Sáng tác

Bến Tầm Dương. Truyện ngắn dự thi Nguyễn Thanh Bình

Nguyễn Thanh Bình
Truyện
13:14 | 01/12/2024
Baovannghe.vn - Buổi trưa, đò khá đông khách, mọi người trên đò nãy giờ sốt ruột vì vẫn chưa thấy cô lái đò có ý rời bến. Phải ngồi chen chúc, nắng trưa oi bức trên đò khiến ai nấy đều khó chịu
aa

Chùa Tiên là ngôi chùa nằm giữa cánh đồng của làng Đại. Chùa này từ lâu đã nổi tiếng linh thiêng, ngôi chùa ngoài thờ Phật còn thờ quốc sư Minh Không. Thời kỳ chống giặc Mông Nguyên ngoại xâm, vùng đất của làng Đại và các làng xung quanh thuộc tổng Quỳnh Côi này do nằm ở vị trí đặc biệt là ngã ba của Sông Luộc và sông Hóa rất thuận tiện đường thủy lui và tiến quân, lại gần căn cứ A Sào của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn nên được ngài chọn làm đại bản doanh huấn luyện và nuôi quân. Đến nay vùng này vẫn còn rất nhiều dấu tích do người xưa để lại như cái tên Làng Đại Nẫm là kho thóc lớn, làng Sổ là nơi làm sổ sách, thẻ quân bằng tre, xóm Trại, làng Am Qua là kho gươm, làng Mễ Thương là kho gạo... Tương truyền rằng trước mỗi trận đánh, xuất quân, quân sĩ của Đức Hưng Đạo đều vào chùa Tiên cầu khấn để ra trận gặp nhiều may mắn, đánh tan quân giặc và đều đạt được ý nguyện. Khi giặc tan, đất nước thái bình, để cảm kích, ngôi chùa đã được cấp kinh phí tu sửa và mở rộng là ngôi chùa lớn nhất vùng, nhưng trải bao dâu bể, chùa không còn được như xưa nhưng vẫn là ngôi chùa có tiếng trong vùng. Sư thầy hiện trụ trì còn trẻ tuổi, chắc mới ngoài “hăm” thôi mà thông kinh sử lắm, nghe nói thầy còn biết cả chữ Pháp và chữ Quốc Ngữ. Gần đây thầy còn học làm thuốc, học võ của sư cụ trụ trì chùa Thông - Hải Dương bên kia sông Luộc.

Con sông Luộc vừa qua mùa lũ lại trở về hiền hòa như vốn có của nó, dòng nước không còn đậm đặc phù sa như tháng trước mà đã loãng ra trong xanh trở lại, vài đám lục bình lững lờ trôi, nắng vàng trải đều khắp mặt sông như đang nhảy múa, vui đùa cùng các con sóng tạo ra muôn vàn vì sao nhấp nháy. Hai bên bờ bãi nước đã rút để lộ ra một lớp phù sa màu mỡ, đoạn sông này bên bãi bồi là phía Hải Dương, cả một cánh đồng bãi mênh mông chạy dài được chắn bởi con đê xanh xanh phía xa. Lác đác đã có những ruộng ngô vừa tra hạt, những luống khoai lang vừa bén rễ đang rụt rè vươn những mầm xanh đón những cơn gió mát rượi từ phía lòng sông thổi đến. Phía bên Thái Bình là bãi làng Đại, đồng bãi tuy nhỏ hơn nhưng cũng đủ để cho những ruộng dâu xanh mơn mởn, ngút ngàn đuổi nhau trải dài hút tầm mắt, làng Đại từ lâu đã có truyền thống nuôi tằm, ươm tơ.

Trên đò, mấy bà, mấy cô hàng xáo sợ bị bẩn váy áo rút đòn gánh ra kê trên sàn đò đang ngồi rì rầm than vãn giá cả cái gì cũng tăng cao mà tiền làm ra ngày một khó, gạo ngày một kém, chỉ mong lãi được chút cám nuôi lợn cũng khó, chả lẽ lại ngồi chơi không trong lúc tháng ba ngày tám. Phía cuối đò cô lái tên Thi vẫn nhịp nhàng với đôi mái chèo thong thả khỏa nước, vầng ngực thanh tân nhô cao sau mỗi nhịp chèo với phần lưng áo cánh đã đẫm hồ hôi.

- Cháu qua sông có việc gì? - Ông cụ Giang hỏi Du, là gã trai đang ngồi lên mạn đò, mặc dù đã được nhắc nhở là nguy hiểm.

- Cháu qua đồng bãi bên kia xem có việc gì thì làm thuê, nhưng hôm nay không có việc. Sắp đến kỳ sưu thuế rồi mà nhà cháu chưa lo đủ, năm nay nhà cháu thêm thằng em vừa đủ tuổi mười tám là thành ba suất đinh. Hôm qua Lý Trưởng Tuyến đã sai thằng Mõ đi thông báo cho từng xóm, từng nhà rồi – Vừa nói Du vừa gõ gõ chân vào mạn đò.

- Nhà anh cả Du bố mẹ còn khỏe, không có ông già bà cả mấy anh em đều đi làm, chỉ có hai đứa em anh hơi bé một tý, nhà có ruộng cấy lúa, lại có mấy sào trồng dâu ngoài đồng bãi mà vẫn không lo đủ sưu thuế ư? – Nhà sư quay ra hỏi Du.

- Bẩm sư thầy, kỳ thực là như vậy, nhưng ngặt nỗi đầu năm vừa rồi thầy cháu lên lão năm mươi phải khao làng và họ hàng mấy chục mâm cỗ đã tốn đến năm mươi đồng, rồi còn phải đưa mấy chục đồng bạc cho mấy ông như Lý Trưởng, Phó Lý, ông Cựu, cụ Bá… để các ông ấy sắp xếp cho chỗ ngồi tại chiếu đình chứ đã lên lão rồi mà còn ngồi với bọn bố cu, bố đĩ thì nhục lắm chả dám to tiếng với ai! Thành ra nhà cháu đã phải tiêu sạch tiền đáng lẽ ra để đi hỏi vợ cho cháu, lại còn phải bán hết cả mấy sào dâu ngoài đồng bãi mà vẫn còn nợ.

Đò cập bến, cả Du nhanh nhẹn nhảy lên mũi đò, lôi ra tấm ván gỗ được ghép từ mấy tấm gỗ nhỏ với nhau để làm cầu lên xuống đò, cầm dây neo chặt đò vào gốc xoan già đầu bến. Ông cụ Giang lên sau cùng với gánh đồ nghề để đóng cối xay thóc được sư thầy gánh giúp, ông cụ lưng còng rạp xuống, lại hơi nặng tai con cháu có cản thế nào cụ cũng không chịu nghỉ ngơi. Do có tay nghề khéo, những chiếc cối xay thóc cụ đóng rất bền, vỏ trấu được bóc ra khỏi hạt thóc rất đều, ít khi bị sống nên cụ vẫn đều việc lắm.

Lúc nào Thi cũng thích được đứng trên mặt đê nhìn ra xung quanh. Từ đây cô có thể nhìn rõ dòng sông Luộc mềm mại chảy như một dải lụa trắng được bờ bãi cùng hai con đê với hàng tre xanh rì ôm ấp hai bên. Phía trong đê những thôn làng xa xa được những cánh đồng lúa như một thảm lụa xanh bao bọc. Làng Đại thân thương của Thi ngay dưới kia. Đình làng, sân đình cùng khu giải vũ rộn ràng vào những ngày lễ hội. Nhìn về căn nhà thân thương của bu con cô và căn nhà của cụ Điền gần đó Thi như chùng lòng xuống, dường như nó quá cũ kỹ và nhỏ bé so với phần còn lại, mái rạ ngả thâm đen, xẹp lép mỏng dính chỉ chống được nắng và mưa nhỏ do đã qua mấy mùa gặt chưa được thay. Làng đợt này đang vào mùa quay tơ.

