Nằm trong chuỗi các sự kiện của Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2025 (diễn ra từ 8 – 13/2 tại Khu Du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử), ngày 8/2, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Với hơn 50 hình ảnh, trên 100 hiện vật tiêu biểu tại không gian trưng bày, được lựa chọn từ 11 điểm khai quật khảo cổ học tại các phế tích, di tích Phật giáo thời Lý - Trần trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố: Bắc Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế, Lạng Giang, Chũ, Việt Yên.
Các hiện vật này chính là những minh chứng vật chất quý giá khẳng định sự phát triển, hưng thịnh, rộng khắp của Phật giáo Lý - Trần trên vùng đất Bắc Giang. Đồng thời còn là cơ sở, căn cứ khoa học để tỉnh Bắc Giang tiếp tục nghiên cứu, phục dựng con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Cũng trong không gian trưng bày là hệ thống các di tích lịch sử tiêu biểu bên sườn Tây Yên Tử, nằm trên tuyến du lịch phục dựng lại "Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử".
![]() |
Các đại biểu tham quan gian trưng bày. Ảnh: BTC |
Ngoài ra, Sở VHTTDL còn mang đến không gian trải nghiệm in dập mộc bản liên quan đến Phật giáo nhằm tôn vinh, giới thiệu một nét đẹp văn hóa trong điêu khắc mộc bản truyền thống của dân tộc. Hoạt động trải nghiệm đã thu hút đông đảo các du khách tham gia in dập mộc bản.
Thông qua hoạt động trưng bày chuyên đề tỉnh Bắc Giang kỳ vọng sẽ tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân và du khách thập phương về giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang cũng như tư tưởng sâu sắc của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Qua đó, góp phần giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc chung tay bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của quê hương Bắc Giang.
Đồng thời, góp phần tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch “Về miền đất thiêng Tây Yên Tử” theo dấu chân Phật hoàng, đưa du lịch Bắc Giang trở thành điểm hẹn tinh hoa, điểm đến an toàn, hấp dẫn, văn minh và thân thiện.
Được sự đồng ý của Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 với chủ đề Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 13/3 tại thành phố Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh Đắk Lắk.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 diễn ra đúng với thời điểm kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk, nên tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn, thiết thực và ý nghĩa.
![]() |
Thành phố Buôn Ma Thuột đang được xây dựng trở thành điểm đến của cà phê thế giới. Ảnh: BTC |
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 gồm các hoạt động chính: Cuộc thi sáng tạo nội dung số tuyên truyền Lễ hội trên môi trường mạng; khai mạc và bế mạc lễ hội; Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà-phê và sản phẩm OCOP; Cuộc thi pha chế cà phê và các hoạt động trải nghiệm cà-phê; Hội thảo khoa học về phát triển ngành cà-phê; Hội nghị giao thương quốc tế - kết nối, nâng tầm cà-phê Việt; lễ hội đường phố; hội thi nhà nông đua tài…
Ngoài ra, còn có các hoạt động đặc sắc khác như: Lễ hội ánh sáng; Festival các ban nhạc rock; Giải đua xe ô-tô địa hình quốc tế “Thử thách vượt đại ngàn - Buôn Đôn 2025”; Hành trình du lịch: Hội Voi Buôn Đôn, Hội Đua thuyền độc mộc huyện Lắk; uống cà phê miễn phí; lễ khởi công Nhà máy cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend; Hội trại cà phê “Đồng hành, chia sẻ” tại khu di tích lịch sử - văn hóa Đồn điền CADA, huyện Krông Pắc…
Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có các hành trình du lịch như: “Hành trình cà phê”, “Hành trình di sản”; các tour du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch mạo hiểm, trải nghiệm sản phẩm du lịch cộng đồng tại các buôn,… Bên cạnh đó, các địa phương cũng sẽ đăng ký các hoạt động về văn hóa, thể thao, du lịch để hưởng ứng lễ hội.
Ban Tổ chức Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 đã chọn Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2017, Top 5 Hoa hậu Hoàn Vũ thế giới 2018 H’Hen Niê và Hoa hậu Đại sứ Du lịch Việt Nam 2024 Đinh Thị Hoa làm Đại sứ truyền thông Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025.
Tỉnh Đắk Lắk đang khẩn trương, gấp rút triển khai các hoạt động cho việc tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025. Với các hoạt động đặc sắc, hấp dẫn, thiết thực kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với thành phố Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk, vùng đất đầy nắng, gió và xứ sở cà-phê Robusta nổi tiếng thế giới.
Mới đây, tại Hà Nội, trong khuôn khổ cuộc gặp mặt, giao lưu đầu Xuân Ất Tỵ 2025 của cộng đồng doanh nghiệp, trí thức, kiều bào Việt Nam tại Trung Quốc, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn Di sản văn hóa Việt Nam đã trao quyết định thành lập Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam tại Trung Quốc nhằm tôn vinh, lan tỏa nét đẹp tà áo dài Việt Nam đến với công chúng trong và ngoài nước.
Việc thành lập các Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam tại nhiều quốc gia ở khắp các châu lục trong thời gian qua là một sáng kiến, nỗ lực của tập thể thành viên Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam trong việc gìn giữ, phát huy và quảng bá giá trị áo dài nói riêng, di sản văn hoá Việt Nam nói chung. Thực tế đã cho thấy áo dài vừa là trang phục có tính biểu trưng, gắn kết cộng đồng người Việt, vừa gây ấn tượng mạnh mẽ và chiếm được cảm tình của bạn bè quốc tế.
![]() |
Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam tại Trung Quốc. Ảnh: BTC |
Tại buổi lễ, Tiến sĩ Đặng Thị Bích Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ với Di sản văn hóa đã chúc mừng và đánh giá cao ý nghĩa của việc thành lập Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam tại Trung Quốc.
Bà cũng nhấn mạnh, áo dài không chỉ là biểu tượng của truyền thống văn hóa, sự dịu dàng uyển chuyển, đoan trang của phái đẹp; là trang phục được mặc trong các sự kiện, lễ hội trang trọng của cộng đồng, gia đình mà áo dài còn là tác phẩm nghệ thuật, thủ công tinh tế; là biểu tượng và đề tài cảm hứng sáng tạo vô tận cho các nhà tạo mẫu, người làm nghệ thuật.
Sự kiện thành lập và ra mắt Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam tại Trung Quốc được kỳ vọng ghi dấu ấn quan trọng trong quá trình quảng bá, tôn vinh giá trị trang phục và văn hóa của áo dài Việt Nam đến với bạn bè quốc tế nói chung, cũng như tại Trung Quốc nói riêng. Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam tại Trung Quốc sẽ do Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Loan, Tổng Giám đốc công ty TNHH Du lịch và thương mại dịch vụ Việt Việt - Quảng Đông làm Chủ nhiệm.