Sáng tác

Bốn lần hai mốt tháng giêng. Truyện ngắn của Lê Xuân Thắng

Lê Xuân Thắng
Truyện
10:00 | 17/02/2025
Baovannghe.vn- Đầu xuân 1978, Cường được biên chế về đồn biên phòng Vân Ly thuộc tỉnh Cao Sơn. Nơi biên ải, ngoài những khu rừng nguyên sinh đến “u minh” là bạt ngàn lau đổi sắc theo mùa.
aa

Vừa xuống bến, Cường đã thấy chiếc Mercedes 16 chỗ đợi sẵn. Tấm biển “Cao Sơn - Lăng Hải - Vân Ly” ở đầu xe cho anh biết lộ trình điểm đến, là nơi có đồn biên phòng cửa khẩu. Nói đúng hơn là anh đang về chốn mà cách đây hơn ba chục năm đã từng “hóa tâm hồn” như trong thơ Chế Lan Viên. Nghĩ đến giây phút ấy lòng anh như chùng lại.

Bốn lần hai mốt tháng giêng. Truyện ngắn của Lê Xuân Thắng
Minh họa Đỗ Dũng

Chiếc xe ôm thả khách xong vút đi, chìm vào cái mênh mang của ngàn lau. Mới sang xuân, lau chưa hồi phục màu xanh chứ nói gì trổ hoa. Ừ, mới tết Nguyên tiêu tuần trước mà. Cường chợt thần người như bị bỏ rơi. Ngước về phía cổng đồn, anh thấy hàng cờ phấp phới trên bức hoành. Quanh sân trong là ba dãy nhà xếp chữ u, ôm lấy cột cờ lớn trước hội trường. Trên tấm pano bên trái nổi bật dòng chữ vàng “Vui xuân mới không quên nhiệm vụ”. Sự khang khang khiến anh choáng ngợp, so với thời mình tại ngũ thì một trời một vực. Âu cũng là phúc lộc cho con cháu. Một chút chạnh lòng dìu dịu đến tứa dâng niềm hạnh cảm. Từ xa anh lính vệ binh đã nhìn ra Cường chính là vị khách đang đợi. Họ đã nhận được điện thoại của Lầu Văn Thành - cựu đồn trưởng nghỉ hưu. Cả đồn đang náo nhiệt đón một CCB về thăm đơn vị cũ. Đâu phải ngẫu nhiên có cái đương nhiên. Trước hôm đi Cường điện cho Thành: “Anh ơi, mai em mặt dày đến anh, trước để “chịu án”, sau để gặp mặt lại mọi người một lần dối già, trả những gì có thể trả, anh giúp em toại nguyện nhé.”

“Vẽ chuyện, anh đâu có hẹp hòi, nhưng chú đắc tội với người ta kia, mà muộn còn hơn không, chớ làm anh thất vọng.” Câu chuyện trĩu uẩn khúc được tối giản hóa, thành thông tin cho cuộc đón tiếp chưa có tiền lệ hôm nay, lợn kêu eng éc, xoong nồi rộn rã điệu “nổi lửa lên em”.

Đúng là giữa họ có uẩn khúc thật, nó hé lộ ngay trong hành trang của Cường. Nói là đi việc hệ trọng mà còn vác theo vợt cầu lông! Cũng chưa chắc, vợt gì mà đầu cán sao phải trùm thêm túi nilon thắt nịt? Nếu là cây ghi ta thì bầu đàn sao nhỏ và tròn ủng như quả bưởi mô nô bày tết. Ngoài chủ nhân ra không ai biết đó là món nợ đời anh phải đem trả. Sau nghi lễ tiếp đón kiểu nhà binh nơi trước cột cờ. Đồn trưởng Lê Kiên mời anh lên ghế đầu trong hội trường. Cái không khí quân luật nhanh chóng tan chảy thành không khí gia đình. Thể theo nguyện vọng của mọi người, Cường phải kể một vài kỉ niệm cũ về “chiến trường xưa” tại đồn Vân Ly. Anh đáp ứng hậu hĩ, song vẫn né tránh những gì liên quan đến chuyện riêng tư. Rồi cuộc “tẩy trần” cũng đến, Cường biết tửu lượng của mình khá nhưng không thể đánh đu lúc này, còn khối việc cần tỉnh táo. Cánh lính trẻ thì ngược lại, đây cơ hội trổ tài của tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. Hôm nay chúng được sếp bật đèn xanh tiếp đón “Thái Thượng Hoàng”. Chén rượu vơi đi rồi chén rượu lại đầy, chúng không bỏ lỡ cơ hội “săn sóc” cho đến khi Cường “giơ tay hàng”. Kiên bảo tài xế đánh xe đưa bố về nhà cựu đồn trưởng Lầu Văn Thành theo ý nguyện.