Bà Đồ Cử mẹ Thi có tiếng ở làng Đại về quay tơ khéo, vào dịp quay tơ nhà nào cũng muốn thuê được bà Đồ về quay cho mẻ tơ nhà mình thì mới yên tâm. Từ những kén tằm phải chọn hôm nào trời nắng ráo để quay tơ, phải là những người có kinh nghiệm, tránh cho những sợi tơ không bị rối và đứt gẫy, thành những nén tơ vàng óng, dưới ánh nắng mặt trời những nén tơ óng ả như nhuận sắc hơn, sẵn sàng lên những khung dệt của Làng Mẹo hoặc bên Nam Định. Những ngày bận rộn và yêu thích của bà Đồ, bà Đồ lại trở về với công việc thường ngày chèo đò, thi thoảng bà cũng để Thi tự chèo một mình vào những ngày trời yên, sóng lặng…

Có nằm mơ bà Đồ cũng chả nghĩ đời bà lại có ngày tàn như hôm nay. Trước kia khi ông Đồ còn sống, gia đình bà đã có những ngày tháng tươi đẹp, nhà ngói, sân gạch, cây mít, hai mẫu ruộng cấy và một con trâu cày, lại thêm mấy sào dâu ngoài đồng bãi. Ông Đồ Cử tính tình hiền lành nho nhã nên học trò theo học khá đông, trong nhà lúc nào cũng sẵn người ăn kẻ ở. Những ngày làng có hội ra đình kiểu gì ông Đồ cũng được ngồi ngang hàng với các ông Lý Trưởng, Bá Xuân. Ông bà sinh được một trai hai gái, ông còn dự định cho hai cô con gái là Thi và Cây đi học nghề bốc thuốc Nam của bạn ông trên tổng Quỳnh Côi, còn cậu ấm Cừ thì chuẩn bị cho lên tỉnh học hy vọng sau này sẽ thành những ông Phán, ông Thông. Bà Đồ nghe ông tính thế cho là phải lắm.

Năm ấy cũng vào cữ cuối năm, đang thời điểm thu sưu thuế, quan Chánh Tổng Quỳnh Côi đã hai lần đưa trát về làng yêu cầu Lý Trưởng đốc thúc sưu thuế. Lý Trưởng cùng các chức sắc trong làng lo sốt vó bởi toàn bộ sổ sách thu, chi, sổ đinh đều do Thư ký hộ lại quản lý, ghi chép tìm người thay thế đâu dễ, sau cùng họ đến nhờ ông Đồ Cử là người tin tưởng lại biết chữ nghĩa, sổ sách giúp cho làng qua đận này. Ông Đồ vui vẻ nhận lời. Sau bao ngày đêm vất vả cuối cùng việc sưu thuế của Làng Đại cũng xong. Sáng sớm gà vừa gáy canh ba ông Đồ đã sai người nhà bắt hai con gà sống thiến cho vào chiếc lồng tre, gánh lên tổng làm quà biếu tết cho bạn là ông lang Quý là thầy lang y có tiếng trong vùng. Tiền sưu thuế và sổ sách thì ông nhét sâu vào túi chiếc áo pa-đờ-xuy cài kim băng cẩn thận. Từ làng Đại lên Quỳnh Côi cỡ hai canh giờ, trưa sẽ lại nhà bạn ăn cơm uống rượu chiều mới về.

