Khi đặt vấn đề tổng kết thành tựu và phát hiện xu thế phát triển của văn học sau 1975, chúng ta không thể tránh được những câu hỏi khách quan đặt ra như: Văn học trước 1975 có những thành tựu gì, đã phát triển theo xu thế gì? Cái mà chúng ta coi là thành tựu được đánh giá theo hệ giá trị nào? Nền văn học sau 1975 có phát triển theo đúng định hướng, chẳng hạn định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng hay không? Nửa thế kỷ văn học vừa qua đã chịu những tác động nào của ngoại cảnh?
Trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ đi sâu vào ba khía cạnh: một là tác động văn nghệ, hai là tính chất nền của đời sống văn học nghệ thuật, ba là vấn đề hệ giá trị trong đời sống văn học.
1- Vấn đề các yếu tố tác động tới văn nghệ được đặt ra như một bài toán khó, đòi hỏi gấp gáp một đáp số trước thực trạng đời sống văn học nghệ thuật hôm nay. Lâu nay chúng ta thường quan tâm tới khía cạnh tác động và tác dụng của văn học nghệ thuật tới đời sống xã hội, quan tâm tới những ảnh hưởng và chức năng của văn nghệ. Đấy là một quan niệm, một cách nhìn quen thuộc, quan niệm xuôi chiều. Đặt vấn đề các yếu tố tác động cơ bản tới văn nghệ cũng giống như ta xoay chiều vectơ định hướng, đi tìm nguyên nhân khách quan của cấu trúc nội tại, nội sinh của văn học, nắm bắt những yếu tố tác động từ bên ngoài vào đời sống văn nghệ. Từ yêu cầu đó, đòi hỏi chúng ta cần có cái nhìn từ bên trong, cần quan sát xem những yếu tố mới, những yếu tố nội sinh của bản thân đời sống văn nghệ bắt nguồn từ đâu, cái mới của văn nghệ hôm nay so với văn nghệ thời kỳ trước đã xuất hiện, hình thành vì những tác động bên ngoài nào. Nói như vậy là ta cần có cái nhìn từ trong nhìn ra, trước khi ở ngoài nhìn vào. Nói cách khác, muốn tìm hiểu những tác động cơ bản của đời sống tới văn nghệ, cần phải xuất phát từ những tiến bộ, thành công và những hạn chế, khủng hoảng của văn nghệ đương đại để tìm cách lý giải bằng những nguyên nhân tác động từ bên ngoài.
Những tiến bộ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vừa tạo điều kiện thuận lợi vừa đặt ra nhiều thử thách, thậm chí là đe dọa trước nền văn nghệ truyền thống. Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Khái niệm tác động ở đây cần được hiểu như một ẩn dụ, vì đây không phải là tác động có tính cơ học vì đây là tác động diễn ra trên bình diện tâm lý, tư tưởng, thành tác động tinh thần. Và xa hơn có thể hiểu tác động như một sự ảnh hưởng khách quan, và đồng nghĩa với điều kiện xã hội, hoàn cảnh thời đại. Nếu quan niệm máy móc về sự tác động xã hội tới văn nghệ, ta đã vô tình xem văn nghệ như một thành trì, một vương quốc tự trị, khép kín. Trong khi đó đời sống văn học nghệ thuật tồn tại như một thế giới mở, vô cùng sinh động, có lúc như một thế giới ảo, bao hàm chủ yếu những giá trị phi vật thể, vì đó là thế giới tinh thần con người.
