Văn hóa nghệ thuật

Biến động: Học cách các quốc gia trên thế giới vượt qua những biến cố toàn cầu

Hà Thy Linh
Sách
11:45 | 18/07/2024
Biến động là công trình mang tính sử thi, là cuốn cẩm nang thiết yếu cho mọi quốc gia hiện đại. Và dù ở cấp độ cá nhân, quốc gia hay toàn cầu, chúng ta đều có thể học được cơ chế ứng phó phổ biến và hiệu quả nhất với các biến cố từ những nghiên cứu trong cuốn sách này.
aa

Biến động: Các quốc gia ứng phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào (Upheaval: How Nations Cope with Crisis and Change) là tác phẩm mới nhất của Jared Diamond, ra mắt năm 2019, được viết từ trải nghiệm cá nhân kết hợp kiến thức lịch sử, địa lý và đã nhanh chóng nằm trong nhóm sách bestseller của tờ New York Times. Nói về cuốn sách này, Yuval Noah Harari, tác giả của Lược sử loài người, nhận xét: "Một trải nghiệm hấp dẫn và khai sáng về cách các quốc gia xử lý biến cố - điều mà chúng ta hy vọng có thể sẽ giúp nhân loại vượt qua biến cố toàn cầu hiện nay".

Biến động: Học cách các quốc gia trên thế giới vượt qua những biến cố toàn cầu
Một số cuốn sách của Jared Diamond đã được chuyển ngữ và ấn hành tại Việt Nam - Ảnh: Khai Minh

Trong phần Dẫn nhập, Jared Diamond viết: "Ở một hay những thời điểm nào đó trong đời mình, hầu hết chúng ta đều phải trải qua một biến động hay biến cố riêng tư mà có khi xử lý được, có khi không, nhưng lại làm thay đổi cả cuộc đời. Diễn rộng ra, các quốc gia cũng đều kinh qua những biến cố như vậy, và cũng có khi xử lý được, có khi không, nhưng lại làm thay đổi tất cả đất nước". Theo Jared Diamond, từ "biến cố" trong tiếng Anh (crisis) bắt nguồn từ danh từ krisis và động từ krino trong tiếng Hy Lạp, có những nét nghĩa như: tách rời, quyết định, vạch ra sự khác biệtbước ngoặt. Do đó, người ta có thể nghĩ "biến cố" là một thời điểm sự thật: một bước ngoặt khi hoàn cảnh trước và sau thời điểm đó khác biệt nhiều hơn so với trước và sau hầu hết các thời điểm khác. Ông cho rằng, có thể định nghĩa "biến cố" bằng những cách khác nhau theo những tần suất, thời lượng và quy mô tác động khác nhau. Và những biến cố quốc gia được soi rọi thông qua lăng kính biến cố cá nhân. Biến cố đe dọa đến những cá nhân và nhóm người ở đủ cấp độ, từ những con người đơn lẻ đến các nhóm, doanh nghiệp, quốc gia trên toàn thế giới. Biến cố có thể phát sinh từ những áp lực bên ngoài hay bên trong. Để đối phó thành công với chúng đòi hỏi ở cá nhân hoặc quốc gia sự thay đổi có chọn lọc. Họ phải đánh giá một cách trung thực về khả năng và giá trị của mình; phân định ranh giới và khoanh rõ những yếu tố quan trọng đối với căn tính của bản thân để quyết định thay đổi hay lưu giữ lại những yếu tố đó, đồng thời cần có đủ dũng khí để tìm ra giải pháp đối phó với các tình huống mới.

Tác giả cho biết, Biến động là một nghiên cứu so sánh, trần thuật, khảo sát những biến cố và thay đổi có chọn lọc vận hành trên nhiều thập niên ở bảy quốc gia tiên tiến (gồm Phần Lan, Nhật Bản, Chile, Indonesia, Đức, Úc và Mỹ) mà ông có nhiều trải nghiệm cá nhân và được xem xét từ quan điểm thay đổi có chọn lọc theo biến cố cá nhân. Đó là những quốc gia mà Jared Diamond đã có dịp tới lui nhiều lần, thậm chí sống ở đó trong một thời gian dài. Cuốn sách hầu như hoàn toàn đề cập đến các biến cố quốc gia hiện đại, diễn ra trong thời của tác giả, cho phép ông viết từ góc nhìn trải nghiệm hiện thời của mình, với văn phong truyền thống của các sử gia, luôn dựa trên nền tảng lịch sử.

