Hòa với nhịp dòng chảy của Lịch sử văn học Việt Nam và những tác động mạnh mẽ từ tình hình kinh tế xã hội của đất nước và thành phố Hải Phòng thời kỳ đổi mới, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng với tư cách là lực lượng sáng tác nòng cốt của văn học Hải Phòng trong giai đoạn 20 năm đầu thế kỷ 21 đã có nhiều thành công trên các lĩnh vực hoạt động và tạo ra bước ngoặt của văn học thành phố Cảng.
Các nhà văn và đại biểu tham dự tại Đại hội Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng lần thứ 4 |
Quy mô đội ngũ nhà văn Việt Nam tại thành phố không ngừng phát triển. Tính tổng số hội viên đã tham gia Chi hội là 45 nhà văn, trong 10 năm gần đây từ 2010 đã có tới 18 người trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
2. Số lượng và chất lượng sáng tác tác phẩm văn học của Chi hội cũng phát triển vượt bậc. Theo đó, về số lượng, trong 35 năm đổi mới số đầu sách của các nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng được ấn hành với trên 200 tác phẩm. Trong đó, nhà văn có số tác phẩm xuất bản ít nhất là 03 và nhiều nhất là 25 tác phẩm.
Về chất lượng: gần 4/5 Hội viên Chi hội sở hữu ít nhất một giải thưởng văn học. Có tới 2/3 số nhà văn đoạt giải thưởng văn học của Nhà nước, giải của các Hội trung ương hằng năm và quốc tế. Trong đó những nhà văn tiêu biểu là: Thi Hoàng - Giải thưởng Nhà nước 2007; Các tác giả có giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam: Nguyễn Quang Thân, Bùi Ngọc Tấn, Đình Kính, Mai Văn Phấn, Bão Vũ… Riêng nhà văn Bùi Ngọc Tấn đoạt giải thưởng lớn Henri Queffélec trong Festival Sách và Biển ở Pháp năm 2012 và nhà thơ Mai Văn Phấn đoạt Giải thưởng Cikada Thụy Điển năm 2017. Nhóm các tác giả đã đoạt giải thưởng hàng năm của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam bao gồm: Kim Chuông, Vũ Thị Huyền, Hồ Anh Tuấn, Trần Quốc Minh, Đồng Đức Bốn, Cao Năm, Nguyễn Quốc Hùng, Dương Thị Nhụn, Nguyễn Thúy Ngoan, Nguyễn Đình Minh, Phạm Xuân Hiếu.
3. Tình hình văn học cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21có những biến chuyển mạnh. Sự kiện “văn học được cởi trói” năm 1986 đã tác động mạnh tới các cây bút của văn đàn Việt và Hải Phòng nói riêng. Đặc biệt các nhà văn có những góc nhìn mới, vừa mang dấu ấn thế hệ vừa tiếp cận đời sống hiện thực.
3.1. Với văn xuôi, Nguyễn Quang Thân là một trong những người mở đầu cho công cuộc đổi mới văn xuôi Hải Phòng với tiểu thuyết Hội thề đề tài lịch sử về cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn đã “dậy sóng” dư luận. Trong khí đó, Bùi Ngọc Tấn (1934-2014) bắt kịp trào lưu đổi mới. Ông tác phẩm của ông đứng về “phe nước mắt” như ông tự nhận; bởi thế phần lớn ông viết về những con người bình thường với sự trân trọng, thương xót. Đoàn Lê từng bùng nổ dữ dội khi khai mở các đề tài lạ: đó là những chuyện ghê rợn ở tiểu thuyết Tiền định, hoặc trong truyện Nghĩa địa xóm Chùa có cả một hệ thống hồn ma đội mồ dậy bàn chuyện thế sự.
Nhà văn Đình Kính với tiểu thuyết Sóng chìm viết về số phận bi hùng của những người lính trên “Đoàn tầu không số” trở thành tiểu thuyết chiến tranh trên biển thời chống Mỹ rất độc đáo. Với tiểu thuyết lịch sử Mạc Đăng Dung, Lưu Văn Khuê tỏ ra cứng cỏi trong lập luận dựa trên những quan điểm khoa học khách quan về đánh giá lịch sử khi tác giả phán xử công trạng của Vương triều Mạc mà không chịu lệ thuộc vào chính sử phong kiến. Bão Vũ tỏ ra tinh tế khi dựng các tình huống truyện mà vốn dĩ chỉ là những tình tiết nhỏ bé cổ xưa và tạo truyện hấp dẫn giàu suy tưởng.