Đã có giai đoạn chúng ta thường dùng cụm từ “nền văn nghệ”, “nền văn học”. Ví dụ: “Văn học nghệ thuật Việt Nam giai đoạn qua đã thuộc và hàng ngũ những nền văn học, nghệ thuật tiên phong chống chủ nghĩa đế quốc”, “Nền văn học, nghệ thuật xã hội chủ nghĩa cần ra sức sáng tạo những hình tượng nghệ thuật cao đẹp, phong phú về xã hội mới và về con người mới…” (Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ IV) Trong thực tế, văn học chỉ tồn tại qua tác phẩm, tác giả, qua thể loại, kiểu văn học, rộng hơn nữa là qua trào lưu, thời kỳ, giai đoạn. Văn nghệ không có cơ sở hạ tầng riêng. Nền ở đây như một khái niệm mang tính biểu tượng, gần như là thuật ngữ vay mượn của ngành xây dựng. Bản thân tôi đã có nhiều lần giới thiệu cho người nước ngoài về văn học Việt Nam. Tôi đã lúng túng và bất lực không giải thích được, không dịch ra được tiếng của họ chữ nền văn học. Tôi đành dùng từ khác, thay từ nền bằng từ “kiểu”: kiểu văn học chống Mỹ, kiểu văn chương chiến trận… Ngẫm sâu một chút chúng ta có thể nhận thấy có những nền văn nghệ đã xuất hiện thực sự trong lịch sử Việt Nam và nước ngoài. Nước ngoài, có thể tính đến nền văn nghê cổ điển Pháp, đặc biệt là kịch cổ điển Pháp thế kỷ 17. Đó là nền văn nghệ hướng về các giá trị nghệ thuật cổ đại Hy Lạp – La Mã, lấy đó làm tiêu chuẩn, làm khuôn vàng thước ngọc. Điều đặc biệt có tính chất “nền tảng” là văn nghệ cổ điển Pháp là loại hình văn nghệ có tính quan phương, chính thống, lần đầu tiên hoạt động có tôn chỉ, mục đích rõ ràng, công khai, được sự bảo trợ của nhà nước quân chủ chuyên chế, dưới sự chỉ đạo của một tể tướng (vừa là Hồng y giáo chủ - Risolio). Nhiều nghệ sĩ, nhà thơ của văn nghệ thời đó được cấp nhà ở, được trả lương (điển hình như Cooc- nây). Đó là nền văn nghệ cung đình. Yếu tố cơ bản tác động tới văn nghệ khi đó là tác động cung đình, là yếu tố quản lý nhà nước.
Khái niệm nền được dùng nhiều nhất trong thế kỷ trước, ví dụ: nền văn học kháng chiến, chống Mỹ, nền văn nghệ Việt Nam… là hoàn toàn hợp lý, phản ánh đúng thực tế đời sống văn học thời đại đó. Sự thống nhất, tập trung về đòi hỏi yêu cầu chính trị, sự nhất quán về mục tiêu lý tưởng thẩm mỹ, về cảm hứng sáng tạo đã tạo ra một nền văn học bề thế, có chức năng như một mặt trận, một pháo đài tư tưởng và một loại vũ khí tinh thần trong cuộc đấu tranh cách mạng. Nhưng sau chiến tranh, bước vào thời kỳ hòa bình, bắt đầu từ Đổi mới, tính chất thống nhất, tập trung, và tính chất “vũ khí tư tưởng” của nền tảng kết cấu này đã không còn được tiếp tục duy trì nữa. Văn học nghệ thuật trở lại với đời thường, tồn tại và phát triển trong môi trường tự nhiên, đặc biệt là trong cơ chế thị trường. Văn học sau 1975 là văn học “không nền tảng”, không còn nền tảng. Nền ở đây là nền tảng chính trị, nền tư tưởng đơn nhất, quan phương, chính thống. Văn học sau 1975 vận động phát triển như một cơ chế tự hành.
Một câu hỏi tiếp tục được đặt ra ở đây là: sự tác động tới văn học nghệ thuật là tới những phương diện nào, nhìn từ khía cạnh nào? Theo chúng tôi, không nên giới hạn sự tác động ở đây chỉ là tác động tới nhà văn, nghệ sỹ, tác giả. Cần quan niệm văn học nghệ thuật như một hoạt động mang tính xã hội, trong đó bao gồm nhiều thành phần chủ thể, cả một hệ thống từ sáng tác – tổ chức sáng tác, xuất bản – phát hành, biểu diễn, tới công chúng, độc giả. Sự tác động tới người sáng tác chỉ là tác động cuối cùng, như giọt nước tràn ly. Bộ phận có vai trò quyết định ở đây chính là công chúng, độc giả. Người sáng tác chỉ là “nghe theo tiếng gọi của thời đại”, tuân thủ những mách bảo thầm lặng của công chúng. Nhu cầu, thị hiếu, điều kiện và khả năng tiếp nhận của công chúng sẽ quyết định sự đổi mới, sáng tạo của văn nghệ sỹ. Nói cách khác, tác động diễn ra ở đây là diễn ra trong một bầu sinh quyển thẩm mỹ, một trường văn hóa nghệ thuật
Vậy có thể nhận dạng được không những yếu tố tác động chủ yếu trong đời sống văn học?
