Sự kiện & Bình luận

“Ký thực và hư cấu”: Khôi phục tính toàn vẹn trong viết lách

Khánh Vân
Đời sống
09:02 | 12/09/2024
Baovannghe.vn- Mỗi năm trên thế giới có khá nhiều chương trình lưu trú dành cho các nghệ sĩ. Quá trình giao lưu cũng như va chạm từ những nền văn hoá và ngôn ngữ khác.
aa

Shanghai Writing Program là chương trình lưu trú dành cho nhà văn nước ngoài, do nhà văn Vương An Ức khởi xướng được Hội Nhà văn Thượng Hải tổ chức thường niên. Từ năm 2008 đến nay, chương trình đã tiếp đón hơn 100 nhà văn đến từ hơn 40 quốc gia. Năm nay, lần đầu tiên có một nhà văn Việt Nam tham dự, bên cạnh 6 nhà văn khác đến từ các nước Brazil, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Áo, Nhật Bản và Bulgaria.

Chương trình đã có buổi tiếp đón long trọng vào chiều ngày 3/9/2024 với 40 khách mời bao gồm một số thành viên chủ chốt của Hội Nhà văn Thượng Hải, 7 nhà văn quốc tế cùng lãnh sự các nước và báo đài địa phương.

“Ký thực và hư cấu”: Khôi phục tính toàn vẹn trong viết lách
Hình ảnh tại Shanghai Writing Program.

Cảm xúc chạm vào mọi không gian

Mỗi năm trên thế giới có khá nhiều chương trình lưu trú dành cho các nghệ sĩ. Quá trình giao lưu cũng như va chạm với những phong cách đến từ những nền văn hoá và ngôn ngữ khác sẽ góp phần đưa người nghệ sĩ đi ra khỏi khu vực giới hạn của họ, hoặc ít nhất cũng là khoảng thời gian để họ có thể toàn tâm sáng tác. Shanghai Writing Program là một chương trình như thế.

Một nhóm nhà văn uy tín ở Thượng Hải sẽ giám tuyển, chọn ra một số nhà văn nổi tiếng quốc tế đến Thượng Hải sinh sống trong hai tháng mùa thu. Trong hai tháng sống giữa đời thường, họ cũng sẽ có những buổi thuyết giảng, đọc tác phẩm, thăm gia đình các nhà văn, thảo luận về sức hấp dẫn và những thách thức của văn học với các nhà văn Thượng Hải, cũng như chia sẻ cảm nhận sáng tác và kinh nghiệm văn học với độc giả. Năm nay, với chủ đề “Documentary and fiction” (tạm dịch: Ký thực và hư cấu), các nhà văn tham dự bao gồm: Nguyễn Khắc Ngân Vi (Việt Nam), Emilio Fraia (Brazil), Emmi Itäranta (Phần Lan), Fuat Sevimay (Thổ Nhĩ Kỳ), Peter Simon Altmann (Áo), Risa Wataya (Nhật Bản), và Zornitsa Garkova (Bulgaria). Khác với một số chương trình lưu trú được hiểu là “trại sáng tác” dành cho các nhà văn trẻ, các nhà văn quốc tế đến với Shanghai Writing Program chủ yếu là những nhà văn có kinh nghiệm sáng tác lâu năm.

Trong hầu hết những bài phát biểu của các nhà văn, họ đều bày tỏ sự kỳ vọng vào một không gian sáng tác mới ngoài những gì thân thuộc. Nhà văn Nhật Bản Risa Wataya chia sẻ rằng mình rất thích bộ phim “Phồn Hoa” của Vương Gia Vệ, bộ phim đã tái hiện được vẻ đẹp của Thượng Hải xưa. Cô cũng rất thích căn hộ mà ban tổ chức sắp xếp, nơi gần ga tàu điện ngầm đường Nam Kinh Tây. “Tôi có linh cảm đây sẽ là một khoảng thời gian thú vị.”

Nhà văn Áo Peter Simon Altmann kể, từ năm 1999, ông đã là một nhà văn toàn thời gian và đã từng đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc nhiều lần. “Việc sáng tác của tôi sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc từ thành phố Thượng Hải này.”

“Theo một nghĩa nào đó, ngôn ngữ chính là tất cả những gì chúng ta có.” Emilio Fraia, sinh năm 1982 tại São Paulo, Brazil, trước tiên đã giới thiệu bản thân bằng tiếng Bồ Đào Nha. Anh rất vui khi được cùng với những nhà văn đến từ các nơi khác tham gia Shanghai Writing Program. “Chúng ta sẽ dùng cảm xúc của mình để chạm vào mọi không gian. Khi sự thật hiện ra, thường nó đã thay đổi. Nhưng chúng ta có thể sử dụng ngôn ngữ, dùng từ ngữ để trình bày nó. Sự thật trong tiểu thuyết giống như thuật giả kim, nó có sức mạnh kỳ diệu.”

Ký thực và hư cấu: Tôi và bạn

Chủ đề của Shanghai Writing Program 2024 là “Ký thực và hư cấu”, Hội Nhà văn Thượng Hải đã đưa ra lời mời như sau: “Viết lách, suy cho cùng, không ngoài ký thực và hư cấu. Nhưng viết lách không tự nhiên được chia thành hai loại riêng biệt là ký thực và hư cấu, mà chính ảo giác của sự phân chia này đã không ngừng khơi dậy nhiều cuộc tranh luận văn học ồn ào và vô ích của thời đại chúng ta. Do đó, khi chúng ta nói đến ký thực và hư cấu, chúng ta muốn khôi phục tính toàn vẹn trong viết lách, từ đó khám phá một thế giới hoàn chỉnh mà chỉ có thể nhận thức rõ được khi trong một mối quan hệ. Ký thực và hư cấu giống như “Tôi và bạn” dưới ngòi bút của Martin Buber, chúng chỉ thực sự tồn tại khi gặp gỡ, chúng là hai tấm gương đối lập đặt cạnh nhau, phản chiếu vô hạn đối phương và làm sâu sắc thêm đối phương.”

