Chuyên đề

Cái tôi thắm đượm tình yêu thiên nhiên và con người

Câu chuyện văn hoá
08:14 | 06/04/2022
Tập thơ song ngữ tiếng Việt và tiếng Ba Lan “Hoa ban mai” (Poranne Kwiaty) được Nhà xuất bản Ofcyna Wydawnicza G&P ấn hành, gồm 75 bài thơ của Trương Anh Tú do giáo sư - dịch giả Nguyễn Chí Thuật chuyển ngữ với sự cộng tác của nhà thơ Ba Lan - Kalina Izabela Ziola vừa ra mắt tại Ba Lan vào tháng 10-2021.
aa

Tập thơ song ngữ tiếng Việt và tiếng Ba Lan “Hoa ban mai” (Poranne Kwiaty) được Nhà xuất bản Ofcyna Wydawnicza G&P ấn hành, gồm 75 bài thơ của Trương Anh Tú do giáo sư - dịch giả Nguyễn Chí Thuật chuyển ngữ với sự cộng tác của nhà thơ Ba Lan - Kalina Izabela Ziola vừa ra mắt tại Ba Lan vào tháng 10-2021.

Trương Anh Tú mở đầu tập thơ Hoa ban mai với lời ngỏ bằng một bài thơ ngắn nhưng rất ấn tượng.

Ngàn năm hoa vẫn nở/ Biển có cạn bao giờ/ Những con đường không ngủ/ Sáng lên bằng giấc mơ.

Chính điều này gây cho tôi sự chú ý, và tôi đã đọc liền một mạch hết tập thơ của anh. Có những bài tôi đọc đi, đọc lại đến 2-3 lần. Càng đọc càng thấy thú vị bởi những thông điệp, những tầng nghĩa mà nhà thơ ký gửi trong thơ. Đó là tình yêu, lòng vị tha, là sự giao hòa với thiên nhiên, với đất trời... trong một thế giới đại đồng. Khát vọng đan xen với nỗi buồn, hoài niệm đồng hiện với thực tại, và cả những dự cảm về tương lai.

75 bài thơ trong tập Hoa ban mai của Trương Anh Tú thể hiện rõ nét cái tôi trữ tình thắm đượm tình yêu thiên nhiên, cây cỏ, con người và nhất là tình cảm sâu nặng với quê hương, với đất mẹ. Anh xem đó là cội nguồn sinh dưỡng, nơi nuôi nấng, chở che anh trên suốt hành trình cuộc đời. Nhà thơ đã trải lòng mình trước bản thể đời sống để cảm nhận một cách thấu đáo, sâu sắc về lẽ sống, niềm tin, những khát khao, ước mơ, hi vọng về những điều thiện lương ở phía trước.

Quê hương đi vào thế giới thơ anh với cánh đồng làng, giậu mồng tơi, cánh diều, tiếng gà gáy, bếp lửa, người bà... Những hình ảnh thân thương ấy đã đi vào trong tiềm thức, để rồi dù có đi đâu, làm gì, dù có sống nơi phố thị phồn hoa, dù có ở bên tận trời Tây đô hội nhưng Trương Anh Tú vẫn cồn cào, da diết nhớ. Bao trùm trong thơ anh là giọng điệu mượt mà sâu lắng, tạo nên một tạng thơ riêng khó lẫn với một người thơ nào khác.

Trước hiện thực của cuộc sống hiện đại đã và đang diễn ra ở “làng”, Trương Anh Tú mang nỗi niềm khắc khoải, canh cánh bao nỗi lo về những tác động không hay khi “làng hóa phố”.

Làng tôi sắp hóa phố rồi/ Chẳng còn dải yếm buộc hồi sang xuân/ Đường làng vắng tiếng chim ngân/ Bập bùng phố thị/ nhạc gần/ nhạc xa./ Nhà cao, chóp kính sáng lòa/ Ao chuôm lấp cạn, tre già hắt hiu/ Chân đê chẳng một cánh diều/ Dăm xe cậu ấm, cô chiêu lượn vòng./ Bên hiên hàng xóm tôi trông/ Cô hàng xóm đã mặt hồng phấn son/ Hình như trăng đã thôi tròn/ Hình như xuân cũng chẳng còn hương cau./ Nhìn nhau… kẻ trước… người sau/ Nhìn nhau như chẳng quen nhau thủa nào/ Tôi về ôm giấc chiêm bao/ Còn ai giặt lụa/ yếm đào/ sông trăng (Giấc phố làng tôi).