Theo chúng tôi, yếu tố tác động trực tiếp, mạnh mẽ đầu tiên của nó là sự tác động của kinh tế thị trường. Nền kinh tế thị trường (bất chấp định hướng xã hội chủ nghĩa như ta quen miệng gọi) đã đẩy tác phẩm nghệ thuật trở lại tình cảnh mà Tản Đà xưa đã phải than vãn: “đem văn chương đi bán chợ trời”. Nghệ thuật được sáng tạo và tiêu thụ theo quy luật của sản xuất hàng hóa. Một thứ hàng hóa tinh thần vẫn đòi hỏi phải hấp dẫn khách hàng và phải vừa túi tiền người mua. Sách hay mà đắt, ít người mua. Vé vào rạp rẻ mà kịch không hay, cũng không có người vào rạp. Nền văn nghệ kháng chiến (và hậu chiến, trước 1986 nói chung) thực chất là nền văn nghệ bao cấp, được Đảng và nhân dân bảo trợ, đặt hàng và tiêu thụ sản phẩm. Tính chất bao cấp và đặt hàng này không chỉ thể hiện qua kinh phí xuất bản, phát hành, mà còn thể hiện ngay từ bình diện đề tài và chủ đề tư tưởng: Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, hay kháng chiến và kiến quốc đó là hai đề tài “lớn”, bao trùm, nếu không nói là duy nhất. Thời kỳ bản lề của Đổi mới (trước và sau 1986, hay 1980-1990), nhiều văn nghệ sỹ có cảm giác ngơ ngác trước thực trạng đời sống và hoang mang khi lựa chọn đề tài. Văn nghệ trở lại tâm thế - hoàn cảnh “nhận đường”, giống những năm đầu kháng chiến chống Pháp, trở lại với những câu hỏi muôn thuở: “viết cái gì, viết cho ai”. Viết cho người mua sách hay viết cho độc giả lý tưởng của mình. Văn nghệ sỹ sáng tác một đề tài tâm huyết nào đó là chấp nhận một sự phiêu lưu, đặt cược trước thị trường. Nghệ thuật không còn là một hoạt động đam mê mà là sự lựa chọn hành nghề tỉnh táo của lý trí. Nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường buộc nghệ sĩ phải chuyên nghiệp hóa. Tuy vậy, rất ít văn nghệ sỹ sống được bằng lao động nghệ thuật của mình, mà phải sống bằng nghề thứ 2, bằng nguồn tài trợ nào đó, nhờ gia đình hoặc tiền thừa kế.
