Chuyên đề

Bình nguyên và đại ngàn

Văn học địa phương
08:24 | 24/11/2020
Bản nằm dựa lưng vào rừng già xanh thẫm, mặt hướng ra sông Ba nước chảy ầm ào. Nhà bà ngoại ở lưng chừng núi, ẩn mình trong những tán đào tán mơ rợp bóng, chim chóc cãi nhau suốt cả bốn mùa. Bà bảo vượt qua dòng sông ấy, đi bộ mấy ngày đường, sẽ thấy một vùng bình nguyên trải dài tít tắp nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi mưng mẩy như ngực của những đứa con gái bản chớm tuổi xuân thì
aa

Bản nằm dựa lưng vào rừng già xanh thẫm, mặt hướng ra sông Ba nước chảy ầm ào. Nhà bà ngoại ở lưng chừng núi, ẩn mình trong những tán đào tán mơ rợp bóng, chim chóc cãi nhau suốt cả bốn mùa. Bà bảo vượt qua dòng sông ấy, đi bộ mấy ngày đường, sẽ thấy một vùng bình nguyên trải dài tít tắp nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi mưng mẩy như ngực của những đứa con gái bản chớm tuổi xuân thì. Ngày còn nhỏ, tôi thường leo lên đỉnh núi, ngồi vắt vẻo lên chạc ba của cây trò già cổ thụ, nhướng đôi mắt về phía bên kia sông, lòng vẩn vơ nghĩ vì sao bà ngoại dặn tôi đừng bao giờ vượt sông để bước chân ra cái bình nguyên ấy, chỉ láng máng hiểu rằng sông Ba hung dữ lắm. Một lần đi nương mẹ bảo, sông Ba mang đến cho bản những bãi bồi ngăn ngắt xanh, nhưng chính dòng sông đã cuốn ông ngoại về phương nào sau cơn lũ dữ một lần ông lên rừng hạ nghiến. Sau này lớn lên, tôi hiểu bà ngoại không cho tôi ra bình nguyên còn bởi một lý do khác. Bình nguyên ấy đã lấy đi biết bao trai bản. Những thanh niên cường tráng, cứ tưởng ăn đời ở kiếp với rừng, vậy mà hễ vượt sông ra bình nguyên là chẳng trở về. “Sông Ba không tốt đâu Nguyên ạ” - bà in vào đầu tôi câu nói đó từ khi tôi lên bốn tuổi. Đấy là cái mốc thời gian đánh dấu cho một sự ra đi nữa… Năm ấy, bố lên mảng vượt sông đi về phía bình nguyên, rồi bắt xe ô tô khách đi về miền đất xa lắc xa lơ nào đó. Mười ba năm rồi, bố chẳng trở về…

Minh họa của ĐỖ DŨNG

Nhà sàn của bà ngoại được dựng lên từ 12 thân gỗ lim lên nước dầu bóng loáng, vách nhà bưng bằng gỗ nghiến, bốn mùa âm u tiếng mọt. Bà bảo xưa ông ngoại mất ba tháng trời vào rừng hạ gỗ, rồi dùng trâu kéo về ngâm ở sình cuối bản, mười mấy tháng sau mới vớt lên đục đẽo dựng nên nếp nhà sàn này. Ông bà sinh được mẹ tôi, và cậu. Sau ngày cậu lấy vợ ở bản bên, ngôi nhà trở nên quá rộng cho một mình bà… Bố đi rồi, ba mẹ con tôi chuyển đến. Nhà có bốn người mà sao vẫn thấy trống trải. Có lần cậu về bảo, người thành phố đang mốt nhà sàn, bà đồng ý bán, ngày mai sẽ có người đến dỡ, có ngay mấy trăm triệu mà ăn tiêu cả đời. Bà rít lên: “Mày cút về cái thành phố đấy mà sống, đừng bao giờ bước về đây nữa. Mày xem cái nhà này còn cái gì mà mày chưa đem bán hay không hả thằng trời đánh”… Từ ngày cậu lớn, những chiếc vòng vàng, khánh bạc ông để lại lần lượt theo cậu đến chiếu bạc, cả bộ đồ đồng bà ngoại dùng để nấu rượu cậu cũng mang đi nốt. Mẹ thì vẫn ngồi bó gối ở bậc cầu thang, chẳng ai biết mẹ nghĩ gì. Bà ngoại chỉ biết thở dài: “Ngày là thiếu nữ, mẹ mày là đứa con gái đẹp nhất trong bản, thế mà lớn lên thành khổ”. Cái Sao em tôi bảo: “Cháu thấy có đứa con gái nào ở cái bản này mà không khổ cơ chứ”. Nó nhìn về phía sông Ba, nhìn về phía mẹ, kéo theo tiếng thở như thể vắt dài từ đại ngàn nơi chúng tôi đang ở sang mãi phía bình nguyên, kéo dài suốt 18 năm cuộc đời của nó... Ngày bố đi, mẹ ngồi ôm chúng tôi suốt nhiều ngày sau trên bậc cầu thang, đôi mắt buồn rười rượi suốt những mùa hoa đào rụng đỏ vườn, hoa mơ phủ trắng lối đi. Mẹ chẳng đi tìm bố. Những người con gái bản này chẳng ai đi tìm đứa con trai bỏ bản về phía bình nguyên. Họ chỉ chờ đợi, sự chờ đợi cứ thế khắc lên khuôn mặt, in lên đôi tay rệu rã của những người con gái bản quanh năm đan áo với đủ loại sắc màu. Mẹ cũng chẳng chờ bố, lòng mẹ đã khép lại từ ngày bố bỏ đi. Còn bà ngoại bảo con ma rừng đã trú ngụ trong lòng mẹ mất rồi. Tôi và cái Sao chẳng tin. Cả chú Lừng cũng chẳng tin như thế…

*

Nhà chú Lừng cách nhà tôi một vạt rừng trồng, phía bên kia ngọn núi khum khum hình bàn tay úp ngược. Tôi chẳng mấy ưa người đàn ông có nước da xám chì và khuôn mặt gân guốc ấy. Cả bản tôi chẳng ai kết thân với người đã từng có 5 năm trong tù ấy. Thế nhưng sự thực là chú Lừng cũng chẳng làm hại ai ở bản. Có lần bà ngoại bảo: “Kể ra thằng Lừng cũng đáng thương. Nó đi trại về thì vợ bỏ đi theo chủ mỏ quặng ở tít mãi đất Lào Cai, Yên Bái gì gì đó. Thằng con thì lêu lổng, chẳng chịu làm ăn gì cả”. Mỗi ngày, chú Lừng dậy từ tờ mờ sáng, đeo bao dao bên hông rồi lên rừng đào măng, đốt lửa lấy mật ong và trèo lên những thân cây cao chót vót để mang về những khóm lan rừng treo lủng lẳng khắp vườn, lúc tối nhọ mặt người mới tất tả về nhà. Chú bảo: “Bây giờ người thành phố lùng đồ rừng dữ lắm, như ngày xưa người Kinh mò vào bản lùng xương hổ, tay gấu vậy. Kiếm mấy thứ này về, để đó nay mai ra đống tiền cho thằng Tạo”. Tôi bảo “Sao chú không cho thằng Tạo lên rừng”. Chú Lừng thở dài: “Rừng chẳng cần nó, nên sẽ chẳng cho nó gì cả, lên rừng làm gì. Trước tao cho nó đi cùng, hai ba ngày trời chẳng kiếm được gì. Sau đợt ấy thì nó dặt dẹo như con chồn đói, lay lắt như bếp lửa sắp tàn, từ bấy giờ nó chẳng đi rừng nữa”.

