Nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh, đạo diễn Ấn Độ Satyajit Ray (người Bengal) sinh năm 1921 tại Calcutta (bang Tây Bengal) trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Ông nội ông và cha ông là nhà văn, họa sĩ, nhà phê bình nghệ thuật. Ông mất năm 1992 cũng tại Tây Bengal. Ông học Đại học Presidency College (Calcutta) và Đại học Visva - Bharati (do R. Tagore thành lập). Trong lĩnh vực điện ảnh, ông được trao hàng chục giải thưởng danh giá trên khắp thế giới. Các tác phẩm văn học của ông giàu kịch tính theo phong cách điện ảnh. Chủ đề quan trọng trong các sáng tác của Satyajit Ray là khoa học giả tưởng và trinh thám.
Barin Bhowmik đi vào toa D như được người trưởng tàu hướng dẫn và đặt vali xuống dưới ghế. Anh không muốn mở nó ra trong suốt hành trình. Nhưng anh muốn giữ chiếc túi nhỏ hơn trong tầm tay với. Trong chiếc túi này có những thứ cần thiết như lược chải đầu, bàn chải đánh răng, bộ dao cạo mặt, một cuốn sách của James Hadley để đọc trong hành trình và nhiều thứ lặt vặt khác, gồm cả thuốc viêm họng. Nếu chuyến đi dài bằng tàu lửa trong toa máy lạnh làm anh bị viêm họng, thì ngày mai, anh sẽ không hát được. Anh nhanh chóng cho một viên thuốc viêm họng vào miệng và đặt chiếc túi lên trên chiếc bàn cạnh cửa sổ.
Đây là chiếc tàu lửa tuyến Delhi, có hành lang. Nó dừng chỉ 7 phút trước khi khởi hành. Không có hành khách nào trong toa của Barin. Anh sẽ đi một mình đến Delhi? Điều này có phải là điều may mắn? Toa tàu thật sang trọng. Ý nghĩ này làm cho anh nhẩn nha hát.
Anh nhìn đám đông trên thềm ga qua cửa sổ. Có hai người đàn ông thi thoảng nhìn anh. Rõ ràng là người ta đã nhận ra anh. Đây không phải là trải nghiệm mới. Người ta nhận ra anh không chỉ bởi anh nổi tiếng mà còn nhờ vẻ bề ngoài. Anh biểu diễn ít nhất là 12 lần mỗi tháng. Hãy lắng nghe Barin Bhowmik đêm nay - Anh sẽ hát nhạc Nazrul cũng như nhạc aadhunik. Tiền bạc và danh tiếng đổ tràn lên Barin Bhowmik.
Tuy nhiên, điều này diễn ra chỉ từ 5 năm trở lại đây. Trước đó, anh phải vật lộn để sống. Tài năng lúc đó là không đủ. Anh cần được lăng xê. Thế rồi, vào năm 1963 anh được Bhola-da-Bhola Banerjee mời hát ở Unish Palli. Barin nổi danh từ đó.
Anh đang đi đến Delhi để hát cho các sự kiện chào mừng của Hội Bengal. Họ trả tiền tàu toa hạng nhất và dàn xếp chỗ ở cho anh. Anh dự kiến ở Delhi vài ngày. Tiếp đó, anh sẽ đến Agra và Fatehpur và trở lại Calcutta một tuần sau đó. Sau đó, anh dành thời gian hát ở Puja. Đời thật sôi nổi!
“Anh đặt bữa trưa không ạ?”
Ông trưởng tàu xuất hiện ở cửa toa.
“Có thức ăn gì đó?”
“Anh không ăn chay phải không ạ? Anh có thể chọn thức ăn Ấn hoặc món Tây. Nếu anh ăn món Ấn, chúng tôi có...”
Khi Barin đặt món ăn trưa và châm thuốc lá thì có một hành khách bước vào. Ngay khi đó, tàu rời nhà ga.
Barin nhìn người mới vào. Anh ta hình như quen quen? Barin cố mỉm cười nhưng nụ cười nhanh chóng biến mất vì người kia không mỉm cười lại. Hay là Barin đã nhầm lẫn? Ô, chúa ơi, thật khó hiểu! Điều tương tự cũng đã xảy ra với anh trước đây. Anh khi đó đã đập lưng một người. “Xin chào, Tridibda! Khỏe không?” Anh làm như vậy chỉ cốt để biết người kia có phải là Tridibda hay không. Sự vụ này làm cho anh bối rối tới mấy ngày. Chúa đã gài nhiều cái bẫy để làm người ta lúng túng.
Barin Bhowmik lại nhìn người đàn ông. Anh ta đã tháo giày, duỗi chân và lật tờ Illustrated Weekly. Một lần nữa, Barin lại nghĩ mình đã gặp anh ta ở đâu đó, chỉ vài phút trước. Barin đã nói chuyện với nhóm bạn của người đàn ông này khá lâu. Nhưng khi nào? Ở đâu? Người này có lông mày rậm, ria mép mỏng, tóc thưa và có một nốt ruồi nhỏ ở giữa trán. Vâng, người này khá quen thuộc. Barin đã gặp anh ta khi còn làm việc ở công ty Central Telegraph? Nhưng có lẽ anh ta không chú ý tới mình? Anh ta không biểu tỏ bất cứ dấu hiệu nào là anh ta biết Barin.
“Anh đặt bữa trưa chưa?”
Ông trưởng tàu lại xuất hiện. Ông ta dáng đường bệ, khá thân thiện.
“Vâng,” người mới vào nói, “Tôi sẽ gọi sau. Tôi muốn có một ly trà trước.”
“Dạ.”
“Tôi muốn một cái ly và trà. Tôi thích trà đen.”
Barin Bhowmik bắt đầu thấy bồn chồn. Kí ức dội lên từ tâm khảm. Tim anh như mọc cánh và bay thẳng vào phổi. Người mới vào không chỉ có giọng quen quen mà còn ở cái cách anh ta nhấn mạnh từ “trà đen”. Tất cả đã đủ để Barin không còn ngờ vực. Kí ức đã trở về.
Barin đã gặp người đàn ông này trước đây trên một chuyến tàu, toa máy lạnh khi đi đến Delhi. Anh lúc đó muốn đến Patna để dự đám cưới em họ, cô Shipra. Ba ngày trước đó, anh kiếm được 7 ngàn rupee trong một cuộc đua ngựa. Do vậy, anh có đủ tiền để đi toa hạng nhất. Điều này xảy ra 9 năm trước, vào năm 1964, khá lâu trước khi anh trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Anh mơ hồ nhớ lại tên của người đàn ông. Nó bắt đầu với chữ “C”. Chowdhury? Chakravarty? Chatterjee? Ông trưởng tàu đã đi. Barin thấy mình không nên ngồi đối diện với người đàn ông. Anh đi ra đứng ở hành lang, cách xa người đàn ông. Vâng, sự trùng hợp đã xảy ra trên đời. Nhưng lần này là khó tin.
Nhưng “C” có nhận ra anh không? Nếu không, có lẽ do hai nguyên nhân. Thứ nhất, do anh ta có trí nhớ không tốt. Thứ hai, do hình dạng Barin đã thay đổi nhiều sau chín năm. Anh nhìn ra cửa sổ và cố nhớ lại những đổi thay đã xảy ra.
Anh đã mập hơn, khuôn mặt tròn đầy hơn. Hồi đó, anh chưa mang kính. Giờ anh đeo. Hàng ria mép cũng đã biến mất. Anh đã cạo khi nào? À, vâng. Không lâu. Anh đã đến một salon tóc trên đường Hajra. Thợ cạo là một người trẻ và thiếu kinh nghiệm. Anh ta đã tỉa sai nó. Lúc đầu, Barin không biết điều này nhưng sau khi mọi người trong văn phòng, từ người trông thang máy già, nhiều chuyện, đến ông thủ quỹ sáu hai tuổi bắt đầu bình luận về nó, anh đã cạo sạch nó luôn. Điều này xảy ra bốn năm trước.
Thế là anh không còn ria mép nhưng hai má mập hơn và có thêm một cặp kính. Thấy có chút tự tin, anh trở vào tòa tàu.
Có một người mang một ấm trà vô và đặt trước mặt C, Barin cũng muốn uống trà nhưng không dám nói. Liệu C có nhận ra giọng nói của mình không?
Barin không muốn nghĩ đến những điều C làm nếu anh ta nhận ra mình. Nhưng tất cả phụ thuộc vào lòng tốt của anh ta. Nếu anh ta là Animesh-da, Barin không có gì để sợ. Có một lần, trên xe bus, Animesh-da biết có một người đang định móc túi mình. Anh ta hổ thẹn, nếu la lên, do vậy, anh ta trao cái bóp có 4 đồng 10 rupee cho gã móc túi. Anh ta nói với gia đình mình sau đó, “Chuyện móc túi là có lí do của nó. Tôi không muốn điều đó xảy ra.”
Người đàn ông này có như Animesh-da không? Có lẽ không. Người như anh ta hiếm gặp. Ngoài ra, mắt anh ta dáo dác. Mọi thứ của anh ta, từ cặp lông mày rậm, cái mũi tẹt, cái cằm nhọn và bàn tay lông lá dường như không chút do dự, muốn bóp cổ Barin và nói, “Mày có phải là kẻ đã ăn cắp đồng hồ của tao năm 1964 không? Tên vô lại! Tao tìm mày đã 9 năm! Giờ tao sẽ...”
Barin không dám nghĩ thêm. Dù đang ở toa lạnh nhưng mồ hôi anh ra ướt trán. Anh duỗi chân trên giường và lấy tay trái gác lên mắt. Đó là tư thế của người muốn quên lãng. Sự thật là C rất quen vì Barin nhận ra cái nhìn của anh ta.
Giờ Barin nhớ lại tất cả sự kiện một cách sống động. Vấn đề không chỉ là việc ăn cắp đồng hồ của C. Anh ta nhớ rõ mọi thứ anh ăn cắp từ khi còn là một đứa trẻ. Có những thứ hoàn toàn vô nghĩa như cây bút bi (của Mukul Mama), một cái ly rẻ tiền (của bạn học Akskhay), một cặp nút làm bằng xương của Chhenni-da và những thứ không cần thiết khác. Anh chưa bao giờ dừng nó. Lí do duy nhất mà anh ăn cắp, đó là chúng ở cạnh anh và thuộc về kẻ khác.
Từ tuổi 12 đến 25, Barin Bhowmik chôm ít nhất 50 thứ từ nhiều người khác nhau và có một bộ sưu tập các món chôm chỉa ở nhà. Không nói ăn cắp thì nói sao? Điều khác nhau duy nhất giữa anh và một tên ăn trộm chuyên nghiệp là tên trộm trộm để sống còn Barin trộm chỉ vì thói quen. Không ai nghi ngờ anh và thế là, không ai bắt được anh. Barin biết rằng thói quen kì lạ này là một chứng bệnh. Anh đã từng biết thuật ngữ y khoa dùng để gọi chứng này từ một người bạn là bác sĩ nhưng giờ anh ta quên mất.
Nhưng chiếc đồng hồ của C là món cuối cùng anh ăn cắp. Trong 9 năm qua, anh chưa bao giờ thấy day dứt như thế. Anh biết là mình đã khỏi bệnh, bệnh đã được chữa khỏi hoàn toàn.
Điểm khác biệt giữa việc ăn cắp đồng hồ của C và những lần khác là anh thật sự thích chiếc đồng hồ này. Đây là chiếc đồng hồ đẹp, sản xuất ở Thụy Sĩ. Nó đứng thẳng trong hộp thời điểm chiếc hộp được mở ra. Đó là chiếc đồng hồ báo thức, với âm điệu du dương.
Barin thường xuyên dùng chiếc đồng hồ này chín năm qua. Anh mang nó theo bất cứ nơi nào anh đến. Hôm nay cũng thế, nó nằm dưới đáy chiếc túi đang được đặt trên bàn trước cửa sổ.
“Anh đi bao xa nữa?”
Barin giật mình. Người đàn ông muốn nói chuyện với anh.
“Delhi.”
“Đâu ạ?”
“Delhi.”
Lần đầu tiên Barin muốn ngụy trang giọng nói, do đó, anh nói rất ngọt đến nỗi người đàn ông không nghe được.
“Anh thấy hơi lạnh phải không? Đó là tại sao giọng anh khó nghe?”
“Không.”
“Sẽ lạnh, tất nhiên. Thực sự, tôi muốn đi toa thường nhưng sợ bụi.”
Barin không muốn nói. Anh không muốn nhìn C nhưng sự tò mò làm anh liếc về phía C. C đã lờ mờ nhận ra anh? Không. Anh ta có vẻ vô tư. Anh ta giả vờ?
Không chắc. Sau rốt thì anh cũng chỉ lờ mờ nhận ra C. Tất cả những gì anh nhớ là trên toa tàu khi đó, C thích trà đen và có thói quen xuống bất cứ ga nào tàu dừng để mua snack. Nhờ thói quen đó mà Barin được ăn snack đã đời.
Ngoài ra, Barin có nhận ra một nét tính cách khác của C, khi tàu sắp đến Patna. Điều này có liên quan trực tiếp đến vụ chiếc đồng hồ.
Khi đó, họ sắp tới Amritsar Mail. Chắc 5 giờ sáng tàu sẽ đến Patna. Ông trưởng tàu đến đánh thức Barin lúc 4h30’, C cũng được đánh thức, dù anh ta đi đến Delhi.
Khoảng 3 phút trước khi tàu đến Patna, nó bỗng dừng lại. Có lí do gì vậy? Một nhóm người cầm đuốc chạy dọc theo đường ray. Có chuyện gì nghiêm trọng hay sao? Cuối cùng, ông trưởng tàu quay lại, nói là có một lão già chạy băng qua đường ray. Tàu sẽ chạy tiếp, sau khi người ta gỡ xác ông ta ra.
C rất hứng thú với vụ này và nhanh chân xuống giường, người còn mặc đồ ngủ. Sau đó, anh ta tới xem chuyện gì đã xảy ra.
Trong khoảng khắc ngắn ngủi đó, Barin đã chôm chiếc đồng hồ của C. Anh đã thấy C vặn dây cót chiếc đồng hồ đêm hôm trước và ngay lập tức bị cám dỗ. Nhưng vì cơ hội chưa tới nên anh tự dặn mình là hãy thôi. Nhưng khi cơ hội đến bất ngờ, anh không cản mình được. Dù có thể bị hành khách khác đang nằm ở tầng hai trông thấy, anh vẫn thọc tay vào chiếc túi của C và thuỗm chiếc đồng hồ. Sau đó, anh bỏ nó vào vali mình. Anh mất chỉ khoảng 15 - 20 giây để làm việc đó. 5 phút sau, C trở lại.
“Khủng khiếp! Nạn nhân là một người ăn mày. Đầu bị đứt ra khỏi cổ. Tôi khó mà tin đầu máy có thể tông người ta như vậy, dù là ăn xin. Có thể dẹp các chướng ngại vật trên đường sắt được không?”
Barin khi đó thoát được ở Patna và gặp được chú mình. Anh thấy nhẹ nhõm khi đã vào trong xe của ông chú và khi xe đã chạy. Anh nói với mình là vụ việc đã an toàn, không ai có thể đuổi theo. Cơ hội để C đuổi theo là một phần triệu hoặc thấp hơn.
Nhưng ai có thể biết là sau nhiều năm, lại có một sự trùng hợp kì lạ là họ lại gặp nhau. Điều này làm người ta mê tín, Barin nghĩ.
“Anh sống ở Delhi hay Calcutta?” C hỏi.
Lần trước, anh ta cũng hỏi nhiều, Barin nhớ lại. Anh ghét ai muốn làm quen với mình.
“Calcutta!” Barin nói. Ô, không, anh đã nói bằng giọng thật của mình. Anh cần cẩn thận hơn.
Ô, tại sao người đàn ông lại nhìn anh chăm chăm thế này? Có lí do gì không? Tim Barin lại đập mạnh.
“Ảnh của anh gần đây xuất hiện nhiều trên báo chí?”
Barin thấy sẽ là ngu ngốc nếu không nói sự thật. Có nhiều người Belgali khác trong toa có thể nhận ra anh. Không có gì độc hại nếu nói với người đàn ông anh là ai. Thực sự, nếu Barin nói với anh ta mình là ca sĩ nổi tiếng thì anh ta khó nghĩ mình là kẻ cắp đồng hồ.
“Anh thấy hình tôi trên báo nào?” Barin ướm hỏi.
“Anh ca hát?” Người kia hỏi.
“Chút ít!”
“Tên anh là...?”
“Barindranath Bhowmik.”
“A, tôi biết anh. Barin Bhowmik. Đó là lí do anh trông quen quen. Anh có hát trên radio không?”
“Có.”
“Vợ tôi là fan của anh. Anh đến Delhi để hát ở sự kiện?”
