1.
Những câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà nghìn năm” hay dị bản: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba/ Ngàn năm vang mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà đó thôi” thật sự đã trở thành những lời nhắn nhủ tự bao đời. Chứng tỏ, nhu cầu hướng về nguồn cội không phải chỉ của riêng một thời đại, mà nó đã định hình trong tư duy, tâm khảm của người Việt.
Và không biết tự bao đời, Ðền Hùng đã là nguồn cảm hứng vô tận của sáng tạo thi ca, nhạc họa - mà nội dung nổi bật là lòng tri ân chân thành của các đấng quân vương, các bậc danh nho, khoa bảng, các nhà chí sĩ và các nhà thơ thuộc nhiều thế hệ mỗi khi nhớ về hoặc đến đây chiêm ngưỡng, nghiêng mình trước đất Tổ thiêng liêng, nơi cội nguồn của dân tộc Việt, với niềm tự hào là con cháu Tiên Rồng.
Ðền Hùng đã là nguồn cảm hứng vô tận của sáng tạo thi ca |
Theo đó, truyền thuyết về các Vua Hùng, lễ hội Ðền Hùng, cùng những tên đất, tên làng - địa danh ở đây từ lâu đã đi vào lịch sử thơ ca - trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng để đời. Vua Lê Hiển Tông (1715-1788) đã từng lưu bút gửi lại nhắc nhở con cháu muôn đời: “Nước cũ Văn Lang mở/ Vua đầu nước Việt xưa/ Mười tám đời tiếp nối/ Ba sông họp một bờ// Mộ Tổ trên đỉnh núi/ Ðền thiêng, non tỏ mờ/ Dân chúng chăm thờ phụng/ Khói hương mãi đến giờ”...
Ca ngợi Đền Hùng, trong bài thơ chữ Hán “Thu nguyệt đăng Hùng Vương tự” (Ngày thu thăm Đền Hùng) của Nguyễn Quang Bích (nguyên văn chữ Hán), được dịch là: “Đất trời thuở trước dựng thần châu/ Một dải non sông đẹp cảnh thu/ Đỉnh núi lững lờ mây nhẹ thoảng/ Sườn non róc rách suối quanh co”. Nếu như cảm hứng của tác giả trong bài thơ này là ngợi ca cảnh đẹp nơi mộ Tổ thì thi sĩ Đặng Minh Khiêm lại nhiệt thành ngợi ca công đức của Vua Hùng với một tấm lòng biết ơn sâu sắc: “Vương Hầu văn võ thảy là Hùng/ Mười tám đời vua hiệu vẫn chung/ Đời trải hơn nghìn, con cháu tiếp/ Trưng Vương còn giữ nếp Tiên Rồng”.
Nhớ ngày giỗ Tổ, hướng về Đền Hùng - đó là một phong tục đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam, gắn với truyền thống ân nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Về Đền Hùng để tưởng nhớ tri ân các bậc tiền bối, cũng là để nhân lên linh khí tổ tiên, thức dậy trong mọi người tinh thần ái quốc. Khi đất nước đắm chìm trong nô lệ, năm 1920, thi sĩ Nguyễn Ngô Đan từng ghi lại cảm xúc đó: “Tinh linh phảng phất lặng còn đó/ Đất nước tan tành Tổ biết không?/ Cầu khấn xin cho soi xét lại/ Mau mau cứu với giống Tiên Rồng”!
Những câu thơ, lời thơ day dứt, mang nặng nỗi xót xa đau đớn của tác giả trước cảnh non sông bị chà đạp. Cảm hứng về cội nguồn ở đây trở thành ý thức dân tộc, mang nội dung yêu nước cháy bỏng, thiết tha. Ý thức bảo vệ nòi giống còn biểu hiện trong sự khẳng định tính bền vững của truyền thống cội nguồn, đất nước - có thể nói, đó là nội dung yêu nước tiến bộ thể hiện đậm nét trong những dòng thơ viết về Đền Hùng của các tác giả đầu thế kỷ hai mươi: “Dân ta đó hai mươi triệu lẻ/ Đất dẫu khác trên rừng dưới bể/ Rồng là Cha, Tiên là mẹ vốn ngày xưa/ Núi sông còn đó trơ trơ…” (Dương Mạnh Huy).
