Cách đây không lâu, có dịp sang công tác tại Cộng hòa Liên bang Đức, tôi lại đến thăm nhà nhiếp ảnh lão thành Horst Sturm, người đã chụp nhiều ảnh Bác Hồ. Có thể nói, ông là người còn giữ nhiều nhất ảnh Bác Hồ ở Đức, đặc biệt là về chuyến thăm hữu nghị chính thức của Người tại Cộng hòa Dân chủ Đức cách đây trên sáu thập kỷ (từ 25/7 đến 1/8/1957). Ông đã có mặt trong mọi hoạt động của Bác Hồ trong những ngày lịch sử ấy.
Như mọi lần, sau câu chuyện thân tình, ông lại dành cho tôi một số tấm ảnh do ông chụp để làm quà. Trong số ảnh lần này, tôi rất thích các tấm ảnh Bác Hồ thăm thành phố trẻ tuổi Eisenhüttenstadt. Khi Người đến đây, thành phố mới được 6 tuổi. Cùng với xí nghiệp luyện kim, thành phố này là công trình xã hội chủ nghĩa hoàn chỉnh đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Đức.
Bác Hồ cùng ba cháu bé ở thành phố Eisenhüttenstadt |
Trên một bức ảnh, Bác Hồ đang tươi cười trò chuyện với Quốc vụ khanh Max Friedemann (phụ trách ngành khai thác và luyện kim) và một công nhân ưu tú trong xí nghiệp. Bác rất cảm động khi được giới thiệu: “Nơi chúng ta đang đứng đây, 6 năm trước hãy còn là một khu rừng thông, một bãi cỏ rậm, hoàn toàn không có điều kiện để xây dựng một khu gang thép: không có đường phố, không có giao thông, không có than cốc, không có quặng, đặc biệt không có chuyên gia ngành luyện kim… Vùng này cũng chưa hề có một đội ngũ công nhân, nhân dân ở đây chưa hề biết gì về công nghiệp, họ thường là dân đốn gỗ, làm bánh ngọt, thợ cắt tóc, thợ mộc và một ít thợ nguội. Thế mà ngày nay họ đã trở thành những công nhân luyện kim, làm ra sắt thép cho chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi đã từ con số không mà làm nên sự nghiệp đấy, đồng chí Chủ tịch ạ! Một phần cũng là nhờ công ơn của các bạn Liên Xô và Ba Lan đã giúp quặng, than cốc. Bấy giờ, kẻ địch của chúng tôi bĩu môi: Hai năm nữa cũng đừng hòng lát nổi viên đá đầu tiên cho khu gang thép ấy. Vậy mà, chỉ sau 9 tháng, chúng tôi đã xây xong lò cao số 1!”.
Nhà nhiếp ảnh Sturm cho biết: nghe tới đó, Bác Hồ vui hẳn lên. Bác Hồ nghe, lúc nở nụ cười, lúc Bác trầm ngâm và hỏi một vài chi tiết nhỏ, chứng tỏ Người rất quan tâm những điều cán bộ và công nhân xí nghiệp luyện kim kể lại. Rồi Người thong thả nói:
- Các đồng chí ạ! Về đây với các đồng chí, chúng tôi rất phấn khởi. Các đồng chí đã thực hiện được lời dạy của Mác: giai cấp vô sản đã đến lúc có khả năng cải biến thế giới. Như những người công nhân Xô Viết đã từ đồng lầy xây dựng nên các thành phố hiện đại, như công nhân Việt Nam đã biến đất nước thuộc địa của mình thành một nước tự do, ở đây, tại đây, các đồng chí đã từ những khu rừng thông làm nên một xí nghiệp liên hợp xã hội chủ nghĩa! Tôi xin chúc mừng các đồng chí!
Nhà nhiếp ảnh lão thành xúc động nhớ đến hàng nghìn gương mặt tại hội trường lớn của xí nghiệp hân hoan, tươi cười, tiếng vỗ tay như sấm dậy và hô lớn những khẩu hiệu: “Hu-ra! Hu-ra!”, “Đồng chí Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Tình hữu nghị Đức - Việt Nam muôn năm!”. Trong không khí tưng bừng ấy, Ban giám đốc xí nghiệp trân trọng đề nghị Bác Hồ ghi cảm tưởng vào Sổ vàng của xí nghiệp. Người viết:
“Chúc mừng thành phố của các đồng chí, một thành phố mới, trẻ, một thành phố hoàn toàn xã hội chủ nghĩa đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Đức.
26.7.57.
Hồ Chí Minh”
Sau đó, Người đi thăm xí nghiệp, gặp gỡ hỏi chuyện công nhân về điều kiện lao động và sinh hoạt. Đâu đâu Người cũng nhận được những bó hoa tươi thắm dâng lên Người.