“Vâng.”
Barin không nói gì thêm. Nói “có” hoặc “không” là đủ, không cần nói thêm.
“Tôi biết có một người có họ là Bhowmik ở Delhi. Ảnh làm việc ở bộ tài chính. Tên đầy đủ của ảnh là Nitish Bhowmik. Anh có bà con với ảnh không?”
Thật lạ. Nitish là anh họ của Barin. Anh này cứng nhắc, là bà con gần nhưng không thân thiết.
“Không. Tôi không biết anh ta.”
Barin quyết định nói dối. Anh muốn người đàn ông ngừng trò chuyện. Tại sao anh ta muốn biết nhiều chuyện?
Ô, tốt quá! Bữa trưa đã được mang tới. Thật may, một tá câu hỏi sẽ bị dừng lại, nhất là trong vài phút.
Và quả vậy. C ăn ngấu nghiến và giữ im lặng. Barin bớt lo nhưng chưa yên tâm. Họ sẽ ở cùng toa ít nhất là 20 giờ nữa. Kí ức thật lạ. Ai dám nói một cử chỉ, một cái nhìn không gợi lại các kí ức cũ?
Hai từ “trà đen” chẳng hạn. Barin quả quyết nếu hai từ này không được thốt ra thì chắc gì anh nhận ra C. Những gì anh nói có giúp C nhận ra anh không?
Tốt nhất là đừng nói gì cả. Barin nằm xuống, lấy sách đọc. Khi đọc xong chương 1, anh quay sang liếc nhìn C. Anh ta hình như đang ngủ. Tờ Illustrated Weekly rớt xuống sàn. Tay anh ta che mắt nhưng bộ ngực phập phồng của anh ta nói là anh ta đang ngủ say. Barin nhìn ra cửa sổ. Cánh đồng, cây cối, các ngôi nhà nhỏ là những cảnh đẹp vùng Bihar trôi qua. Tiếng bánh xe lửa dội lên cửa sổ mơ hồ, như có ai đang đánh trống từ phía xa xa, bằng chỉ một nhịp.
Chỉ có một âm thanh duy nhất hòa với các nhịp đó, là tiếng ngáy của C.
Barin thấy bồn chồn. Anh ậm ừ hát. Giọng anh không tồi. Anh đằng hắng rồi hát to hơn. Nhưng anh bỗng im bặt.
Có cái gì đó rột rẹt trong toa. Nó làm Barin lặng người.
Đó là tiếng chuông của đồng hồ báo thức. Đó là tiếng của chiếc đồng hồ Thụy Sĩ trong chiếc túi của anh, chưa được tắt báo thức. Nó tiếp tục kêu không dứt.
Barin đơ người vì sợ. Anh nhìn C chằm chằm.
C cử động tay. Barin cứng người.
C giờ đã thức dậy. Anh ta lấy tay ra khỏi mặt.
“Có phải do chiếc ly thủy tinh không? Nó va vào thành tàu. Anh vui lòng nhích nó ra được không?”
Tiếng kêu dừng sau khi Barin nhích chiếc ly ra. Anh uống nước có trong ly và đặt nó xuống. Nước làm mềm cổ họng anh nhưng anh không còn tâm trí đâu mà hát nữa.
Trà được mang tới trước khi họ đến Hazaribagh một chút. Hai tách trà và sự vắng mặt của các câu hỏi tò mò của C giúp Barin có chút thư thả. Anh lại nhìn ra cửa sổ và lại ậm ừ hát. Anh nhanh chóng quên đi sự nguy hiểm.
Ở ga Gaya, như thường lệ, C xuống và mua hai bịch đậu phụng. Anh ta trao cho Barin một bịch. Barin ăn thích thú.
Mặt trời lặn khi họ rời sân ga. C bật đèn và nói, “Tàu đi chậm phải không anh? Đồng hồ anh mấy giờ rồi?”
Barin lần đầu biết C không đeo đồng hồ. Điều này làm anh ngạc nhiên và không thể không nói giờ. Nhưng anh nhớ là chưa trả lời C. Anh liếc nhìn đồng hồ và nói.
“7 giờ 35.”
“Tàu chạy ít nhiều đúng giờ.”
“Vâng.”
“Đồng hồ tôi bị vỡ sáng nay. Nó là chiếc HMT, rất đúng giờ. Sáng nay, ai đó đã lật tấm đệm giường tôi quá mạnh, làm chiếc đồng hồ rơi và...”
Barin không bình luận. Bất cứ lời nói nào về đồng hồ đều làm cho anh thấy nhột.
“Đồng hồ anh hiệu gì?” C hỏi.
“HMT.”
“Nó chạy đúng giờ không?”
“Đúng.”
“Thực sự, nói đến đồng hồ, tôi không vui.”
Barin muốn ngáp để xua đi không khí đáng lo nhưng không thể. Anh không muốn mở miệng. Nhưng tai anh vẫn phải nghe. Anh buộc phải nghe tất cả những gì C nói.
“Anh biết đó, tôi từng có một chiếc đồng hồ du lịch, làm bằng vàng. Bạn tôi mua ở Geneva. Tôi dùng được một tháng và mang nó theo khi đi tàu đến Delhi, cũng là chuyến tàu như thế này, trên toa máy lạnh. Chỉ có hai người trong toa, người kia là người Bengali. Anh biết gã đó làm gì không? Hãy nghĩ đến sự táo tợn của anh ta. Khi tôi đi toilet, gã ta đã thuỗm chiếc đồng hồ. Gã trông rất lịch lãm. Nhưng tôi cho là tôi may mắn, khi không bị gã giết chết lúc tôi đang ngủ. Tôi không đi tàu từ hôm đó. Lần này cũng vậy, tôi muốn đi máy bay nhưng phi công đình công...”
Cổ họng Barin khô khốc, hai tay cứng đơ. Nhưng anh nghĩ, nếu mình không nói gì sau câu chuyện như thế là ngốc nghếch. Nó có lẽ có tính ám chỉ. Anh lấy hết sức nói:
“Anh... anh có tìm nó không?”
“Haha. Thứ bị cắp có dễ tìm không? Nhưng dù đã lâu, tôi vẫn không quên dáng vẻ của người đó. Ngay bây giờ, tôi vẫn còn nhớ lờ mờ. Anh ta không đen không trắng, có một hàng ria mép, cao cỡ anh nhưng gầy hơn. Nếu tôi gặp anh ta, tôi sẽ dạy cho anh ta một bài học nhớ đời. Tôi từng là võ sĩ quyền Anh, nhà vô địch giải hạng nhẹ. Gã đó may khi đường đi của anh ta và của tôi không giao nhau...”
Barin giờ đã nhớ rõ tên anh ta. Đó là Chakravarty, Pulak Chakravarty. Thật lạ! Ngay phút anh ta đề cập đến quyền Anh, tên anh ta vụt sáng như ánh sáng lóe lên trên truyền hình. Pulak Chakravarty cũng nói nhiều về quyền Anh lần đó.
Nhưng dù cho tên anh ta đã được biết, thì sao nào? Cuối cùng, Barin là tên tội phạm. Giờ thật khó trút gánh nặng tội lỗi. Nếu anh thú tội thì sao? Và trả lại chiếc đồng hồ? Nó đang nằm trong chiếc túi cạnh anh.
Không! Anh điên hay sao? Tại sao anh lại có những ý nghĩ đó? Anh là ca sĩ nổi tiếng. Sao anh có thể thú tội dễ dàng như thế? Tiếng tăm anh sẽ ra sao? Có còn ai mời anh đi hát nữa không? Các fan anh sẽ nghĩ gì? Có chắc là người đàn ông này không phải là nhà báo hay có liên quan tới báo chí không? Không! Không nên thú nhận.
Mà cũng không cần thiết. Có lẽ anh sẽ bị nhận ra. Pulak Chakravarty dò dẫm nhìn anh. Còn 16 giờ nữa mới tới Delhi. Cơ hội để bị nhận ra vẫn còn. Một ý nghĩ bỗng lóe lên trong đầu Barin. Đó là ria mép anh bỗng trở lại, thịt trên mặt biến mất, cặp kính cũng ra đi. Pulak Chakravarty nhìn đăm đăm vào mặt anh như chín năm trước. Cái nhìn ngạc nhiên bằng đôi mắt lờ đờ bỗng trở nên giận dữ. Miệng anh ta mở ra, mỉm cười một cách độc địa. “A ha,” anh ta dường như đang nói, “mày là thằng đó, đúng không? Tao đã chờ mày chín năm rồi. Giờ tao báo thù...”