Trời đêm cuối năm gió bấc thổi từng cơn, mưa phùn phả lên mặt, ngấm qua cổ áo lạnh thấu xương, một mình ông lủi thủi trên con đường mà ông thuộc từng ổ gà, vũng nước, làng xóm hai bên đường vẫn đang chìm sâu giấc nồng trong những ổ rơm ấm áp. Thi thoảng có tiếng chó sủa xa xa trong làng vọng ra như thúc giục ông Đồ rảo bước hơn. Đi độ hơn một canh giờ trời đã tang tảng sáng, chợt ông Đồ nghe có tiếng súng nổ phía trước rồi ông thấy lố nhố mấy bóng người vừa chạy vừa kêu: “Chạy thôi, tụi lính và quan Tây đang đi càn, đang đuổi bắt Việt Minh’’. Tiếng la hét mỗi lúc một gần, rồi một loạt tiếng súng vang lên, ông Đồ và hai người nữa trúng đạn ngã huỵch xuống nền đường, tụi lính lại gần lục soát lấy đi cái gì cần lấy bỏ lại mấy cái xác bê bết máu và bùn đất.

Bà Đồ như sét đánh ngang tai khi hay tin ông đồ bị Tây bắn trong lúc rượt càn, bà ngất đi khi người ta khênh xác ông về. Nhờ bà con, họ hàng việc mai táng cho ông Đồ được tiến hành nhanh gọn và chu tất. Trong lúc nỗi đau mất mát còn chưa nguôi ngoai thì đúng ba mươi tết Lý Trưởng Tuyến đến nhà thông báo việc ông Đồ làm mất hết số tiền sưu thuế. Bà Đồ nghe xong thì khụy xuống. Cả cái tết bà nằm bẹp trong nhà, nằm chán rồi bà cũng phải dậy khi hạn nộp sưu đã gần kề, trong nhà còn non trăm, bà gọi Lý Trưởng đến bán đi cả hai mẫu ruộng cấy, con trâu và mấy sào dâu ngoài đồng bãi. Vẫn còn thiếu năm mươi đồng bà chưa biết xoay đâu thì Lý Trưởng Tuyến đến cho bà vay thêm năm mươi đồng, đủ số sưu thuế phải nộp…

Bến Tầm Dương. Truyện ngắn dự thi Nguyễn Thanh Bình
Minh họa của Phạm Hà Hải

Giờ bà chỉ mong gia đình, con cái mạnh khỏe bà sẽ đi làm thuê, cuốc mướn nuôi các con, chúng sẽ lớn phụ thêm cho bà, hy vọng mọi khó khăn rồi sẽ qua. Nhưng định mệnh dường như chưa buông tha bà, vào hè năm ấy dịch sốt xuất huyết tràn qua làng Đại, căn bệnh quái ác đó đã lấy đi mạng sống của một số người dân xấu số trong làng. Chỉ chưa đầy nửa năm mà bà Đồ mất tất cả, gia đình chồng con, gia sản, không hiểu kiếp trước bà đã phạm tội gì mà kiếp này gặp quả báo ghê thế, mọi người phải để Thi túc trực bên bà, động viên phải mạnh khỏe sống. Bà con dân làng, họ hàng lại đến giúp mồ yên mả đẹp cho hai con bà. Người ta chuyển bà ra nằm ở cái nhà tranh tre vách đất ở cuối vườn trước kia là nơi chứa củi và các vật dụng khác rồi cho người đến dỡ sân gạch, nhà ngói bán lấy tiền lo ma. Rồi nhờ có Thi mà bà Đồ còn động lực sống tiếp và cũng nhờ có thuốc và sự giúp đỡ của thầy Lang Quý mà bà dần khỏe mạnh, bà xin với Lý Trưởng cho ra bến Tầm Dương chèo đò, số tiền này coi như tiền công hàng tháng được nhiều ít tùy theo, rồi việc gì ai thuê bà cũng làm nhờ thế mà bà đã trả cho Lý trưởng được hai mươi đồng trong khoản vay năm xưa.

Biết Thi không ở dưới bến đò, bà Đồ đi thẳng vào điếm canh đê để đưa cơm trưa cho Thi. Vừa bỏ đồ ăn ra chõng tre bà Đồ âu yếm bảo con:

- Hôm nay có món tép rang, còn đây rau muống chấm mắm cáy, ăn đi con. Nhà mình còn may mắn đủ gạo ăn ngày hai bữa, có nhà chỉ ăn bữa trưa, tối có gì ăn nấy thôi.

- Thấy người làng nói lúa năm lại nay xấu lắm hả bu? – Thi hỏi.

- Vụ trước đã mất mùa rồi, vụ này lúa lại đang bị sâu rầy. Các cụ nói cấm có sai “được mùa cau đau mùa lúa, được mùa lúa úa mùa cau’’ cau trong làng năm nay sai quả lắm, rồi lại mất mùa tiếp chỉ có chết đói thôi. Lại đến kỳ sưu thuế ư?

Bà Đồ hỏi con, nhưng hỏi là chỉ khẳng định bởi tiếng mõ ra rả ngày đêm mấy hôm nay rồi. Bà cay đắng nghĩ về mùa sưu thuế năm nào, vì nó mà gia đình bà tan cửa nát nhà. Bà thấy thương con gái quá, từng này tuổi rồi mà vẫn chưa yên bề gia thất. Lúc trước khi chưa xảy ra biến cố mới, mười lăm tuổi mà Thi đã có bốn năm ông Bá, ông Cựu muốn hỏi cho con trai họ. Giờ gia cảnh đã xảy ra cơ sự như thế vẫn có mấy anh Khóa, anh trai cày muốn hỏi nhưng bà chưa nhận lời ai, chả phải bà kén chọn gì mà vẫn có ý đợi Khóa Sinh con bà Hai Nhiêu. Khóa Sinh trước là học trò của ông Đồ, tuổi cũng trạc tuổi Thi, hai đứa quen biết và có ý thích nhau, bà Hai Nhiêu cũng mấy lần rào đón nhưng hiện Khóa Sinh đang học trên tỉnh để thi tú tài phải đến tết mới về.

Chiều ấy thấy vắng khách Thi đã định nghỉ đò sớm về ăn cơm tối còn kịp sang nhà cụ Bá Xuân xem đội chèo của làng, nhưng chợt nhớ là sư thầy chùa Tiên sang sông từ sáng vẫn chưa về cô quyết định đợi. Năm giờ chiều thì sư thầy về đến bến đò và là người duy nhất qua sông về làng cùng cô lái. Sư thầy vẫn trang phục như mọi khi áo nâu sồng cùng chiếc tay nải vắt chéo qua vai vẫn không giấu đi được thân hình cân đối của người quen tập võ. Sư thầy ngồi quay lưng lại phía Thi, gương mặt tuấn tú đang dõi nhìn theo dòng chảy của sông.

- Dám hỏi sư thầy là người vùng nào? Năm nay được bao nhiêu tuổi – Thi phá tan bầu không không khí im lặng trên đò.

- Cảm ơn cô Thi đã hỏi thăm. Tên do cha mẹ đặt ra Nguyễn Nam Phong, tên tu là Thích Quảng Phong, tôi người vùng Nam đến đây, năm nay hai ba tuổi ta – Sư thầy dè dặt.

- Ngọn gió Nam tên nghe hay quá – Thấy sư thầy có vẻ ngượng Thi tiếp tục – Tên thầy thật đúng như người. Thế đã có ai nói với thầy là đẹp trai thế mà lại đi tu chưa? – Thi cố giấu không để cười thành tiếng.

- Cô Thi con ông Đồ chắc cũng là người đã được đi học chữ? – Sư thầy lảng tránh câu hỏi của Thi.

- Thì hẳn rồi, nhưng mà thầy vẫn chưa trả lời câu hỏi của em? – Thi vẫn đang đà trêu.

- Đi tu là do căn quả, Đức Phật đâu có phân biệt người nào đâu cô! - Sư thầy vẫn từ tốn.

- Thầy bảo đi tu là căn quả mà em thấy tâm thầy chưa được bất biến giữa dòng đời vạn biến.

- Cô Thi nói thế là ý gì? – Sư thầy lúng túng.

- Ý gì ư? Thì từ lúc nãy giờ sư thầy nói chuyện mà vẫn không nhìn em, hay không dám nhìn em nhưng em biết là sư thầy vẫn nhìn em, chứng tỏ tâm thầy vẫn chưa được bất biến – Thi khỏa mạnh mái chèo để che đi tiếng cười khúc khích.

- Cô …

- Chỉ khi nào sư thầy nhìn thẳng vào em, nói chuyện nhìn thẳng vào mắt em mà như nhìn vào dòng nước đang trôi kia thì lúc ấy mới gọi là “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến ’’- Thi lại tiếp tục.

- Tôi …

Đò cập bến, sư thầy lên bến với chiếc tay nải khá nặng đúng lúc bà Đồ hơ hải từ trên sườn đê bước xuống bến mặt biến sắc vừa nhìn thấy Thi bà đã òa khóc.

- Bu ơi có chuyện gì sao?

Bà đồ càng khóc to, nấc lên từng tiếng khiến nhà sư không nỡ bước, sau một hồi bình tâm mới bà mới kể ngọn ngành câu chuyện.

Chiều nay vừa đi làm cỏ lúa về đến nhà, chuẩn bị cơm nước thì Lý Trưởng cùng hai bác Tuần phu xuất hiện, nhìn thấy Lý Trưởng với thân hình cao lớn, gương mặt lúc nào cũng bóng nhẫy bà Đồ đã thấy bất an nhưng vẫn niềm nở:

- Rước ông Lý và mọi người vào nhà xơi nước.

- Thôi không cần, hôm nay tôi đến đây là có việc trao đổi với bà Đồ, lần trước việc của ông nhà, bà vẫn thiếu của tôi ba mươi đồng, nể tình tôi không tính lãi. Hôm nay tôi đến đây muốn giúp bà trả hết số tiền đó – Vừa nói Lý Trưởng gật gù ra chiều thương cảm.

- Xin ông nói rõ được không – Bà Đồ chợt thấy sợ.

- Thế này nhé tôi nói cho nhanh, quan Tây trên đồn Quỳnh Côi đang cần một người biết chữ để giúp cho công việc nhà quan, cô Thi con gái bà lại là người biết chữ ở cái làng này. Nếu bà đồng ý để cô Thi lên giúp việc quan thì số nợ kia tôi sẽ xóa văn tự nợ cho bà mà chỉ mấy tháng xong việc quan lại trả thêm lương cho mỗi tháng năm đồng, bà thấy thế nào? – Lý Trưởng nheo nheo đôi mắt dò xét.

- Không đời nào tôi đồng ý – Bà Đồ bức xúc – Quan Tây bắn chết chồng tôi, làm cho gia đình tôi tan nát thế nào chắc ông là người nắm rõ nhất, vậy mà bây giờ tôi lại cho con gái tôi lên giúp việc quan Tây sao? Mà làng này đâu phải mỗi mình con tôi biết chữ, tôi lạ gì cái mà ông gọi là giúp việc quan ấy, gương mấy cô còn sờ sờ ra đó. Số nợ ông tôi nhất định sẽ trả đủ. Các ông đi tìm người khác đi.

- Bà làm sao vậy? Đây là quan Ba mới chuyển từ tỉnh về, người ta đức cao trọng vọng chứ đâu phải bọn khố xanh, khổ đỏ mà bà vừa nói, tôi muốn giúp mẹ con bà trả nợ mà bà lại không biết điều. Mà tôi hỏi bà cho phải phép thôi, bà đồng ý hay không mà được sao? Đây là việc quan chứ không phải chuyện đùa, đúng hai hôm nữa phải có mặt tại phủ quan theo lệnh, đã có trát về làng đây này, bà muốn chống lệnh quan à? Tù mọt gông đấy…

Lý Trưởng đi rồi mà bà Đồ vẫn run sợ, nghĩ đến cảnh hai hôm nữa phải xa con gái mà lại lên cửa quan Tây lành ít dữ nhiều, ngay như các bà đã già mà có khi gặp quan Tây và bọn lính khố xanh khố đỏ đi càn từ xa đã phải né tránh. Nhà sư nghe xong câu chuyện của bà Đồ cũng bức xúc không kém:

- Làm gì có lệ bắt con gái nhà lành đi hầu quan, cửa quan sao không bảo các cậu Khóa, cậu Tú đi giúp mà lại bắt đàn bàn con gái đi, bà nhất quyết không được để cô Thi đi được.