Thằng Tạo cũng trạc tuổi tôi, nghe đâu nó không phải con trai chú. Xưa chú bỏ bản đi làm quặng dưới bình nguyên, mấy năm sau dắt theo người phụ nữ đẹp có cái bớt đỏ ở cổ cùng thằng Tạo về cắm dùi ở bản. Rồi chú đi trại sau một lần đánh nhau với cánh sơn tràng, ra trại thì người đàn bà ấy bỏ đi. Thằng Tạo ở với chú như cây tầm gửi bám vào thân, vào cành cây cổ thụ. Có lần chú bảo: “Lỡ mai mốt thân tao về với đại ngàn, hồn tao về với sông suối, chả biết thằng Tạo sẽ sống bằng cách nào nữa. Đời sao mà cực…”. Tôi thực sự không hiểu tại sao khi đã đi về phía bình nguyên, chú Lừng lại quay trở về bản để sống cuộc đời lầm lũi như con mang cô độc, cả đời quanh quẩn bên mấy gốc tre nứa mãi vùng lõi rừng già như thế. Bất chợt tôi nghĩ đến mình. Tuổi mười chín căng tràn nhựa sống, liệu tôi có bỏ bản để đi về phía bình nguyên hay mãi ở bên dòng sông Ba khúc khuỷu gập ghềnh để sống cuộc sống thăm thẳm dài trong nghèo khó. Tôi không biết. Nhưng tôi yêu mảnh đất này bằng một tình yêu riêng biệt, và nếu có ra đi, nó vẫn sẽ như những mạch ngầm lan tỏa và có sức sống bền lâu trong tôi. Và chắc chắn, tôi sẽ không dẫm lên bước chân của bố…

Đêm. Trăng mười sáu treo trên ngọn cây trò già, phảng phất nét liêu trai, ma mị. Tôi ngồi ở bậu cửa, nhìn theo bóng mẹ vảng vất ngoài sân, cảm nhận rõ cái cảm giác rất nặng đang đè lấy tôi, mệt cùng mệt cực như những buổi phát cỏ làm nương, những buổi gùi bắp trên núi về nhà. Bản tôi chưa có điện lưới quốc gia. Cái máy thuỷ điện nhỏ kêu ro ro ngoài suối suốt ngày đêm chỉ khiến cái bóng điện duy nhất trong nhà lờ mờ sáng. Em tôi vẫn miệt mài ngồi bên khung cửi, nhịp thoi đưa đều đều, lạch cạch, lạch cạch... Lửa từ gian bếp hắt lên mặt nó, khuôn mặt như một bức tranh vẽ sẵn, lắng sâu chỉ có nỗi buồn. Phía xa, dòng sông Ba ầm ào như thể một người đàn ông đang bực tức trong lòng. Hơi nước từ lòng sông đùn lên lan về phía bản. Bản tôi cứ bồng bềnh bay, cứ dập dềnh trôi, mờ mờ ảo ảo. Tôi thở dài, rít thật sâu điếu thuốc. Câu chuyện với chú Lừng ban chiều cứ vảng vất trong đầu: “Bệnh của mẹ mày chịu khó thuốc thang vào sẽ khỏi thôi Nguyên ạ. Thuốc ở trên rừng đấy, mày theo tao đi mà lấy”. Tôi lùng bùng: “Việc của nhà tôi, chả cần chú phải lo”. Chú bảo: “Mày ba cái tuổi ranh, học đòi ở đâu cái thói đấy. Chả nhẽ mày cứ ngồi đấy mà nhìn mẹ mày chết dần chết mòn?”. Tôi nhìn vào mắt chú, có một thứ ánh sáng chiếu thẳng vào tôi… Tiếng con thoi ngừng chạy… Cái Sao ngồi xuống bậu cửa khẽ hỏi: “Có chuyện gì mà chưa ngủ”. Tôi kể chuyện lúc chiều, nó bảo: “Sao không đi cùng chú Lừng, trên rừng nhiều cây thuốc, biết đâu mẹ uống vào sẽ khỏi”. Tôi gắt “Mày thì biết cái gì. Mẹ chẳng có bệnh gì cả, bố về bệnh của mẹ khắc khỏi”. Em tôi cúi gằm xuống đất: “Biết thế... nhưng bao giờ bố mới về…”.

*

Bao giờ bố tôi về?

Có thể chẳng bao giờ cả!

