Chuyên đề

Mộng hoàng kiếm. Truyện ngắn của Đào Đức Tuấn

Đào Đức Tuấn
Văn học thiếu nhi
15:00 | 16/02/2025
Baovannghe.vn - Trước sân nhà, ba nuôi một hồ cá kiểng to đùng. Đa phần cá bự như bắp tay người lớn, đủ sắc màu.
aa

1. Trong bụng má

Nằm trong bụng má đến tháng thứ ba, nó bắt đầu nhận biết chung quanh. Mắt nhắm nghiền nhưng đã nghe, đoán động tĩnh là biết má đang làm gì. Ví như, ngủ dậy, thấy ba lách cách mở cửa, dắt hai chiếc mô tô ra, là nó biết đã hơn sáu giờ sáng. “Bữa nay mình ăn chi hè?”, nghe là nó biết sắp cùng ba má ăn sáng. “Bye em!”, “Bye anh!”, nó biết ba chạy xe đi làm công ty. Còn nó sắp cùng má đi dạy học.

­Lúc xe lụp cụp băng qua ổ gà, nó muốn la lên nhắc “ui da, chạy chậm chút, má ơi!” Má ngủ, nó ngủ. Má thức, nó thức. Thế nhưng thỉnh thoảng giữa đêm, nó vẫn trực giấc. Chân tay quậy lia. Làm má cũng thức theo: “Á à, cái con bé này quậy quá!” Nó cười thầm “con là con trai nhen má.”

Không hiểu sao, ba biết nó là con trai. Ba hun lên bụng má, rồi áp miệng áp tai vào để trò chuyện với nó. Thích chí, nó bèn ra chân gạt vào vành tai ông ba. Tất nhiên, nơi chân nó tiếp xúc đầu tiên là thành bụng má. Vậy mà ba cũng bị trúng, la lên: “Úi chu cha, thằng Thành nghịch dữ he! Nó đạp vun bụng má lên đây nè! Trúng ba đau quá… á!" Nghe ba nói, nó rút chân lại, cười ngặt nghẽo.

À, nó có tên là Thành, ngay từ khi còn nằm bụng mẹ. Số là thế này. Lúc bắt đầu mang bầu nó, má ốm nghén dữ lắm. Ôm ngực ọ ọe miết miết. Không ăn uống được mấy. Ba phải đi mua thuốc bổ về dỗ má uống. Rồi đi chợ, nấu nướng đổi món đủ loại để má ăn được chút nào mừng chút đó. May, đến tháng thứ ba, nó biết điều nên không nỡ hành má nữa.

Mỗi lần ba hun, vuốt bụng bầu má là nó rất khoái. Nhớ bữa trước, nó cảm thấy như được ba xoa đầu. Rồi ông bỗng nói y chóc: “Thằng cu con! Mau ra đi uống bia với ba!” Má nhoẻn cười dòm ba: “Em bảo đảm con gái đó! Anh dám cá độ với em không?” “Cá thì cá, sợ gì! Hai tô bún bò dì Mập nghen?” “Ok hai tay, ba chân!” Nó nín khe nghe cuộc cá độ, rồi chép miệng như trọng tài: “Ông ba thắng rồi! Con là trai trăm phần trăm đây! Má chung độ ba lẹ đi…” Sau đó, cả hai cũng đạt được thỏa thuận: Nếu là trai, ba đặt tên Thành; nếu là gái, má đặt tên Thoa.

Mộng hoàng kiếm. Truyện ngắn của Đào Đức Tuấn
“Sao mà nhỏ? Ba nói ra khỏi bụng mẹ là một tuổi rồi!”, nó nhoẻn cười. Ảnh minh họa: Pixabay

Thiệt ra, ba nó chỉ đoán mò. Ông thắng chỉ vì may mắn, như là bốc thăm trong trò chơi chẵn lẻ. Thấy hết sức thú vị vì chỉ mình nó biết nó là… con trai. Hóa ra không chỉ nó biết.

