Ngày 15/3/2025, lễ khánh thành Bảo tàng Văn học Việt - Đài đã diễn ra tại thành phố Đài Nam, Đài Loan (Trung Quốc), đặt dấu mốc quan trọng trong quan hệ văn hóa, tạo ra một không gian lưu giữ, giới thiệu và nghiên cứu văn chương giữa Đài Loan và Việt Nam. Sự kiện này thu hút sự quan tâm của đông đảo giới văn chương, quan khách và giới nghiên cứu.
![]() |
Đoàn nhà văn Việt Nam dự khánh thành Bảo tàng Văn học Việt - Đài. |
Về phía Việt Nam, đoàn đại biểu gồm nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cùng một số nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu như Trần Nhuận Minh, Y Ban, Kiều Bích Hậu, Chu Nhạc, Trang Hạ, Lê Thị Dương... Phía Đài Loan cũng có sự tham dự của nhiều nhân vật uy tín như Giáo sư Tưởng Vi Văn, một người có nhiều đóng góp to lớn trong lĩnh vực nghiên cứu Việt Nam, cùng ông Tiêu Tân Hoàng, Chủ tịch Quỹ Giao lưu châu Á - Đài Loan và nhiều nhân sĩ, chính khách.
Sau khi cắt băng khánh thành, bảo tàng chính thức đi vào hoạt động với mục tiêu lớn lao: lưu trữ, nghiên cứu và quảng bá tinh hoa văn học, văn hóa của Đài Loan và Việt Nam. Đây là nơi dành cho các nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử, văn học cũng như mở cửa chào đón đông đảo người dân Đài Loan và cộng đồng người Việt tại đây tới đọc, tìm hiểu và tra cứu. Bảo tàng cũng sẽ tổ chức các hội thảo, tọa đàm và các chương trình trao đổi học thuật nhằm thúc đẩy sự giao thoa văn hóa giữa hai bên.
![]() |
Một số sách Việt trong bảo tàng. |
Người sáng lập và đóng góp quan trọng nhất cho bảo tàng này chính là Giáo sư Tưởng Vi Văn - chủ nhiệm hai trung tâm, gồm: Trung tâm Trắc nghiệm năng lực tiếng Đài (NCKU Center for Languages Testing) và Trung tâm nghiên cứu Việt Nam (NCKU Center for Vietnamese Studies). Đồng thời ông kiêm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội chữ La-tinh Đài Loan (Taiwanese Romanization Association), Tổng Thư ký Hội văn bút Đài Loan (Taiwanese PEN), Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội Văn hóa Việt - Đài (Association for Taiwanese and Vietnamese Cultural Exchange). Ông không chỉ là một học giả uyên bác mà còn là một người có tâm huyết với nền văn hóa Việt Nam.
Sau hơn 10 năm nghiên cứu, ông đã tập hợp một kho tư liệu quý giá về văn học, lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, khi đề xuất dự án xây dựng bảo tàng, ông gặp nhiều trở ngại trong việc tìm kiếm nguồn đầu tư. Thay vì chờ đợi, ông quyết định hiến tặng ngôi nhà lớn của gia đình mình tại Đài Nam để làm bảo tàng.
Đây là một quyết định táo bạo và đầy ý nghĩa. Gia đình ông phải chuyển đến một căn nhà nhỏ hơn để sinh sống, nhường không gian rộng lớn cho văn chương và tình hữu nghị. Khi con nhỏ của ông hỏi lý do, ông trả lời: “Dù nhà nhỏ, chúng ta vẫn sống tốt. Hơn nữa, ngôi nhà lớn mà chúng ta từng ở nay trở thành mái ấm cho văn chương và tình hữu nghị giữa Việt Nam và Đài Loan, chẳng phải đó là điều đáng tự hào và ý nghĩa hay sao?” Câu nói chân thành ấy thể hiện tình yêu của ông với Việt Nam và truyền đi một thông điệp sâu sắc về tinh thần sống cống hiến. Ông cũng từng vận động bố mẹ và anh em trong gia đình mình đồng ý cho ông bán một mảnh đất rộng mà tổ tiên để lại, dùng làm nguồn quỹ cho hoạt động giao lưu văn hóa giữa Đài Loan - Việt Nam trong suốt một thập kỷ qua.
Ban đầu, không ít người xem hành động của Giáo sư Tưởng Vi Văn là điên rồ. Nhưng ông không chờ đợi một nguồn lực bên ngoài nào để thực hiện mục tiêu cao đẹp mà mình theo đuổi. Ông hành động quyết liệt, không lùi bước trước khó khăn. Chính tinh thần ấy đã khiến ông trở thành một hình mẫu đáng kính trong giới nghiên cứu văn hóa và văn học.
Bảo tàng Văn học Việt - Đài không chỉ là nơi lưu trữ hiện vật mà còn là biểu tượng của sự kết nối bền chặt giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Đài Loan. Trong tương lai, nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành một trung tâm quan trọng cho những ai quan tâm đến văn chương và lịch sử của Đài Loan và Việt Nam, đồng thời là một minh chứng sống động cho tinh thần hợp tác, giao lưu văn hóa và tri thức không biên giới.
Câu chuyện về Giáo sư Tưởng Vi Văn là một bài học lớn về triết lý hành động: không chờ đợi điều kiện đủ, không phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài, mà quyết tâm tạo ra giá trị, tạo hoạt đồng từ những gì mình có. Đây là nguồn cảm hứng cho bất kỳ ai dám dấn bước để cống hiến cho cộng đồng và khẳng định giá trị của bản thân trong cuộc đời.