Diễn ra từ ngày 20 đến ngày 24/1 với chủ đề Báo chí Thanh Hóa hướng đến 100 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, Hội Báo Xuân Ất Tỵ 2025 tỉnh Thanh Hoá trưng bày hơn 350 ấn phẩm đặc biệt số Xuân. Chương trình do Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí trong tỉnh, Nhà Xuất bản Thanh Hóa, TP Thanh Hóa tổ chức.
Tham gia Hội Báo Xuân có hơn 350 ấn phẩm báo chí số Tết 2025 và Xuân Ất Tỵ của các cơ quan báo chí Trung ương, báo Đảng các địa phương trong cả nước và các ấn phẩm báo Xuân của Báo Thanh Hóa, Tạp chí Xứ Thanh, ấn phẩm Người làm báo của Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa, Tạp chí Khoa học Thanh Hóa của Liên hiệp các Hội Khoa học, Kỹ thuật Thanh Hóa, Tạp chí khoa học Trường Đại học Hồng Đức, Tạp chí khoa học Trường Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Gian trưng bày Báo Văn nghệ tại Hội Báo Xuân Ất Tỵ tỉnh Thanh Hóa |
Trong không gian Hội Báo Xuân còn có trên 300 ấn phẩm tiêu biểu của Nhà Xuất bản Thanh Hóa; các bức ảnh đẹp được chọn lọc trong Cuộc thi ảnh Nét đẹp Người làm báo xứ Thanh lần thứ hai, năm 2024; những bức ảnh đẹp chọn lọc của các hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa với chủ đề Khát vọng Xứ Thanh.
Sự kiện thu hút hàng trăm cán bộ, công viên chức, học sinh và người dân tham quan, đọc ấn phẩm đặc sắc nhất trong năm.
Hội Báo Xuân Ất Tỵ 2025 tỉnh Thanh Hoá không chỉ là điểm đến để người làm báo gặp gỡ, trao đổi về nghề, qua đó bạn đọc còn cảm nhận đầy đủ sự phát triển mạnh mẽ của các cơ quan báo chí trong tỉnh cũng như sự đổi mới trong cách thể hiện của từng tờ báo trong nước. Mỗi số báo Xuân, báo Tết là tinh hoa của cơ quan báo chí, là sáng tạo của các nhà báo, làm cho bức tranh Xuân thêm đẹp, thêm Xuân.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 75 năm Ngày thành lập tỉnh Vĩnh Phúc và chào đón giao thừa vào tối 28/1 tại đường Hai Bà Trưng - Quảng trường Hồ Chí Minh.
Chợ hoa Tết được tổ chức tại Quảng trường tỉnh. Ảnh: UBND tỉnh Vĩnh Phúc |
Ngoài ra, các hoạt động, Giải thể thao Mừng Đảng - Mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025 gồm các môn: Cờ tướng, Kéo co và Vật dân tộc được tổ chức tại thành phố Vĩnh Yên trong tháng 2/2025; giải đua xe đạp Về đất Mẫu Tây Thiên được tổ chức tại huyện Tam Đảo dự kiến vào tháng 3/2025.
Hội Báo Xuân và Triển lãm Mỹ thuật Vĩnh Phúc đổi mới, phát triển được tổ chức trong 2 ngày vào đầu tháng Giêng tại Bảo tàng tỉnh.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giao lưu; tổ chức Hội chợ thương mại kích cầu tiêu dùng trong tháng 1/2025.
Sáng 21/1, Nhà hát Kịch Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Đến dự có các vị lãnh đạo Thành phố Hà Nội, các sở, ban, ngành, cùng các thế hệ nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên Nhà hát.
Nhà hát kịch Hà Nội thành lập năm 1959, tiền thân là một đội kịch trong Đoàn văn công nhân dân Thủ đô do đồng chí Đinh Thiện Bao làm trưởng đoàn và đạo diễn Trần Huyền Trân làm Phó đoàn phụ trách nghệ thuật. Năm 1993, Đoàn kịch nói Hà Nội được chuyển thành Nhà hát Kịch Hà Nội. Năm 2005, Nhà hát đã được UBND Thành phố Hà Nội quyết định nâng hạng thành Nhà hát hạng I (Quyết định số 8574/QĐ-UB ngày 30/12/2005 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc xếp hạng I cho Nhà hát Kịch Hà Nội).
Tháng 4/2009, Đoàn kịch nói Hà Tây sáp nhập với Nhà hát Kịch Hà Nội thành Nhà hát Kịch Hà Nội trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Nhà hát Kịch Hà Nội. Ảnh: Nhà hát Kịch Hà Nội |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, từ khi thành lập đến nay, Nhà hát Kịch Hà Nội không chỉ có chức năng, nhiệm vụ biểu diễn nghệ thuật kịch nói; Sưu tầm, bảo tồn và phát triển nghệ thuật kịch nói mà còn biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, biểu diễn phục vụ khán giả trong nước và ngoài nước góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và thẩm mỹ của người xem.
Một trong những điểm sáng của Nhà hát Kịch Hà Nội là Đề án Kịch học đường. Nhà hát Kịch Hà Nội đã chuyển thể nhiều tác phẩm văn học trong chương trình ngữ văn của các cấp để biểu diễn phục vụ hàng nghìn học sinh trên địa bàn Thủ đô. Các vở diễn đều mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam như Thúy Kiều – Một kiếp đoạn trường, Tinh thần thể dục…
Tại buổi lễ, lãnh đạo Nhà hát Kịch Hà Nội đã vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì của Chủ tịch nước. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã thay mặt lãnh đạo Thành phố trao Huân chương cho Nhà hát Kịch Hà Nội.
Ngoài ra, NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cũng vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba.
Hai Phó Giám đốc Nhà hát là NSND Công Lý và NSƯT Đức Quang được trao Bằng khen của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội.