Chuyên đề

Bữa tiệc ngôn ngữ lộng lẫy

Câu chuyện văn hoá
10:09 | 25/02/2022
Giải thưởng văn học dịch năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam được trao cho tác phẩm dịch Châu Phi nghìn trùng của dịch giả Hà Thế Giang, dịch từ nguyên tác tiếng Anh của tác giả người Đan Mạch Isak Dinesen. Đây là một tác phẩm vừa đẹp về văn phong, vừa đưa đến cho con người giấc mơ xa xôi về những chuyến thám hiểm sâu nhất vùng đất bí hiểm và đầy thách thức Phi châu, đồng thời giải nghĩa những triết lý sống qua ngàn đời của con người trên lục địa đen, đối sánh với lối sống vừa thực dụng vừa hoa mỹ của người châu Âu. Từ mỗi trang sách, gấp lại ngẫm nghĩ, người đọc đều có thể chiêm nghiệm cho mình một cách lý giải hoàn toàn khác về chân lý, về cuộc sống thực tại.
aa

Giải thưởng văn học dịch năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam được trao cho tác phẩm dịch Châu Phi nghìn trùng của dịch giả Hà Thế Giang, dịch từ nguyên tác tiếng Anh của tác giả người Đan Mạch Isak Dinesen. Đây là một tác phẩm vừa đẹp về văn phong, vừa đưa đến cho con người giấc mơ xa xôi về những chuyến thám hiểm sâu nhất vùng đất bí hiểm và đầy thách thức Phi châu, đồng thời giải nghĩa những triết lý sống qua ngàn đời của con người trên lục địa đen, đối sánh với lối sống vừa thực dụng vừa hoa mỹ của người châu Âu. Từ mỗi trang sách, gấp lại ngẫm nghĩ, người đọc đều có thể chiêm nghiệm cho mình một cách lý giải hoàn toàn khác về chân lý, về cuộc sống thực tại.

Nếu là người mê say tìm kiếm vẻ đẹp và sự biến ảo khôn lường của ngôn từ, ta sẽ không thể bỏ qua cuốn sách phi hư cấu Châu Phi nghìn trùng của nữ nhà văn Đan Mạch Isak Dinesen (NXB Phụ nữ Việt Nam).

Không chỉ thế, đọc Châu Phi nghìn trùng, những hình ảnh lộng lẫy về Phi châu với thiên nhiên, con người và văn hóa, qua ngòi bút tài tình của Isak Dinesen, sẽ khiến ta ước một lần trong đời được đặt chân tới đó, để trải nghiệm dù chỉ một phần nhỏ những gì mà tác giả ghi nhận trong sách.

Những năm tháng sinh sống ở châu Phi, cùng người dân bản xứ với triết lý sống, nét văn hóa hoàn toàn trái ngược dân Bắc Âu nói riêng và Âu châu văn minh nói chung, đã in hằn ký ức đậm sâu, tạo thành nỗi nhớ thương khôn kham trong trái tim đa cảm của Isak Dinesen, khiến bà, sau một thời gian khá lâu rời khỏi châu Phi, đã chưng cất nỗi nhớ ấy thành tác phẩm trác tuyệt Châu Phi nghìn trùng. Cũng là một người cầm bút, tôi thấy mình cần cảm ơn bà, bởi đã bằng tình yêu và tài năng của mình, tạo nên một tác phẩm mà mỗi trang viết đều khiến tôi rung cảm xúc động, hoặc dừng lại, nhắm mắt, thưởng ngoạn sâu hơn ý tứ lạ lùng hoặc một hình ảnh sắc nét đã phá tung hình dạng những con chữ mà hiển hiện thật sự ngay trước tôi, khiến tôi dường như có thể đưa tay chạm vào. Sức mạnh của ngôn từ mà Isak Dinesen sử dụng có thể khiến bất cứ trái tim nào xốn xang, khiến ta thực muốn “nhảy ngay” vào bối cảnh ấy để được trải nghiệm như bà.

Ta luôn có thể đồng cảm với niềm say sưa của tác giả, khi bà viết: “Tôi từng thấy loại sư tử cao sang dưới ánh trăng tà, trước lúc vầng hồng ló rạng, đang băng ngang qua thảo nguyên màu xám để về nhà từ cuộc giết chóc, vạch một lằn sậm trên mặt cỏ bạc, mặt còn đỏ tới tận tai. Và tôi cũng bắt gặp chú vào giờ chợp mắt xế trưa, đang nghỉ ngơi thư thái giữa gia đình, tại bãi cỏ non, dưới bóng mát mong manh tựa mùa xuân của cây keo tán rộng nơi khu vườn châu Phi của mình…”; “Giữa hoang dã tôi đã học được cách tránh làm ra những cử động đột ngột. Chẳng con vật nuôi nào có thể im lìm tuyệt đối như hoang thú. Con người của văn minh đã đánh mất khả năng giữ cho mình bất động, và phải học điều này từ hoang dã trước khi được nó chấp nhận…”.