Mấy hôm sau, ba chở má đi bác sĩ khám thai. Ổng bác sĩ rà rà cái hộp nhỏ lên bụng má, rồi dòm màn hình vi tính: “Con trai nha chị. Thai phát triển tốt, tim thai khỏe. Ông cu quậy dữ! Nhớ về ăn uống tẩm bổ, đi đứng nhẹ nhàng.” Ơ, vậy là bí mật của nó đã bị ông bác sĩ lật tẩy! Má đi ra cười tươi với ba: “Sáng mai, em chung anh độ bún bò dì Mập.” Còn ba thiếu điều nhảy cẫng lên đụng trần nhà: “Đó! Đó! Thằng cu Thành! Thấy chưa! Anh đoán y sì mà, em yêu!...”

Hôm cái bầu cỡ chín tháng, má nói với ba “Em đau bụng dữ quá!” Ba kêu chú taxi gần nhà, rồi điện bà ngoại đến bệnh viện. Trong phòng chờ sinh, những cơn đau của má mỗi lúc một dồn dập. Má quằn quại ôm thành giường, liệng mền gối. Cu Thành cũng muốn ra ngoài xem thiên hạ lắm rồi. Nó choài người định bước đi nhưng chân tay lại không làm được theo ý nghĩ. Thấy má đau đớn, nó muốn khóc theo. Thương má quá chừng!

Người má ròng ròng mồ hôi. Tóc bết từng mảng. Bà ngoại và ba túc trực, sát cánh động viên má từng chút. Mắt ba như nhòe ướt, nhìn má đầy sẻ chia. Bỗng má thở hào hển, đấm thẳng tay vào ngực ba, nói như mê sảng: "Cũng tại ông… tại ông hết… Trời ơi, đau quá…!" Lần đầu tiên, nó nghe má kêu ba bằng ông. Ba rưng rưng vỗ về: "Ừ... tại anh... tại anh hết. Cố lên em!..." Cô bác sĩ đến khám chợt phì cười: “Cho chuyển sinh.”

Vậy là hôm nay nó chào đời. Cân nặng khi “xuất chuồng” là ba kí chín. Cảm giác từ bụng mẹ ra bên ngoài thật khác lạ. Như đang ở trong buồng tối, bất thần ánh điện phát sáng lòa. Nó sợ hãi, nhắm mắt, rồi bật khóc ré hết cỡ. “Ô, anh cu này to giọng dữ he! Ba kí chín!...”, tiếng một cô hộ sinh.

Nó hé mắt dòm quanh không gian rộng thênh, thoáng chơi vơi. Nó thấy lành lạnh, dù được ủ ấm trong chiếc mền mềm mại. Ngoài đời không kín đáo, ấm áp tuyệt trần như trong bụng má. Nó định giơ tay vẫy ba má, chào cuộc sống mới. Thế nhưng ba đã ôm nó lên, suýt xoay vòng, âu yếm: “Úi, con trai yêu của ba má! Giơ tay chào mọi người đi con!” Còn má thì cười mãn nguyện, quên cả nhọc nhằn cuộc vượt cạn: “Khéo khéo, anh! Con nó còn nhỏ…”

“Sao mà nhỏ? Ba nói ra khỏi bụng mẹ là một tuổi rồi!”, nó nhoẻn cười.

2. Quá răng

Nó ở đời được sáu tháng thì má phải đi làm. Má gởi nó ở nhà dì Năm hàng xóm, cùng hai đứa nữa. Không dễ gì nó chịu qua ở nhà người khác. Chỉ thích suốt suốt với ba má thôi. Trước mười ngày má đi dạy lại, ba qua bàn với dì Năm “vậy, vậy… nghen”. Thế là như tình cờ, dì Năm ghé chơi nhà nó ngày hai lần. Có khi còn phụ má đút nó ăn. Dì Năm mua đồ chơi, hát nó nghe dân ca ba miền. Rồi nó cho dì Năm ẵm bồng êm re lúc nào chẳng hay. Mấy cô dì của nó khó được hân hạnh như vậy. Trong thâm tâm, nó chỉ cho phép ba má ẵm.

Ẵm nó trong nhà, rồi dì Năm tiện chân đi ra cổng, vừa đi vừa ca cổ. Ca chưa hết bài đã đến nhà dì. Dì Năm có đứa con gái cũng trương lứa nó. Thấy con bé là nó khoái ngay. Con bé ngoẻn cười, khoái chí ra mặt mà chỉ cất được “a… a”. Chắc định chào anh Thành tới nhà chơi. Mà có lẽ do nó cũng đẹp trai.

Trong nhà dì, còn một thằng lớn hơn nó hai tháng, đang nằm ngủ. Có chị Beo, em út dì Năm, đến phụ giúp việc nhà. Dì Năm đi làm công nhân. Sinh con bé (sau biết em tên Hoa), dì xin nghỉ thêm sáu tháng không lương. Ở nhà vừa chăm Hoa, vừa giữ thêm mấy trẻ hàng xóm. Không thấy ba bé Hoa đâu.

Má nói, để gởi cu Thành đầy năm, cứng cáp chút rồi mới đi trẻ. Nó thấy có lí, bụng thầm ủng hộ ngay. Nó bắt đầu thấy thích ở nhà dì Năm. Nhứt là trong nhà có con bé Hoa xinh ơi là xinh.

Sáu tháng tưởng dài. Vậy mà thấm thoát qua mau. Nó lưu luyến chia tay bé Hoa. Bé đi mầm non khu phố. Nó lên mầm non thị trấn.

Nó khóc suốt tuần đầu tiên ở nhà trẻ. Lí do chỉ nó biết: Nhớ nhà dì Năm, nhớ bé Hoa. Cứ đến cổng nhà trẻ là nó ré. Giãy đành đạch như trúng ổ kiến lửa. Quặp chặt chân tay vào mình má. Không chịu vô lớp. Tiếng nó la hét vang động cả mấy dãy nhà trẻ. Át cả một khúc đường xe cộ, buôn bán tấp nập. Cô giáo nói: “Chưa từng thấy đứa nào khóc ác liệt như cu Thành!”

Mộng hoàng kiếm. Truyện ngắn của Đào Đức Tuấn
Ảnh minh họa: Pixabay

Ba ngày đầu, nó dứt quyết không ăn, nếu ngồi trước cổng trường mầm non. Sau, ba má phải tìm quán cháo dinh dưỡng xa xa. Nó mới chịu ăn. Tưởng không đi mầm non, lại thấy chở đến cổng. Nó ré hơn còi ô tô. Nhất định đòi về. Má gạt nước mắt, ấn nó vào tay cô giáo. Quay lưng đi thẳng. Như cố tình bỏ rơi nó. Xa hàng trăm mét, má vẫn còn nghe giọng nó lúc bổng lúc trầm. Tức tưởi.

Ngày thứ năm. Má qua nhà dì Năm. Thì ra bé Hoa cũng khóc dữ dội khi đi mầm non. “Hay là nó nhớ cu Thành?” “Hay là nó nhớ con Hoa?” Má và dì Năm gần như thốt cùng lúc. “Hay là em đưa bé Hoa tới chung nhà trẻ với cu Thành?” má nói. Dì Năm lắc đầu: “Đâu được chị… Tiền ăn ở nhà trẻ thị xã cao lắm!” Má nói ngay: “Yên tâm đi, chị phụ trả cho. Chị em trong nhà mà…”.

Ngày thứ tám. Mặc bộ áo dài đi dạy xanh hơn ngọc bích, má chở nó qua nhà dì Năm. A, bé Hoa cũng đã ngồi sẵn trước xe dì Năm. Được thấy em Hoa là cu Thành mừng khỏi cần lớn. Nó vung tay vung chân rối rít. Mới một tuần mà như trùng trùng thăm thẳm.

Vậy là từ bữa đó, nó lại được ở cạnh bé Hoa. Cùng ăn. Cùng chơi. Cùng ngủ. Cùng ngồi bô. Cùng lững chững tập đi. Bập bẹ tập nói.

Một bữa, bé Hoa tranh đồ chơi với bạn Dũng bự con gấp đôi. Thằng này cũng không vừa, kéo tay bé Hoa sực một phát. Con nhỏ khóc ré, lăn ra sàn. Lập tức, cu Thành xán lại bụp một phát ngay vai Dũng. Làm thằng cu la toáng loáng, quăng luôn đồ chơi. Cô giáo phải chạy lại dàn hòa, lấy dầu xức mấy vết răng sữa tím bầm: “Ui cha, cu Thành biết binh vực bạn gái đây nè…!”

