Sự kiện & Bình luận

Câu ca “Trông trời, trông đất, trông mây…” mãi đúng!

Chính trị xã hội
08:39 | 21/08/2022
Có người nói: con người là giống thông minh nhất, giỏi giang nhất; nhưng con người cũng là giống ngu xuẩn nhất, ác độc nhất.
aa

Có người nói: con người là giống thông minh nhất, giỏi giang nhất; nhưng con người cũng là giống ngu xuẩn nhất, ác độc nhất. Thông minh, giỏi giang nhất vì con người đã tạo ra hàng ngàn, hàng vạn phát minh, phát kiến khoa học tạo nên nền văn minh rực rỡ trên trái đất, còn có tham vọng khám phá vũ trụ và bước đầu có những thành công.

Nhưng con người cũng là giống ngu si, ác độc nhất vì đã sản xuất ra những vũ khí giết người hàng loạt, đã hành xử với nhau theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”. Thế là cả thế giới phải chạy đua chiến tranh, phải nghĩ ra và sản xuất hàng loạt vũ khí tối tân. Nếu có một phép màu nào đó khiến nhân loại ngồi lại với nhau, các nước ngồi lại với nhau, cùng thỏa ước tồn tại trong hòa bình, thì những vũ khí tối tân kia, hàng chục triệu binh lính được trang bị đến tận răng kia… đều bị vứt bỏ thì số tài sản để chạy đua vũ trang, nhằm chém giết lẫn nhau… đã đủ để nuôi sống loài người một cách đàng hoàng.

Đấy là cách ứng xử với đồng loại, con người còn ác độc và ngu xuẩn khi ứng xử với thiên nhiên và muôn loài cùng sinh sống trên trái đất này. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước Phương Tây gọi trái đất là Bà mẹ Thiên nhiên và các nước phương Đông gọi là Tạo hóa. Bà mẹ Thiên nhiên và Tạo hóa đều đối xử bình đẳng, đều yêu thương những đứa con mà mình tạo ra. Nhưng con người độc ác và tham lam, muốn độc chiếm thiên nhiên, bắt muôn loài phải phục vụ cho nhu cầu và tham vọng vô đô của mình. Không khó để tìm ra những dẫn chứng con người đã làm biến dạng, méo mó thiên nhiên để phục vụ cho những mục đích ích kỷ của mình. Rồi hàng chục, hàng trăm loài sinh vật do Bà mẹ Thiên nhiên sinh ra đều bị con người tiêu diệt bởi những ham muốn ích kỷ của mình. Thế là sự cân bằng sinh thái bị phá vỡ, Bà mẹ Thiên nhiên và Tạo hóa nổi giận. Do vậy mới có biến đổi khí hậu và dịch bệnh xảy ra khắp nơi. Một bộ phận thông thái của con người đã tỉnh ngộ, tìm mọi biện pháp để thế giới cân bằng trở lại. Nhưng tất cả đã quá muộn, những cốp 26, cốp 27 và những cốp v.v… khác nữa, chỉ mong trái đất trở về như thời đại tiền công nghiệp. Ông Tổng thư ký Liên hợp quốc đành phải bất lực kêu lên: chúng ta đang tự sát tập thể! Nhưng muộn còn hơn không, nếu chúng ta làm cho thế giới tự nhiên cân bằng ở một mức độ nào đó thì con người vẫn có thể tồn tại được_tất nhiên là khó khăn hơn nhiều. Và chúng ta hy vọng đưa con người lên tị nạn ở những hành tinh khác mãi mãi chỉ là ước vọng.

*

Cũng như thế giới, Việt Nam cũng có một thời kỳ ảo tưởng sẽ chinh phục và cải tạo thiên nhiên “xoay trời chuyển đất, sắp đặt lại giang sơn”. Cách đây dăm sáu chục năm dân số nước ta chỉ trên dưới 30 triệu người, nhưng do tổ chức sản xuất yếu kém, năm nào cũng thiếu ăn. Thế là đáng lẽ phải nâng cao năng suất trong nông nghiệp, chúng ta lại đi phá rừng để trồng ngô, khoai, sắn mong cứu đói. Những cuộc khai hoang Tây Bắc, Việt Bắc và việc thành lập một loạt nông trường khi ấy, chính là những vụ phá rừng tập thể, phá rừng có kế hoạch. Ngày tôi còn bé vẫn nghe nói cọp về cách Nho Quan (Ninh Bình) có vài cây số. Bây giờ thì những loại thú hoang dã như hổ, gấu, hươu, nai, hoẵng… hầu như không còn ngoài thiên nhiên. Sau này chúng ta sửa sai, tổ chức lại sản xuất, cho người dân tự làm tự ăn thì chỉ một năm sau, từ chỗ thiếu đói chúng ta đã xuất khẩu được hàng triệu tấn gạo. Bây giờ nước ta đã là cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới lại còn là cường quốc xuất khẩu nhiều loại sản phẩm nông nghiệp khác. Trước đây năm nào cũng giải cứu đói kém, thì nay năm nào cũng phải giải cứu nông sản thừa cho nông dân.

Trước đây cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nêu ra quan điểm: sống chung với lũ, không ít người còn e dè, thậm chí không tin. Bây giờ những năm lũ về là bà con nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long lại vui mừng như bắt được vàng. Nhưng nói “Sống chung với lũ” chỉ là một cách nói vui, đây chính là môt quan điểm rất mới, rất khoa học: không nên đặt vấn đề cải tạo thiên nhiên (vì rất khó mà chắc gì đã làm được) mà phải dựa vào thiên nhiên, nương theo thiên nhiên mà sản xuất, sinh sống. Bây giờ rất nhiều chính sách của chúng ta (nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long) đã nương theo tự nhiên, đã thuận thiên để chắc chắn có ăn, chắc chắn thắng lợi. Câu ca “Trông trời, trông đất, trông mây”… có một thời bị chế diễu, dè bỉu bây giờ cũng được chứng minh là đúng. Mãi mãi đúng.

Đối với ngành nông nghiệp, có lúc chúng ta rẻ rúng, không coi trọng (mặc dù chúng ta có truyền thống hàng nghìn năm làm nông nghiệp) nhưng trong những bước quanh của nền kinh tế Việt Nam và thế giới, nông nghiệp luôn luôn chứng mình là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong kinh tế nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến tựa hai vế, ngành chế biến của ta còn yếu kém. Nhưng ngay cả trong nuôi trồng chúng ta cũng còn có những nhận thức chưa chuẩn. Bây giờ ai ai cũng nói là nuôi trồng sinh học và cho rằng nuôi trồng sinh học là thành tựu của Phương Tây mà ta cần phải theo. Tại sao lại có sự lầm lẫn và tự ti thế nhỉ? Hàng trăm năm trước đấy ông cha ta đã nuôi trồng sinh học rồi, vì khi đó làm gì có thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn công nghiệp. Ngày xưa người nông dân trồng cấy bằng phân Bắc, phân chuồng, nuôi trâu bò, gia súc gia cầm bằng rơm, cỏ, bằng cám, ngô… không phải nuôi trồng sinh học thì là gì? Có điều khi đó khoa học chưa phát triển cho nên nuôi trồng hầu hết là tự phát và năng suất chưa cao. Bây giờ, ta tiếp thu những thành tựu khoa học trên cái nền đã có từ hàng trăm hàng nghìn năm trước. Không biết tự bao giờ cái thói tự ti đã len lỏi khắp nơi, trong tư duy của người Việt. Xin mở ngoặc nói rộng ra một chút: chúng ta cứ tự hào nền văn hóa truyền thống của chúng ta đã có từ hàng nghìn năm, vừa phong phú, vừa đa dạng. Nhưng thử hỏi Phương Tây đã học gì của ta?... Còn ta thì từ ngày lễ tình nhân, ngày của cha, ngày của mẹ, lễ tạ ơn, lễ Nô-en… hàng triệu nam thanh nữ tú nhớ vanh vách và răm rắp làm theo trong khi những ngày lễ truyền thống của ta nhiều người không hề biết. Trở về với chủ đề chính: chúng tôi đề nghị nên bỏ thuật ngữ “thị trường khó tính” khi các nước EU, Nhật Bản, Mỹ… không chịu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của ta vì còn dư lương kháng sinh còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Bởi họ làm thế là hoàn toàn đúng, là chỉ ăn những thực phẩm sạch. Bởi nếu coi họ là những người khó tính thì mặc nhiên coi thị trường trong nước là dễ tính, là ăn bẩn. Nói như thế là vô trách nhiệm, là có tội với người tiêu dùng trong nước. Cách đây ít lâu, báo chí có đưa tin không ít công-ten-nơ hàng xuất khẩu của ta bị bạn chê vì dư lượng kháng sinh, chất bảo vệ thực vật… phải chở về. Nhưng đáng lẽ phải đổ đi, thì người ta lại bán cho dân. Như thế người Việt Nam được ăn bẩn à! Còn nữa, chúng ta đã quá quen khi nghe nói: không sử dụng chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi, nhưng không hề nghe thấy xử lý những người nhập chất cấm hoặc sản xuất chất cấm, chẳng lẽ người nhập, sản xuất các chất này lại vô can.

Xin các cơ quan chức năng nước ta cũng khó tính đi cho dân được nhờ. Và hàng ngày đọc báo, nghe đài, xem ti vi thấy các cơ quan chức năng của ta bắt quả tang những cơ sở sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, thực phẩm bẩn… và bắt chủ nhận của chúng phải tiêu hủy hoặc xử phạt hành chính nhưng chưa nghe (hoặc có thì rất hiếm) nói người đó phải ra tòa, phải xử lý hình sự. Bởi đây là hành vi giết người hàng loạt (có điều nó chưa gây nên cái chết ngay) phải xử lý thật nghiêm minh. Tội phá rừng cũng vậy, chưa bị xử lý nghiêm minh, cho nên hết chuyện phá rừng nơi này lại đến chuyện phá rừng nơi khác, không biết đến bao giờ mới hết. Tôi rất ấn tượng một cái tin xem trên ti vi từ rất lâu: ở châu Âu khi chặt một cái cây trưởng thành để sản xuất, thì phải trồng bù một cái cây vào đó! Tôi cứ ao ước đến bao giờ nước mình làm được điều này?

Nguồn Văn nghệ số 34/2022


Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...