Khi tôi còn nhỏ, cha kể rằng người Hy Lạp cổ đại, sinh con trai, chờ khi đến tuổi có trí khôn sẽ đưa chúng tiếp xúc với biển. Và họ chọn thời điểm biển động để con mình được truyền sức mạnh từ biển cả. Ấy vậy mà cách biển theo đường chim bay chưa đầy năm cây số, mãi lúc lên mười tôi mới được tiếp xúc với biển khơi.
Tôi nhớ như in khi nhà trường thông báo sẽ tổ chức cho học sinh tham quan biển Cửa Khẩu, tưởng tượng chắc cánh cửa to lắm, nặng lắm, phải có gã khổng lồ trong cổ tích mới mở được. Đến nơi tôi mới vỡ lẽ: Cửa Khẩu là nơi Sông Trí thông ra biển Đông, chẳng có cánh cửa nào. Chúng tôi ngồi trên thuyền, gió lồng lộng thổi. Khi đến cửa sông, biển liền trời mở ra, bát ngát mênh mông tưởng như vô tận. Hình ảnh ấy khắc vào trái tim non trẻ của tôi không bao giờ phai mờ. Nhìn sang phía bên phải, núi Cao Vọng chót vót chọc trời. Tương truyền Hồ Quý Ly bị bắt dưới chân núi, để lại bài học cho vua chúa muôn đời: Không thuận lòng dân sao có thể tự cường!
Thuyền vừa cập bến, lũ nhỏ thi nhau chạy ùa ra biển. Biển tung sóng ném chúng vào bờ. Nhiều lần như vậy có đứa mệt quá, lồm cồm đứng dậy đi dọc bờ lượm vỏ ốc, vỏ sò đem về tặng bạn. Rồi vào viếng Đền Bà Hải, nơi thờ nàng Nguyễn Thị Bích Châu, tự Phù Dung, ái phi Trần Nhuệ Tông. Theo truyền thuyết nàng cùng vua đi dẹp giặc phương Nam về đây bị chết đuối: Phù Dung ai khéo đặt tên/ Cho em sớm nở trăng lên vội tàn. Trong kí ức của tôi, đó là một ngôi đền hư nát, lạnh lẽo khói hương nấp dưới những lùm cổ thụ rậm rạp. Nay đền được trùng tu lộng lẫy khang trang. Khách thập phương quanh năm tấp nập kéo về như lễ hội.
![]() |
Cổng trời Hoành Sơn Quan trên đỉnh Đèo Ngang. Ảnh: Hùng Phương |
Lần thứ hai gặp biển khi tôi tuổi tròn trăng. Cha mẹ đồng ý cho chị em vào tận Đông Yên dự lễ Chầu Lượt. Đông Yên còn được gọi Eo Đạo, để phân biệt với Eo Đời Vũng Áng. Biển vùng này là biển ngang, hiền lành, êm ả và cho rất nhiều hải sản quí nổi tiếng cả nước: cửu khổng, tôm hùm, chim
thu
bù
nhở… Vì không muốn làm phiền ai, đêm đến chúng tôi rủ nhau ra bãi cát ven biển trải áo dài nằm ngắm biển. Hình như ban ngày e thẹn, nên ban đêm trăng sao trên trời xuống tắm lấp lánh hoài trên mặt biển. Sóng biển êm đềm đưa nôi ru vào những giấc mơ gặp gỡ thần tiên. Tỉnh dậy bình minh đã rạng. Ô kìa, nơi giáp ranh có hai mặt trời! Phóng tầm mắt nhìn xa xa, bao cảnh lạ hiện ra. Nhưng đẹp nhất, thơ nhất, ấn tượng nhất vẫn là hòn đảo Sơn Dương mọc lên giữa biển khơi. Nó nhỏ bé mà kiên cường, hiên ngang nghìn năm giữa sóng gió bão giông.
Kỳ Khang cũng là bãi biển ngang nép mình dưới chân Bàn Độ, đỉnh núi đột ngột vút cao lên giữa đồng bằng nhỏ hẹp Kỳ Anh. Tương truyền ngày xưa núi này nhiều hươu nai về ở: Nhất cao là núi Hoành Sơn/ lắm hươu Bàn Độ, to lườn Chợ Voi. Ngày nay núi trọc cây thưa, không một khe suối. Lại thêm cái nắng gió Lào hun đốt, chẳng còn mống sinh vật nào sống sót. Cũng tương truyền trên núi có bàn cờ đá, đêm đêm tiên xuống đánh. Bây giờ bao người tò mò cả tin thức trắng đêm chẳng thấy tiên ông tiên bà nào hạ giới. Núi thực sự là núi hoang. Biển ban ngày mạnh mẽ là thế, hùng vĩ là thế. Vậy mà khi màn đêm buông xuống, trăng sao đi ngủ hết. Biển trở nên cô đơn hiền dịu làm sao.
Dẫu cách Đèo Ngang không xa, mãi năm ba mươi tuổi, sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học, tôi mới vào chiêm ngưỡng kỳ quan này. Phải như khổ thơ cảm khái: Xa nhau ba mươi dặm/ chưa dám gặp Đèo Ngang/ sợ tâm không đủ sáng/ ngâm thơ Bà Thanh Quan… Hay còn vì lí do khác? Chỉ biết rằng người đời thường ca ngợi cảnh đẹp Đèo Ngang, quên mất Đèo Con dưới chân Hoành Sơn. Nó thật thơ mộng, hồn nhiên nằm sát biển, mặc sóng vào hôn chân đèo suốt ngày đêm không biết chán. Cảnh vật Đèo Ngang đã được Bà Huyện Thanh Quan cảm tác trong kiệt tác Qua Đèo Ngang bất hủ, không thể thêm vào một chữ. Nhưng có lẽ lúc Người qua đây chưa có Cổng Trời: Cổng Trời mờ hơi sương/ mở toang nhìn biển thẳm, chưa có Miếu thờ Công chúa Liễu Hạnh một trong bốn vị thần tiên "tứ bất tử" của dân tộc Việt
chuyên trừng trị bọn ác bá cường hào chăng, mà trong kiệt tác ấy không lưu dấu vết những cảnh sắc này? Đèo Ngang nằm cuối dãy Hoành Sơn, lưu truyền bao đời lời Trạng Trình khuyên Chúa Tiên Nguyễn Hoàng tìm đường giải thoát mình và mở cõi giang sơn: Hoành Sơn nhất đái/ vạn đại dung thân. Ấn tượng nhất với Hoành Sơn là những ngày mưa lũ, giữa dãy núi xanh biếc hiện ra một thác lớn từ trời cao đổ xuống, như thanh gươm bổ vào đầu giặc: Ai treo lên thanh gươm/ hay Hoành Sơn thác trắng. Xuân sang, mai nở vàng núi đèo. Bởi vậy, có người cho rằng câu thơ ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi bà Huyện Thanh Quan cảm tác khi qua nơi này. Đèo Ngang là một trong những kỳ quan của Việt Nam được khắc trên Cửu Đỉnh đặt trước điện thờ các triều vua chúa Nhà Nguyễn ở Đại Nội Huế từ thời Minh Mạng.
Sau này, tôi được đến bao vùng biển kỳ quan của đất nước: Vịnh Hạ Long núi chen núi mọc trên cạn dưới nước, Nha Trang với Hòn Ngọc Việt long lanh, Vũng Tàu dựa lưng vào núi đá ngạo nghễ nhìn ra biển cả… Và còn may mắn được chiêm ngưỡng một số bãi biển nổi tiếng Á, Âu. Tất cả đều thật hoàn hảo, thật tuyệt vời, đều đẹp đến nao lòng. Nhưng không đâu đẹp bằng biển quê tôi, khi bình yên và cả khi dậy sóng.