Cái Sao dậy từ rất sớm, thổi cơm rồi cho vào chiếc khăn nén thật chặt, xong cẩn thận gói vào chiếc lá dong rồi đưa cho tôi. Tôi ném gói cơm vào chiếc gùi trên lưng, cột bao dao vào hông rồi mở cổng đi ra đợi chú Lừng ở ngã ba đường… Lát sau chú Lừng tới, nhìn thấy tôi hỏi: “Lại đi à?”. Tôi bảo: “Lần này chú cho tôi đi cùng, chỉ cho tôi cây thuốc, lần sau không cần nhờ chú nữa”. Chú Lừng cười: “Hái thuốc mà dễ như mày nói thì cả bản này làm thầy thuốc hết à. Thôi được rồi, cứ đi đã, nếu ổn thì lần sau đi tiếp”. Tôi bước theo chú đi trên con đường mòn lên núi. Rừng cây dần vây lấy chúng tôi, hơi rừng bốc lên ngai ngái. Vài ba con chồn hôi dậy sớm ăn sương, nghe tiếng chân người liền vụt chạy; tiếng chim cu đất gù mái rúc rích, âm u. Tôi lặng im đi phía sau, cảm nhận mồ hôi đã ướt lưng áo tự lúc nào. Tôi chợt nhớ đến những giọt mồ hôi chảy tràn trên má em tôi những đêm trăng sáng, loang lổ tấm vải thổ cẩm đang được dệt trên khung cửi. Đêm trăng con gái bản tôi đi chơi thành từng nhóm, lúc sau tách thành từng đôi, còn cái Sao cứ miệt mài bên khung cửi. Nó dệt những tấm vải thổ cẩm đẹp nhất nhì trong bản, tháng một lần đem bán ngoài chợ phiên cho người ta may váy mới, áo mới. Cái áo, cái váy của em tôi thì cũ lắm rồi…

Tôi và chú Lừng đã vào sâu trong rừng. Ánh nắng đã chênh chếch trên ngọn cây sồi già cổ thụ và phải khó nhọc lắm mới len lỏi đến lớp lá rừng ẩm ướt. Chú Lừng châm lửa vào 3 nén trầm, miệng lẩm nhẩm hồi lâu rồi cẩn thận cắm trầm vào thân cây. Hương trầm toả ra dịu nhẹ. Cả một khu rừng im ắng lạ thường… Chú nói giọng trầm buồn: “Giờ đi rừng là khổ. Xưa rừng vàng rừng bạc, rừng cho bản này bao nếp nhà sàn, cho những gian bếp lửa không bao giờ tắt. Nhưng trai bản này, bao vàng bao bạc đều trôi theo sông Ba về xuôi hết. Người bản này không biết yêu rừng, thế nên giờ rừng đòi nợ, đòi gấp nhiều lần những gì con người đã lấy của rừng...”. Tôi bảo: “Chú nói cứ như sách vở ấy”. Chú cười: “Thế mày không thấy bao trận lũ rừng lấy đi bao nương ngô vừa trổ bắp, cuốn đi bao mái nhà sàn nhiều đời vững chãi ở bản à? Rồi bao dân bản bỏ mạng về sông Ba đỏ ngầu mùa lũ, mày có thấy không”. “Thế sao chú vẫn đi rừng”, tôi hỏi. Chú Lừng lặng im hồi lâu: “Lớn lên mày sẽ hiểu”. Tôi lại hỏi: “Xưa chú ưng mẹ tôi đúng không”… Chú Lừng quay mặt đi nơi khác, cố giấu một tiếng thở dài: “Chuyện của người lớn, mày biết gì mà hỏi. Thôi, tao xin thần rừng rồi, đi lấy thuốc thôi”… Tôi lụi hụi đi theo chú, đầu lung bung nhiều thứ. Bà ngoại kể, xưa chú Lừng nghèo, vậy mà vẫn kiếm bằng được mấy cái vòng bạc để hỏi mẹ tôi. Nhưng cái thời xuân trẻ ấy, mẹ tôi đã nghe theo tiếng khèn lá, tiếng sáo của bố tôi thổi réo rắt mỗi đêm âm vang trên núi rồi. Tiếng sáo ngày xưa như thứ ánh sáng ảo ảnh cuốn mẹ tôi đi, và giờ nó vẫn âm ỉ cháy trong lòng mẹ tôi không dứt:

Hỡi cô gái bên kia núi

Má em như quả đào chín

Em thơm như hoa rừng

Có lòng thương anh hãy đến đây…

*

Chúng tôi ra đến bìa rừng khi trăng tròn đang kéo cong ngọn bụi bương già. Phía xa, bản tôi lập loè ánh lửa. Thằng Tạo chờ chú Lừng ở ngã 3 đường lên núi, điếu thuốc trên môi đỏ lựng. “Sao lại cho thằng Nguyên đi rừng” – nó hỏi. Tôi bảo: “Bữa nay đi lấy thuốc cho mẹ tôi”. Nó gườm gườm: “Lấy thuốc cho mẹ mày có ra tiền không?”. Chú Lừng nạt: “Về ngay, biết cái gì mà nói…”. Thằng Tạo lùng bùng gì đó, rít thêm hơi thuốc rồi rảo bước về bên kia núi… Rồi nó đứng lại. Từ trên con dốc cao cái Sao đi xuống, mái tóc dài quấn quýt chiếc gùi nặng, lấp lánh những giọt trăng. Thằng Tạo nhìn em tôi không chớp mắt, ánh mắt của con quạ đen, ánh mắt của con chồn, con cáo… Tôi nói to về phía nó: “Tạo, mày nhìn cái gì?”. Thằng Tạo lườm lườm, giơ nắm đấm về phía tôi rồi bỏ đi. Chú Lừng bảo: “Mày kệ nó đi, mai mốt tao cho nó đi làm quặng”. “Quặng ở đâu”, tôi hỏi. Chú bảo: “Ở xa lắm, mãi gần phía bình nguyên ấy…”. Tôi bảo: “Hay chú cho tôi ra đấy”. Chú Lừng vẫn mải mốt đi, miệng lầu bầu: “Hoạ có điên thì mày mới ra nơi đấy”. Tôi lặng im, có một lý do gì đó thường trực trong tâm can mà tôi không nói ra được, cũng không biết nó là cái gì. Tôi bị giằng xé bởi cái lý do đó, dùng dằng nửa muốn, nửa không. Nó cũng giống như những lần tôi muốn đi tìm bố, nhưng ký ức trong tôi về ông đã thực sự úa màu như rừng cây độ cuối thu, và tôi sợ, tìm thấy rồi liệu bố có trở về? Tôi thấy cổ họng đắng ngắt, đắng như chén rượu sắn trên nương, đắng như ngọn rau đốm trong rừng...

*

Giêng hai, nghe thấy những rẻo xuân bắt đầu lan dần từ đỉnh núi về phía hạ nguồn, ngửi thấy những hương xuân đang náo nức khắp các đồi nương quanh bản. Những cây đào, cây mơ vườn bà ngoại bung nở những cánh xuân rạng rỡ. Cái Sao xúng xính bộ váy áo mới, cổ đeo vòng bạc, đẹp e ấp như một đóa hoa rừng. Mẹ bảo: “Đi chơi rồi sớm về, ưng đám nào thì hỏi cho kỹ đã. Đời con gái chỉ có một lần…”. Nó bảo: “Con trai mẹ chưa bắt được vợ thì cái bụng con chưa ưng ai đâu mà mẹ lo xa”. Mẹ cười... Dạo này mẹ tôi vui hơn trước…

… Tối ấy, em tôi khóc thút thít chạy về nhà, tóc tai ướt lượt thượt, cái váy cái áo rách tung và bám đầy bùn đất. Nó chạy vào trong phòng, ngục xuống giường mà khóc. Tôi chạy lên theo mẹ: “Có chuyện gì? Đứa nào làm gì mày hả Sao?”. Em tôi không ngẩng lên: “Thằng Tạo, nó…”. Đầu tôi hiện lên ánh mắt thằng Tạo từng nhìn em tôi đầy thèm khát… Thật hèn hạ và đốn mạt… Tôi lao đi như con mãnh thú vừa thoát khỏi bẫy của thợ săn… Thằng Tạo đang ngủ gục dưới sàn nhà, mùi rượu ngô nồng nặc. Tôi túm cổ áo lôi nó đứng dậy: “Tạo, mày làm gì em tao?”. Thằng Tạo tỉnh ngủ, tỉnh cả rượu. Nó nói bằng thứ giọng re ré trong cổ họng: “Tao làm đấy. Gái bản này là của trai bản này, mày có giữ em mày được mãi không”. Tôi đấm thật mạnh vào cái mặt tráo trở của nó. Thằng Tạo lao vào tôi. Chúng tôi lao vào nhau. Những giọt máu chảy vung vãi sàn nhà… Thằng Tạo vớ được chiếc gậy lao vào tôi bổ thẳng. Tôi lăn một vòng rồi dướn mình về phía con dao đi rừng treo ở góc nhà, ánh dao sáng lóa bay về phía nó… Thằng Tạo ngã ngửa ra sàn nhà, lưỡi dao cắm phập vào vai người vừa lao vào đẩy ngã thằng Tạo…

Máu bắn lên áo tôi. Là máu của chú Lừng…

Mẹ tôi gục xuống giữa nhà: Nguyên ơi, mày giết người rồi!