Vẻ đẹp, sức mạnh và sự phong phú của ngôn từ mà Isak Dinesen trải ra trên từng trang giấy được bắt nguồn từ năng lượng tình yêu bà dành cho châu Phi. Sức mạnh ấy có thể dịch chuyển số phận của một sinh linh nhỏ bé dưới đáy của đau khổ Phi châu như nhân vật Kamante. Ta có thể thấy một sinh linh tội nghiệp bị giày vò đến tận cùng trong bàn tay thần Chết, thậm chí không thể chết, mà phải tồn tại để hứng hết thảy những đau đớn kinh khủng nhất thế gian này có thể tạo ra. Kamante dường như chấp nhận số phận đó của mình, “sống thuận hòa cùng vận mệnh, cả đời nằm trong bàn tay nó” cho đến khi được chữa lành, được cứu thoát. Và không chỉ có thế, cậu bé châu Phi này đã có một lựa chọn phi thường, trở thành một đầu bếp tài ba, một “ông vua” thực sự trong căn bếp của cô chủ Isak Dinesen, chế được những món ngon đỉnh cao mà thậm chí cậu chẳng thể nếm bởi trong con mắt cậu, cũng như người bản địa, đó chẳng khả dĩ có thể được gọi là thức ăn.

Nhân vật Kamante, mà tác giả dành nhiều tâm huyết để dựng lên một tính cách đặc sắc nhất, khiến tôi nhớ đến nhân vật Kim một vú trong tác phẩm Phong nhũ phì đồn của Mạc Ngôn. Ở họ, đều có một điểm phi thường, đó là vượt qua mọi định kiến của người đời về vẻ bên ngoài khó có thể chấp nhận, họ tỏa sáng mãnh liệt và tự tin phô bày bản thể duy nhất đó, chói lọi tới mức ta phải hoa mắt và tự hỏi, chính ta là ai, ta được Chúa (hoặc Trời, Phật) ban cho những gì, mà tại sao không có nổi một phần cái sức mạnh thiêng liêng mà Kamante hay Kim một vú có được?

Tác giả đã tận dụng vai trò chủ đồn điền ở Phi châu của mình, để tác động tích cực vào những số phận Phi châu chạm đến bà, và ngược lại, tận hưởng sâu sắc những tác động ngược trở lại của Phi châu với bà, dù đó là cậu bé Kamante tội nghiệp với dung mạo kỳ dị, hay đó là một nàng linh dương được bà chuộc từ tay lũ trẻ đi săn, lớn lên trở thành một tạo vật tuyệt mỹ nhất, khiến cho ngôi nhà của bà trên thảo nguyên Phi châu thành một nơi hấp dẫn và khác biệt hẳn, hay nói cách văn vẻ hơn, làm nên tâm hồn cho ngôi nhà.

Isak Dinesen thấy ngạc nhiên, khi mỗi ngày bà lại học được những điều mới mẻ, khác biệt từ Phi châu hoang dã, thông qua những gia nhân, hay thú hoang mà bà dạy dỗ trong nhà. Bà kinh ngạc nhận ra, trong những số phận khốn cùng người bản xứ chạy đến với bà “với người da đen thì vận mệnh ở một chừng mực nhất định, chính là mái ấm, là bóng tối quen thuộc trong lều, là tầng đất sâu tơi xốp cho bộ rễ của mình”; “Tuy nhiên khi đã biết người bản xứ, chính đây lại là phẩm chất tôi ưa thích nhất ở họ. Họ có lòng dũng cảm đích thực: ấy là niềm thích thú thuần nhất với hiểm nguy, tiếng đáp chân chính của con người trước lời tuyên cáo từ số phận, âm vọng từ Trái Đất khi thiên đường cất tiếng gọi”. Bà có thể thả hồn vào không chỉ cảnh sắc thiên nhiên, mà cả những cánh đồng hoang tâm hồn người bản địa, và đó không chỉ là “suối nguồn phơi phới cho những thời khắc nhàm chán chốn đồn điền”, mà còn là giá trị nhân văn sâu sắc bà tạo ra trong tác phẩm Châu Phi nghìn trùng.