Lứa nhà văn phía sau, Dương Thị Nhụn với Thuyền nghiêng tái tạo một “thế giới huyễn thực” gắn với triết lý nhân quả của Phật giáo để mở ra một thế giới quan tiểu thuyết khác biệt so với những khuôn sáo trước đó. Một Dòng sông chở kiếp của Nguyễn Quốc Hùng bời bời số phận người nông dân thời hiện đại. Năm 2022, xuất hiện tiểu thuyết Thiên hà cổ vật của Phạm Xuân Hiếu lại dựng lên một biện chứng theo góc nhìn tác giả về vũ trụ muôn loài…
Mặc dù còn những hạn chế theo góc nhìn của nhà văn Lưu Văn Khuê là do bối cảnh chính trị và năng lực cá nhân của các nhà văn, song khách quan đánh giá thì văn xuôi Hải Phòng cũng ghi được những dấu ấn đổi mới và tự vượt chính mình hòa nhập vào dòng chảy văn chương đương đại.
3.2. Cùng với Văn xuôi, sự đổi mới ở Thơ có bước chuyển biến mạnh mẽ. Ở giai đoạn 1986-1996 trên văn đàn Việt xuất hiện cuộc “cách tân” thi ca. Tuy nhiên, “Đường thơ của Hải Phòng” lại khác biệt, nó tự tạo lối đi riêng không bị hòa tan vào phong trào “cách tân” ồn ã trên văn đàn. Những đổi mới của thơ giai đoạn này được thể hiện qua một số nội dung nổi trội sau.
Trước hết “Cảm hứng sử thi” vẫn nguyên vẹn sự yêu tin nhưng cách nhìn nhận, đánh giá hướng về nhiều chiều. Tổ quốc không chỉ rực rỡ một màu hồng chiến thắng trong một hiện thực “nhìn thấy” như trong thơ giai đoạn trước, những bi tráng về số phận của dân tộc được phản ánh thông qua rung cảm nóng mà còn được dẫn bởi cả lý trí sáng lạnh; bởi vậy nó được nhìn nhận toàn diện cả hai mặt với những nỗi nhức nhối buốt xót đớn đau và khát vọng vươn lên. Ở đề tài này, ngòi bút của Phạm Xuân Trường, Mai Văn Phấn và Nguyễn Đình Minh luôn day trở trong nhiều bài thơ và cả những tập thơ.
Bên cạnh đó xuất hiện những tiếng thơ hướng về bảo vệ những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc, bằng những phản biện nhân văn sâu sắc.Thi Hoàng nói về những thô ráp của hiện thực đời sống, để diễn ngôn sự sa đọa của văn hóa. Tô Ngọc Thạch có hàng loạt bài viết về sự tha hóa của cõi người. Tuy nhiên, sẽ không trọn vẹn nếu không nói đến cảm hứng ngợi ca đất nước, thành phố biển và người lính như các tác giả: Hồ Anh Tuấn, Lưu Ly, Nguyễn Đình Tâm, Đinh Thường. Đồng thời những khát vọng bắc cây cầu hòa bình, yêu thương ra thế giới như Trần Quốc Minh…
Ở giai đoạn này trong nhiều nhà thơ có xu hướng trở về với cái tôi cá nhân, những âu lo của đời sống thường nhật. Tiếng thơ Dư Thị Hoàn bộc lộ nhãn quan phán xét mạnh mẽ những ngang trái, trớ trêu của đời người. Nhà thơ Kim Chuông với những cung bậc yêu “nổi loạn”. Vũ Thành Chung với cảm thức về quê hương với nỗi đau tê tái. Đồng Đức Bốn trong bài thơ lục bát Vào chùa phác họa hình ảnh hai loại người ăn mày khác nhau: nhà sư và kẻ ăn xin. Nguyễn Thị Thúy Ngoan, Vũ Thị Huyền và Phạm Thúy Nga, day trở, đớn đau về thân phận người phụ nữ đa đoan thời hiện đại. Trần Ngọc Mỹ thương cảm với tình đời tình người nơi phố thị. Những người lính trở về như Dương Xuân Huynh mang những ưu tư về tình yêu đầu tan vỡ; Trần Đức Trí thấy tiếng buồn vang vọng từ nội tâm đến ngoại giới. Còn Phạm Ngà đã diễn tả nỗi đau nhân gian ấy khi ngộ ra mình chỉ là “chiếc bóng” ở thì tương lai…