Bóng tối đang lan dần, bóng ba người liêu xiêu trên mặt đê càng lúc càng chìm sâu vào đêm tối. Đêm ấy hai mẹ con bà Đồ không ngủ, nằm rấm rức khóc, chưa biết tính sao. Đến canh hai bỗng từ phía đình làng có tiếng mõ, tiếng thanh la, tiếng trống nổi liên hồi, rồi tiếng người la hét huyên náo làm cả làng thức giấc, mẹ con bà Đồ cùng hòa vào đám người tò mò kéo nhau ra đình xem có chuyện gì. Sân đình đèn đuốc sáng rực, hai chiếc đèn măng xông sáng rực đặt hai bên cột thềm đình Lý Trưởng đứng giữa mắt trợn lên dáng vẻ rất tức giận đang quát bọn Tuần phu cầm đuốc cháy rừng rực đứng dưới:

- Chúng mày đi hết các ngóc nghách tìm cho tao, để sót là chết với ông, không được để lạc vào dân chúng, đem ra đây mai ông đi trình quan. Giải tán ngay cho tao, bảo họ cấm tụ tập ảnh hưởng đến việc quan, tù mọt gông đấy.

Bọn Tuần phu vội ra giải tán dân làng. Dân làng còn đương ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì đã bị bắt giải tán, nhưng những người thạo tin cho biết Việt Minh đã về đến làng Đại rồi. Họ vừa dán truyền đơn lên đình làng yêu cầu giảm sưu thuế, chống đi phu, đi lính, bắt người vô cớ, diệt trừ Việt gian bán nước… Việt Minh đã về làng rồi, tin ấy lan nhanh như gió khắp làng, trước cứ nghe phong phanh ở vùng nọ, vùng kia có Việt Minh nay mới thấy ở làng làm ai cũng phấp phỏng nửa mừng, nửa lo. Mừng là có Việt Minh bọn Lý Trưởng và chức dịch, chức sắc trong làng sẽ đỡ hống hách, lo rồi thời cuộc không biết sẽ tới đâu có ảnh hưởng tới bát cơm manh áo của mình không?

Sáng hôm sau người ta thấy sư thầy vào làng, đến non buổi lại thấy nhà sư rẽ lên đê xuống đò sang sông, chiều hôm ấy mẹ con bà Đồ nghỉ đò từ sớm thấy bảo về chuẩn bị để mai cô Thi còn lên phủ quan sớm. Tối ấy khi trẻ con vừa lên giường đi ngủ, người lớn còn làm dở nốt công việc trong ngày thì từ phía nhà bà Đồ cũng lại vang lên tiếng mõ chiêng trống, thanh la, tiếng chân người rầm rập, tiếng la hét huyên náo y như hôm trước ở đình làng:

- Mẹ con bà Đồ trốn rồi. Con Thi nó trốn rồi – Tiếng bọn Tuần phu.

- Chắc chúng nó chỉ chạy lên đê qua đò sang sông thôi, đuổi bắt ngay cho ông…

Dân làng Đại túa ra xem, ra là bà Đồ không muốn con gái lên hầu phủ quan Tây, chống lệnh quan đang đêm cùng con gái bỏ trốn. Rồi tất cả theo chân bọn Tuần phu đèn, đuốc rồng rắn kéo nhau lên đê ra bến đò. Tại bến đò, con đò đang lững lờ trôi giữa dòng nước. Lý Trưởng đang hét bọn Tuần phu bơi ra kéo đò về, một bọn khác đang chạy dọc bờ theo dòng nước như đuổi bắt người dưới nước, một lát cả bọn đành quay về người không. Dân làng Đại được biết mẹ con bà Đồ lấy đò sang sông nhưng vừa chèo được một quãng ngắn thì bọn người của Lý Trưởng kịp đuổi đến.