Đặc biệt, không chỉ nghe các vấn đề lớn với tất cả nhiệt tình, Người cũng rất quan tâm đến từng chuyện riêng của mỗi người. Đến phòng nghỉ để uống cà phê và ăn bánh ngọt, Người nói chuyện với Quốc vụ khanh Max Fridemann rất lâu. Người hỏi ông vì sao biết tiếng Pháp (trong khi Bác tiếp xúc với công nhân, có lúc ông đã tham gia dịch). Friedemann kể rằng, ông đã từng chiến đấu ở Tây Ban Nha, rồi sang Pháp tham gia phong trào kháng chiến ở Pháp. Bác Hồ còn hỏi ông về gia đình riêng. Bác tỏ ra rất thích thú khi biết vợ chồng Friedemann cùng chiến đấu ở Tây Ban Nha.
- Lúc ở Tây Ban Nha, các đồng chí có gặp nhau luôn không?
- Chúng tôi mỗi người một mặt trận. Ba năm liền không gặp nhau, sau này lại xa nhau 10 năm nữa, nhưng cả hai đều rất kiên định. Cuộc sống trong chiến đấu thật gian khổ, nhưng rất đáng nhớ, đáng yêu.
Sau này, kể lại cuộc tiếp xúc cởi mở với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc vụ khanh Friedemann nói: “Đối với chúng tôi, Người là tấm gương của đức tính giản dị, Người ân cần như một người cha. Gặp Người, ai cũng thấy dễ mến, dễ gần, mặc dù biết Người là một lãnh tụ lỗi lạc, một trong những người lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản!”.
Với sự giới thiệu của Horst Sturm, tôi như bị cuốn hút vào tấm ảnh Bác Hồ nắm tay ba cháu nhỏ, đi trong thành phố, dưới làn mưa bụi. Ba cháu gái đó tên là Margit Ueberscheer, Hannolore Patzel và Sybille Kahl, đều là con của công nhân trong xí nghiệp liên hợp, trước đó được vui sướng dâng hoa lên Bác Hồ. Tấm ảnh này đã trở thành tượng trưng cho lòng yêu mến thiếu nhi của vị lãnh tụ đến từ Việt Nam. Nó đã được in và phổ biến rộng rãi trên báo chí Đức trong mấy chục năm qua.
Năm 1968, nhân kỷ niệm sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố Eisenhüttenstadt cho in tấm ảnh lên trang đầu tờ báo của Đảng bộ địa phương và hỏi xem ba cháu gái trong ảnh hiện nay ở đâu. Thật là thú vị, chỉ 8 tiếng đồng hồ sau khi tờ báo phát hành, có hai cô gái và một bà mẹ trẻ đã đến trình diện. Cả ba người hiện nay đã trở thành những nhà khoa học và viên chức trẻ tuổi. Các cô được mời đến thăm đội sản xuất mang tên anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, cùng chụp ảnh và gửi thư chúc thọ Bác Hồ. Các cô viết:
“Kính thưa Bác Hồ!
Như cách đây mười một năm, Bác đã cầm tay các cháu và chúng cháu sung sướng được đi với Bác trong thành phố thân yêu của chúng cháu, những năm qua xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước chúng cháu đã dẫn dắt chúng cháu vào cuộc sống. Chúng cháu đã trở thành những đội viên tốt trong Đội thiếu niên “Ernst Thaelmann”, sau đó thành những đoàn viên tích cực của Đoàn thanh niên xã hội chủ nghĩa và ngày nay chúng cháu đang học nghề hóa chất nông học, vẽ thiết kế máy và kỹ thuật cơ khí viễn thông. Trong mỗi bước đi trong đời, chúng cháu không bao giờ quên tình đoàn kết với tất cả các dân tộc đang đấu tranh cho tự do. Trong tương lai, chúng cháu cũng hành động như vậy. Đặc biệt là với nhân dân Việt Nam hiện nay đang đấu tranh cho tự do của mình”.
Sau khi nhận được, Bác Hồ đã cho đăng bức thư và ảnh của các cháu lên báo Tiền phong, đồng thời ủy nhiệm Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin chuyển thư và quà của Người đến các cháu.
Bức thư dài rất cảm động của Đội Lao động “Nguyễn Văn Trỗi” thì được Người cho đăng toàn văn lên trang nhất báo Lao động của Tổng Công đoàn Việt Nam (số ra ngày 13/7/1968). Người cũng gửi thư và quà tới Đội. Đó là một ngày vô cùng hạnh phúc của những người công nhân trong xí nghiệp Liên hợp Eisenhüttenstadt. Họ đã quây quần dưới bức chân dung của Bác Hồ và ôn lại những kỷ niệm về ngày Người đến thăm trước đó hơn 10 năm.
Nguồn Văn nghệ số 21/2020