Trương Anh Tú hay nhắc về mẹ. Trên vai anh thấp thoáng hình bóng quê nhà. Anh nhớ như in lời mẹ: Hôm xưa, mẹ tôi bảo/ Con hãy yêu màu xanh của cây/ Màu hồng của lửa/ Những gương sắc tuyệt vời (Mẹ tôi). Hình ảnh người mẹ, người em - những người thân yêu, máu thịt hiện lên trong thơ anh, vừa như những thực thể để anh bày tỏ, trao gửi nỗi niềm, vừa như những biểu tượng đồng hiện cùng cái đẹp để anh trở về, neo vào những giá trị.

Có bông hoa nở/ Nở từ trời mây/ Nở trên ngọn sóng/ Nở quên đêm ngày.// Có bông hoa nở/ Nở từ mắt em/ Lặng trên tóc mẹ/ Như sông êm đềm (Hoa ban mai).

Độc giả không những cảm nhận được sự hồn hậu, chân thành trong thơ mà sẽ còn cuốn hút bởi những câu thơ duyên dáng và rất mực tài hoa của Trương Anh Tú. Ở đó có âm thanh, có hương sắc, mang mang nỗi niềm của chủ thể trữ tình.

- Những bông hoa mang theo phận nắng mưa của mẹ/ cứ lặng im/ cứ thăm thắm cuối trời (Hoa gạo).

- Bà đi nơi chín suối/ xa xôi nơi chín đèo/ nhớ bà gầu giếng khóc/ im lìm nước trong veo (Nhớ bà).

- Người đi về phía chiều mưa/ Hoa sim vẫn tím say xưa núi đồi/ Người đi về phía đơn côi/ Viết thơ trên đá/ Đắp bồi nhân gian (Nhớ Hữu Loan).

- Biển xanh thì rất trẻ/ Núi tư lự rất già/ Để bao đời vẫn thế/ Sóng là lời chia xa (Tứ tuyệt ở biển).

Nói làm sao hết tình yêu tha thiết mà nhà thơ dành cho thiên nhiên và cuộc sống. Trương Anh Tú ngồi “chạm tóc đêm dài”, “bạc áo phong trần”, “quên những lệ tràn” để “hát với trời xanh”, để gióng những hồi chuông khẩn thiết trên mặt đất này.

Ngoài biển khơi/ những con sóng vô tâm/ đè nghiến lên nhau tìm chỗ trú// Trên mặt đất/ không còn mặt đất/ cỏ đau ngàn năm/ nước mắt rơi/ máu chảy.// Lòng người tàn – trái đất vỡ tan (Vô đề).

Mẹ thiên nhiên là suối nguồn nuôi dưỡng tất cả muôn loài bằng bầu sữa ngọt lành. Cái ác chỉ có thể hiện diện cùng bóng đêm. Thơ Trương Anh Tú như một ngọn lửa, một giấc mơ hòa bình, chuyển tải thông điệp giàu tính nhân văn, đánh thức tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người trong mỗi bản thể sống. Anh cho người đọc bay qua bóng tối bằng ánh sáng của những ngôi sao, bằng giấc mơ huyền diệu trong đôi mắt của những đứa trẻ.

Buổi chiều/ đám trẻ chạy vu vu trên đồng/ chúng gom bầu trời trong những cánh diều cao vút/ bỏ quên nắng đã tắt sau lưng/ trên chiếc áo hoàng hôn đỏ lựng.// Cùng bóng tối/ sau vành trăng lưỡi liềm/ loài cáo thức dậy/ Nhờn nhợt bầu trời từ cửa hang ẩm mốc/ chúng đếm những con mồi như những đứa trẻ đếm các vì sao/ đêm hằn sâu bao vết chân tanh tưởi.// Dưới bầu trời/ đêm hay ngày/ những đứa trẻ chập chờn trong những giấc mơ xanh (Những đứa trẻ).

Những nhân tình thế thái hiện lên trong thơ Trương Anh Tú không phải để tìm nước mắt, nó như những mảng màu tối sáng để người đọc có thể sống nhiều hơn những cuộc đời khác, trong những hiện thực khác.

Nhẹ những gót chân/ Chìm trong phố vắng/ Đêm rơi thầm lặng/ Trăng rơi trong trăng./ Người lẫn trong đêm/ Nhặt lên chiếc bóng/ Bên người vô vọng/ Đêm... bỗng tàn đêm (Lão ăn mày trong phố cổ).