Nghe kể lại, ba cười: “Chắc đang mọc răng, ngứa lợi. Mà chàng trai của ba anh hùng quá he!” Má nói: “Thằng này cá tính đó! Nhưng mà ai lại đi cắn bạn dữ quá! Em đã phải xin lỗi, chứ không cha mẹ nó trách cô giáo…”

Thành cảm thấy mình vì bạn gái mà hơi quá răng.

3. Muỗi chó, chuột voi

Làm nghề trẻ con không hề dễ. Nào tập ăn, tập trườn, tập bò. Tập đứng chựng. Tập đi từng bước vã mồ hôi hột. Nếu không có người lớn giúp đỡ, chẳng ai mà giỏi làm được.

Đã vậy, còn phải đi nhà trẻ, đi mẫu giáo. Lại còn phải học kèm tập viết ngay từ lớp lá. Cuối cấp mầm non, cô giáo cho làm quen chữ cái, con số. Chúng được làm bằng nhựa đủ màu, tựa theo dáng con vật, bông hoa. Ví như, chữ O thì được khảm lên cái trứng trắng phau, lấp ló cô gà. Chữ B thì được gắn trên bụng chú bò vàng ươm. Chữ C thì đính trên cổ chị cò cao lêu nghêu. Chữ H gắn lên một bông hồng đỏ thắm. Chữ số từ 0 đến 9 thì được gắn vào một đàn vịt con vàng rộm như những cục tơ lăng xăng. Khi chú vịt số 0 đứng cạnh sau vịt 1 thì thành số 10. Thiệt tài. Là số của tất cả các ngón tay hoặc ngón chân cu Thành.

Biết cỡ đó vẫn chưa ăn thua. Má nói phải cho Thành đến học thêm tại nhà một đồng nghiệp. Lí do: Má dạy cấp hai, không cập nhật kiến thức dạy cấp một. Với lại, chữ má chưa phải thuộc diện đẹp.

Ba không thích nó phải đi học kèm ngay từ khi chưa vào lớp Một. Ba nói: Mới chút xíu đã phải dự bị đại học. Má phân tích: Chương trình lớp Một nặng lắm. Giáo viên không đủ thời gian để cầm tay tập viết chữ cho hết học trò trong lớp. Lỡ con mình chưa biết viết chữ trước thì theo không kịp bạn bè.

Ba không vui nhưng đành chiều theo. Mỗi tuần hai buổi đưa đón Thành đến nhà cô Dung học kèm viết chữ. Ba phân trần với nó: “Mẹ làm cô giáo nên mẹ hiểu chuyện học hành của con hơn ba.”

Ban đầu nó khóc: Để con nghỉ hè. Con không học trong mùa nắng đâu. Ba phải dỗ dành, mua cây kẹo mút, nó mới miễn cưỡng đi. Đến nhà cô Dung thì gặp mấy đứa đồng môn mầm non. Cũng vui. Chớ mà nó hơi khớp vì cô Dung quá đẹp mà nghiêm nghị. Cái thước kẻ vuông dài cứ lăm lăm trên tay. Lật vở ra. Đồ nối theo các nét chấm chấm của cô. Bậm môi bậm lợi mà chữ vẫn không tròn. Lúc nhào bên này, lúc ngã bên kia. Cái tay không theo cái đầu. Cô phải cầm bóp mạnh tay để nắn chữ. Cô bóp nhiều khi đau ứa nước mắt mà không dám khóc.

Ai bảo làm trẻ con là sướng!

“Con mỏi tay, cô.” “Con mắc tè, cô.” “Không viết được đâu, cô.” “Cô ơi, cô tài thiệt.” “Cô ơi, con đói.” “Sao cô đẹp dữ vậy?” “Cô ơi, con uống sữa.” Cái nhóm mươi đứa mà lúc nào cũng lốc nhốc lao nhao. Làm cô Dung vừa dạy, vừa chạy qua, chạy lại. Hết la, lại cười: “Cô mệt với tụi bay quá…!” Dưng mà đứa nào viết đạt là cô khen rối rít. Hình như cả nhóm đều được cô khen. Có đứa viết nguệch ngoạc, méo xẹo, cô vẫn khen: “Con viết gần đẹp rồi đó!”

