KỶ NIỆM 77 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9
(Tư tưởng và biện pháp chỉ đạo của Hồ Chủ Tịch để tạo ra thắng lợi Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945)
1.
Tháng 10/1944 tại xã Đề Thám, huyện An Hoà tỉnh Cao Bằng trung uý phi công Uyliam Sa thuộc Phân đội tiêm kích chiến thuật 51của Không đoàn 14 của Mỹ - Đồng minh đóng ở Côn Minh (Trung Quốc) khi lái máy bay bay qua khu vực này bị quân Nhật bắn hạ. Sa nhảy dù xuống mặt đất. Rất may nơi viên trung uý rơi xuống lại thuộc vùng chiến khu Việt Minh. Quân và dân nơi đây đều thực hiện rất tốt chủ trương của Bác Hồ - Đoàn kết và tôn trọng bất kì cá nhân, lực lượng nào chống Nhật.
Khi nghe tin viên phi công Sa rơi xuống, Bác đã chỉ thị “Khi ở trên trời là người của họ, xuống đất rồi là khách cuả ta phải tiếp đón chu đáo”. Vì thế nên Sa khi tiếp đất và trong thời gian ở đây được đón tiếp rất nồng nhiệt. Khiến anh ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đầu tiên khi chạm đất thấy dân, quân ào ra nhìn thấy Sa đưa 600 USD cứu mạng (trước đó Sa nghe tin loan truyền Việt Minh là thảo khấu hay bắt người bán cho Nhật) bảo cất đi rồi vui vẻ, chu đáo, chân tình ra đưa anh ta về nơi an toàn.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng một số thành viên nhóm tình báo Con Nai, Mỹ, tại Tân Trào năm 1945. Ảnh: Tư liệu |
Trong suốt quá trình gần một tháng chờ để gặp Bác Hồ theo lệnh của Người thì mặc dù không nói chuyện được vì ngôn ngữ bất đồng nhưng viên trung uý được chăm sóc rất tận tình. Hoàn cảnh chiến khu cực kì khó khăn về vật chất, lương thực nhưng bữa ăn của Sa thường có thịt gà. Khi thấy Sa ngần ngừ không dám ăn gà chặt miếng vì nghi đầu độc. Sau hôm đó được đổi ra gà luộc nguyên con. Lúc được gặp Bác Hồ, nghe Bác hỏi thăm và chuyện trò bằng tiếng mẹ đẻ, viên phi công oà khóc vì cảm động. Trong thời gian lưu lại ở Pắc Pó Bác Hồ trao đổi, tâm sự về nước Mỹ và Tếc-Dát quê của Sa. Người còn tặng Sa bản chương trình hành động của Việt Minh do Bác dịch ra tiếng Anh và cả mảnh lụa Bác nhờ bà con dân tộc thêu chữ “Chúc mừng” bằng tiếng Anh để tặng Sa. Bác hứa sẽ trực tiếp đưa Sa về Côn Minh, nơi Không đoàn 14 đóng quân.
Khi nghe tin Bác Hồ sẽ đưa viên trung uý phi công sang Côn Minh để trao trả. Đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) có ý ngăn Bác, vì lo đường xa toàn núi rừng, quân Nhật phong toả ngặt nghèo, trong khi Bác tuổi cao. Bác giải thích. Việc đưa trả trực tiếp này rất cần thiết để tướng Sê Nôn (Tư lệnh Không đoàn 14, đại diện cho đồng minh ở Trung Quốc) thấy rõ thiện chí của ta. Việc làm này sẽ tạo thời cơ cho Việt Minh chúng ta gần với Đồng minh hơn khi cùng mục tiêu chống Nhật. Bác cũng nói để đồng chí Văn yên tâm là Bác đã từng có thời gian hoạt động ở Trung Quốc, biết nói tiếng, biết thông thổ, con người của họ.