Trong Phần 1 - Cá nhân, Jared Diamond nói về những biến cố cá nhân, những nhân tố tác động đến khả năng xử lý thành công một biến cố cá nhân, từ đó tìm tòi những nhân tố tương đương tác động đến các hệ quả của biến cố quốc gia. Và những vấn đề đặt ra khi nghiên cứu biến cố quốc gia là: vai trò cốt yếu của thể chế chính trị và kinh tế quốc gia; vai trò của người hoặc giới lãnh đạo quốc gia trong việc xử lý biến cố; những nguyên do khởi phát biến cố quốc gia; vấn nạn của việc đạt được sự hòa giải giữa các bên đối nghịch - hòa giải giữa các nhóm trong nước, hay giữa một nước với các nước láng giềng...

Phần 2 - Quốc gia: Biến cố đã lộ diện gồm 3 cặp chương, mỗi cặp chương nói về một loại biến cố quốc gia khác nhau: các biến cố bùng phát thành một biến động bất ngờ từ cú sốc do các quốc gia khác gây ra ở Phần Lan và Nhật Bản; các biến cố do những bùng nổ nội tại ở Chile và Indonesia; các biến cố không bùng phát đột ngột nhưng dần lộ diện do những áp lực từ Thế chiến II ở Đức và Úc.

Biến cố ở Phần Lan bùng phát từ cuộc xung đột với Liên Xô ngày 30/11/1939. Từ hệ quả của Cuộc chiến Mùa đông, Phần Lan bị tất cả đồng minh tiềm năng bỏ rơi và phải gánh chịu mất mát lớn lao, tuy vậy lại thành công giữ được nền độc lập. Phần Lan là minh họa rõ ràng cho sự thay đổi có chọn lọc và biểu lộ căn tính quốc gia mạnh mẽ. Ngày nay, căn tính quốc gia của Phần Lan nằm trong sự tự hào về thành quả quân sự của họ trong suốt Cuộc chiến Mùa đông. Lịch sử Phần Lan thể hiện niềm tin vào một giá trị cốt lõi không bàn cãi: nền độc lập và không để thế lực nào chiếm đóng. Người Phần Lan sẵn sàng chiến đấu cho giá trị cốt lõi đó ngay cả khi phải chịu nhiều rủi ro và tổn thất nặng nề.

Biến cố ở Nhật Bản được khơi dậy bởi cú sốc bên ngoài, khi một đội tàu chiến Mỹ tiến vào Vịnh Tokyo đòi ký hiệp ước và quyền lợi cho tàu bè, thủy thủ Mỹ vào ngày 8/7/1853, chấm dứt chính sách bế quan tỏa cảng của Nhật. Kết quả là, sự đoạn tuyệt với hệ thống chính quyền trước đó, kéo theo chương trình cải cách có ý thức tạo ra thay đổi rộng lớn và mạnh mẽ nhưng đồng thời vẫn gìn giữ những bản sắc truyền thống, đã giúp nước Nhật ngày nay trở thành một quốc gia công nghiệp hóa giàu mạnh nổi trội nhất.

Biến động: Học cách các quốc gia trên thế giới vượt qua những biến cố toàn cầu
Cuốn sách "Biến động" của Jared Diamond - Ảnh: Omega+

Biến cố ở Chile là những bùng phát nội bộ nổ ra từ sự thất bại của thỏa hiệp giữa những công dân trong nước - sự xung đột về cải tổ thể chế xã hội giữa phe cánh tả và cánh hữu. Ngày 11/9/1973, sau nhiều năm bế tắc về mặt chính trị, chính phủ dân chủ do Tổng thống Allende lãnh đạo bị lật đổ bởi vụ đảo chính của quân đội và Pinochet lên nắm chính quyền. Ngày nay, Chile lại một lần nữa trở thành một đất nước dân chủ ngoại lệ ở Nam Mỹ, nhưng thay đổi có chọn lọc, kết hợp một số mô hình của Allende và Pinochet.