Trong số các nhà văn nước ngoài tham gia lần này, có ba người là Emmi Itäranta, Nguyễn Khắc Ngân Vi và Zornitsa Garkova đều từng có kinh nghiệm làm báo. Trước khi trở thành nhà văn toàn thời gian, Emmi Itäranta từng làm việc không liên tục với vai trò nhà báo tự do, người đọc kịch bản, nhân viên truyền thông và trợ lý hành chính. “Là nhà văn cư trú, lần này chúng tôi có thể mở rộng kinh nghiệm của mình, điều này đặc biệt quan trọng đối với những người viết lách.” Cô cũng tin rằng, những trải nghiệm trong hai tháng ở Thượng Hải của cô sẽ được thể hiện bằng một cách nào đó trong tác phẩm của cô trong tương lai.

Tiểu thuyết dài mới nhất của Nguyễn Khắc Ngân Vi, phần mở đầu đã được viết ở Thượng Hải. Khi đó là năm 2018, cô vừa mới vào học tại Đại học Phúc Đán. “Những năm gần đây, thế giới có nhiều thay đổi. Cuộc sống của mỗi người chắc cũng thay đổi. Lòng người hẳn cũng theo thế tục mà thay đổi ít nhiều. Có lẽ cái mộng ban sơ về việc viết lách của tôi vẫn vậy, nhưng cách thực thi không thể như cũ nữa. Hai năm qua, tôi tập trung nhiều hơn cho phim ảnh và báo chí, trong lúc chờ đợi tìm ra một cách biểu đạt mới cho tiểu thuyết của mình. Khi biết chủ đề của chương trình năm nay là “Ký thực và hư cấu”, khi tìm cách viết xuống các khái niệm này, có một điều gì đó sáng tỏ trong tôi. Tôi thật sự tin rằng cuốn tiểu thuyết đã xuất hiện.”

Zornitsa Garkova hiện đang viết một cuốn sách tài liệu về tính bền vững của thực phẩm địa phương và các nhà sản xuất nhỏ cùng với nông trại ở Bulgaria. Vào tháng 3 năm nay, triển lãm nhiếp ảnh cá nhân đầu tiên của cô, ‘Subspecies lucis’, đã được tổ chức tại Galeria Ptica ở Sofia, trưng bày một loạt các bức ảnh về hoa và cây cối.

Ông Mã Văn Vận - Phó Chủ tịch toàn thời gian và Tổng thư ký Hội Nhà văn Thượng Hải cho biết, Hội Nhà văn Thượng Hải luôn nỗ lực mở rộng giao lưu văn học giữa các dân tộc và quốc gia khác nhau qua nhiều hình thức. Ông Mã tin rằng, mùi vị đời sống của thành phố là nguồn cảm hứng và động lực dồi dào cho các nhà văn, mỗi người dùng góc nhìn độc đáo của mình để quan sát và cảm nhận cuộc sống đời thường, phong tục dân tộc, văn hóa lịch sử của người dân địa phương nơi đất khách, từ đó tạo ra các tác phẩm văn học mang đậm dấu ấn cá nhân. “Đồng thời, việc các nhà văn thường xuyên giao lưu với các đồng nghiệp quốc tế trong thời gian ở Thượng Hải cũng giúp họ chia sẻ tự do và thoải mái hơn về kinh nghiệm văn học của mình, mở rộng ranh giới sáng tạo, và cùng nhau khám phá những bí ẩn của thế giới tinh thần con người.”

“Ký thực và hư cấu”: Khôi phục tính toàn vẹn trong viết lách
Nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi đại diện Việt Nam tham dự chương trình.

Nguyễn Khắc Ngân Vi là một nhà văn, biên kịch và nhà báo ở Việt Nam.

Tốt nghiệp cử nhân báo chí, Nguyễn Khắc Ngân Vi từng là phóng viên văn hóa Báo Thanh niên (2011-2016) và được ghi nhận là một cây viết phê bình điện ảnh, phỏng vấn... giàu cá tính. Năm 2021, cô bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ngành văn học so sánh - Khoa Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc - Đại học Phúc Đán (Thượng Hải, Trung Quốc) với đề tài “Bàn về tính tác giả trong cải biên tác phẩm điện ảnh của Trần Anh Hùng”. Cô là một cây bút văn xuôi giàu nội lực, đã xuất bản 3 cuốn tiểu thuyết: Đàn bà hư ảo (2016), Phúc âm cho một người (2018), Vạn sắc hư vô (2022). Bên cạnh đó, cô vẫn hoạt động sôi nổi ở lĩnh vực điện ảnh. Series phim truyền hình Em ước mình cùng bay do Nguyễn Khắc Ngân Vi viết kịch bản, Phan Đăng Di đạo diễn vừa phát sóng năm nay đã đạt một tỷ lượt xem.

Khánh Vân | Báo Văn nghệ

--------

Bài viết cùng chuyên mục

Để “Cây Tình Thương” tỏa bóng, vươn cành trong đời sống xã hội Đồng vọng: những thanh âm đời sống Đọc sách và sách dành cho trẻ em - những vấn đề đặt ra trong đời sống sáng tác Bản tin văn nghệ: Sắc màu đời sống văn hóa - nghệ thuật Đọc truyện: Mật mã lạc quan. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Tiến Hóa
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.