Hạnh phúc không phải là những điều to tát, xa vời mà có thể ở ngay trong những điều gần gũi, bình thường nhất. Thế nhưng không phải ai cũng ý thức được sâu sắc điều này. Người ta đua nhau vì bạc tiền, danh lợi mà đôi khi quên đi hoặc không quan tâm đến những thứ quanh mình, kể cả môi trường sống. Sự tàn khốc của thiên tai và tiếng kêu của thiên nhiên cuồn cuộn trong thơ Trương Anh Tú.

Lũ quét mặt đất/ Bao nhiêu kiếp người/ Lũ tràn mặt đất/ Nước trôi/ Nước trôi!/ Bao nhiêu nhà cửa/ Bao nhiêu cánh đồng/ Rừng xanh chảy máu/ Xé trời bão giông!

Nhưng nhà thơ vẫn tin vào sức mạnh của sự sống. Mỗi câu thơ như một thân cây lớp lớp mọc lên. Mỗi nhịp thơ là một nhịp đập của trái tim khát sống:

Bao nhiêu ngọn núi/ Bao nhiêu thân cây/ Mọc lên từ đất/ Có còn hôm nay!/ Lũ quét mặt đất/ Bao nhiêu cuộc đời/ Vượt qua cơn lũ/ Là trời xanh thôi! (Cơn lũ).

Chất triết luận trong thơ Trương Anh Tú thể hiện xuyên suốt tập thơ Hoa ban mai qua những vần thơ đậm chất trữ tình. Bài thơ Phiên tòa là một ví dụ kế tiếp. Với lối quan sát tinh tế, sự liên tưởng phong phú, những câu thơ nhẹ nhàng, man mác vừa như tiếng thở dài, vừa là sự xót thương với đồng loại. Hình ảnh bà lão nghèo túng, đứng trước tòa vì tội ăn cắp bánh mì cho con gái nằm liệt và hai cháu nhỏ đang đói là mặt tối của đời sống. Tình thương, sự bao dung hiện lên trong bài thơ là ánh sáng. Tính nhân văn đã cứu con người khỏi những tuyệt vọng.

Nếu chỉ vì đói thôi/ Tôi đã không ăn cắp/ Nhưng còn các cháu tôi/ Bà âm thầm bật khóc.// Phòng xử bỗng lặng phắc/ Ngài thẩm phán thở dài/ Không có cách nào khác/ Công đường chẳng riêng ai.// Mười ngày tù hình phạt/ Hay mười đồng thế chân.../ Bao nhiêu người dự án/ Đợi chờ và phân vân.// Luật pháp là luật pháp/ Tôi xin trả thay bà/ Người cầm cân nẩy mực/ Nói trong hàng lệ sa.// Nhưng tất cả chúng ta/ Có dửng dưng vô tội/ Để bà lão cùng khổ/ Cạn dòng nước mắt trôi!// Để bao trẻ chết đói/ Để bao trẻ không nhà/ Hãy nhận lấy hình phạt/ Từ lương tâm chúng ta!

Ngày hôm sau báo chí/ Giật tít như lẽ thường/ Có phiên tòa xử án/ “Tự do cho tình thương” (Phiên tòa).

Là một người có tâm hồn lãng mạn, bay bổng nên trong thơ Trương Anh Tú luôn có sự lý tưởng hóa. Anh thổi linh hồn vào cỏ cây, hoa lá, vào muôn cảnh đời thường… với bao suy tư, khát vọng về đời, về người. Chủ thể trữ tình luôn có khát vọng được giao cảm, được thấu hiểu, kiếm tìm và lắng đợi.

Thôi xa rồi/ Ngủ đi những cơn mơ/ Ngủ đi/ Bên dòng sông đắm đuối/ Con thuyền xưa vời vợi/ Trôi dạt giữa trùng khơi./ Thuyền/ Thuyền về đâu/ Người/ Người về đâu/ Không bến đỗ/ Không tiếng gọi đò.../ Thôi! Ngủ đi cánh diều tuổi thơ/ Cánh buồm của bầu trời suốt một đời ta mang theo mãi/ Đồng xa chớp giật/ Cỏ chiêm bao xanh thót chân trời./ Ngủ đi... ngủ đi trái tim ơi/ Xem đêm/ Đêm thẫn thờ trong mắt/ Xôn xao ngày đã dậy/ Gà ngu ngơ giục lửa sáng chân trời (Ngủ đi trái tim ơi).

Thông qua việc kiến tạo “giấc mơ”, nhân vật “tôi” đi vào thế giới của sự tưởng tượng với những khát vọng cháy bỏng, mãnh liệt và đầy mê đắm.