Tại hành dinh của tướng Sê Nôn ở Côn Minh, với kinh nghiệm của viên tướng lọc lõi, Sê Nôn trước khi gặp Bác Hồ đã gặp Sác lơ Fen, một sĩ quan phụ trách thăm dò tin tức và tình hình Đông Dương của cơ quan tình báo OSS - tiền thân của CIA sau này - Ông này qua nhiều tư liệu, đồng thời đã gặp Bác Hồ khi thực hiện lệnh của tưởng Sê Nôn tiếp xúc với Bác Hồ để tặng tiền, vàng, quà, thuốc chữa bệnh để trả ơn Việt Minh đã cứu phi công Sa và mang trả tận nơi, nên ca ngợi tài trí, khả năng ngôn ngữ và lối đối xử rất chân thành và lịch sự của Bác. Sác Lơ Fen cho tướng Sê Nôn biết trong số quà tặng của Không đoàn 14, Bác Hồ chỉ xin nhận thuốc. Khi tướng Sê Nôn hỏi “Việt Minh có phải Cộng sản không?”. Viên sĩ quan OSS này nhắc lại câu nói của Bác Hồ “Người Pháp coi bất kì người yêu nước nào ở nước tôi cũng là Việt Minh”. Trong cuộc gặp trung uý Sa sau đó, nghe phi công này nói về sự đối xử chu đáo, tử tế của Việt Minh, và cá nhân Bác Hồ đối với mình khi ở Pắc Pó cũng như khi đi đường “ông Hồ già thế mà thỉnh thoảng ông còn nhường ngựa cho tôi cưỡi, còn ông đi bộ”. Tướng Sê Nôn tỏ ra cảm động. Sa còn nộp lại cho tướng Sê Nôn bản chương trình hành động của Việt Minh và tấm khăn có chữ Anh “Chúc mừng” mà bác Hồ thay mặt bà con dân tộc tặng. Thay cho câu trả lời cho câu hỏi “Việt Minh là thế nào?” của tướng Sê Nôn, Sa đã đọc lại một câu trong “Chương trình hành động của Việt minh” bản tiếng Anh mà Viên phi công này được Bác Hồ tặng “Việt minh chủ trương liên kết hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu thế chính trị nào, đoàn kết chiến đấu để đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở”…
Liền sau khi gặp sĩ quan OSS Sác lơ Fen, và trung uý phi công Sa, tướng Sê Nôn đã tiếp xúc Bác Hồ. Với sự chuẩn bị chu đáo, và sự am hiểu về Không đoàn 14 được biệt danh là “Hổ bay”, và nhất là cá nhân tướng Sê Nôn, một trong những phi công đầu tiên của nước Mỹ, đã từng nổi danh là phi công có kĩ thuật nhào lộn siêu đẳng, từng chỉ huy ba phi đội đi biểu diễn toàn nước Mỹ. Không những thế tướng Sê Nôn còn nổi danh với chiến công, ông chỉ huy 4 chiếc phi cơ P-40B tấn công 10 máy báy Mitsubishi của Nhật bay từ Hà Nội lên Côn Minh, bắn hạ 9 chiếc máy bay của Nhật. Bác Hồ còn nhắc đến thắng lợi của Không đoàn 14 chỉ trong một thời gian ngắn đã tiêu diệt 299 máy bay Nhật, vô hiệu hoá 153 chiếc khác khiến danh hiệu “Hổ bay” càng lừng lẫy. Cũng trong cuộc trao đổi này Bác Hồ đã cho tướng Sê Nôn biết người Pháp và nhất là gần đây người Nhật đã gây ra những tội ác lớn với Việt Nam khi gây ra nạn đói khiến hơn 2 triệu dân Việt Nam chết đói. Bác còn nhắc đến tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ “mỗi người sinh ra đều có quyền bình đẳng” đang là mục tiêu mà cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt nam theo đuổi. Bác cũng nhắc đến những lời tuyên bố mới nhất có lợi cho Việt Nam của Tổng thống Ruzven. Bác muốn Hoa Kì -một trong những thành viên chính của đồng minh và cả phe đồng minh xem Việt Minh như một thành viên chống Nhật. Cuối cùng Bác Hồ cũng đạt được thoả thuận, Không đoàn 14 sẽ viện trợ vũ khí, điện đài, cử đội biệt động sang huấn luyện kĩ, chiến thuật cho chiến sĩ, cán bộ của Việt Minh, còn Việt Minh qua điện đài được Đồng minh trang bị sẽ cung cấp tình hình thời tiết và sự hoạt động của quân đội Nhật cho Đồng Minh. Bác Hồ cũng trở thành người cung cấp tư liệu dưới biệt hiệu Licius. Trước khi chia tay, theo nguyện vọng của Bác Hồ, tướng Sê Nôn tặng Bác bức chân dung của ngài có dòng chữ đề tặng “Tặng bạn chân thành của tôi”...