Lúc 10 giờ, Barin bị sốt, run. Anh gọi ông trưởng tàu và xin thêm một cái mền. Sau đó, anh nằm bẹp, phủ hai cái mền từ đầu tới chân. Pulak Chakravarty đóng và chốt cửa buồng. Trước khi tắt đèn, anh ta quay sang Barin và nói, “Anh không khỏe. Tôi có mang theo thuốc đây, anh uống hai viên đi. Anh không quen đi máy lạnh phải không?”
Barin uống các viên thuốc. Vâng, nếu đã cho thuốc thì Chakravarty có lẽ sẽ không trừng phạt dữ dội. Nhưng Barin nghĩ ra một ý nghĩ. Anh phải trả lại chiếc đồng hồ cho chủ nó. Nhưng anh sẽ không nhúc nhích cho tới khi sốt hạ. Thân thể anh thi thoảng vẫn còn run.
Pulak tắt đèn đọc sách trên đầu. Tay anh ta đang cầm một cuốn sách. Anh ta sẽ đọc hay chỉ nhìn vào trang sách còn đầu thì đang nghĩ điều khác? Anh ta sẽ mất bao lâu để chỉ đọc vài trang sách?
Bỗng Barin thấy mắt anh ta không còn nhìn vào sách. Anh ta nhẹ quay đầu và nhìn Barin. Barin nhắm mắt. Lâu sau đó, anh mở một mắt và liếc nhìn Chakravarty. Vâng, anh ta vẫn nhìn Barin chằm chằm. Barin nhanh chóng nhắm mắt lại. Tim anh đập mạnh, như ếch thở, hòa theo nhịp bánh tàu.
Một tiếng tíc nhỏ cho anh biết là đèn đọc sách đã được tắt. Khá an tâm, anh mở hai mắt ra. Ánh sáng ngoài hành lang hắt vào khe cửa. Barin thấy Pulak Chakravarty đặt cuốn sách xuống bàn, cạnh chiếc túi của mình. Sau đó, anh ta kéo mền lên tận cằm, quay người về phía Barin và ngáy đều.
Nhịp tim của Barin dần ổn lại. Ngày mai, vâng, sáng mai, anh sẽ trả lại đồng hồ. Anh thấy vali của Pulak không khóa. Anh ta mới đi thay đồ ngủ vài phút trước.
Barin hết run. Có lẽ thuốc đã có hiệu quả. Chúng là thuốc gì? Anh uống đơn giản chỉ để kịp hát ở Delhi. Anh không quên tiếng vỗ tay của khán giả. Nhưng anh đã khôn ngoan? Nhỡ thuốc đó là thuốc...?
Không, anh không nên nghĩ về điều đó. Chiếc ly lại va vào thành tàu. Rõ ràng, những ý nghĩ trên chỉ là bệnh hoạn. Ngày mai, anh phải tìm ra phương thuốc. Nếu lòng không trong sáng, anh hát sẽ không hay và buổi diễn sẽ hoàn toàn thất bại. Hội Bengal sẽ...
Tiếng lách tách đánh thức Barin dậy vào sáng hôm sau. Bồi bàn mang vào bữa sáng, gồm bơ, bánh mì, trứng ốp la và trà. Anh nên ăn hết không? Anh còn sốt nhẹ không? Không, đã hết sốt. Thật sự, anh thấy mình khỏe. Thuốc hay quá! Anh bắt đầu thấy biết ơn Pulak Chakravarty.
Nhưng anh ta đang ở đâu? Có lẽ trong phòng tắm. Hay anh ta đang ở ngoài hành lang? Barin đi ra nhìn khi bồi bàn đã đi. Không có ai ngoài hành lang. Pulak đi đã bao lâu? Barin có nên chớp cơ hội này không?
Barin chớp cơ hội nhưng không thành công. Khi anh vừa lấy đồng hồ ra khỏi chiếc túi và cúi xuống để mở vali Pulak ra thì anh ta bước vô, tay cầm khăn và bộ dao cạo. Barin lấy tay khum tròn chiếc đồng hồ. Anh cứng người.
“Anh khỏe chưa?”
“Khỏe. Cảm ơn. Ờ... anh nhận ra thứ gì đây không?”