Thành vào cuộc đột ngột:

- Tớ nhắn cậu mấy lần sao cứ lần khân, thời gian không đợi, hoa đến thì hoa nở, đò đầy đò sang sông, cậu vô tình thành ác ý rồi.

- Em lạy anh, ngoài lí do hoàn cảnh ra em không biết nên cư xử thế nào khi đã dang dở, giờ em liều dẫn xác đến đây, anh bảo em làm sao trả lại kỉ vật bây giờ?

Cường kéo khóa lấy từ trong bao vợt cầu lông ra cây đàn tính, bầu đàn là một trái bầu hồ lô đã bẹp rụn một phần như bị va đập mạnh.

- Anh, nhà cô ấy giờ ở đâu? Dẫn em đến đó đi!

- Không phải đi đâu cả, tôi đây, chào cố nhân - Từ buồng trong một phụ nữ y phục Tày bước ra, dáng đĩnh đạc như quan tòa lên bục xử án. Cường biến sắc, mắt chữ A, miệng chữ O, giọng lắp bắp:

- Là em đấy ư? Hôm nay anh đến…

- Để trả đàn chứ gì? Không được đâu. Người Tày chúng tôi đã trao đi là không hồi lại, đục chịu trong nhờ đến nhắm mắt xuôi tay, anh tự chịu đi.

*

Đầu xuân 1978, Cường được biên chế về đồn biên phòng Vân Ly thuộc tỉnh Cao Sơn. Nơi biên ải, ngoài những khu rừng nguyên sinh đến “u minh” là bạt ngàn lau đổi sắc theo mùa. Ngỡ tưởng cái không gian êm ả của cao nguyên là cảnh thanh bình mặc định, nào ngờ bên trong đã cồn lên sóng ngầm. Cách đồn ba cây số là ngôi bản cùng tên, cùng cả tên xã luôn. Nơi đây có một cuộc sống nên thơ vốn dĩ, bốn mùa hiện hữu những buổi hội hè âm vang tiếng đàn tính, điệu hát then. Họ quen nhau cũng thật tình cờ. Một ngày tháng giêng se lạnh, trong lần quân và dân đi rào đường biên giới, họ gặp nhau trong vụ xô xát với các phần tử quá khích phía bên kia. Hôm ấy, tiểu đội Cường được giao nhiệm vụ làm nòng cốt, đến hỗ trợ dân trong y phục chàm, khiêng vác những phên giậu đã đan kết bằng cây que hoang dại, chôn cọc, dựng rào. Cô giáo La Thị Hưng cùng đám học trò gánh những chiếc ký đầy ắp các gói lá bằng quả cam - là “lựu đạn” tự chế bằng tro bếp, vôi tả, ớt bột, phòng xa có bọn xấu đến cản phá. Quả là không thừa, mọi người đang thi công thì đám dân binh ồ đến quậy phá. Một thằng to như hộ pháp ôm chầm lấy Cường vật lộn. Cường nhanh nhẹn nhưng nhỏ con hơn nên bị đè ngửa. Khi quả đấm đang nhằm mặt anh hạ thủ thì “bốp” - Một tiếng vỡ khô khốc vang lên, Hưng đã nhanh tay lấy cây đàn trên lưng phang thẳng cánh vào cái đầu trọc, tang trống đàn bẹp lún, tên lưu manh lảo đảo nằm vật xuống ngất lịm. Tình thế vượt tầm kiểm soát, những trái lựu đạn bằng tro, vôi tung bụi mù, hai bên lăn xả vào nhau… Bỗng một loạt đạn chỉ thiên chát chúa. Bên kia một toán lính vừa tới, một tên giơ tay kiểu nhà binh “Báo cáo dinh trưởng Trần, bọn “tiểu bá” làm một người bị thương.”

Bốn lần hai mốt tháng giêng. Truyện ngắn của Lê Xuân Thắng
Ảnh minh họa. Nguồn: pinterest

- Đáng kiếp, dám tùy tiện phá tình hữu nghị “sông liền núi” của chúng ta.

Gã phẩy tay, rút súng lục chĩa vào cái đầu trọc đang rên khẽ. Gã sẽ tặng tên kia viên kẹo chì, kiểu thí tốt làm chính trị nếu không chợt có tiếng hô dõng dạc của Thành:

- Khoan, xin ngài tha cho hắn một mạng, chỉ cần răn đe những kẻ làm ẩu, phá tình giao hảo thôi, mời ngài vào đồn, chúng ta cùng dàn xếp thương lượng.

Cuộc xô xát được giải quyết ổn thỏa. Thành được tặng huy chương với chiến công xử lí khôn khéo và hiệu quả. Cường được thưởng ba ngày phép tại chỗ vì thành tích dũng cảm. Chẳng ai xui thì anh cũng biết tận dụng cơ hội “tách đàn”, vào bản với cô giáo Tày duyên dáng “trong veo”, với lí do đến cảm ơn cả người lẫn đàn đã có công “cứu mạng”.

Thấm thoắt một mùa xuân nữa về, ngẫu nhiên vẫn ngày này năm ngoái âm lịch, là 21 tháng giêng, đang tiết rét đài. Mới ba giờ sáng, đất trời đang chìm sâu vào giấc ngủ thì hàng loạt tiếng nổ đinh tai. Sau loạt pháo dọn đường là lũ quỷ sứ đội mồ tràn qua biên giới. Thông tin loang nhanh như dầu trên mặt nước, giặc tràn khắp đường biên bảy tỉnh giáp ranh. Những cuộc chống trả giằng co, đôi bên đều tổn thất. Địch có lợi thế về quân số với chiến thuật “biển người”. Kéo dài là thất sách, và cái điều lường trước đã đến. Địch theo lối thị xã vòng sau lưng ta đánh vu hồi. Thành bình tĩnh xử lí mọi tình huống, địa bàn Cao Sơn anh thuộc như lòng bàn tay. Song dù cuộc chống trả có hiệu quả tối đa thì cũng đến lúc đạn dược và lương thực cạn kiệt. Thành tập hợp quân số còn lại nói trong sự nghẹn ngào:

“Mọi người có quyền tự tìm đường cứu sinh, ai ở lại theo tôi, ai theo dân tản cư hay về xuôi thì tùy. Chỉ cần nhớ ta là lính Cụ Hồ, quyết không theo giặc.” Dứt lời, một loạt đạn pháo vãi xung quanh. Cường chưa kịp định thần đã thấy bên đùi lành lạnh, máu rỉ ra đỏ nhòe. Mọi người đang lúng túng không có gì băng bó thì Hưng từ đâu đến như phật mụ. Cô lấy dao quắm xẻo ngay vạt váy chàm băng bó cho anh. Tạm ổn một bề, cả đoàn đang tính tiếp đường đi nước bước thì bỗng có âm thanh xôn xao, rồi tiếng ồn ào cười nói rõ dần. Một đoàn cả quân lẫn dân rầm rộ tiến tới. “Giải phóng rồi, thắng rồi, “nó” tuyên bố mai rút quân. Việt Nam đại thắng muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm!” Chưa đủ, niềm hạnh phúc to lớn như một thế năng đập thủy điện, nó vỡ òa, tràn bờ thành bản tấu ca “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng!” Mọi người hát hồn nhiên, giọng cao nhất có thể như lâu lâu rồi chưa được nghe ca khúc bất hủ này.