Yếu tố tác động tiếp theo là tác động của Khoa học công nghệ. Những tiến bộ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vừa tạo điều kiện thuận lợi vừa đặt ra nhiều thử thách, thậm chí là đe dọa trước nền văn nghệ truyền thống. Việt Nam trở thành một trong những nước dùng nhiều điện thoại thông minh và internet nhiều nhất khu vực và thế giới. Trong kháng chiến chống Mỹ, tiểu thuyết “Thung lũng Cotan” của Lê Phương đã đến với người nghe nhiều hơn người đọc. Sinh viên học Văn không có sách đọc, phải nghe qua loa truyền thanh tập thể Ký túc xá. Mười năm trước có thể còn bắt gặp người đọc sách trong các nhà chờ tàu xe, máy bay. Hiện tại đại đa số người đọc có chăng là đọc trên smartphone. Thành ngữ (có tính biểu tượng) “Sách gối đầu giường” không còn tồn tại cả ở nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Vì sách hay, sách kinh điển đã tồn tại dưới dạng sách điện tử, thành những văn bản được số hóa. Truyền hình đã lên ngôi, chiếm đoạt công chúng khán giả các rạp phim, rạp hát hát và tất nhiên lấy đi rất nhiều độc giả văn học. Các phương tiện nghe nhìn và nghệ thuật thị giác hiện đại (biểu diễn, ca múa nhạc) gần như đã sở hữu toàn bộ thế hệ trẻ. Độc giả văn học đang trên đường lão hóa. Sách chủ yếu vào tay người già. Thêm nữa, độc giả đích thực rất hạn chế. Không thể coi chia-ra xuất bản thống nhất với số lượng độc giả nguồn. Vì mua sách chưa có nghĩa là để đọc, vì có thể để lưu trữ, trưng bày, để chờ đợi thời gian thích hợp, hoặc mua vì thiện tâm giúp đỡ nhà văn. Rất nhiều thành viên trong Hội nhà văn thừa nhận một thực trạng “viết cho nhau đọc, đọc của nhau”. Văn học như hoạt động nội bộ, khép kín.
Điều kiện in ấn, xuất bản đang pha loãng văn học. Văn học mạng đang tồn tại và phát triển như một thế giới truyền thông độc lập, có quy luật riêng, có độc giả riêng - trẻ trung, thành thạo công nghệ tin học. Mạng internet đã thành một phương tiện xuất bản, công bố và xã hội hóa tác phẩm. Rất may là tình trạng cạnh tranh giữa văn học mạng điện tử với văn học in giấy chưa thực sự xảy ra và chưa rơi vào tình trạng khủng hoảng diễn ra giữa báo in giấy và báo điện tử.
Điều kiện in ấn, xuất bản đang xã hội hóa văn học cao độ. Chưa bao giờ tổ quốc ta nhiều nhà thơ đến vậy. Có thể tính tới hàng chục vạn nhà thơ, nhà văn không thẻ, chưa có thẻ đang sáng tác và thưởng thức của nhau trong các câu lạc bộ từ cấp phường tới cấp thành phố. Đất nước đã vào thời kỳ người viết nhiều hơn người đọc. Viết và làm thơ như một hình thức giải trí, một dạng thể thao, chống đãng trí, chống lão hóa. Phong trào văn nghệ quần chúng thời đại mới kiểu này là lành mạnh, là tín hiệu tích cực của sự cải thiện từng ngày chất lượng cuộc sống, của tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy nó là tín hiệu không hay về quan niệm nghệ thuật. Không thể hy vọng phong trào làm thơ như một vườn ươm tài năng, phát triển và lộ diện tài năng. Hậu quả lâu dài của phong trào thơ ca đại chúng này là: nghệ thuật ngôn từ và sáng tác văn học nói chung sẽ từng ngày bị dung tục hóa. Chính các câu lạc bộ này đã tự ngăn chặn mình tiếp cận các giá trị nghệ thuật đích thực. Sự dễ dãi của các nhà xuất bản trong việc in thơ, in sách của các “khách văn đến nhà” là gián tiếp kìm hãm sự phát triển tri thức nghệ thuật và thị hiếu thẩm mỹ của xã hội.
Giao lưu văn hóa và Hội nhập quốc tế cũng là một yếu tố tác động lớn đến văn học nghệ thuật đương đại. Toàn cầu hóa là một quá trình “tự diễn biến” rất tự nhiên, biện chứng như một quy luật. Chủ trương hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa mà Đảng khởi xướng càng làm cho thế giới phẳng hơn trước mắt nhân dân. Những giải thưởng Nobel vừa được công bố, chỉ một vài tiếng sau chúng ta đã biết, một vài tuần sau tác phẩm đã được dịch, in. Những thành tựu nghệ thuật trong điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, hội họa, điêu khắc nước ngoài được các công ty Việt Nam nhập khẩu, đặt hàng, tiếp nhận rất sớm. Nhiều bộ phim truyền hình dài tập của Việt Nam được sản xuất nhanh chóng nhờ mua bản quyền sử dụng kịch bản nước ngoài. Văn học dịch đang lấy đi một phần rất lớn độc giả văn học, nhất là độc giả thiếu nhi và thanh niên. (sách komiks – truyện tranh nước ngoài hiện tại rất hấp dẫn học sinh tiểu học).