Tại Indonesia, đất nước ít công nghiệp hóa và có căn tính quốc gia non trẻ nhất trong số bảy nước mà Jared Diamond chọn để nghiên cứu, thì biến cố là sự thất bại của thỏa hiệp chính trị trong nhân dân gây bùng phát nội bộ ngày 1/10/1965. Ngày nay, Indonesia đã có nhiều thay đổi, họ nhanh chóng xây dựng được ý thức về căn tính quốc gia. Căn tính này được phát triển từ nền tảng sự tự hào về cuộc cách mạng 1945-1949 và về việc trút bỏ được sự cai trị của người Hà Lan.

Các biến cố quốc gia của Đức và Úc có vẻ như dần lộ diện chứ không bất ngờ bùng nổ. Biến cố của Đức thời hậu chiến bắt đầu bằng việc gánh chịu sự tàn phá gây tổn thương sâu sắc: tình trạng bị hủy hoại của nước Đức ở thời điểm đầu hàng trong Thế chiến II, ngày 8 tháng 5 năm 1945. Lúc này, Đức phải đối mặt đồng thời những vấn đề di sản của thời kỳ Phát xít với những bất đồng về tổ chức trật tự xã hội và tổn thương về việc phân chia thể chế chính trị giữa Tây Đức và Đông Đức.

Tương tự như thế, biến cố của Australia thời hậu chiến cũng diễn ra từ từ, bắt đầu bằng ba thất bại quân sự gây sốc chỉ trong khoảng thời gian 71 ngày từ năm 1941 đến năm 1942. Biến cố của Úc một phần cũng bộc lộ sự phản ứng đối với những năm tháng trong Thế chiến II. Sau này, nước Úc phải đối mặt với biến cố về căn tính, do căn tính da trắng - căn tính Anh ngày càng mâu thuẫn với vị trí địa lý, các nhu cầu về chính sách đối ngoại, chiến lược quốc phòng, kinh tế và cấu tạo dân số của Úc. Ngày nay, thương mại và chính trị Úc đều hướng đến châu Á. Tuy nhiên, đất nước này vẫn theo thể chế dân chủ nghị viện, ngôn ngữ quốc gia vẫn là tiếng Anh và đa số người Úc có tổ tiên là người Anh.

Phần 3 - Các quốc gia và thế giới: Biến cố đang diễn ra gồm bốn chương, mô tả những biến cố trong hiện tại và tương lai mà những kết quả vẫn còn là ẩn số. Phần này liên quan tới Nhật Bản đương đại, Mỹ và toàn thế giới.

Nước Nhật đang đối mặt với nhiều vấn đề cơ bản, một số đã được người dân và chính quyền Nhật nhận biết rộng rãi (khoản nợ quốc gia khổng lồ của chính phủ, sự bất bình đẳng giới, tỷ lệ sinh thấp và có chiều hướng giảm, quy mô dân số giảm, dân số già), nhưng số khác thì chưa hoặc thậm chí còn bị phủ nhận (vấn đề nhập cư, mối quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Triều Tiên). Theo Jared Diamond thì trên thực tế, những vấn đề mà Nhật Bản đang gặp phải ít ghê gớm hơn những vấn đề mà họ đã từng đối mặt khi chính sách cô lập lâu dài của họ đột ngột kết thúc vào năm 1853 hay khi hoàn toàn bại trận vào tháng 8 năm 1945. Nhật Bản từng phục hồi mạnh mẽ sau những chấn thương đó, nên nếu họ có thể đánh giá lại một cách có chọn lọc các giá trị cốt lõi của mình, loại bỏ những giá trị không còn ý nghĩa, giữ lại và kết hợp những giá trị còn ý nghĩa với một số giá trị mới thì sẽ có thể thích ứng với sự biến động của hoàn cảnh hiện tại.