Tôi nhảy xuống đất như một con sóc rồi chạy xuyên qua cánh rừng trồng, chạy đến bờ sông Ba. Tôi thực sự hoảng loạn. Nhà tôi kia, nhưng tôi không thể trở về. Tôi không muốn bị bắt… Tôi bơi qua sông, rồi bỏ chạy về phía bình nguyên giữa đêm trăng sáng... Tôi cứ chạy. Những giọt trăng lấp loá trên đỉnh đầu tôi, những giọt nắng kéo thành vệt trên khuôn mặt tôi. Tôi đói, mệt và khát. Rồi tôi lả đi…

*

Nghe đâu đó tiếng máy móc nổ hục hặc và tiếng người lao xao, rồi dần hiện lên một khuôn mặt lạ hoắc với bộ râu lởm chởm đứng nhìn tôi hỏi: “Tỉnh rồi hả”. Người đó đưa tôi chiếc bát sứt nham nhở: “Cháo loãng đấy, húp lấy chút đi. Số chú mày còn xuân chán. Nếu không gặp xe quặng chắc thú rừng làm thịt chú mày rồi”. Tôi liếc nhìn xung quanh… Những lán trại lúp xúp, những bộ đồ lao động bốc mùi mồ hôi, mùi đất đá, những thanh niên cường tráng với tấm lưng để trần, au đỏ như tấm phản gỗ lim… “Đây là đâu” - tôi hỏi. Người đàn ông có bộ râu như rễ cây cháy dở trả lời: “Là công trường, công trường khai thác quặng đấy chú em ạ. Thế chú mày ở đâu?”. Tôi nhắm nghiền mắt lại, không trả lời câu hỏi đấy. Nhiều tháng ngày sau tôi cũng không trả lời câu hỏi đấy. Những cánh thợ chui lủi vào các hầm lò để khai thác quặng ở vùng này cũng đại khái như chính công việc và cuộc đời của họ. Họ chẳng quan tâm tôi từ đâu đến, cái mà họ quan tâm là mỗi tuần khi xe ô tô của đầu nậu đến ăn quặng, họ sẽ được trả bao nhiêu cho những sức lực trút xuống hầm lò… Câu nói của chú Lừng cứ văng vẳng đâu đó mỗi đêm tôi trở về lán trại sau cả ngày chui vào hầm khai thác quặng: “Hoạ có điên thì mày mới ra nơi đấy”. Nhưng tôi đã ở đây, trong nỗi nhớ đại ngàn nơi tôi từng ở, nơi tôi không thể trở về…

*

Ngày mưa, mỏ quặng buồn hiu hắt. Cánh thợ hết đứng lại ngồi, chân tay thừa thãi, cảm giác buồn như chấy cắn. Một toán ngồi uống rượu với cá khô, toán khác sát phạt nhau trên chiếu bạc. Thằng Tần nằm cạnh tôi, chậc lưỡi: “Giờ mà có đứa đàn bà nào dạt vào đây, tao nguyện mất cả tháng tiền công cho nó. Cả năm nay chả được nhìn thấy đàn bà, đời sao mà tẻ nhạt…”. Tôi bảo: “Mày đừng than vãn nữa, cố làm lụng kiếm chút tiền rồi về mà làm ăn. Ăn chơi đàng điếm rồi mang hoạ vào thân”. Nó thở dài: “Về đâu, làm gì có nhà mà về. Đời tao là đời quặng. Quặng đắng quặng cay mà sao đời vô vị thế”. Nó quay trở lại câu chuyện cũ: “Lần gần nhất tao nhìn thấy đàn bà thế mà gần một năm rồi đấy. Oái oăm đó là bà chủ mỏ. Bà có một đàn con nhưng vẫn đẹp lạ lùng mày ạ. Bà có cái bớt đỏ ở cổ chạy thẳng xuống ngực, chậc, thật là khiêu khích!”. Tôi ngồi bật dậy hỏi lại thằng Tần: “Mày bảo bà chủ có cái bớt đỏ ở cổ?”. Nó hỏi lại: “Mày quen bà chủ hả?”. Tôi ngồi thừ ra: “Không quen, mà có thể có, mà không, không quen…”. Thằng Tần đưa ánh mắt tinh quái nhìn tôi: “Hơi xa, nhưng tao sẽ đưa mày đi, biết đâu là người quen của mày thì tốt quá…”