Có thể do bàn tay siêu phàm nào sắp đặt khiến Cường luôn phải nhận những món nợ ân tình từ Hưng. Vết thương có nguy cơ nhiễm trùng khiến anh bị sốt. Thành lo lắng, Ở thị xã mới có bệnh viện, đây về Cao Sơn tới bốn chục cây số, đường không có chiếc xe nào. “Để em vào bản mượn con ngựa - Hưng nói giọng chốt sổ. Rồi sau một tuần điều trị có Hưng bên cạnh, Cường hồi phục nhanh chóng, họ có những giây phút “thơ mộng” cùng nhau. Bầu đàn tuy bị bẹp chút nhưng âm thanh vẫn rất nền nảy. Cô gẩy cho “tai trâu” nghe những bài ẩn chứa các bản tình ca xứ sở của thế giới người Tày, từ thuở trời đất còn dính nhau ở nơi chân mây, thuở bà Nữ Oa đến tuyển phu vá trời đội đất. Vốn là người thông minh, anh cũng cảm nhận ra ẩn tình “nàng” gửi vào những âm thanh “nhát gừng” - đặc trưng của đàn tính. “Chàng” cũng ngẫu hứng tác họa hợp bích theo: Em- gái- Tày- xinh- xắn- miền- sơn- cước- ơi- ớ- ơ… Mai- ngày- thắng- giặc- anh- đón- em- về- thăm- miền- quan- họ- sông- Cầu- lơ- thơ- ớ- ơ- ớ- ơ… “Anh bịa gì lạ vậy, trêu em đúng không?” Hưng trở cán đàn dứ dứ vào đầu Cường. “Ấy anh đang bị thương mà em không… thương anh sao! Con gái Tày dữ thật.” Cả hai cười hòa, giữa họ đã có thứ keo vô hình. Tuần nữa trôi qua, Cường khỏe hẳn, nhưng thương tật chưa đủ mức xếp hạng thương binh nên anh được trả về đơn vị, anh vô tư tận hưởng những ngày tháng quân ngũ nơi biên ải thêm ba mùa xuân nữa. Họ lại có bao thời khắc “tiên giới”, không chỉ với anh mà với bất kì người lính nào. Nỗi gian truân của đặc chủng của anh lính biên phòng bỗng trở thành gia vị của chiếc “bánh thánh” trời ban. Cuộc hạnh ngộ nào cũng đến hồi kết. Đêm trước hôm ra quân họ hẹn nhau trên tảng đá, bên thác Khẳn Nông. “Hai mươi giấc tốt”, đêm nay là hai mốt tháng riêng mà. Họ chờ trăng lên vào lúc nửa đêm, hình như người nhà trời không biết nóng ruột, trăng vẫn đủng đỉnh gạt những làn mây trôi qua, rót mật hoàng quang, tưới cho cuộc hẹn hò thêm thanh đượm. “Ờ ớ ơ, núi cao chỉ có hai người, người nam người nữ hai người ờ y ê yêu nhau au ớ ơ ơ…” Nghe giọng khàn khàn nhưng dày ấm của Cường, Hưng không cười nhạo như lần ở viện anh bịa lời then. Nàng thả lỏng thần xác, ngả vào bờ vai gấu. Con mèo nhung cũng biết làm nũng đúng lúc, phả hơi thở hương xạ vào mặt anh.

“Bài gì nghe quen quen vậy?”

“Là bài trong phim vợ chồng A Phủ đấy, em xem, nếu ai đứng dưới thác nhìn lên đây thì cảnh chúng mình và tảng đá này chẳng y hệt phim sao.”

“À hé, anh cũng “du dương” quá nhỉ, mà phim ấy em xem rồi, hồi học “mười cộng ba” tại trường thị xã, ngay bên sông Bằng, thảo nào. Có điều em không muốn anh bị rơi xuống vực, càng không muốn bọn thống lí Pá Tra đến bắt em về như trong phim đâu.”

Cô vít cổ anh, hôn chụt vào má như “ban thưởng”.