Thông tin học thuật quốc tế cũng nhanh chóng được cập nhật. Nhiều trường phái lý thuyết nghệ thuật Âu Mỹ đã được tiếp thu, vận dụng trong nghiên cứu, phê bình văn học. Ngược lại, đã có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác. Trong một thế giới đa cực, một không gian liên văn hóa, toàn cầu như vậy, nhà văn, nghệ sĩ có nhiều điều kiện tiếp thu, kế thừa kinh nghiệm nghề nghiệp quốc tế, và điều quan trọng trước tiên là qua sự giao lưu tiếp xúc sẽ ý thức được thật rõ mình đang ở đâu, ở vị trí nào trong các nấc thang của sự vận động và phát triển nghệ thuật nhân loại.
Sự tiếp xúc và thưởng thức văn học nghệ thuật nước ngoài đã đưa công chúng nghệ thuật Việt Nam vào tiến trình hiện đại hóa. Nghệ thuật đứng trước một đội ngũ công chúng độc giả mới, có nhu cầu và trình độ tiếp nhận mới. Quan niệm nghệ thuật của người sáng tác cũng như công chúng đọc giả đang thoát ly từng ngày chủ nghĩa hiện thực truyền thống. Nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại có thể không được chấp nhận về phương diện nội dung nhưng rất dễ chấp nhận về phương diện hình thức và thủ pháp nghệ thuật. Công chúng độc giả ít quan tâm đến nội dung “nói cái gì” mà quan tâm tới hình thức “nói thế nào”, tức là cái mới trong hình thức biểu hiện. Nghệ thuật đúng như các nhà hình thức Nga xưa phát hiện, là vấn đề thủ pháp. Nghệ thuật sáng tạo theo quy luật “lạ hóa”, thay đổi một cách nhìn. Sự hấp dẫn của truyện ngắn Nguyễn Minh Châu rồi tới Nguyễn Huy Thiệp chính là sự lạ hóa cái quen thuộc, làm mới cái đời thường. Nhìn chung, sự tác động của kinh tế thị trường, của khoa học công nghệ và giao lưu hội nhập quốc tế đã làm biến đổi cấu trúc và đặc trưng loại hình và thể loại nghệ thuật.
Có thể dễ dàng thống nhất một cách đánh giá sau: Một là, các loại hình sân khấu truyền thống như Tuồng, Cải lương, Chèo đứng trước nguy cơ tàn lụi, mai một. Hai là, Về dung lượng tác phẩm, kịch cổ điển 4 màn cùng trường ca, tiểu thuyết trường thiên nhiều tập ít xuất hiện. Kiểu sách “bom tấn” như bộ tiểu thuyết lịch sử Đường thời đại của Đặng Đình Loan có thể chỉ có giá trị tư liệu lịch sử. Kịch cổ điển dài hơi cùng tiểu thuyết và truyện dài nhường chỗ cho kịch ngắn, tiểu phẩm, truyện ngắn, tản văn. Độc giả không đủ thời gian và tâm trạng đọc dài, xem lâu. Ba là, Có sự giao thoa tương tác thể loại và loại hình nghệ thuật. Nghệ thuật biểu diễn ca múa nhạc đang tổng hợp nhiều loại hình: tạo hình hội họa, phông nền điện tử, nghệ thuật sắp đặt, thời trang, đặc biệt là nghệ thuật múa. Trong một thể loại cũng có sự biến động về cấu trúc. Rõ nhất là tính giao thoa, liên văn bản trong truyện ngắn và tiểu thuyết. Nhà văn viết như nhìn từ sau camera, do vậy tính chất kịch bản, tính lắp ghép điện ảnh biểu hiện rõ trong tác phẩm tự sự. Không ít truyện ngắn và tiểu thuyết được chuyển thể điện ảnh dễ dàng (truyện “Người ở bến sông Châu” của Sương Nguyệt Minh được chuyển thể điện ảnh khá dễ dàng, thành “Người trở về”).
