Khung cửa sổ nhìn ra khoảng phố có con đường quốc lộ đi qua. Từng đoàn xe ngược xuôi Bắc Nam hối hả cho kịp những chuyến hàng giáp Tết. Ông lão ngồi đó, vững chãi nhìn bóng câu qua cửa sổ, chén trà lắng đọng những lo toan.
Bộ ấm trà đã cũ, chẳng lấy gì gọi là đặc sắc. Một cái ấm đất bóng nhẫy mồ hôi tay, một chén tống, một cái ly dáng trụ nhỏ, một cái bếp đun nước khói bạc còn bay. Mé bậu cửa sổ, một nhành đào khẳng khiu trơ trọi lá. Đêm qua, từng làn mưa xuân phủ nhẹ trên cành những hạt nước li ti, thấm vào cành, đọng cả những chồi non nhỏ xíu xiu. Ông lão nghiêng nghiêng chăm chú những nơi nhú lên, đoán xem đâu là chồi của lá, đâu là búp của hoa.
Chừng ấy mươi tuổi rồi, chẳng phải lão tò mò háo hức như những ngày còn trẻ, ngóng mãi những búp đào đầu tiên; cũng không phải lão chẳng biết gì về đào mai ngày Tết! Chỉ là, nhìn một sinh thể đâm chồi trổ lá hoặc nhú búp nở hoa mang lại cho lão cảm xúc của sự hồi sinh. Âu cũng là thú vui tao nhã mà đến tuổi nhàn tản, dường như ai cũng muốn nhưng không phải ai cũng có.
Lão nâng chén ngang mũi. Từng làn hương nhẹ thoảng vào cánh mũi phập phồng, đánh thức khứu giác của lão. Mùa Đông, lão thích dùng chiếc chén hình trụ này. Chiếc chén như một đoạn trúc của đạo quân tử. Lão đã qua rồi cái thời ngang dọc để có được tuổi già thư thái. Cái tuổi trẻ có thể phai nhòa trên hình dáng, trên khuôn mặt của lão, nhưng cái bậc chính nhân quân tử trong lão mãi mãi vẫn còn đó. Thế nên, ra đường thì bạn bè nể trọng dù lão không giàu sang; về nhà con cháu quý mến cái cung cách và hành xử của lão!
Chiếc chén trà hình đoạn trúc lưu giữ hương lâu hơn, khiến cho người thưởng trà tận hưởng được trọn vẹn hơn. Trên thân chén, người ta viết mấy chữ thảo Hán tự. Bọn trẻ tò mò thường hỏi lão ý nghĩa của chữ, lão chỉ cười, nhấp chén trà vào môi, ngậm thật lâu, đưa nước trà đi hết cả những ngóc ngách vòm lưỡi, vòm họng… cho vị chát lan tỏa đều trong miệng, thì đánh ực một cái, vẻ khoan khoái lắm. Lão chỉ nói “Khoái!” rồi thôi! Nhiều lần thế, bọn trẻ nghĩ lão không biết chữ, chỉ nói bậy cho vui thế thôi.
“Không hổ danh là trà xuất xứ vùng đồi Thái Nguyên”, lão thầm nghĩ, đôi mắt vẫn nhìn vào cành đào khẳng khiu bên cửa. Hình ảnh những cây đào bung nở xen kẽ trên bạt ngàn đồi chè Thái Nguyên khiến lão bỗng mang cảm giác hồi xuân. Từng hàng, từng hàng các cô gái trẻ mang theo giỏ trà xanh mướt cười vang cả những đồi chè nhấp nhô cao thấp. Lão đã từng phải lòng một cô gái hái chè trên ấy. Có thể nào, chính điều ấy khiến lão phải lòng những chén trà màu sáng sóng sánh những buổi bình minh?
Tuổi trẻ, lão cũng từng đam mê, tìm thưởng thức cho được các loại danh trà tàu như Long Tỉnh, Bích Loa Xuân, Đại Hồng Bào…, nhưng rốt cuộc chính dòng trà trên đất mẹ thiêng liêng mới chinh phục được lão hơn cả. Trà Việt đâu chịu lép vế về chủng loại hay hương vị, cũng Bạch Trà, Hồng Trà, Phổ Nhĩ… Nhưng xem ra, người Việt còn tự mình tạo tác những phẩm trà có hương vị đặc trưng vùng miền mà không nơi nào có. Trà ướp sen có ướp trong búp ngậm nở qua đêm trên hồ, cũng có ướp gạo sen thơm nưng nức. Mùa hoa nào có trà thức ấy, mùa nhài trà nhài, mùa cúc trà cúc, mùa hòe trà hòe, mùa sói trà sói… Trà lam gác bếp, hồng trà mang đến cảm xúc tuổi thơ lên rừng chăn trâu, cắt cỏ, hay mùi mồ hôi từ cơ thể ông nội ông ngoại giờ đã hóa xa xăm…
Thứ trà lão đang uống là trà xanh được sao chế thủ công ở mối quen lão thường đặt từ Thái Nguyên hơn mười năm nay. Trà làm thủ công từ chính đôi tay trần trụi của nghệ nhân, từ những giọt mồ hôi của người hái trà, sao trà, nên khi uống lão rất trân quý, như một cách hồi hướng công đức đến những ân tình mà người làm trà gửi gắm trong từng sợi trà bé nhỏ. Khi còn trẻ, lão thường pha những ấm trà đặc, chỉ cần nhấp vào môi, cảm giác không thể mở răng ra được. Chát sít sìn sịt! Nhưng giờ lão chỉ dùng một nửa số lượng trà ấy cho một ấm. Già rồi! Trà với lão bây giờ là bạn tâm giao, nên lão không muốn bị say trà, để rồi những lần sau chẳng dám đun bếp!