“Anh có chạy mất đâu mà em phải hôn trộm, mai chia tay chưa biết hôm nào mới lên được, đêm nay cho em toàn quyền sinh sát.”

Thời khắc “…trong như đã… ngoài còn e” điểm giọt, Cường không bỏ lỡ cơ hội vàng, vòng tay trai trẻ từ từ siết lấy tấm thân hoang dã của sơn nữ miền cao nguyên đang tan chảy… Văng vẳng đâu đó vọng về tiếng chim “bắt cô trói cột”, thánh thót hòa tan trong dư âm dòng Quây Sơn đổ về thác Bản Giốc…

Chẳng biết mảnh đất miền biên ải ấy khi Cường ra đi có “hóa tâm hồn” hay không, riêng anh đã dần mất tự chủ. Con người dù sao cũng bằng xương bằng thịt. “Nơi đất ở” mới có những lực hấp dẫn như trái đất hút vạn vật. Tuy chưa đáng “phồn hoa” thì cũng là nơi “đô hội” cỡ nhất nhì miền Bắc. Đó là Hải Phòng, việc đầu tiên là anh về nhà ông cậu với lời hứa năm xưa, rằng khi ra quân đến ông xin việc cho. Với chức giám đốc xí nghiệp cơ khí quốc doanh chắc ông không nói bừa. Song sự đời trời tính, xí nghiệp đang bờ phá sản, chuyển sang cổ phần hóa. “Để cậu xin vào Bến Sáu Kho cảng Hải Phòng cho.” Sau hai ngày bải hoải ông giơ tay chịu trói. “Yêu cầu bằng đại học, ngay cả số công nhân kĩ thuật ở Nga về cũng xếp xó đầy, mày mới hết cấp II…” Cường đành về nhà, luẩn quẩn bên mấy chục gốc vải thiều qua ngày. Lũ bạn thân đến chơi, khi hiểu “pho tiểu thuyết” của anh chúng bàn lui: “Thiên tình sử đẹp đấy, nhưng họ quen lối sống hoang dã, phong tục tập quán sao hòa đồng được. Về đây vài bữa rồi lại đòi “trẩy hội nước non” thì ai “nuôi cái cùng con” cho mày.” Cường thầm bĩu môi, chúng đâu biết Hưng đã là cô giáo, có học hành chứ đâu có “hoang dã” như chúng nghĩ. Song thong thả suy xét, Cường thừa hiểu thực tế khá phũ phàng, bát cơm người dân bản địa cũng bạc bẽo, sắn khoai cõng hạt gạo qua ngày. Phía sau còn bao con toán chưa có đáp số. Anh buông tay… làm con gấu lười nhác tìm giấc ngủ đông. Đâu ngờ cái hậu quả từ sự phó thác vô tình của anh đã biến Hưng thành nàng Tô Thị, cô càng đợi càng vô âm tín. Nhưng cái thai thì không đợi, nó tăng trưởng mỗi ngày. Gặp mấy người đi buôn vải thiều hàng sọt qua cửa khẩu Vân Ly, cô hỏi dò rồi quyết một chuyến theo họ về quê anh. “Ngọn nguồn lạch sông” đây mà, chẳng kịp ngắm phong cảnh miệt vườn, cô tìm ngay đến nhà anh. Một cuộc gặp gỡ đủ mức phải phép lịch sự, không mấy mặn mà với cô gái “ngoài hành tinh” trong bộ váy chàm. Lướt mắt một vòng khắp nhà, cô không thấy cây đàn tính. Cha mẹ anh cũng không biết gì về sự hiện hữu của cô, mối quan hệ với anh ra sao. “Cháu cứ nghỉ lại đây, bác gọi nó về hỏi cho rõ, nó đang ở Hải Phòng…” Tai cô ù đặc, biết anh vẫn giấu gia đình, cô thất vọng, lễ phép chào từ biệt rồi khoác tay nải hướng ra tỉnh lộ 13, bóng áo chàm mất hút vào những tia nắng hoàng hôn yếu ớt.