2.
Nối tiếp truyền thống đó, trong trường ca “Mặt đường khát vọng” nổi tiếng của mình, nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm từng thể hiện niềm suy tư sâu sắc khi cắt nghĩa cội nguồn đất nước, khẳng định hệ giá trị thiêng liêng của dòng dõi con cháu Tiên Rồng, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” như một hằng số tư tưởng Việt Nam: “Những ai đã khuất/ Những ai bây giờ/ Yêu nhau và sinh con đẻ cái/ Dặn dò con cháu chuyện mai sau/ Hằng năm ăn đâu, làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ”... Hằng số đó, như một khế ước văn hóa.
Tự hào về truyền thống sáng tạo và cần cù lao động, tự hào về tinh thần chiến thắng thiên tai địch họa để bảo tồn cuộc sống, từ thuở sơ khai nền văn minh lúa nước vùng châu thổ sông Hồng, nhà thơ Hữu Thỉnh tái hiện những hình ảnh rất đỗi gần gũi trong “Truyền thuyết về hạt giống” để bái vọng tổ tiên: “Trăm thứ bánh biết làm nên thơm thảo/ Trong mắt vua tôi vơi bớt màu rừng/ Người yêu đất mình hơn vì đất sinh ra lúa/ Lau sậy lùi xa, khi trận lội xuống đồng”. Phía sau màu sắc truyền thuyết đó là một tiếng lòng tri ân sâu sắc.
Viết về Đền Hùng, các tác giả chú ý nhiều đến những truyền thuyết về Vua Hùng, về đền thờ Thánh Gióng, về Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Đền Giếng. Ứng với mỗi truyền thuyết đó là một đề tài văn học được mở rộng. Cảm hứng về những anh hùng dân tộc, về nguồn gốc tổ tiên trong thơ của các nhà thơ hiện đại là những cảm hứng hào hùng. “Vào thăm Đền Giếng”, Nguyễn Đình Ảnh như được đắm mình trong mát trong êm ả của cội nguồn: “Bão giông giặc giã liên miên/ Mà sao nước vẫn trong nguyên đến giờ/ Đứng bên miệng giếng sững sờ/ Ai từng soi đến bây giờ là tôi!/ Lo toan suốt cả một thời/ Soi vào lòng giếng thảnh thơi lạ lùng!”.
Tri ân các đời Vua Hùng, nếu nhà thơ Bằng Việt khắc sâu lời bà kể chuyện Lang Liêu hiếu thảo: “Bà tôi chỉ thích việc đời có hậu/ Suốt đời muốn tôi tin chuyện Lang Liêu” thì nhà thơ Bàng Sỹ Nguyên lại bồi hồi bên Giếng Ngọc nghe lá gọi thời gian sâu thẳm: “Bên giếng tôi ngồi nghe lá rụng/ Tự lòng sâu vọng tiếng thời gian/ Công chúa làm nương về chải tóc/ Cười với gương xanh má ửng hồng”. Cảm hứng hào hùng về nơi đất Tổ có lúc được thể hiện trong cảm hứng thời đại của Nông Quốc Chấn: “Đứng trên ngọn núi Hùng/ Nhìn bốn phương trời đất/ Bốn nghìn năm sau lưng/ Rực rỡ đường trước mặt” (Đường trước mặt); có khi thể hiện trong cách diễn đạt hóm hỉnh, độc đáo và giàu chất trí tuệ kiểu Phạm Tiến Duật trong bài Chim Lạc bay - khái quát về những năm tháng đất nước khói bom ác liệt chiến tranh, sống giữa bờ vực của sự sống và cái chết, mỗi con người Việt Nam đã đứng lên bảo vệ giang sơn bằng chính trái tim mình - và chỉ với một điểm tựa vững chãi - đó là niềm tự hào về truyền thống bốn ngàn năm dựng nước mà cha ông đã tạo dựng:
“Năm Công Nguyên thứ nhất là cái trụ xoay
Một nghìn chín trăm bảy mươi lăm năm sau