2.
Để chuẩn bị đón nhận vũ khí viện trợ và nhân viên đội biệt động mang tên “Con nai” do thiếu tướng Sê Nôn gửi sang. Tháng 6/1945 Bác Hồ đã chỉ đạo cho Đồng chí Lê Giản và Đàm Quang Trung huy động 200 dân công từ các xã Thanh La, Trung Yên, Tân Trào, Tú Trạc trong vùng Tân Trào, chỉ trong một thời gian ngắn hoàn thành sân bay Lũng Cò. Đây có thể xem là sân bay quốc tế đầu tiên của nước ta để đón máy bay Đồng minh và sau này đưa tù binh Pháp bị Nhật cầm tù ở Tam Đảo về nước. Tháng 7/1945 thì những chuyến máy bay L5 US cùng vũ khí viện trợ là biệt đội “Con nai “nhẩy dù xuống khu giải phóng Tân Trào thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kĩ, chiến thuật cho cán bộ, chiến sĩ Việt Minh. Nhiều cán bộ lãnh đạo Việt Minh như các đồng chí Văn, Đàm Quang Trung… cũng được đào tạo các khoa mục cơ bản như ném lựu đạn, bảo dưỡng vũ khí. Bác Hồ còn đề nghị thành lập đại đội Việt - Mỹ, trong đó đồng chí Đàm Quang Trung là Đại đội trưởng, còn thiếu tá Tô Mát, đội trưởng đội biệt động “Con nai” là tham mưu trưởng.
Có một việc sau thành kỉ niệm ghi sâu đậm trong trí nhớ của cán bộ, chiến sĩ Việt Minh cũng như các đội viên “Con nai”. Là trong quá trình chuẩn bị đón đội “Con nai”. Đồng chí Minh Châu, Thư ký Uỷ ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng Tân Trào - một trong những chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Hưng Yên được Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ đào tạo, sau này là Cục trưởng Cục xuất bản, rất băn khoăn không biết tiếp đón những ông “tây Mỹ” như thế nào, thì Bác bảo xin đồng bào con bê rồi thui lên đặt bàn tre, hai bên xếp ghế, trước mỗi người đặt đĩa muối tiêu và con dao. Bữa bê thui cùng mấy hộp bia thu được của lính Nhật trong rừng Tân Trào hôm đó thực là khoái khẩu và vui vẻ. Tất cả thực khách đều cảm thấy ngon miệng và phấn khích.