*

- Xin em, anh không đáng mặt… Giờ tùy em muốn…

- Vậy anh về đây làm gì? - Cô vẫn giọng quan tòa.

- Trước là gặp em, anh Thành… Sau là…

- Là để trả đàn ư? Hóa ra với anh, cây đàn chỉ là chuyện “sau” thôi à?

Hưng giơ hai tay lên trời, vẻ thất vọng rồi bưng mặt, hai giọt lệ ứa ra, lăn theo nếp nhăn bên má. Cường không ngờ cô hận anh đến mức ấy.

- Thôi, đã về đây thì em cho anh gặp những người cần gặp.

Giọng Hưng lạnh cứng, phong độ quyền uy, cô bấm điện thoại. “A lô, Lê Kiên đấy à, xuống nhà cô ngay nhé.”

Cô bấm số nữa:

“Kiên à, con về đến đâu rồi?”

“Đến đầu bản rồi mẹ.” Đầu kia trả lời. Thấy Cường ngơ ngác Thành lên tiếng:

- Là thằng Lầu Kiên, con của… hai chúng tôi.

- Vậy chúc mừng hai người - Cường reo lên - nhưng ông bà thành đôi từ bao giờ vậy? Cháu nó cũng tên Kiên ư?

- Thì chẳng phải “hôm ấy” anh bảo, nếu có con thì đặt là Kiên sao, “Kiên Cường” nhỉ, chỉ không kiên nhẫn thôi!

Hưng nhếch mép hé nụ cười đắng đót. Vừa lúc hai chàng Kiên ào đến. Mới hôm tết ông táo tháng trước, mượn thể buổi liên hoan chia tay, Lầu Kiên lên tỉnh nhậm chức tham mưu phó bộ chỉ huy biên phòng, Lê Kiên thay anh chức đồn trưởng. Trước “ba quân” chúng kết nghĩa anh em! Kiên vồ lấy anh, “Đã kết nghĩa “huynh” phải năng về thăm “đệ” mới ngoan chứ!”

- Gớm, xem phim chưởng cho lắm vào rồi nhìn đâu cũng thấy “con tưởng bở”.

Cả nhà cười ồ, trừ Thành, anh lấp lửng giọng xót xa:

- Dễ thường không kết nghĩa thì chúng bay là người dưng chắc.

- Anh nói thế là sao? - Cường giật thót hỏi.

*

Hưng đâu ngờ tai họa cứ lần lượt ăn vạ cô. Đầu tiên là phòng giáo dục với chi bộ trường quyết định đình chỉ công tác và sinh hoạt đảng, ép cô khai ra cha đứa trẻ. Đến tuổi đi mẫu giáo Kiên chẳng được nhập trường công vì không làm được giấy khai sinh. Thành bám sát mỗi bước đi của hai mẹ con, anh “xin đám”, nhận là cha để Kiên không bị lỡ dở học hành. Sau khi thất vọng về Cường, Hưng cũng phải thừa nhận lòng tốt của Thành, người duy nhất cô có thể tin tưởng và giao phó. Việc nhập học của thằng bé trục trặc cũng là lúc cô dám bước sang ngang, nắm lấy tay Thành, cứu con, cứu mình trước khi quá muộn. Còn anh, không hiểu cả chính mình. Đường đường đấng mày râu mà ngoại tứ tuần vẫn chưa nặng lòng với ai ngoài Hưng. Tuy vậy anh đâu phải kẻ cơ hội, sau vài lần nhắn Cường không được anh mới quyết đến với cô. Họ cũng có với nhau một giọt máu, song cơ hồ lại trắng tay, đứa trẻ chết lưu ngay khi thai 6 tháng. Bác sĩ bảo anh bị nhiễm dioxin hồi còn là lính Trường Sơn. Bao tình thương yêu cả hai chắt chút cho bé Kiên tất. Cũng may nó là đứa thông minh, khỏe mạnh và biết vâng lời. Tự định hướng trở thành lính biên phòng như cha dượng, chủ động xin công tác tại quê để dễ bề phụng dưỡng “song thân”.