Ở Mỹ, tồn tại bốn vấn đề đang ngày càng gia tăng có khả năng xói mòn nền dân chủ và sức mạnh Mỹ, đó là: sự phân cực chính trị - sự đổ vỡ của thỏa hiệp chính trị; sự thiếu hợp lý trong hệ thống bầu cử; sự bất bình đẳng kinh tế và phân biệt giàu nghèo sâu sắc; sự suy thoái về ưu thế cạnh tranh do đầu tư công lợi của chính phủ Mỹ trong các lĩnh vực giáo dục, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển công sự sụt giảm. Những ưu thế cốt lõi vô cùng lớn mà Mỹ có được cho phép họ đảm bảo một tương lai rạng rỡ như trong quá khứ, nếu họ ứng phó với những trở ngại tự họ bày ra trước mắt. Điều quan trọng là người Mỹ có chọn lập hàng rào giữa những đặc điểm của một xã hội Mỹ đang vận hành tốt đẹp với những đặc điểm không tốt và họ có thay đổi được những đặc điểm bên trong hàng rào tạo nên biến cố đang lớn dần kia hay không mà thôi.

Biến động: Học cách các quốc gia trên thế giới vượt qua những biến cố toàn cầu
Cuốn sách "Biến động" của Jared Diamond - Ảnh: Omega+

Trên phạm vi toàn thế giới, Jared Diamond tập trung vào bốn vấn đề có khuynh hướng đã diễn ra mà nếu chúng tiếp diễn sẽ hủy hoại mức sống trên toàn cầu trong vòng vài thập niên tới: những vụ nổ hạt nhân, biến đổi khí hậu toàn cầu, cạn kiện tài nguyên toàn cầu và sự bất bình đẳng toàn cầu về mức sống. Ông cho rằng điều đáng quan ngại của toàn cầu hóa ngày nay là sự phát triển và lan rộng của các vấn đề trên khắp thế giới: cạnh tranh tài nguyên, chiến tranh toàn cầu, ô nhiễm khí quyển, bệnh tật, sự di chuyển của con người và nhiều vấn đề khác. Nhưng toàn cầu hóa cũng tạo điều kiện cho sự tăng trưởng và lan rộng của các yếu tố góp phần giải quyết vấn đề thế giới: thông tin truyền thông, sức mạnh quốc gia, sự công nhận rằng thế giới phụ thuộc lẫn nhau và đứng cùng nhau...

Khép lại cuốn sách với phần Lời bạt: Những bài học, câu hỏi và góc nhìn, Jared Diamond trình bày những động thái đã giúp bảy quốc gia ứng phó với biến cố, bao gồm: thừa nhận biến cố; chấp nhận trách nhiệm phải thay đổi, thay vì chỉ đổ lỗi cho các quốc gia khác và biến mình thành nạn nhân; dựng một hàng rào để xác định các đặc trưng quốc gia cần được thay đổi; xác định những quốc gia có thể tìm kiếm sự trợ giúp; xác định mô hình những quốc gia khác từng xử lý vấn nạn tương tự vấn nạn mà quốc gia mình đang phải đối mặt; xem xét những giá trị cốt lõi nào tiếp tục phù hợp và không còn phù hợp nữa; tiến hành đánh giá một cách trung thực; xây dựng và sửa đổi căn tính quốc gia... Ông cũng đặt ra câu hỏi liệu các quốc gia có cần một biến động cấp bách gây khủng hoảng, thúc đẩy họ thay đổi tầm vĩ mô để tái sinh đất nước hay không, liệu tiến trình lịch sử có phụ thuộc nhiều vào một số nhà lãnh đạo nhất định không... và đề xuất phương hướng chiến lược cho những nghiên cứu trong tương lai, đồng thời đưa ra các kiểu bài học mang tính thực tiễn từ việc khảo sát lịch sử. Theo ông, việc học hỏi từ lịch sử luôn cần thiết với bất kỳ đối tượng nào. Tác giả kết luận: "Những biến cố thường thách thức các quốc gia trong quá khứ, và hiện tại vẫn thế. Nhưng các quốc gia hiện đại và thế giới hiện đại của chúng ta không phải mò mẫm trong bóng tối khi cố gắng đáp trả. Việc hiểu rõ những thay đổi hiệu quả hay không hiệu quả trong quá khứ có thể dẫn dắt chúng ta đến thành công".