Mộng hoàng kiếm. Truyện ngắn của Đào Đức Tuấn
Thì ra, học chữ không hề khó. Ảnh minh họa: Pixabay

Nhiều bữa, cô cho nghỉ sớm. Liên hoan tại phòng học. Bữa thì bánh, kẹo, chuối, cam. Bữa thì xiên nướng phết bơ, có cả sữa đậu nành, sữa chua. Bọn thằng Thành phải công nhận là nhà cô giàu thiệt. Đi tới sân là hoa lá, hồ nước mát rượi. Dưng mà sân nhà cô nhiều muỗi và chuột quá. Muỗi to như con chó, chích đau điếng. Chuột to như con voi, leo chuyền huỳnh huỵch trên giàn chanh dây. Cổng mở là bọn nó băng nhanh qua sân, tót vô nhà cô. Rùng hết mình.

Trong tủ lạnh to nhà cô thì không thiếu thứ gì. Cô nghiêm khắc mà cười như tỏa bóng mát. Càng ngày nó càng thích cô. Nó còn nghe lỏm được cô nói với ba: “Cu con anh viết khá nhứt nhì nhóm này.”

Ba mua cho nó cái bàn con có gắn với giá sách. Cả cái ghế dựa đỏ chói. Đẹp mê ly. Giá sách để toàn truyện tranh, siêu nhân, súng nhựa. Đồ chơi tràn cả ra bàn. Tự nhiên nó thích học. Thích ngồi vào bàn cắm cúi, gật gù như ba ngồi trước cái laptop. Thấy oai oai. Tựa người lớn. Nó ngồi chép lại trang vở tập viết ở nhà cô Dung. Cố viết đẹp hơn, trơn tru hơn. Cô Dung khen nức nở. Lấy nó làm gương cho cả nhóm.

Thế là thằng Thành biết chữ. Nhóm học cô Dung liên hoan chia tay tưng bừng. Mấy tuần cuối đi chơi nhà ngoại. Nó bỗng nhớ cô Dung. Cô cũng đẹp như má. Ước gì lên lớp Một, lại được học cô.

Thì ra, học chữ không hề khó.

4. Mộng hoàng kiếm

Trước sân nhà, ba nuôi một hồ cá kiểng to đùng. Đa phần cá bự như bắp tay người lớn, đủ sắc màu. Có con bơi nghênh ngang, uy dũng. Có con xòe vây yểu điệu như Tiên giáng trần. Có con trầm tư như đang nghĩ về một ý thơ. Ba xây cho Thành một cái hồ nhỏ. Ông thả tặng nó một bầy cá hoàng kiếm đẹp rực rỡ, bơi nhoang nhoáng. Mấy tháng sau, hồ cá của nó sinh sôi nảy nở con đàn cháu đống. Một gia tài khủng. Nó thấy mình quá giàu có. Ngủ mơ cứ thấy bơi tung tăng chơi giỡn với nhà hoàng kiếm.

Đêm nằm nó thắc thỏm. Không biết đại gia đình hoàng kiếm có quá chật chội không. Lỡ chúng thiếu dưỡng khí để thở. Lỡ chúng tranh ăn rồi cắn nhau. Lỡ đứa nào chết thì tội lắm. Ui, rắc rối quá. Thế nhưng nó quyết định không hỏi ba. Sẽ tự quyết. Bởi ba có nói, con trai phải cố gắng tự lập. Dựa dẫm là không hay.

Hôm sau tới lớp, Thành kêu thằng Thiện ra gốc phượng bàn chuyện cái hồ cá. Thằng Thiện rành rẽ: “Cá hoàng kiếm ngoài tiệm, người ta bán năm đồng một con đó! Không rẻ đâu…” Thành buột miệng: “Vậy tao bán bốn đồng một con.” “Ừ, đúng đó.” “Nhưng ai mua?” “Để tao nói với mấy đứa trong lớp.”

Thiện vào lớp nói gãy gọn: “Thằng Thành có bầy hoàng kiếm nhứt hạng. Nó sẽ bán rẻ hơn ở tiệm.” Vậy mà tan học, có năm thằng cùng lớp Ba đạp xe tới nhà Thành. Đứa nào đứa nấy đều trầm trồ, mê tơi trước bầy cá đỏ rực, đuôi nhọn như thanh kiếm, bơi lượn vun vút. Thằng Thái lần túi tám đồng mua ngay hai con lớn.