Cường không ngờ sự thể đi xa đến thế, tưởng chỉ là chuyện nước chảy qua cầu thời trai trẻ, ai dè cuộc tình lại kết trái, nó thành trái đắng nhất thời mà người phải nuốt là Hưng. Cường rùng mình khi vỡ lẽ, tai ù đặc. Cả hai thằng Kiên đần ra như mặt ngỗng, nhớ lại lời ông Thành “…chúng mày là người dưng chắc!” mà thấy dầng dậng, cay cay khóe mắt. Cường cầm đàn đưa cho Hưng:

- Em hãy phang vào đầu anh như phang tên côn đồ năm xưa, anh có hơn gì nó!

- Hưng hiểu thành ý, lòng cô dịu lại:

- Không đến mức ấy đâu, dù hận anh em cũng biết vạch công bằng, tạm tha cho anh một nửa, vì sao anh biết không?

- Không - Cường lắc đầu.

- Vì không phải ai cũng có tâm giữ cây đàn hư đến ba chục năm trời, chờ ngày hoàn trả, xem ra trong anh vẫn có chỗ cho em. Còn nửa kia anh phải chịu, em chưa thể nhận lại đàn. Anh về tự học gảy, tạo lời then về câu chuyện của hai ta, sao cho ngay cả anh khi nghe cũng phát nổi khùng rơi lệ, lúc ấy em mới nhận lại cây đàn.

Như kẻ bị điểm huyệt sinh cấm khẩu, Cường chợt nhận ra nguồn năng lượng kì diệu trong cái dáng mảnh mai của cô gái Tày. Thì ra ở đời chuyện vay - trả cũng ba bảy đường. Có vay có trả - chuyện thường tình. Vay không trả - có hai nhẽ: Không có khả năng trả, hoặc quỵt nợ, trốn nợ. Trường hợp thứ ba mới hi hữu làm sao, là có vật trả mà không trả được, bởi chủ nợ không cho trả, đúng hơn là không nhận lại! Chính là vụ của anh với cây đàn “cao số” kia.

- Trời ạ, hôm nay là cái ngày gì thế này? - Bất giác Cường thốt như gào lên ở chỗ không người.

- Là ngày hai mốt tháng giêng, ngày định mệnh của năm người chúng ta đấy - Giọng Hưng sang sảng như một chính trị gia - 21 tháng riêng năm Ngọ 1978 đi rào biên giới, em đập thằng đầu trọc hỏng đàn. 21 tháng riêng năm Mùi 1979 chiến tranh nổ ra. 21 tháng riêng năm Tuất 1982 chúng ta… có thằng Kiên. 21 tháng riêng nữa chả phải hôm nay sao, ngày anh em, cha con tìm thấy nhau.

Biết tính của Hưng, anh không nói gì nữa, ý cô đã được “đóng dấu”. Mà chả phải cô vẫn để đèn vàng đó sao. “Bao giờ viết xong câu chuyện bằng lời hát then…” Anh khoác chiếc ba lô du lịch, vác cây đàn lên vai, thanh thản sải bước về hướng thành phố, phớt lờ những tiếng mời chào đón khách của các xe hơi cùng chiều. Một cơn gió thoảng qua, chút se lạnh khiến anh tỉnh táo, lẩm bẩm trong vô thức: Tiết xuân có ba cái rét. Rét đài, rét lộc, rét nàng Bân. Phải, hôm nay đang rét đài mà…

Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Baovannghe.vn- Chiều về qua ngõ vắng/ Thấy nụ cười bâng khuâng
Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Baovannghe.vn - Chiều 25/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo (BCĐ), Ban Tổ chức (BTC) Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ 5, giai đoạn 2024-2025.
Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Baovannghe.vn- Nằm lại trong bệnh viện/ nhìn hàm răng cha rỉ máu
Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Baovannghe.vn - Ngôi nhà không có cửa sổ, trong nhà tối âm âm, ánh sáng dường như vất vả lắm mới len được vào qua cửa chính...
Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Baovannghe.vn - Đạo diễn Victor Vũ và nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp quyết định may mới gần 1.000 bộ phục trang để phục vụ làm phim