Tóm lại, Jared Diamond kể cho chúng ta câu chuyện các quốc gia đã vượt qua những biến cố lớn và hồi phục thành công như thế nào. Đó là cuộc hành trình vừa làm mới vừa gìn giữ bản ngã của các dân tộc. Bằng vốn hiểu biết đa ngành, đa lĩnh vực kết hợp trải nghiệm cá nhân tại nhiều nền văn hóa trên thế giới, tác giả khảo sát các hình mẫu là bảy quốc gia ở khắp các châu lục, phân tích quá trình họ gặp phải, đối mặt và vượt qua biến động lớn trong quá khứ. Có thể nói, Biến động là công trình mang tính sử thi, cấp tiến và đột phá, là cuốn cẩm nang thiết yếu cho mọi quốc gia hiện đại. Và dù ở cấp độ cá nhân, quốc gia hay thậm chí toàn cầu, chúng ta đều có thể học được cơ chế ứng phó phổ biến và hiệu quả nhất với các biến cố từ những nghiên cứu trong cuốn sách này.

Jared Diamond hiện là Giáo sư Địa lý học tại Đại học California, Los Angeles, Mỹ. Ông được xem là một trong những nhà tư tưởng hiện đại có nhiều ảnh hưởng nhất ở Mỹ và nhận được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có giải Pulitzer cho thể loại sách phi hư cấu năm 1998 với tác phẩm Súng, Vi trùng và Thép (Guns, Germs, and Steel). Các cuốn sách tiêu biểu của Jared Diamond như Loài tinh tinh thứ ba (1991), Sụp đổ (2005), Thế giới cho đến ngày hôm qua (2012)… đều đã được chuyển ngữ và ấn hành tại Việt Nam.
Công dân toàn cầu và một thế giới phẳng Xây dựng công dân toàn cầu mang bản sắc văn hóa Việt Nam Công dân toàn cầu và câu chuyện bản sắc văn hóa Căn tính dân tộc và toàn cầu hóa trong sáng tạo văn học Mang câu chuyện Việt Nam ra toàn cầu với "Love in Vietnam"
Nỗ lực kiểm duyệt đã vô tình đưa tiểu thuyết Cometierra trở nên bán chạy tại Argentina

Nỗ lực kiểm duyệt đã vô tình đưa tiểu thuyết Cometierra trở nên bán chạy tại Argentina

Một cuộc cách mạng văn học đang diễn ra tại Argentina, nơi cuốn tiểu thuyết Cometierra của tác giả Dolores Reyes – từng đối mặt với nỗ lực kiểm duyệt từ phe cực hữu – đã vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng doanh số sau 5 năm phát hành. Cuốn sách, bị chỉ trích vì những cảnh sex, không chỉ đề cập đến bạo lực giới mà còn phơi bày tai họa diệt chủng phụ nữ ở Argentina.
Thông cáo báo chí số 28, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 28, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn- Thứ Năm, ngày 28/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 28 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Nghị định 147: Nâng trách nhiệm người dùng Mạng xã hội

Nghị định 147: Nâng trách nhiệm người dùng Mạng xã hội

Baovannghe.vn - Ngoài những quy định cụ thể cho cá nhân sử dụng Mạng xã hội, Nghị định 147, cũng đa ra những quy định bắt buộc đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp và Mạng xã hội
Các tác giả đoạt giải Nobel văn học vận động trả tự do cho nhà văn Boualem Sansal

Các tác giả đoạt giải Nobel văn học vận động trả tự do cho nhà văn Boualem Sansal

Vào ngày 16 tháng 11 năm 2024, Boualem Sansal, nhà văn người Pháp gốc Algérie, người nổi tiếng với những tác phẩm phê phán chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và chế độ độc tài, đã bị bắt tại Algiers. Sự kiện này không chỉ gây chấn động giới văn học quốc tế mà còn làm dấy lên làn sóng vận động trả tự do từ các nhà văn đoạt giải Nobel và nhiều nhà văn nổi tiếng khác trên toàn thế giới nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Thông cáo báo chí số 27, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 27, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Tư, ngày 27/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 27 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn