói mà không dám nhìn tía. “Thôi, con vô nhà nhìn má con lần cuối đi.” Các em của chị cũng sững người nhìn chị. Bé Năm chạy đến ôm chầm chị, nói trong tiếng nấc: “Chị Hai ơi, dạo này chị ốm quá vậy, tóc ngắn nữa, bộ chị sống khổ lắm hả?” Chị lắc đầu, nước mắt ứa ra.

Bước nhè nhẹ vô nhà, đến bên giường má, chị vuốt mái tóc của má giờ rụng gần hết, không còn đen óng ả bởi nhiều sợi bạc nhưng vẫn dài như xưa. Chị nhớ hồi đó, một buổi chiều ngồi ngay bậu cửa, lúc tháo búi, xổ tóc của má để chải chị bỗng giật mình khi trong đó rớt ra một lọn tóc bằng ngón tay cái. Thì ra mỗi lần chải tóc, những sợi tóc rụng bám vào răng lược, má cầm từng sợi vuốt thẳng rồi cột lại thành lọn nhỏ để làm tóc mượn giống y bà nội. Có thêm lọn tóc mượn này, tóc má sẽ đầy búi, nếu không, khi búi lên nó chỉ bằng trái chanh thôi. Bữa bị chồng cắt tóc, chị vừa khóc vừa vuốt từng sợi cho không bị rối, định lúc nào đem về cho má. Lúc sáng vội vã, chị quên mớ tóc ấy, mà nếu có đem về thì má đâu thể làm tóc mượn nối thêm cho đầy búi. Chị vừa chải tóc cho má vừa khóc rưng rức, nghèn nghẹn nói vào tai má: “Vì suối tóc má cho con mà chồng con ghen bóng ghen gió… nên cắt đi rồi má ơi…”

Bỗng nhiên, một bàn tay đặt lên vai làm chị có cảm giác ấm áp thân quen. Chị ngước lên thảng thốt: “Anh…!” Chồng chị đứng lặng nhìn chị bằng ánh mắt buồn và có chút gì đó hối lỗi. Chị không quan tâm hình ảnh trước mắt mà ngạc nhiên sao anh về trước chị trong khi anh nói bận đối tác. Chị định hỏi lí do nhưng lời tía làm chị im lặng: “Hai đứa ra đây tía nói chuyện chút.” Vợ chồng chị “dạ” rồi bước ra cửa, kéo ghế ngồi cạnh tía khi mấy người đàn ông lúc nãy rời đi để gia đình bàn tính việc riêng. Giọng tía ôn tồn: “Chồng con đi công tác trên tỉnh hay tin má con mất nó chạy về đây từ sáng sớm. Chuyện nó cắt tóc con đã nói cho tía biết, điều này không nên nhưng vì một phút nông nổi mà sai lầm. Nó rất hối hận và xin lỗi tía, nhờ tía khuyên con đừng giận nó nữa. Trong cuộc sống vợ chồng không phải lúc nào cũng suôn sẻ, quan trọng là biết nhường nhịn và thông cảm cho nhau mới ăn ở lâu dài được. Bữa trước chị sui gọi điện cho tía nói lời xin lỗi vì không dạy thằng Tính đàng hoàng, tía không trách hờn chị sui bởi lỗi của chồng con. Bé Hai à, lúc nãy con nói gạt tía vì sợ tía buồn phải không? Lần đầu cũng là lần cuối nghen con, có chuyện gì cứ nói ra rồi cùng giải quyết, nếu nói dóc lần này sẽ có lần sau. Bây giờ con hãy suy nghĩ kĩ để dàn xếp êm thấm. Tía nghĩ sau việc này chồng con sẽ thương yêu con hơn, đừng để gia đình đổ vỡ, lúc đó muốn cứu vãn cũng muộn rồi.”

Chị ngó Tính. Anh cúi mặt như thể sẵn sàng chấp nhận tất cả bực bội, giận dữ của chị. Đó là hình ảnh đầu tiên chị nhìn thấy ở anh sau hơn mười năm vợ chồng. Tự dưng nỗi buồn về mái tóc bị anh cắt đi tan biến chứng tỏ tình yêu anh vẫn đẹp và vẹn nguyên. Chị biết khi thấy tóc chị chấm vai tía buồn nhưng nếu chị quyết định rời khỏi anh thì tía càng đau lòng, bởi cha mẹ nào muốn hôn nhân con mình tan vỡ. Chị thỏ thẻ: “Dạ, tía dạy sao con đều nghe ạ. Con mong tía đừng buồn chuyện này nữa.” Tía gật gật đầu, mỉm cười.

Chị đứng dậy đi vô nhà, với tay lấy hai lọn tóc mượn của má vắt trên vách, cẩn thận vừa vuốt tóc vừa thầm thì vào tai má, nước mắt lưng tròng: “Má ơi, cho con xin mớ tóc này để bới cho đầy búi, để người ta ngỡ tưởng mái tóc dài nửa đời người chăm sóc còn nguyên vẹn, đâu dè đã bị cắt đi rồi!”

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 50/2024 ra ngày 14/12/2024 có các nội dung sau đây:
Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.
Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Baovannghe.vn- Tôi gặp mùa thu trên mặt sông đầy/ nhịp cầu giống chiếc đòn gánh lớn