là năm tháng chúng ta đang sống
Một nghìn chín trăm bảy mươi lăm năm trước
là niên đại Hùng Vương
Dân tộc ta là con chim Lạc ấy
Hai cánh thời gian đập sáng một con đường”
Quá khứ và hiện tại - thời đại Hùng Vương và thời đại Hồ Chí Minh - Hai cánh thời gian đập sáng một con đường! Tự hào về lịch sử oai hùng ấy, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã dạt dào cảm xúc khi ước một đêm ngủ dưới chân núi Hùng nguồn cội, để tiếp thêm sức mạnh cho ngày mai: “Nhưng thôi, đêm nay cho mình được ngủ/ Cuối Phong Châu sau cuộc chiến tranh này/ Mai biên giới phía nào gọi tên mình đến giữ/ Cũng xin đừng lay động giấc đêm nay (Ðêm nay mình ngủ cuối Phong Châu). Trở lại cội nguồn, nhà thơ Nguyễn Ðức Mậu lại như đi trong vời vợi những cảm xúc tĩnh lặng nguyên khôi: “Trong Ðền Hùng tĩnh lặng khói hương rơi/ Tôi như con thuyền trôi vào xanh thẳm/ Ði ngược thời gian/ Con thuyền trôi về bến/ Ði ngược thời gian/ Tôi tìm lại ngọn nguồn” (Khúc hát cội nguồn); còn nhà thơ Hà Văn Thể ngợp trong bạt ngàn màu xanh của sự sống bỗng mãnh liệt những tưởng tượng trào dâng: “Núi Vặn từ đây xin gọi là núi Mẹ/ Mẹ Âu Cơ bốn ngàn năm tuổi vẫn chưa già/ Hóa vào đất đai này một màu xanh rất trẻ/ Và cháu con bây giờ gương mặt như hoa” (Trước đền thờ Quốc Mẫu).
Và, đất Tổ cũng từng thao thức suốt những năm tháng “Trường Sơn đông nắng, tây mưa…” trong tâm sự của nhà thơ Nguyễn Thái Vận: “Ngọn núi Hùng xanh như một trái tim/ Đập suốt bốn nghìn mùa xuân sinh nở/ Nhịp đập anh hùng thời đánh Mỹ/ Khắp thân mình, từ Lũng Cú đến Cà Mau”. Và, hôm nay đất Tổ đang tươi xanh một màu xanh tiền sử: “Mây đó chăng hay sắc đá Hùng Vương/ Thành đóng cửa, vua dàn voi tập trận/ Rất thanh thản tươi xanh đồi Nghĩa Lĩnh/ Chiều trung du hồn hậu gió Châu Phong” (Trở lại Đền Hùng - Ngô Văn Phú).
Và, huyền tích làng cổ Thậm Thình qua những câu thơ tài hoa của Nguyễn Bùi Vợi hiện lên với không gian dã sử, không gian truyền thuyết quyện trong vẻ đẹp nguy nga của không gian hiện tại: “Không còn dấu cũ lầu son/ Phía sau, thành phố khói vờn trong mây/ Trời cao, bóng tỏa đường cây/ Nhịp chày xưa thoảng đâu đây… thậm thình” (Qua Thậm Thình).
3.
Đền Hùng trở thành biểu tượng bền vững về Tổ tiên, nguồn cội của một cộng đồng khi sinh ra đã nặng nghĩa “đồng bào” và giàu lòng tương thân tương ái. Nhiều nhà thơ của nhiều thế hệ dù không hẹn vẫn cứ gặp nhau ở đề tài Đền Hùng. Quá khứ và hiện tại Đền Hùng gặp nhau, hòa quyện và soi sáng, lấp lánh tiếp sức cho nhau. Cánh chim Lạc từ quá khứ huyền thoại vẫn mải miết phía ngày mai mà đường bay ấy chính là dấu nối tinh thần của người Việt Nam băng qua mọi thời đại. Tiếng hát xoan hát ghẹo, tiếng trống đồng vẫn cứ ngân nga trong sắc nắng màu mưa, vẫn thiết tha hấp dẫn lạ kỳ như thơ Nghiêm Thị Hằng đã viết: “Ơi tiếng hát vùng đồi/ Trang trắng màu hoa sở/ Quê người - riêng người nhớ/ Sao tôi thì… bâng khuâng” (Về theo lời hát)!