Tôi hóa tôi thành giọt nước/ Thân tôi thấm vào cỏ cây/ Tôi chảy cùng sông, cùng suối/ Biển xa tôi sóng đêm ngày.// Tôi hóa tôi thành chiếc khóa/ Một ngày tôi mở tôi ra/ Mở bao giấc mơ ỉm khóa/ Tôi mở tôi với thật thà.// Tôi hóa tôi vào bóng đêm/ Lặng im tôi hóa sao trời/ Sáng lên tôi qua đêm tối/ Những vì sao thức trong tôi.// Tôi hóa tôi thành hạt thóc/ Nắng mưa tôi ấm tay người/ Chắt chiu bao mùa trong đất/ Mầm xanh tôi mọc trong tôi (Giấc mơ).

Cánh cửa giấc mơ đã mở ra cho nhân vật trữ tình những “lối thoát” với khát vọng cao cả, nhân ái, thoát khỏi thực tại tầm thường. Từ cõi mơ này, nhà thơ gửi đến cuộc đời những ước vọng tha thiết của bản thân: Tôi hóa tôi.../ Tôi chảy.../ Tôi thấm... Ở đó, nhà thơ tìm cho mình một “cõi riêng” để ngẫm ngợi, trăn trở và thao thức.

Hiện thực không chỉ được tái hiện một cách sống động như chính hơi thở của đời sống, mà hơn thế - từ chính hiện thực, thông qua các biểu tượng, thế giới mộng ảo và năng lực tưởng tượng, thơ Trương Anh Tú mở ra những chiều kích không gian - thời gian khác nhau trong sự đa dạng, muôn màu của đời sống; biến chất liệu - thế giới hiện thực thành chất liệu - thế giới nghệ thuật. Hay nói cách khác, anh nhúng cây bút thơ đầy “quyền năng” vào hiện thực để phác thảo một thế giới mang vẻ đẹp của tâm hồn, của minh triết.

Nhân xem tác phẩm điêu khắc “nửa người - nửa thú”, tác giả tập thơ Hoa ban mai liên tưởng, đặt hành trình sống - hành trình tiến hóa của con người lên một “tấm gương” để con người tự soi chiếu, suy ngẫm, chiêm nghiệm.

Một ngày người hóa thú/ Thú lại hóa con người/ Khi lưng không đứng thẳng/ Thế giới toàn ma chơi! (Hành trình).

Với bài thơ này Trương Anh Tú đã phác thảo hành trình lớn lao đi tìm gương mặt người của nhân loại, đó cũng chính là hành trình khát khao đi tìm vẻ đẹp và ý nghĩa của sự sống.

Trương Anh Tú luôn ý thức và tìm cho mình một lối thơ riêng. Để từ thế giới ấy, có thể tự vấn, suy xét, nhìn ra xung quanh, nhìn ra mọi hướng. Một cuộc hành trình tìm về bản thể với nhiều cung bậc, sắc diện khác nhau. Đó chính là điều tạo nên phong cách, tạng thơ riêng cho chính anh. Dọc theo hành trình thơ Trương Anh Tú, người đọc dễ nhận ra cái tôi trữ tình trong thơ anh bàng bạc, nhẹ nhàng, trong trẻo nhưng vô cùng sâu lắng và giàu chất trí tuệ.

Trái đất này sẽ nhỏ/ Nếu chẳng ngắm bầu trời / Bầu trời này sẽ nhỏ/ Nếu chẳng ngắm mây trôi.// Tôi có ngôi nhà nhỏ/ Cửa mở khắp phương trời/ Sáng nghe mặt trời dậy/ Đêm vàng ánh trăng rơi.// Tôi có con thuyền nhỏ/ Neo bến giữa biển đời/…

Tôi yêu cuộc sống này/ Không hẹp như bàn tay (Tiếng hát).

Những trải nghiệm từ chính cuộc sống đã cùng nhà thơ nhận ra những giá trị. Thơ Trương Anh Tú đi từ những thường nhật của đời sống, thấy cái chân thực để biết trầm tĩnh hơn, bao dung hơn, để nhìn nhận cuộc sống một cách thấu đáo.

Mặt nạ của anh đâu/ Em hỏi.// Chẳng cần đâu/ Chỉ một anh thôi/…

Thêm làm sao/ Bao nhiêu mặt nữa/ Trong nụ cười anh/ có nước mắt mẹ rồi (Thơ trong lễ hội hóa trang).