Câu chuyện về mẹ con bà Đồ và sư thầy chùa Tiên dần lắng xuống, nhưng thỉnh thoảng lại rộ lên những tin là có người làng Sổ nhìn thấy hai mẹ con bà vẫn còn sống, họ quả quyết gặp tại Hải Phòng. Lại có tin có người gặp cả mẹ con bà đi cùng sư thầy lên tàu vào Nam tại ga Nam Định. Bà Tư Tỵ thì lại nói vào những đêm trăng sáng vẫn gặp hồn ma hai mẹ con tại bến đò Tầm Dương. Cánh mạng tháng Tám năm 1945 bùng lên lật đổ chế độ cũ, người dân làng Đại được sống trong chế độ mới. Năm tháng qua đi, vật đổi sao rời, câu chuyện về mẹ con bà Đồ và sư thầy đã lùi sâu vào dĩ vãng, chỉ còn những người già thi thoảng còn nhắc. Không ai biết đích xác về số phận mẹ con bà Đồ thế nào. Sư thầy có liên quan gì đến họ không? Tất cả mờ trong màn sương huyền ảo.

Mai đây khi khánh thành cây cầu bê tông cốt thép to đẹp khang trang bắc qua bến sông này, bến đò ngang sẽ chỉ còn là ký ức và lúc đó chắc sẽ chả còn ai nhớ tới câu chuyện trên tại bến Tầm Dương này.

Nguồn Văn nghệ số 44/2022

Văn nghệ, số 44/2022
Giữa miền trăng - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Giữa miền trăng - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Baovannghe.vn- Tôi bắt gặp bên đường/ hình ảnh của mẹ ngày xưa
Cẩn trọng với phát ngôn trên Mạng xã hội

Cẩn trọng với phát ngôn trên Mạng xã hội

Baovannghe.vn - Dự kiến từ năm 2025, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ VHTT&DL triển khai Quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm quy tắc ứng xử.
Bộ LĐTBXH thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và nghỉ Lễ năm 2025

Bộ LĐTBXH thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và nghỉ Lễ năm 2025

Baovannghe.vn - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản 6150/TB-BLĐTBXH thông báo về việc nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao đ
Những người - Thơ Từ Ngàn Phố

Những người - Thơ Từ Ngàn Phố

Baovannghe.vn- Người đục đá kê cao quê hương/ người mắt thẳm
​​​​​​​Lời ru trên núi Chù Khèo . Truyện ngắn dự thi Đặng Thùy Tiên

​​​​​​​Lời ru trên núi Chù Khèo . Truyện ngắn dự thi Đặng Thùy Tiên

Baovannghe.vn - Những ngày đầu về làm dâu ở Chù Khèo, Dua thấy nơi này thân thuộc lắm, như mình đã từng uống nước ở dòng suối Nậm Đích, từng hái măng, hái nấm trên núi Chù Khèo ấy vậy, dù rằng nhà Dua cách nhà chồng xa tận mấy quả núi, mỗi lần nhớ nhà nhìn về chỉ thấy sương khói giăng giăng trên những đỉnh núi mịt mù. Dua gặp chồng ở một phiên chợ tình, Dua say điệu nhảy của Sung, nó tình tứ, man dại, tình yêu với Dua chỉ đơn giản là như thế. Sau mấy lần gặp gỡ, Dua bước qua cửa nhà chồng. Dua đã nhìn thấy những ánh mắt ghen tị của đám gái bản, Sung đẹp trai và dịu dàng với Dua lắm, Dua cứ ngỡ mình sẽ thật hạnh phúc...