Giống hoàng kiếm rất lanh. Đưa vợt xuống là tụi nó lánh ngay. Nhờ cái chát không lớn nên rồi vẫn vợt trúng. Thằng Thành chạy vô tủ bếp lục túi bì má nó mua về để chia cá bỏ tủ lạnh. Thế là có lô bì đựng cá mới toanh, cùng kích cỡ. Mấy thằng cá bơi lóng lánh trong bì bóng nhựa đựng chút nước. Hết sức bài bản.

Mộng hoàng kiếm. Truyện ngắn của Đào Đức Tuấn
Mộng hoàng kiếm. Ảnh minh họa: Pixabay

Thằng Nam chỉ mấy con nhỏ hơn: “Mấy con này, bán ba đồng đi, Thành?” “…Ừ, cũng được.” Thế là thằng Nam mua ba con, đưa chín đồng. Thằng Phổ mua luôn ba con lớn, mười hai đồng. Thằng Bình mua hai con nhỏ, sáu đồng. Còn thằng Minh hạ giọng: “Thành, mày bán nợ tao hai con nhỏ. Mai tới lớp, tao trả sáu đồng.” “Ừ, nhớ trả nhen mạy!” Tất cả khách hàng đều hoan hỉ xách bì cá về nhà. “Hoàng kiếm thằng Thành to đẹp rẻ hơn ngoài tiệm. Biết sớm thì bữa trước tao đừng mua.” - Một đứa nói.

Vậy là ngay cuộc giao dịch đầu đời, thằng Thành bán được mười hai con hoàng kiếm. Thu ba mươi lăm đồng, sẽ thu sáu đồng nữa. Lần đầu tiên cầm số tiền lớn như núi. Nó run trong bụng. Chưa biết tính làm gì.

Trưa ăn cơm, nó rụt rè kể đầu đuôi cuộc buôn bán. Ba nó ngạc nhiên, cười khà khà: “Giỏi, thằng này giỏi!” Má nó thì hì hì hỉ hả: “Ông cha mày nuôi cá kiểng chỉ thấy tốn tiền. Ông con thì nuôi mấy con cá chút xíu đã thu bộn!”

Bỗng ba quay sang Thành: “Con định dùng số tiền này vào việc gì?” Nó ấp úng: “…Con… mua đồ chơi… mua hộp bút… mua truyện.” Ba gật gù, gật gù. Nó thêm tự tin: “Con sẽ nuôi thêm nhiều loại cá khác!” “Í chà chà, hay, hay! Thằng cu mình có tư duy kinh doanh. Được lắm!”

(Trích từ truyện dài “Nắng mưa có chi lạ” của nhà văn Đào Đức Tuấn)

Đào Đức Tuấn | Báo Văn nghệ

Traphaco: Đổi mới hệ sinh thái dược phẩm để bứt phá tăng trưởng

Traphaco: Đổi mới hệ sinh thái dược phẩm để bứt phá tăng trưởng

Baovannghe.vn - Năm 2024, trong mảng Đông dược, nhóm sản phẩm cao cấp đạt mức tăng trưởng 49%. Dòng sản phẩm nổi bật nhất là Boganic Premium tăng trưởng 36%.
Bản tin Văn nghệ ngày 17/4/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 17/4/2025

Baovannghe.vn - Cầu truyền hình đặc biệt nằm trong loạt chương trình trọng điểm do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Văn nghệ trong đổi mới và hội nhập

Văn nghệ trong đổi mới và hội nhập

Baovannghe.vn - Ngày 29/1/1977, Hội Văn nghệ giải phóng hợp nhất với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, hai tờ báo Văn nghệ giải phóng Văn nghệ cũng hợp nhất lấy tên là Văn nghệ ra hàng tuần.
"Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ Ba được tổ chức tại Huế

"Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ Ba được tổ chức tại Huế

Baovannghe.vn - Ngày 16/4, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định 1045/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức "Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ ba - Huế 2025.
50 năm Văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh: Nhìn lại để bước tiếp

50 năm Văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh: Nhìn lại để bước tiếp

Baovannghe.vn - Chiều 16/4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “50 năm Văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh - Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai” nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng Miền Nam thống nhât đất nước (30/4/1975-30/4/2025).