Tóm lại, khi đặt vấn đề nghiên cứu và lý giải sự tác động từ bên ngoài tới văn học nghệ thuật đương đại gắn liền với vấn đề giải pháp là chúng ta muốn ngăn chặn những tác động xấu, ảnh hưởng xấu tới sáng tác và tiếp nhận nghệ thuật nói chung. Tuy nhiên đây còn là giải pháp tăng cường những tác động tích cực, giải pháp tận dụng những yếu tố tác động và những ảnh hưởng khách quan ngoài nghệ thuật.
Cũng cần thận trọng khi nhận diện sự tác động bên ngoài với các yếu tố nội sinh, “tác động tự nó” của bản thân đời sống văn học. Vì đời sống văn học có tính độc lập tương đối của nó, có sự vận động nội tại của nó. Ý kiến của một nhà phê bình Nga đầu thế kỷ trước rất đáng quan tâm: một hình thức mới xuất hiện không phải vì xuất hiện một nội dung mới, mà vì hình thức cũ đã cũ, đã không còn sức hấp dẫn thẩm mỹ nữa. Như vậy có thể suy ra rằng rất nhiều sự đổi mới về hình thức nghệ thuật trong văn học nghệ thuật hiện nay không phải đơn thuần là kết quả của sự tiếp thu, kế thừa từ bên ngoài mà là cái mới nội sinh, có tính tự thân của đời sống nghệ thuật. Cái mới đó có thể gần gũi, tương đồng với cái ngoại lai, nhưng nó chính là khám phá, sáng tạo của chính văn nghệ sĩ Việt Nam trong điều kiện văn hóa lịch sử đương đại.
Để bảo tồn và phát triển một nền văn học nghệ thuật nhân văn, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, theo tôi, cần có một số biện pháp và chính sách cụ thể:
Một là: Nhanh chóng số hóa các tác phẩm văn học kinh điển để tận dụng một kênh truyền thông hiện đại. Sách điện tử và thư viện điện tử sẽ là nơi thu hút độc giả trẻ. Tiếp tục duy trì và phát triển hệ thống thư viện cho các địa phương mọi cấp với những đầu sách văn nghệ truyền thống, có chất lượng in ấn, xuất bản cao.
Hai là: Để tránh sự xa rời hệ giá trị nghệ thuật dân tộc, nhân văn cần có những cuộc thi và đầu tư cho tác giả sáng tác theo những đề tài lớn: Chiến tranh cách mang, Chủ quyền biển đảo, Lịch sử dân tộc, Văn học thiếu nhi, Bảo vệ môi trường sinh thái…
Ba là: Cần có những dự án dịch học thuật cấp quốc gia để chọn lọc tiếp thu lý luận văn nghệ nước ngoài một cách hệ thống và khoa học. Dịch văn học và học thuật hiện tại hoàn toàn mang tính cá nhân, tự phát.
Bốn, cuối cùng là: Trong xuất khẩu văn hóa cần có chế độ khuyến khích dịch giả nước ngoài.
Tất nhiên, không thể ngăn chặn được sự tác động của các yếu tố kinh tế, xã hội và văn hóa bên ngoài vào đời sống văn học nghệ thuật. Sự ảnh hưởng, tác động là khách quan, tất yếu trong xã hội hiện đại. Đời sống văn hóa nghệ thuật như một cỗ máy, một cơ chế tự hành. Sự áp đặt chính sách và các mệnh lệnh, chỉ thị, biện pháp hành chính sẽ hoàn toàn vô hiệu, thậm chí cản trở sự vận động và phát triển của nó. Bởi vì giữa những tác động ảnh hưởng tiêu cực, ngược chiều, một dòng văn nghệ đích thực, “chính thống nghệ thuật” luôn giữ vai trò chủ lưu, vai trò nguồn lực tự định hướng, không bao giờ đi chệch khỏi con đường vươn tới những giá trị thống nhất muôn thuở là hệ giá trị chân - thiện - mỹ.
----------
Bài tham luận tại Hội thảo Lý luận phê bình Văn học lần thứ V