Một trong những điều kì lạ nhất bạn nhận ra nếu trở thành một người viết, đó là có biết bao nhiêu người gặp vấn đề khi viết cần sự hỗ trợ mới viết được.
Lí do có rất nhiều người gặp vấn đề khi viết đó là bởi công việc này bản chất là rất khó. Để viết hay bạn cần phải suy nghĩ mạch lạc, và nghĩ mạch lạc thật sự thách thức.
Viết lách thâm nhập vào vô số công việc, và nghề nghiệp càng có nhiều ảnh hưởng xã hội thì lại càng có xu hướng cần người ta viết nhiều.
AI đã xé toạc thế giới này. Hầu hết tất cả áp lực của viết lách đã được giải tỏa. Bạn có thể nhờ AI viết cho bạn, cả ở trường lẫn ở chỗ làm. Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Hai lực đối trọng nhau, một bên là kì vọng và tác động của việc viết và một bên là độ khó không bao giờ suy giảm của nó, tạo ra một áp lực khủng khiếp. Đó cũng là lí do tại sao nhiều giáo sư hàng đầu thường bị phát hiện đã đạo văn. Một điều sốc nhất đối với tôi khi đọc về những trường hợp này, là sự đáng thương của những kẻ trộm. Những gì họ trộm thường là những thứ sáo rỗng tẻ nhạt – những thứ mà bất kì ai thậm chí khả năng viết ở mức tầm thường cũng có thể làm được mà không phải dụng công. Điều đó nghĩa là khả năng viết của họ còn dưới mức tầm thường.
Cho đến gần đây, không có con đường nào thoát khỏi buồng áp lực của việc viết. Bạn có thể trả tiền để ai đó viết hộ bạn, như Tổng thống John F Kennedy đã làm, hoặc đạo văn, như Martin Luther King, nhưng nếu bạn không thể mua hay trộm ngôn từ, thì bạn phải tự viết. Và kết quả là hầu như tất cả mọi người được kì vọng sẽ viết cuối cùng rồi cũng học được cách viết.
Nhưng bây giờ thì không thế nữa. AI đã xé toạc thế giới này. Hầu hết tất cả áp lực của viết lách đã được giải tỏa. Bạn có thể nhờ AI viết cho bạn, cả ở trường lẫn ở chỗ làm.
Kết quả là thế giới này được chia thành hai nửa: những kẻ biết viết và những kẻ không biết viết. Rồi thì vẫn có vài người có thể viết. Một vài người trong chúng ta vẫn thích điều đó. Nhưng khoảng cách giữa những người viết tốt và những người không thể viết một chút nào sẽ biến mất. Thay vì có người viết tốt, người viết ổn và người không thể viết, giờ chỉ còn người viết tốt và người không biết viết.
Điều đó có quá tệ không? Chẳng phải một kĩ năng nào đó biến mất khi công nghệ khiến nó lỗi thời là điều hiển nhiên hay sao? Giờ đây chẳng còn bóng dáng mấy của những người thợ rèn, và điều đó có vẻ không thành vấn đề.
Nhưng nó tệ thật. Lí do là vì tôi đã đề cập trước đó: Viết là nghĩ. Thực tế có một kiểu nghĩ chỉ diễn ra khi người ta viết. Không ai chỉ ra điều này rõ hơn Leslie Lamport:
“Nếu bạn nghĩ mà không viết ra, thì bạn chỉ nghĩ đúng cái bạn đang nghĩ”.
Bởi vậy, một thế giới bị phân chia thành người biết viết và không biết viết nguy hiểm hơn ta tưởng. Nó sẽ là một thế giới chia thành những người biết nghĩ và không biết nghĩ. Tôi biết mình muốn đứng ở nửa nào và tôi nghĩ bạn cũng vậy.
Tình huống này không hề khó đoán. Ở thời kì tiền công nghiệp, phần lớn các công việc đều giúp con người có thể lực tốt. Nhưng giờ đây nếu bạn muốn có thể lực tốt, bạn phải tập luyện bởi công việc không cần đến cơ bắp của con người. Giờ đây, vẫn có những người thể lực mạnh mẽ nhưng đó là bởi họ lựa chọn như vậy.
Điều đó cũng giống như việc viết. Sẽ vẫn có những người có trí tuệ sáng suốt nhưng đó là bởi họ lựa chọn như vậy. □
Đình Phong dịch
——-
Paul Graham là nhà khoa học máy tính, nhà khởi nghiệp, đầu tư, người viết tên tuổi bậc nhất ở Sillicon Valley, Mỹ.
Nguồn Tia Sáng