Một đặc điểm gây ấn tượng mạnh trong tác phẩm để đời của Isak Dinesen, ấy chính là trường đoạn bà viết về phụ nữ Phi châu, thám hiểm tâm hồn họ, hé lộ những góc thẳm sâu tối tăm trong bản thể họ. Khó có thể tưởng tượng, một con người sinh ra từ cái nôi của văn minh châu Âu, lại có thể có cái nhìn bao dung, xiết bao ngạc nhiên và chấp nhận, trước một minh triết hoàn toàn khác của phụ nữ vùng thuộc địa Châu Phi. Cách bà phân tích về quan hệ giữa đàn ông, đàn bà nơi đây thật sự cuốn hút, có cảm giác ngòi bút của bà dẫn dụ ta vào một mê lộ bí ẩn, nơi có những thiếu nữ trinh trắng được các bà mẹ, các chị hàng ngày huấn luyện những bí quyết trân chuyền từ ngàn đời xưa, trao cho những phép thuật chỉ riêng phụ nữ nắm giữ, để làm sao chinh phục những kẻ chuyên chinh phục, để ngày nào đó sẽ vắt kiệt người đàn ông của mình, để luôn tỏa hương sắc như đóa hoa hồng rực thắm nhất trên sa mạc khô cằn, với niềm vinh quang ngấm ngầm của quyền lực nữ, để bảo vệ tiết hạnh cao quý và sự tự tôn luôn vút cao. Tác giả Isak Dinesen kinh ngạc phát hiện ra điều cốt tủy mà phụ nữ châu Phi đạt được “khi nhìn vào lượng lụa là, vàng bạc, hổ phách, san hô phụ nữ Somali nhận từ người đàn ông của họ. Cuối mỗi chuyến buôn bán hay săn bắn dài ngày cần không biết bao nhiêu nỗ lực, mọi gian khổ, hiểm nguy, mưu mẹo, nhẫn nại đều biến thành phục sức phụ nữ”. Chính vì thế mà mỗi nàng thiếu nữ Phi châu “đều trông ngóng tới ngày đi chinh phục kẻ chinh phục, vơ vét của kẻ đi vơ vét”. Trong thế giới đàn bà khép kín ấy, là những câu chuyện thể hiện khao khát của họ, và cũng là thực tế của họ. Đó là những câu chuyện đều có một điểm chung “là nhân vật nữ chính, bất luận còn trinh tiết hay không, luôn đoạt được phần hơn trước các nhân vật nam và sẽ giành thắng lợi chung cuộc”. Tác giả cũng cảm nhận trong thế giới đàn bà khép kín ấy là “sự hiện diện của một lý tưởng vĩ đại: lý tưởng về một thiên niên kỷ Phụ nữ chế ngự cả thế giới”. Lý tưởng ấy không hề xa xôi, nó hiện diện không chỉ trong giấc mơ, ý nghĩ của những người phụ nữ Châu Phi mà thôi, nó hiện hữu trong hành động của họ, dù âm thầm và có vỏ bọc nhẫn nại như việc đạo diễn các sinh hoạt tôn giáo, hay hiển nhiên như việc các cô gái thà ở vậy, kiêu hãnh làm trinh nữ suốt đời chứ nhất định không chịu làm vợ một người đàn ông có đẳng cấp thấp hơn mình. Trong khi đàn ông thì ngược lại, hoàn toàn có thể cưới vợ đẳng cấp thấp hơn mình.

Một trong những đặc điểm của Isak Dinesen trong Châu Phi nghìn trùng, đó là bà ưa dùng câu phức, với lối so sánh ẩn dụ và dùng không ít điển tích Kinh Thánh hay văn học cổ, thêm vào đó là lối châm biếm bóng bẩy nhẹ nhàng. Những lối tung hứng chơi chữ kỳ thú của bà trong tác phẩm này không hề dễ, nhưng đã được dịch giả Hà Thế Giang cầu kỳ tỉ mẩn đẽo gọt trong ngôn ngữ Việt, chuyển dịch được gần như đủ đầy vẻ đẹp, sự giàu có về hình ảnh và biểu cảm của ngôn ngữ trong nguyên tác. Tuy nhiên, dịch giả Hà Thế Giang đã phải dành tới 3 năm để dịch xong cuốn sách đặc biệt này, và ban đầu nó quá khó đối với anh, tới nỗi anh đã phải buông bỏ một lần vì bất lực. Anh chia sẻ: “Tôi cảm thấy tiếng Việt của mình dường như không đủ để chuyển tải tương ứng cái hay, đẹp của nguyên bản. Tôi phải bỏ đó, dịch một cuốn khác xong mới quay lại dịch tiếp Châu Phi nghìn trùng. Isak Dinesen dùng những câu phức, rất giàu hình ảnh, âm thanh và đậm văn hóa, kiến thức tôn giáo Châu Âu, còn khá xa lạ đối với tôi nói riêng và bạn đọc Việt nói chung. Tôi đã tra cứu, nghiên cứu 3 cuốn sách của các học giả, các trường Đại học viết về cuốn sách này của bà, để hiểu biết thêm và đi đúng hướng tác giả đề cập. Thách thức nữa là bà dùng giọng văn bóng gió, nhẹ nhàng châm biếm, và có chỗ, do bà dùng tiếng Anh, không phải tiếng mẹ đẻ nên câu văn không thực sự rõ nghĩa, tôi tham khảo cả người bản ngữ họ cũng không hiểu nên phải tham khảo thêm các bản dịch tiếng Pháp, Bồ Đào Nha để làm sáng tỏ ý tác giả”.

Cũng nhờ sự dụng công và tâm huyết của dịch giả, mà chúng ta có được bản tiếng Việt Châu Phi nghìn trùng thực sự đẹp, lộng lẫy về văn phong và sâu xa trong ý nghĩa, xứng để thưởng lãm không chỉ một lần.

Nguồn Văn nghệ số 8/2022


Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.