Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập
Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện
Rau muống xanh như hái tự ao nhà
Trời còn đầy ắp hoa và pháo
Nhìn nhau chưa vội mở vung ra.
Mâm xanh - sân cỏ xanh mải miết
Quây quần đồng đội đến vui chung
Hàng cây so đũa cùng ta đó
Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng.
Khách thường: thương mấy anh nhà báo
Theo tăng băng dốc mấy mươi ngày
Sáng chiếm núi Bông, chiều Cửa Thuận
Vượt đèo Phước Tượng buổi nhiều mây.
Tăng vẫn dàn đội hình chiến đấu
Xích còn vương đất đỏ Phan Rang
Nhớ hôm nghe lệnh trên thần tốc
Gạo sấy quanh người chẳng kịp ăn
Kìa gắp đi anh, ai nấy giục
Có gắp chi đâu, mải ngắm trời
Tự do xanh quá, mênh mông quá
Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi.
Ta trẻ như cờ ta, trẻ lắm
Ta reo trời đất cũng reo cùng
Ta no cười nói, tràn đôi mắt
Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông.
Ngày giải phóng Sài Gòn
Hữu Thỉnh
Lời bình của Nguyễn Hữu Quý
Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ qua mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước. Đất nước của những người, của nhiều người có chung số phận như cách diễn đạt không thể sâu thẳm hơn, nhức buốt hơn của nhà thơ Hữu Thỉnh: Một đời người mà chiến chinh nhiều quá/ Em níu giường, níu chiếu đợi anh. Tuy nhiên đấy là những câu thơ anh viết sau này, của thời hậu chiến. Còn ở vào thời điểm lịch sử vĩ đại, ngày Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 thì tác giả của Năm anh em trên một chiếc xe tăng lại có một bài thơ giản dị và xúc động mang tên Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập. Một thi phẩm được xếp vào loại hay của thơ chống Mỹ, cho đến bây giờ, khi cuộc chiến đã lùi xa hàng mấy chục năm, ta vẫn rưng rưng mỗi khi đọc lại.
Ngày 30 tháng Tư năm 1975, có nhiều điều để viết. Vậy thì tại sao Hữu Thỉnh lại chọn một bữa cơm của những người lính để làm thơ? Bữa cơm ấy, phải chăng là dấu hiệu cụ thể, gần gũi và đáng yêu lắm của hòa bình. Bữa cơm của những người lính áo trận còn khét mùi thuốc súng, lấm láp bụi đường ngay tại nơi sào huyệt của phía bên kia. Mới hôm qua, hôm kia cuộc chiến của chặng cuối cùng còn vô cùng khốc liệt, thế mà chiều nay những người lính giải phóng đã bày bữa cơm thường của họ nơi kẻ thù từng coi là bất khả xâm phạm. Bữa cơm ấy đã trở thành biểu tượng của Chiến thắng, biểu tượng của hòa bình và đó cũng là khát vọng lớn lao và bình dị của dân tộc này.
Bữa cơm như một giấc mơ hiển hiện trong buổi chiều của ngày hòa bình đầu tiên, mang đậm phong vị quê nhà. Ai đã từng trải qua, ai đã từng nếm trải chắc vẫn còn giữ vẹn nguyên trong ký ức: Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện/ Rau muống xanh như hái tự ao nhà/ Trời còn đầy ắp hoa và pháo/ Nhìn nhau chưa vội mở vung ra. Khổ đầu như bức tranh ký họa nhanh về sự việc: vừa thực vừa ảo, vừa gần vừa xa, vừa cụ thể, vừa bao quát. Cái sự trái ngược của nồi cơm dã chiến với bếp điện, cái cách liên tưởng giàu ý vị của ngọn rau muống với ao nhà, cái huyền ảo của bầu trời đầy hoa và pháo, cái ngỡ ngàng, chậm rãi khi nhìn nhau chưa vội mở vung ra của những người lính trận nâng vẻ đẹp và tầm vóc của khổ thơ lên rất nhiều. Đọng lại trong chúng ta những rung cảm mạnh mẽ về hiện thực và nghệ thuật mà không phải lúc nào cũng bắt gặp, nhập tâm và thăng hoa được.
