Xét từ góc độ cảm nghĩ thông thường, dưới ảnh hưởng của lối đọc tiền hiện đại chỉ nhăm nhăm đi tìm cốt truyện và chú ý đến nghệ thuật xây dựng nhân nhân vật, cuốn tiểu thuyết mỏng “Vết thương hoa hồng” của Nguyễn Văn Học không có nhiều điều đáng nói. Dưới một lối viết khá truyền thống, với mô thức tự sự tuyến tính không áp dụng nhiều kĩ thuật trần thuật (hậu) hiện đại, “Vết thương hoa hồng” không phải là một cuốn tiểu thuyết mạnh về hình thức thi pháp, mà về cơ bản, nó phù hợp với mọi cộng đồng diễn giải khác nhau, tầm đón nhận nào cũng có thể tiếp nhận văn bản một cách rốt ráo. Tuy vậy, bạn đọc phổ thông cũng rất có thể cảm thấy hụt hẫng vào cuối truyện, bởi sự chờ mong một cái kết có hậu của họ không được “đền đáp”. Câu chuyện bị bỏ lửng một cách có chủ ý, cái ác không thực sự bị trừng trị, và người tốt, cuối cùng đã không gặp một “ông bụt, bà tiên” nào cả để nhận lấy một phép màu phục sinh. Tâm lý hồi hộp, chờ đợi một kết thúc mang màu sắc cổ tích của bạn đọc tiền hiện đại bị “phản bội”, dẫn đến trạng huống băn khoăn của sự đọc. Tại sao tác giả không hướng đến bạn đọc hàn lâm thuộc hệ hình tư duy hiện đại - hậu hiện đại (với một lối viết, thi pháp tân kỳ), nhưng cũng hình như chẳng hướng đến bạn đọc phổ thông với hệ hình tư duy tiền hiện đại, bởi câu chuyện có một cái kết bỏ lửng khá “khó chịu”?