Barin xòe tay ra. Chiếc đồng hồ nằm trong lòng bàn tay. Một xung lực lạ trỗi lên trong đầu Barin. Đó là xung lực đã thúc giục anh lấy cắp chiếc đồng hồ khi ấy. Nhưng trò trốn tìm có phải là một hình thức của sự lừa lọc không? Sự căng thẳng, sự bất an, sự lo lắng, cảm giác trống rỗng trong lòng, cổ họng khô khốc, con tim đang đập mạnh, tất cả có phải là dấu hiệu của bệnh tật không? Cần phải vượt qua những điều này, nếu không, lòng sẽ không an.
Pulak bắt đầu lấy khăn lau tai. Khi thấy chiếc đồng hồ, anh ta đứng sững, chiếc khăn nằm bất động trên tai.
Barin nói, “Vâng, tôi là người đàn ông đó. Tôi giờ mập hơn, đã cạo ria mép và mang kính. Khi đó, tôi đi Patna còn anh thì đi Delhi. Năm 1964, anh nhớ không? Lúc đó, có một người đàn ông nhào vào đầu tàu còn anh thì xuống xem. Tôi lấy đồng hồ khi anh xuống.”
Mắt Pulak nhìn Barin chòng chọc. Barin thấy anh ta cau mày, đôi mắt trở nên trắng dã, lồi ra, đôi môi cũng mở ra, như muốn nói gì đó nhưng không tìm được lời.
Barin tiếp tục: “Thực sự, đó là chứng bệnh mà tôi phải gánh. Tôi muốn nói tôi không phải là kẻ cắp. Tôi biết tới một thuật ngữ y khoa từ lúc đó. Giờ thì tôi đã chữa bệnh và đã khỏi. Tôi dùng đồng hồ anh những năm qua và đang mang nó đi Delhi. Tôi gặp được anh là một điều kì lạ. Tôi nghĩ tôi nên trao nó lại cho anh. Tôi không nên giữ đồ lấy cắp...”
Pulak Chakravarty không biết nói gì, ngoài nói nhỏ “Cảm ơn.” Anh ta vẫn đứng chưng hửng nhìn chiếc đồng hồ giờ đã được trao lại cho mình.
Barin thu dọn bàn chải đánh răng, kem đánh răng và bộ dao cạo của mình. Sau đó, anh rút chiếc khăn đang treo trên móc và đi vào phòng tắm. Anh cất giọng hát ngay khi đóng cửa phòng tắm và vui mừng khi lời bài hát cũ, dạt dào được anh ta nhớ lại rõ ràng.
Anh mất ba phút để đến khu N.C. Bhowmik thuộc bộ tài chính. Sau đó, một giọng nói trầm, quen thuộc dội vào tai anh.
“Chào em!”
“Anh Nitish-da đó hả? Barin đây!”
“Ô, vậy là em đã đến. Chiều nay anh sẽ đi nghe anh hát. Em giờ đã là ca sĩ tiếng tăm. Ai dám nghĩ như vậy? Nhưng sao em gọi cho anh?”
“Vâng, anh có biết ai tên Pulak Chakravarty không? Anh ta nói anh ta là bạn đại học của anh. Anh ta biết quyền Anh?”
“Ai thế? Anh bạn cũ hay ăn cắp vặt Pulak?”
“Ăn cắp vặt?”
“Vâng, anh ta thuỗm mọi thứ anh ta thấy: bút máy, sách trong thư viện, vợt tennis trong phòng thể thao. Anh ta còn chôm cả cái bật lửa Ronson của anh. Thật buồn cười là anh ta không phải cần chúng. Anh ta không thiếu thứ gì trên đời. Cha anh ta rất giàu. Đó là bệnh.”
“Bệnh à?”
“Em chưa nghe sao? Đó là bệnh ăn cắp vặt!”
Barin bỏ điện thoại xuống và nhìn vào chiếc vali đã mở của mình. Anh đã kiểm tra nó ở khách sạn và chưa đóng lại. Không, không có lỗi gì. Vài thứ đã biến mất, gồm 1 cây thuốc lá, 1 cặp ống nhòm, 1 cái bóp có 5 trăm rupee.
Bệnh ăn cắp vặt. Barin đã quên từ này. Bây giờ nó lại vang vọng trong đầu anh ta.
Truyện ngắn của Satyajit Ray - Ấn Độ
Trần Ngọc Hồ Trường dịch
Nguồn Văn nghệ số 17+18/2024