Tiếng hát xoan, hát ghẹo khiến lòng người lưu luyến bâng khuâng, tiếng trống đồng còn vang vọng một bề dày truyền thống đấu tranh oanh liệt, mãi mãi những âm giai hùng tráng của tổ tiên. Truyền thống văn hóa, văn hiến được kết tinh trong những họa tiết hoa văn tài hoa và vi diệu của trống đồng, vẫn còn tỏa sáng đến hôm nay. Trong bài “Trống đồng trên đất đai truyền thuyết”, nhà thơ - họa sĩ Hoàng Hữu như lạc vào thế giới huyền thoại, thần kỳ nguồn cội ấy: “Trống đồng sau lớp đất vùi/ Vẫn ban mai một mặt trời đang lên/ Nét cổ xưa vẫn tươi nguyên/ Khi bay vút, lại thanh mềm nét buông”. Âm vang của trống, hoa văn của trống hội tụ bản sắc dân tộc, tượng trưng cho sức mạnh tinh thần và khí thiêng sông núi: “Một thời giặc giã khôn cùng/ Trống đồng giục mũi tên đồng vút lên/ Sóng tung lấp lóa chiến thuyền/ Sông sâu từng đã nhấn chìm giặc tan”. Và chính tiếng trống đồng ấy lại ngân vang trong thời đại Hồ Chí Minh, ngân vang trong lời dạy thiêng liêng của Bác như khắc vào đá tảng thời gian và không gian non sông đất nước: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”!
Cảm hứng về Đền Hùng luôn thường trực trong những trái tim hướng về nguồn cội, gửi vào đó sức mạnh và niềm tin trên con đường phía trước. Phải vì thế, khi đến miền Đông Nam bộ, nhà thơ Nguyễn Xuân Ngọc trào dâng cảm xúc: “Đất, nước Vua Hùng… Lời Bác ở Miền Đông/ Rực sáng niềm tin “Thành đồng Tổ quốc”/ Đồng Nai trong ta, ta trong người thân thuộc/ Sức mạnh cội nguồn nâng những ước mơ xa” (Đến Trấn Biên nhớ về nguồn cội). Và, không chỉ thế, nguồn cội vẫn luôn là khát khao được trở về - như tâm sự của nhà thơ Trương Thiếu Huyền: “Đền Hùng cháu đã tới đây/ Như chim về tổ như cây về rừng/ Thậm thình nhịp trống ngàn trùng/ Con tim cháu đập quá chừng Bác ơi!/ Nơi đây in dáng Bác ngồi/ Cùng quân chiến thắng dặn lời non sông/ Vua Hùng dựng nước có công/ Chúng ta giữ nước một lòng khắc ghi/ Hy Cương trời đất uy nghi/ Nối ngàn xưa với những gì mai sau” (Đền Hùng).
Về nguồn, mãi mãi vẫn là tiếng chim gọi đàn, thiêng liêng niềm tri ân sâu lắng - như GS, thi sĩ Bùi Quang Thanh tâm sự khi “Cùng em, ngày Giỗ Tổ”: “Âm vang bao thế hệ/ Nhịp trống đồng còn rung/ Giếng Ngọc suốt đời trong/ Cho chúng mình soi bóng// Dòng người chao như sóng/ Dập dềnh trong mê say/ Tay mình ấm trong tay/ Nhịp cùng hồn Đất nước!”...
Đền Hùng không chỉ là một địa danh, Đền Hùng kết tinh một nội hàm giá trị về truyền thống tư tưởng, một cảm hứng thi ca bất tận trong tâm thức của một dân tộc, có giá trị lan tỏa rộng lớn và lâu bền trong không gian và thời gian trôi chảy.
Cảm hứng cội nguồn là một hành hương tinh thần đặc biệt, trải nghiệm cùng không gian và thời gian lịch sử, kết tinh một biểu tượng cao đẹp về truyền thống đạo lý tri ân Tiên Tổ, mãi mãi được đắp bồi và tỏa sáng trong đời sống tinh thần phong phú của con người Việt Nam yêu nước, thủy chung; chắp cánh và tạo`nên sức mạnh diệu kỳ cho chim Lạc vượt thời gian bay đến trường tồn.
Nguyễn Trọng Hoàn| Báo Văn nghệ