![]() |
Uống trà cốt để tu tâm dưỡng tánh, giảm thiểu những đam mê vật chất dần dần cho cái tâm thanh tịnh. |
Tuổi già mà! Cái gì đã từng đam mê đều nên giảm đi một nửa hoặc hơn, để mọi thứ được sạch sẽ, thanh tao, không rườm rà, không khiến mệt mỏi! Những bàn trà gỗ trắc gỗ hương, những ấm to ấm nhỏ, Bát Tràng, tử sa, Trung Quốc, Việt Nam, loại đắt loại rẻ, những bếp than bếp điện, bếp hồng ngoại… lão cất lên giá tất tật, hoặc gặp người hữu duyên thì tặng lại. Bạn hữu thuở còn trẻ vốn rất nhiều, chén rượu cuộc cờ chẳng mấy chốc mà đông vui. Nhưng hễ nghe gọi chung bàn trà quần ẩm thì chỉ còn lại chẳng mấy người, mà hữu huyên tâm đầu ý hợp để được lão tặng ấm thì cũng chỉ một hoặc hai.
Lão chỉ bày sẵn một cái ấm tử sa cũ, một chén tống, một chén trà hình trụ ấy và một cái bếp hồng ngoại thôi. Những cầu kỳ trong pha trà lão cũng tĩnh lược gần hết. Nước phải sôi đều rồi để hạ nhiệt mới pha, chứ nhất quyết không dùng khi mới sủi tăm. Uống như các cụ xa xưa chỉ tổ đi tiểu mệt người, mà chất lượng nước xưa nay vốn đã khác nhau rồi. Ừ thì cũng phải tráng ấm, tráng trà rồi mới châm nước pha trước khi chuyển sang chén tống cho dung hòa đậm nhạt, nhưng không còn hoa chân múa tay như xưa nữa. Biết đâu vụng về, làm vỡ ấm thêm khổ!
Trong chén trà của lão, chuyện hợp chuyện tan, chuyện tròn đầy viên mãn hay tiếc nuối khổ đau đã không còn quan trọng nữa. Những chén trà đắng ngắt bên đường mưu sinh lão đã uống hết; những vị trà ngọt của chút hạnh phúc lão cũng đã từng nếm qua. Thói thường là vậy, cuộc đắng cay bao giờ cũng nhiều mà những hạnh phúc chẳng có được bao nhiêu! Cũng như chén trà, vị ngọt hậu chỉ đến sau khi ta uống trọn cái đắng của những ngụm đầu tiên. Người uống trà còn biết ví trà như cuộc sống, người không biết uống trà đốn ngộ bằng cách nào đây? Thế nên, dần dần lão xóa bỏ hết chấp niệm trong cuộc trà, cuộc đời, chỉ cần lắng đọng lại ba chữ “Uống Trà Đi” thật thâm sâu cả ý lẫn nghĩa.
Uống trà cốt để tu tâm dưỡng tánh, giảm thiểu những đam mê vật chất dần dần cho cái tâm thanh tịnh. Uống trà cũng có thêm một hoặc hai người bạn cũng tốt, mà một mình cũng không sao! Chén trà vẫn thơm, vẫn ngon mà chỉ khi thật lắng đọng không gian mới có thể thấu tỏ hết cái cuộc nhân sinh.
Cái cuộc nhân sinh ấy hàng ngày vẫn diễn ra đều đặn trước cửa sổ nhà lão. Càng gần Tết, cuộc nhân sinh ấy làng hối hả hơn, tất bật hơn. Những chuyến hàng Tết xuôi Bắc ngược Nam, những tiếng còi xe inh ỏi trên phố lắm người lại qua. Khắp nơi đèn hoa giăng mắc, tiếng nhạc Xuân xập xình những mơ ước mới mẻ hay tiếc nuối những mùa xuân xưa cũ đầy hoài niệm. Đôi khi, những chấn động trên phố làm rung động cái cành đào, những giọt nước mưa còn đọng rơi vội xuống đất. Mặc! Lòng lão vẫn bình yên bên chén trà còn bốc khói trên tay, thấy rõ lòng mình, thấy rõ cuộc nhân sinh.
Nhân sinh như mộng, việc gì phải vội vã!