Sự kiện & Bình luận

Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Việt Thắng (tổng hợp)
Tin 24 giờ
17:29 | 24/11/2024
Baovannghe.vn - Di sản Tư liệu của UNESCO “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế”
aa

Huế đón Bằng công nhận Di sản Tư liệu của UNESCO

Ngày 23/11, tại sân Đại triều điện Thái Hòa - Đại nội Huế (TP Huế) UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Di sản Tư liệu của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế”, Công bố hoàn thành Dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hoà” và Động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích điện Cần Chánh”. Sự kiện được tổ chức nhân dịp 79 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2024).

Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế, Lê Trường Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Nguyễn Văn Phương, ông Nguyễn Khoa Điềm - Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương, ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương…

Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Trao Bằng công nhận Di sản Tư liệu của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế”. Ảnh: BTC

Cửu Đỉnh - Hoàng cung Huế do vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào năm 1835 – 1837 và được đặt trước sân Thế Tổ Miếu nhằm biểu thị sự trường tồn của triều đại, sự giàu đẹp và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Cửu Đỉnh - Hoàng cung Huế thể hiện trình độ đúc đồng tinh xảo của những người thợ thủ công ở Việt Nam với 162 họa tiết chạm khắc nhiều chủ đề khác nhau trên Cửu Đỉnh cùng nhiều giá trị ẩn sâu phía sau đã đưa Cửu Đỉnh vượt ra ngoài tầm vóc của quốc gia. Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp.

Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á. Song hành cùng những thăng trầm của một triều đại, với bao biến cố của thời cuộc và biến thiên của thời gian vẫn còn vẹn nguyên tượng trưng cho vương quyền và sự tồn tại của triều đại phong kiến ở các nước Á đông.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong lịch sử Việt Nam, Huế từng là trung tâm văn hóa chính trị của xứ Đàng Trong vào thời các chúa Nguyễn, thời Tây Sơn và là Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất. Dưới bàn tay của các nghệ nhân, của các thợ lành nghề và công sức, trí tuệ, tài năng của cả dân tộc Việt Nam đã để lại cho Huế một quần thể kiến trúc tiêu biểu với sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và thiên nhiên, là bức tranh rõ nét về chân dung kinh đô xưa của Việt Nam, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam, chứa đựng những sắc thái văn hoá rất riêng của vùng đất Thuận Hoá - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế.

Cũng tại buổi lễ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố hoàn thành Dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hoà” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích điện Cần Chánh”.

Khôi phục các không gian diễn xướng, phát triển môi trường thực hành di sản

Tối 23/11, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tham dự Lễ kỷ niệm có Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Thị Thanh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế, Đào Hồng Lan; các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Vương Quốc Tuấn phát biểu, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương chính sách bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa đại diện của nhân loại. Cùng với việc khôi phục lại không gian diễn xướng của các làng Quan họ gốc, phát triển các làng Quan họ thực hành, thành lập nhiều câu lạc bộ Quan họ, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với các làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành, câu lạc bộ Dân ca Quan họ; nghệ nhân, nghệ sĩ Dân ca Quan họ Bắc Ninh…

Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao bằng khen cho 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Trên địa bàn tỉnh hiện có 44 làng Quan họ gốc, 150 làng Quan họ thực hành, gần 400 câu lạc bộ Dân ca Quan họ, với hàng chục nghìn người ở các độ tuổi tham gia; trong đó có hơn 600 người có khả năng truyền dạy. Trên phạm vi cả nước và ở nước ngoài đã có hàng trăm câu lạc bộ Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên. Điều đó cho thấy, Dân ca Quan họ Bắc Ninh càng "Danh thơm nức tiếng" và có sự lan tỏa mạnh mẽ.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 2 tập thể, 2 cá nhân tỉnh Bắc Ninh có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh; 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khen thưởng.

Trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc

Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc vừa khai mạc trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc. Trưng bày giới thiệu hơn 600 hiện vật quý hiếm, với nhiều loại hình và chất liệu phong phú theo 2 không gian:

- Văn hóa Đông Sơn trên đất Vĩnh Phúc

- Tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc

Các nhóm hiện vật được trưng bày đều thuộc văn hóa Đông Sơn có niên đại cách đây 2.500 - 2.000 năm, các sưu tập cổ vật từ thời vua Hùng dựng nước tới thế kỷ XIX. Cho thấy, nền văn hóa này là cơ sở vật chất cho việc hình thành nhà nước đầu tiên thời đại các Vua Hùng nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, là nền tảng cho sự hình thành bản sắc văn hóa Việt cổ cũng như văn minh Đại Việt sau này.

Đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề “Văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc. Ảnh: toquoc.vn
Đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề “Văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc. Ảnh: toquoc.vn

Hiện, Vĩnh Phúc có hơn 24 di tích, địa điểm khảo cổ học thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun - hay còn gọi là thời Tiền Đông Sơn được phát hiện, tiêu biểu là các di tích Nghĩa Lập, Lũng Hòa (huyện Vĩnh Tường), Gò Hội (huyện Sông Lô), Đồng Đậu (huyện Yên Lạc)...; có 12 di tích, địa điểm khảo cổ học thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn, tiêu biểu là các di tích Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc), Gò Cóm, Xuân Lôi (huyện Lập Thạch), Đạo Trù, Minh Quang (huyện Tam Đảo)... với các di vật quý hiếm như trống đồng Đạo Trù, trống đồng Minh Quang, trống chậu Nguyệt Đức...

Những di tích, cùng với số lượng di vật đã phát hiện và nghiên cứu là minh chứng sinh động cho nguồn gốc văn hóa bản địa từ văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun đến Đông Sơn, đồng thời khẳng định trong quá trình chiếm lĩnh, khai phá từ miền núi phía Bắc xuống đồng bằng châu thổ Bắc bộ, người Việt cổ đã dừng chân và định cư lâu dài tại vùng đất Vĩnh Phúc.

Ngoài ra Vĩnh Phúc còn sở hữu 571 di sản văn hoá phi vật thể, trong đó có 3 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại, 6 di sản được ghi danh mục văn hoá phi vật thể quốc gia.

Thời tiết ngày 11/12: Không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ chuyển mưa rét

Thời tiết ngày 11/12: Không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ chuyển mưa rét

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 11/12: Bắc Bộ đón đợt không khí lạnh. Nam Bộ mưa rào và giông vài nơi.
Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 50/2024 ra ngày 14/12/2024 có các nội dung sau đây:
Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.