Theo tôi nghĩ, đây là một tiểu loại nằm trong thể kí văn học, lấy người thật việc thật làm nguyên mẫu, sử dụng hư cấu có hạn chế trong những phạm vi và ở những mức độ nhất định, dù hư cấu nhưng không được phép làm sai lệch bản chất của đối tượng thẩm mĩ được phản ánh. Còn tùy thuộc vào cuộc đời, tính cách, cá tính sáng tạo độc đáo của từng văn nghệ sĩ mà sử dụng biện pháp nghệ thuật phù hợp, sao cho làm nổi bật được cái “thần” của đối tượng thẩm mĩ. Với tập sách Bóng người trong bóng núi, Lê Thành Nghị đã thành công khi gửi đến bạn đọc 15 bức chân dung văn học của 15 nhà thơ nhà văn nổi tiếng của nền văn học Việt Nam hiện đại - những bức chân dung vừa “lạ” vừa “quen”: - quen vì một số chi tiết chúng ta đã biết từ nhiều kênh thông tin khác; lạ vì từ góc nhìn mới, bút pháp miêu tả và khám phá mới, những vẻ đẹp mới ngời sáng lên từ những đối tượng thẩm mĩ không mới.
Đọc tập sách này của Lê Thành Nghị tôi nghĩ có thể khẳng định về 2 đặc điểm nổi bật sau.
1) Tác giả sử dụng bút pháp “chấm phá” để khắc họa các bức chân dung văn học.
Bút pháp “chấm phá” là một thuật ngữ của Hội họa cổ điển phương Đông, chỉ cách vẽ tranh chú trọng vào “Điểm” chứ không phải là “Diện”, tập trung vào một số chi tiết đắt giá làm nổi bật cái “thần” của đối tượng thẩm mĩ. Lê Thành Nghị cũng vận dụng bút pháp này để “vẽ” các bức chân dung văn học của ông bằng ngôn từ. Ông xoáy sâu vào một số chi tiết nghệ thuật có tính điển hình để làm nổi bật tính cách và cá tính sáng tạo, cuộc đời và những chìm nổi, vui buồn của số phận, đời sống tâm hồn ở những phương diện tiêu biểu nhất của từng người nghệ sĩ, rồi tất cả những đặc điểm ấy sẽ được “khúc xạ” vào tác phẩm, tỏa sáng qua tác phẩm. Bởi vậy, những phân tích, lí giải, đánh giá về tác phẩm của từng người nghệ sĩ của Lê Thành Nghị có cơ sở khoa học và có tính thuyết phục cao. Trong tiểu luận với nhan đề rất thơ “Xin người đừng tắt ngọn sao khuya”, viết về nhà thơ Thu Bồn, tên ba luận điểm lớn của bài viết đã thâu tóm được những đặc điểm cơ bản nhất của cuộc đời, sự nghiệp sáng tác và phong cách thơ Thu Bồn. Luận điểm thứ nhất “Nhà thơ của những chuyến đi không hạn định” đã vẽ thành công hành trình cuộc đời song trùng với hành trình sáng tác của Thu Bồn. Nói một cách khác, hành trình cuộc đời “quá cỡ khác thường” của Thu Bồn đã soi bóng và được đánh dấu trong hành trình thơ của ông. Thu Bồn đến với Tây Nguyên và hành trình ấy được ghi dấu trong trường ca và thơ, đến với Nam Bộ nhà thơ viết: “Ta trôi nổi giữa Nhà bè, rừng Sác/ Mưa đủ trắng lạnh rồi/ Đừng bạc nữa sao ơi”. Lê Thành Nghị đã chọn lựa được những câu thơ hay của Thu Bồn viết cho từng địa danh: đây là với Huế: “Xin chào Huế một lần anh đến...” , với Hà Nội: “Cửa nhà thông thốc muôn phương gió/ Túi rỗng nhiều phen bạn đỡ đần” v.v.. Với bút pháp chấm phá ấy, một hành trình cuộc đời - hành trình thơ được phác họa, không quá tỉ mỉ, chi tiết mà vẫn đủ đầy cho người đọc hình dung được một “Người thơ” vạm vỡ khác thường đã đi, sống và viết ở những địa danh từng là “điểm nóng” trong chiến tranh. Luận điểm thứ hai ấy đầy sức gợi mở “Thi sĩ của mê đắm tình yêu” và “Thi sĩ của những niềm rung cảm lớn” đã khái quát được hai cảm hứng chủ đạo trong thơ Thu Bồn, và đây cũng là những đặc điểm quan trọng làm nên phong cách thơ Thu Bồn.