Thời gian đó, ở Tân Trào cùng với việc tiếp nhận vũ khí của Đồng minh, thực hiện các đợt huấn luyện do nhân viên biệt động Con Nai hướng dẫn thì tình hình trong cả nước có nhiều hoạt động của quần chúng rất tốt. Qua phân tích của Bác Hồ về tình hình thế giới và lực lượng các phe trục đã tạo ra những thời cơ phù hợp để Việt Minh làm khởi nghĩa dành chính quyền trong toàn quốc. Bác nhấn mạnh thời cơ dành độc lập đã chín muồi. Phát xít Đức- Ý bị đồng minh dồn đến sào huyệt. Ngày 11/8 Nhật đã đầu hàng vô điều kiện đồng minh. Ở Việt Nam, Nhật đang sa lầy. Tất cả đã tạo cơ hội cho chúng ta. Trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng đó, Bác Hồ vì tuổi cao (lúc đó Bác đã hơn 50 tuổi) lại trải qua chặng đường dài vất vả đưa phi công Sa về Không đoàn 14 ở Côn Minh nên Bác đổ bệnh. Cũng rất may nhờ thuốc của những lương y dân tộc (ở đây còn ghi nhận sự tận tình của cụ lang Páo), cùng sự chữa chạy kịp thời cùng với những loại tân dược Mỹ tốt do Hoaglan y sĩ của biệt đội “Con nai” nên Bác đã khỏi bệnh. Ngay trong cơn bạo bệnh, Bác Hồ vẫn luôn luôn nhắc đến thời cơ giải phóng dân tộc đã đến trong câu nói bất hủ “dù hi sinh đến đâu, dù phaỉ đốt cháy dẫy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập”. Vì bị ốm nên Đại hội Đảng toàn quốc Bác vắng mặt. Nhưng khi làm việc với đồng chí Văn và lãnh đạo Việt Minh trên giường bệnh Bác vẫn khẳng định “nhanh một chút cũng hỏng, chậm một chút cũng không được. Trời đã cho, thế cờ đã đến thì phải biết nắm lấy”. Khi đã ngớt ốm Bác đã quyết định trong Đại hội quốc dân Tân Trào là thống nhất quyền lãnh đạo chính phủ lâm thời thuộc về Việt Minh. Trong đại hội này khi các đại biểu với nhiều chính kiến khác nhau khi chứng kiến bức ảnh tướng Sê Nôn tặng Bác với dòng chữ “Tặng ban chân thành của tôi” thì tất cả đại biểu đều tin tưởng phe đồng minh đã đứng cùng Việt Minh trong cuộc chống Nhật và Bác Hồ xứng đáng là chủ tịch của chính phủ lâm thời.
Khi bàn về lệnh Tổng khởi nghĩa sẽ ban ra trong Đại hội quốc dân tân trào, không ít lãnh đạo Việt Minh băn khoăn. Bác Hồ khẳng định. Lực lượng đảng viên của Đảng Cộng sản hiện nay có 5000 người, chủ yếu đang ở trong tù, lực lượng vũ trang của ta cũng tương tự cộng thêm số vũ khí vừa được đồng Minh chi viện cũng vẫn là con số quá nhỏ cho một cuộc khởi nghĩa. Vì thế Bác nhấn mạnh: “tình thế lúc này chỉ có thể dựa vào dân”. Bác dẫn chứng phong trào phá kho thóc vừa rồi do dân phát động và đang tạo đà sức mạnh trong dân.Tháng 5/1945 vừa rồi tổ chức Thanh niên tiền phong ra đời, đến tháng 8/45 đã có hơn 1 triệu thanh niên tham gia trong đó Sài Gòn có đến 20 vạn. Bác khẳng định sức mạnh vô địch là ở trong dân, vấn đề là biết khơi dậy, tạo ra những đợt sóng của sức mạnh đó để nhấn chìm mọi trở ngại. Khi đồng chí Văn tỏ ý lo cho việc Bác chưa khỏi hẳn, Bác khẳng định: “Ốm rồi sẽ khỏi, đừng để lỡ dịp mất thời cơ, sẽ có tội với dân tộc”. Ngày sau đó Bác phân công “bế mạc xong là chú Giáp chỉ huy quân đội đi đường Thái Nguyên về Hà Nội để chuẩn bị đón OSS. Đến đâu gặp địch chống đối thì chiến đấu, nhưng nhớ bảo vệ lực lượng, tránh hao hụt quân số. Vì quân đội của chú là hạt nhân để dân trông vào, tin tưởng”.
Rõ ràng việc Bác Hồ nắm bắt thời cơ, biết tranh thủ lực lượng đồng minh cụ thể ở năm 1945 là Mỹ để tăng cường lực lượng, vũ khí chống Nhật cùng với tư tưởng mà cũng là biện pháp cốt lõi trong tư tưởng lãnh đạo của Bác là dựa vào dân, phát huy sức mạnh trong dân chính là bước ngoặt thiên tài của Bác trong giờ phút lịch sử là một bước ngoặt thiên tài, đã mang lại thành công huy hoàng trong Cách mạng tháng 8/1945 giành độc lập cho dân tộc sau hơn thế kỉ dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Nguồn Văn nghệ số 36+37/2022