Đây cũng là thời điểm mà xu hướng đề cập đến những vùng mờ tâm linh xuất hiện. Thi Hoàng trong trường ca Vệt sáng viết về hậu chiến, đã mở rộng không gian, thời gian xuyên sang tận cõi tâm linh. Một số bài thơ của Mai Văn Phấn có không khí liêu trai hay tư tưởng Phật Giáo. Phạm Xuân Trường thường sử dụng yếu tố tâm linh để nói cái quy luật duy vật xoay vần nơi cõi nhân thế. Nguyễn Đình Minh có ý thức trong kết hợp hai yếu tố “trí tuệ tự có bên trong lòng người” và “thông linh luận” để tri nhận và cảnh báo con người cần nhận thức về ơn huệ vô cùng quý giá và bớt ngạo ngược xách hằng trước Mẹ thiên nhiên.
Một ghi nhận không thể bỏ qua là khi trên văn đàn Việt thơ viết cho thiếu nhi đang nhạt nhòa thì ở Hải Phòng mảng thơ này lại đậm đà hơn. Đã rất nhiều tác giả Hải Phòng có thơ trong Sách giáo khoa như Kim Chuông, Trần Quốc Minh, song tác giả thủy chung nhất với dòng thơ thiếu nhi là Hoài Khánh. Thơ thiếu nhi Hoài Khánh là sự trong trẻo và hấp dẫn bởi chất thơ, đặc biệt đậm đà chất nhân văn. Gần đây xuất hiện thêm những tác giả viết cho thiếu nhi gây dược tiếng vang như Trần Ngọc Mỹ, Lê Phương Liên…
Ở giai đoạn 2015-2020, tại Hải Phòng đã xuất hiện nhóm tác giả “xuất khẩu” thơ ra nước ngoài. Bằng nỗ lực cá nhân nhiều tác giả đã đã tự kết nối thực hiện quy trình dịch thuật tác phẩm của mình bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tiêu biểu là các nhà thơ: Mai Văn Phấn, Kim Chuông, Tô Ngọc Thạch, Nguyễn Đình Tâm. Những tác phẩm của các nhà thơ này đã hòa vào nhịp sống văn học thế giới.
4. Về dấu ấn nghệ thuật: Bên cạnh một bộ phận nhỏ lưu giữ thi pháp truyền thống thì còn lại đều tự đổi mới mình theo các con đường khác nhau mà phần lớn là theo hướng tiếp cận hình thức thơ hiện đại với ý thức đổi mới chọn lọc cẩn trọng. Sự cách tân táo bạo theo xu hướng hậu hiện đại đã xuất hiện ở một vài tác giả.
Bức tranh thơ Hải Phòng đa sắc màu với tính cá thể hóa rõ nét. Mỗi tác giả tùy thuộc sở trường năng lực của mình tự tạo dựng phong cách thi pháp riêng.
5. Nhìn lại một cách khái quát, thời kỳ “đổi mới” tình hình văn học Hải Phòng có nhiều nét thay đổi. Số hội viên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam gia tăng mạnh. Tác phẩm văn học ra đời với số lượng lớn. Những sáng tác của các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam Hải Phòng vào 20 năm đầu thế kỷ 21 có những chuyển biến mạnh theo hướng đổi mới tích cực cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Trải qua trên 30 năm song hành với công cuộc đổi mới của văn học Việt; với chủ chương hòa nhập nhưng không hòa tan vào những xu hướng cách tân ồn ào trên Văn đàn giai đoạn này; các tác phẩm của các Nhà văn thuộc Chi hội đã tạo nên “bản sắc” riêng và ghi dấu ấn nổi trội tỏa sáng trên văn đàn quốc gia.
Nguyễn Đình Minh Trưởng chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng
Nguồn Văn nghệ số 48/2023