Chúng tôi ngồi trên xe chở quặng một đoạn đường dài lầm bụi đỏ rồi chuyển sang xe khách. Xe chòng chành trên những con đường thoai thoải dốc đầy đá cuội. Bình nguyên dần hiện lên với những ngôi nhà chen lẫn vào nhau, những chiếc xe nối dài chạy trên đường phẳng như mặt sông Ba mùa nước kiệt. Bình nguyên như một mâm cỗ đầy, như mùa màng no đủ… Chiều về lơ lửng trên ngọn núi nhọn hoắt đằng tây. Thằng Tần đi hỏi thăm đường. Chúng tôi đi theo mấy cái chỉ tay. Một ngôi nhà to lớn với cánh cổng sắt đóng im lìm hiện ra. Người ta bảo đấy là nhà của bà chủ mỏ có vết chàm màu đỏ.

Nhưng rồi tôi đứng trơ ra khi hiểu rằng, chẳng có mối liên hệ nào giữa tôi và người đàn bà có vết tràm màu đỏ ấy, tôi gặp phỏng có ích gì! Chúng tôi ngồi phịch xuống lề đường, buồn bã nhìn ánh dương đang dần lụi. Đâu đó vang lên tiếng sáo réo rắt. Tôi dỏng tai lên nghe. Tiếng sáo từ bên trong cánh cổng. Tai tôi âm u tiếng sáo, ngực tôi thình thịch liên hồi. Đầu óc tôi chao đảo: “Hỡi cô gái bên kia núi / Má em như quả đào chin / Em thơm như hoa rừng / Có lòng thương anh hãy đến đây…”.

Và khi người đàn ông cầm ống tiêu mở cổng hỏi chúng tôi điều gì đó, tôi chỉ biết đứng lặng câm như vách đá giữa đại ngàn. Người đàn ông trân trối nhìn tôi: “Nguyên, có phải thằng Nguyên không?”… Bất chợt, tôi vùng chạy thật nhanh. Tôi chạy về phía đại ngàn… Tôi khóc... Nước mắt tôi chảy tràn trên khoé môi, sao mà cay, mà đắng. Tôi cứ chạy. Đời tôi sao mà nghiệt, mà cay. Nhưng tôi còn có mẹ, còn có em tôi, nhất định tôi phải trở về…

Ba ngày tôi đi trong những tán rừng trồng, ba đêm tôi ngủ trên những chạc cây. Đến khi tưởng chừng sẽ ngất đi thì dòng sông Ba chất đầy ánh mắt, mặt sông dập dềnh, sóng sánh những ánh trăng… Tôi lặng lẽ trườn trên những ánh trăng lấp loá… Nhà tôi có ánh lửa lập loè…

Từ bên ngoài hàng rào, tôi nhìn thấy cái Sao ngồi trên bậu cửa, tiếng ầu ơ, tiếng ru hời da diết.

Dưới sân, một người đàn ông đang lụi hụi đan những tấm phên nứa, tấm lưng trần rộng như tấm phản nghiến quay về phía tôi; phía trên vai, một vết sẹo dài vắt ngang ửng đỏ…

Có tiếng gọi từ trong nhà vọng ra: “Mình ơi, cho con vào đi, hôm nay trời sương đó…”. Tôi bủn rủn tay chân khi nhìn thấy người vừa gọi em tôi… Tôi lết vào giữa sân gọi bà, gọi mẹ, gọi cái Sao… Bà tôi, mẹ tôi, em tôi đứng ôm tôi giữa sân mà khóc.

Chú Lừng, thằng Tạo cũng ôm tôi mà khóc…

Trên trời, trăng tròn vành vạnh, tròn như mắt cháu tôi…

Nguồn Văn nghệ số 24/2020


Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...