Dẫu ngỡ ngàng đến mấy thì không thể không tin được, hòa bình đã đến cùng ta, cùng với những người lính và đất nước này. Hòa bình đâu là cái gì cao xa đâu chứ, nó là đây, trong màu cỏ xanh biếc làm mâm cho bữa cơm của lính, xanh như niềm mơ của con người, xanh như lớp lớp yêu thương gối vào nhau mải miết. Hòa bình là đây trong sự quây quần quanh mâm cơm của người lính vừa đi quan cuộc chiến, trong sự chan hòa đồng cảm của cảnh với người… Ở cái đích cuối cùng của cuộc chiến bi tráng kéo dài hai thập kỷ, bữa cơm cất lên giai điệu hòa bình, tựa như khúc khải hoàn không muốn réo rắt, vang dội mà chỉ mong thấm thía giang sơn, con người Việt. Mâm xanh - sân cỏ xanh mải miết/ Quây quần đồng đội đến vui chung/ Hàng cây so đũa cùng ta đó/ Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng. Cái lối chơi chữ, nhân hóa điêu luyện bật dậy trong câu thơ tài hoa Hàng cây so đũa cùng ta đó thực sự thuyết phục tôi từ lần đọc đầu tiên và không ít lần sau đó nữa…
Để có bữa cơm như thế tại dinh Độc Lập, những người lính phải đi qua hai mươi năm, nói đúng hơn là dân tộc phải đi qua hai mươi năm gian khổ, hy sinh không kể xiết. Và chặng cuối chính là Chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh “thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa”. Đấy là ta nói theo kiểu thông thường. Còn với thơ ca thì phải khác, cần những thi ảnh, chi tiết, nhịp điệu mang hàm lượng cảm xúc và tiêu biểu cao như Hữu Thỉnh diễn đạt: Khách thường: thương mấy anh nhà báo/ Theo tăng băng dốc mấy mươi ngày/ Sáng chiếm núi Bông, chiều Cửa Thuận/ Vượt đèo Phước Tượng buổi nhiều mây/ Tăng vẫn dàn đội hình chiến đấu/ Xích còn vương đất đỏ Phan Rang/ Nhớ hôm nghe lệnh trên thần tốc/ Gạo sấy quanh người chẳng kịp ăn… Đủ để hình dung về những ngày đánh trận cuối cùng trong nhịp quân hành và tấn công, nổi dậy thần tốc mang sức vóc và tinh thần, mang chí khí và văn hóa của dân tộc này.
Dẫu cố kìm lòng cho dịu bớt những say sưa khải hoàn nhưng rồi cái mê đắm tự do, cái tha thiết hòa bình, cái yêu thương đồng chí, đồng bào vẫn cứ dâng trào không cưỡng nổi. Có lẽ, khi viết những câu thơ này Hữu Thỉnh đã rơm rớm nước mắt: Kìa gắp đi anh, ai nấy giục/ Có gắp chi đâu, mải ngắm trời/ Tự do xanh quá, mênh mông quá/ Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi. Thơ giản dị mà nói được nhiều điều quá. Hóa ra, cái khao khát tự do, cái mong mỏi hòa bình còn lớn hơn rất nhiều cái đợi chờ cơm no, áo ấm. Viết đến đây, bỗng dưng tôi nhớ tới câu thơ của Phạm Tiến Duật viết khi chiến tranh chống Mỹ đang rất ác liệt: Dù ăn muối suốt đời/ Còn hơn là có giặc. Đấy là lời của một bà mẹ Việt Nam. Cái giá của tự do nào nhỏ bé gì, cái giá của xanh quá, mênh mông quá chẳng giản đơn gì, đâu dễ dàng vượt được mấy ngàn bom…
Như sợ chưa nói hết nỗi lòng mình trong ngày Chiến thắng vĩ đại, ngày mở ra cánh cửa hòa bình, Hữu Thỉnh tiếp tục đắm say, hồ hởi: Ta trẻ như cờ ta, trẻ lắm/ Ta reo trời đất cũng reo cùng/ Ta no cười nói, tràn đôi mắt/ Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông… Cao độ dường như được nâng lên, hình ảnh cũng kỳ vĩ hơn. Chắc tác giả nghĩ tới một cao trào mới tương xứng với ngày vĩ đại của dân tộc, muốn bài thơ kết thúc trong sự khái quát rộng lớn hơn. Nhưng theo tôi, hình như khổ kết hơi bị căng cứng và có phần to tát, bị chênh về âm sắc, tiết điệu so với các khổ trên. May sao, câu kết lại dịu xuống, lắng sâu, thấm thía đúng chất Hữu Thỉnh: Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông…
Những đợi chờ, những hy vọng lại mở ra sau cuộc chiến kể cả hiện thực đời sống xã hội và thơ ca. Điều đó lý giải một phần, vì sao sau chiến tranh anh lại có những gặt hái chắc tay trên cánh đồng thi ca nặng hạt mang tên Hữu Thỉnh.
Nguồn Văn nghệ số 18+19/2021