Kể về tình yêu mê đắm cùng sự đa tình của Thu Bồn, Lê Thành Nghị đã nhận xét rất chính xác: “Bao giờ Thu Bồn cũng hết mình, hết mình trong lãng du, trong rong chơi. Trong tình yêu, Thu Bồn cũng thế”, từ “hết mình” mà Lê Thành Nghị sử dụng ở đây đã “bắt mạch” rất đúng về đặc điểm bao giờ cũng đẩy lên tới tột cùng mọi cung bậc cảm xúc trong đời và trong thơ của Thu Bồn. Trạng thái ấy đã tạo ra những câu thơ “mê đắm” trong tình yêu của Thu Bồn: “Có em anh trở thành triệu phú/ Có triệu niềm vui và có triệu niềm đau.” Hay là: “Lấy khăn mà gói bơ vơ/ Cầm tay nước mắt bao giờ sang sông”.v.v… Cảm hứng mê đắm về tình yêu lứa đôi là một trong những cảm hứng chủ đạo của thơ Thu Bồn, làm nên giá trị nhân văn đặc sắc của thơ ông. Quả thực, Lê Thành Nghị đã cho chúng ta ngắm nhìn chân dung Thu Bồn ở “góc nhìn” tình yêu đôi lứa với muôn ngàn cung bậc, và đọc thơ biết người và qua hiểu người để hiểu thơ hơn.
Luận điểm thứ ba và cũng là dòng cảm hứng thứ ba trong thơ Thu Bồn được gói trọn trong một nhan đề hàm súc: “Thi sĩ của những niềm suy cảm lớn”. Quả thực, bên cạnh cảm hứng về tình yêu đôi lứa thì cảm hứng chủ đạo trong thơ Thu Bồn hướng về những nhân vật lịch sử, những sự kiện lịch sử có tầm vóc kì vĩ. Và đây cũng là một phát hiện đáng ghi nhận của Lê Thành Nghị về thơ Thu Bồn. Nhà nghiên cứu – phê bình văn học này đã phân tích và chứng minh đầy thuyết phục cho nhận định của mình: - Viết về Bác Hồ, Thu Bồn có bài thơ nổi tiếng Gửi lòng con đến cùng cha và Trường ca Trên vách đá Hồ Chí Minh; Viết về Tây Nguyên anh hùng trong kháng chiến chống Mĩ với Bài ca chim Chơ kao, Bazan khát; Viết về quân tình nguyện Việt Nam cứu dân tộc Campuchia khỏi họa diệt chủng có Campuchia hi vọng, Oran 76 ngọn… Rồi sự thành công của Thu Bồn trong thể loại Trường ca. v.v.. Tất cả hội tụ lại trong một nhận xét có tính tổng quát về nguồn cội sáng tạo, đặc điểm phong cách thơ Thu Bồn: “Thơ Thu Bồn là nơi hội tụ những công lực mạnh mẽ, đột sáng với thứ ánh sáng bản năng được thăng hoa cùng với những liên tưởng độc đáo của trí tuệ” (tr.42), sau khi đọc thơ Thu Bồn chúng ta thấy đánh giá của Lê Thành Nghị là hoàn toàn chính xác. Với hàng loạt bức chân dung văn học khác của Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Vương Trọng, Y Phương, v.v.. chúng ta đều thấy Lê Thành Nghị sử dụng bút pháp “chấm phá” để vẽ “chân dung” các văn nghệ sĩ, để trong một lượng ngôn từ có hạn lại gợi mở được về những điều vô hạn với các văn nghệ sĩ kể trên cùng sáng tác của họ.
2) Chất thơ trong các chân dung văn học của Lê Thành Nghị.
Chất thơ là một phẩm chất đặc thù của tác phẩm trữ tình đòi hỏi nhà thơ phải phản ánh đối tượng thẩm mĩ của mình với nguyên tắc thi vị hóa, lãng mạn hóa, thậm chí phi thường hóa. Đặc biệt, chủ thể trữ tình trực tiếp bộc lộ cái tôi “nội cảm” của mình. Ngôn ngữ thơ sử dụng các biện pháp tu từ với tần số cao, nhằm khắc họa đối tượng thẩm mĩ gắn với cái đẹp, cái cao cả. Chất thơ có thể xuất hiện trong tác phẩm Tự sự, Kịch, Kí văn học, tạo ra sự giao thao thể loại thú vị. Trong các bức chân dung văn học của Lê Thành Nghị chất thơ xuất hiện ở các phương diện: - ngôn ngữ giàu chất thơ; khai thác đời sống nội tâm của nhân vật ở bình diện thi vị hóa; vẽ chân dung các văn nghệ sĩ theo nguyên tắc lãng mạn, đặc biệt Lê Thành Nghị trực tiếp bộc bạch tâm tư đậm sắc thái lãng mạn trước đối tượng phản ánh. Tất nhiên, trong từng bức chân dung văn học, chất thơ có thể “đậm - nhạt” khác nhau, nhưng không có một tiểu luận nào của Lê Thành Nghị thiếu vắng phẩm chất thẩm mĩ này.
Đây là những câu văn thấm đẫm chất thơ của Lê Thành Nghị viết về nhà thơ Thu Bồn: “Dưới chân đèo Hải Vân, ngước nhìn lên, chợt thấy ngôi sao trên đỉnh ngọn đèn lấp lánh như đang rớm lệ. Hải Vân ơi! xin người đừng tắt ngọn sao khuya (...), còn tôi, người viết những dòng này, cũng với tâm nguyện, xin người đừng tắt ngọn sao khuya, khi nhìn lên, thấy bóng dáng nhà thơ Thu Bồn như vẫn còn kia, trong bóng núi, dưới ánh sáng của ngôi sao như ngọn đèn thức thâu đêm...” (tr.46). Khi viết về Phạm Ngọc Cảnh với nhan đề rất thơ Phạm Ngọc Cảnh về nơi ba con sông chảy đến, Lê Thành Nghị có những đoạn trữ tình ngoại đề thật mơ mộng. “Xa kia là sông Đuống lấp lánh trôi. Đêm nằm, xa là sóng vỗ óc ách bờ sông Đuống, gần là tiếng lá lúa khẽ cọ vào nhau rì rào. Cái xa là tiếng gọi đi, cái gần là tiếng gọi về. Cái gần gọi về với hạnh phúc giản dị, trong ngôi nhà có ngọn lửa ấm, cái xa là để nối với những rộng dài các con sông khác, những chân trời thi ca” (tr.52). Ta cứ ngỡ như đang đọc một đoạn thơ văn xuôi vậy.
Còn khi Lê Thành Nghị bình một đoạn thơ của Lưu Quang Vũ thì chỉ có là nhà thơ mới viết như thế này: “Cái hương đất hương cây kia là hương của kỉ niệm, cái vàng kia là của mênh mông mùa quả chín, cái xanh kia là của tình thương, cái âm thanh kia là của đời sống vọng đến. Đấy là lí do tại sao thơ Lưu Quang Vũ thời kì đầu (…) dễ mê hoặc lòng người đến vậy” (tr.286). Đoạn văn giàu hình ảnh, thủ pháp liệt kê và điệp cấu trúc tạo ra hơi văn hối hả mê say, chỉ khi nào nhà phê bình văn bọc viết bằng trái tim mê đắm mới có những câu văn giàu chất thơ đến thế. Và đây, Lê Thành Nghị khắc họa chân dung tâm hồn của Lưu Quang Vũ qua thơ anh, với một cách viết của nhà thơ tinh tế, giàu cảm xúc, mà ta ít gặp trong các trang phê bình văn học khác: “Thơ Lưu Quang Vũ giai đoạn này (1970, 1971, 1972) hẳn sẽ còn lại lâu dài hơn cả với những gì anh viết. Bởi vì, thơ ấy thấm sâu nỗi đau của một trái tim thương tổn, ngôn từ nghe cả những chấn động trong tâm can, lời thơ đã không còn cái dịu ngọt, tình tứ ban đầu mà dằn vặt, cay đắng, xót xa của một tâm hồn vốn nhiều khát vọng, đang u uẩn và đâu đó vẫn vọng tới những âm thanh mệt mỏi, nhọc nhằn, cơ cực với thời cuộc” (tr.295)
Với chân dung Phùng Khắc Bắc, sau bài viết công phu, Lê Thanh Nghị dành tặng nhà thơ này bài thơ Một chấm xanh giữa đời thường của mình. Có lẽ cũng rất hiếm hoi xảy ra điều tương tự trong các tập sách chân dung văn học của văn học Việt Nam hiện đại, sự hiếm hoi ấy, mang lại chất thơ rất riêng cho Bóng người trong bóng núi của Lê Thanh Nghị.
Viết phê bình văn học đã khó, viết phê bình văn học về một tập sách phê bình văn học còn khó hơn. Với trường hợp cảm nghĩ về tập “Bóng người trong bóng núi” của Lê Thành Nghị cũng thế. Với bút pháp chấm phá và những trang văn giàu chất thơ, tập sách đã cuốn hút người đọc không chỉ bởi sự sắc sảo của trí tuệ, giàu có về tri thức mà còn bởi chất thơ ẩn kín trong câu chữ, bởi mỗi chân dung văn học của anh lại có một vài chi tiết nghệ thuật đắt giá, làm nổi bật “cái thần” của đối tượng được khắc họa. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất làm nên thành công của tập sách này là tấm lòng “liên tài” là sự thấu hiểu đi cùng thương mến, trân trọng tột cùng của Lê Thành Nghị dành cho các văn nghệ sĩ được chọn để khắc họa chân dung. Có lẽ cái tâm với người, với đời, với nghề văn vốn cao quý nhưng lắm gian nan mới là điều kiện quan trọng nhất để những trang viết trong tập sách này làm người đọc rưng rưng và thương nhớ mãi.