Bài thơ Đôi mắt, với lời thơ giản dị nửa như đóng kín, nửa như giãi bày, nửa như nói mình, nửa như nói người với nhiều suy tư trăn trở. Đôi mắt trong bài thơ là đôi mắt của tâm hồn, của ánh sáng sự sống:

Mẹ cha cho đôi mắt/ Đã bao la bầu trời/ Cỏ hoa trên mặt đất/ Bay vào đôi mắt tôi.// Biển xanh bằng đôi mắt/ Của con sóng không lời/ Trong lặng im hạt cát/ Đã bao lời biển khơi.// Ngôi sao là đôi mắt/ Của giấc mơ đấy thôi/ Đôi mắt trong hạt bụi/ Là thinh không ngàn lời/ Còn một đôi mắt nữa/ Lặng trong trái tim tôi/ Mai sau dù nhắm mắt/ Vẫn long lanh lệ trời.

Với trái tim nhạy cảm, giàu trắc ẩn nhà thơ Trương Anh Tú nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình với cuộc sống và với mảnh đất quê hương. Anh chia sẻ: “Trong các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, tôi đã nhiều lần phát biểu về tâm thế sáng tác của mình: Tôi nghĩ về Tổ quốc như nghĩ về ngôi nhà của Mẹ. Trở về ngôi nhà ấy, không phải lúc nào cũng có những nụ cười, có cả những giọt nước mắt, nhưng là những giọt nước mắt được chắt ra để chúng ta biết lớn lên!”.

Hoa ban mai là một tập thơ có giá trị bởi những câu thơ có sức lan tỏa, chạm đến sâu thẳm lòng người. Ở đó, người đọc nhận ra những giá trị nhân văn mang tính giáo dục sâu sắc. Trương Anh Tú đã khẳng định chính mình, khẳng định bản lĩnh của một cái tôi tài hoa, lãng mạn mà giản dị. Thơ Trương Anh Tú là tiếng nói của một tâm hồn trẻ trung, là khúc điệu của đôi cánh nghệ thuật và trí tuệ.


Chuyện trò với tượng đất nung - Thơ Nguyễn Nhã Tiên

Chuyện trò với tượng đất nung - Thơ Nguyễn Nhã Tiên

Baovannghe.vn- Chừ câm với tiếng đàn câm/ người đi hết
Xu hướng truyền thông của các bảo tàng trên thế giới và những gợi mở đối với Việt Nam

Xu hướng truyền thông của các bảo tàng trên thế giới và những gợi mở đối với Việt Nam

Baovannghe.vn - Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, các bảo tàng trên thế giới và Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ về cách thức truyền thông và tiếp cận công chúng. Xu hướng truyền thông của các bảo tàng hiện nay tập trung vào việc tận dụng công nghệ số và mạng xã hội để tạo sự kết nối mạnh mẽ hơn với cộng đồng.
Đi tìm - Thơ Trần Đức

Đi tìm - Thơ Trần Đức

Baovannghe.vn- Đi tìm vệt nắng ngày đông/ Cơn nồm buổi hạ bến sông đò chiều
Cầu thang không có chín bậc - Truyện ngắn của Phan Mai Hương

Cầu thang không có chín bậc - Truyện ngắn của Phan Mai Hương

Baovannghe.vn - Leo vòng vèo hết ba quả đồi, đi hết bãi cỏ xanh dưới gốc cây thông sẽ rẽ vào con ngõ có bờ rào bằng cây dâm bụt cắt xén cẩn thận, dẫn lên ngôi nhà sàn gỗ rộng rãi có cầu thang chín bậc đẹp nhất bản của thầy mo Vưng. Trong mười bốn năm, bà Mon thuộc từng lá cây ngọn cỏ trên quãng đường này, vì bà từng trèo chín bậc cầu thang hàng trăm lần.
Bức chân dung quý hiếm của danh họa Caravaggio lần đầu xuất hiện trước công chúng

Bức chân dung quý hiếm của danh họa Caravaggio lần đầu xuất hiện trước công chúng

Baovannghe.vn - Caravaggio, thiên tài nghệ thuật Baroque Ý, nổi tiếng với kỹ thuật chiaroscuro và những tác phẩm đầy sức sống, nay lại một lần nữa khuấy động giới nghệ thuật toàn cầu. Lần đầu tiên sau 60 năm kể từ khi được xác thực, bức chân dung "Monsignor Maffeo Barberini" của ông sẽ được trưng bày tại phòng trưng bày Palazzo Barberini, Rome, từ ngày 23 tháng 11 năm 2024 đến ngày 23 tháng 2 năm 2025. Đây là một sự kiện quan trọng, không chỉ đối với các nhà nghiên cứu nghệ thuật mà còn với công chúng yêu nghệ thuật.