Tâm hồn thơ trong sáng, những vần thơ hào hùng hòa trong giai điệu chung của thơ ca chống Mỹ của Lưu Quang Vũ đã được nhiều người đề cập đến. Và với bấy nhiêu đó, Lưu Quang Vũ cũng đã thực sự trở thành một trong những nhà thơ trẻ tiêu biểu của nền thơ chống Mỹ Việt Nam.
Ở phạm vi bài viết này, tôi xin được đề cập đến một “góc khuất’, “góc tối” trong thơ anh mà khi chiến tranh đã qua, đất nước thống nhất, hòa bình đã gần nửa thế kỷ, ta mới chợt nhận ra, cái “góc khuất”, “góc tối” thơ kia, như những viên ngọc mà do những thiên kiến phủ lên một lớp bụi dày, ngày càng sáng lên và có sức chiếu rọi đến góc gách tâm hồn con người trong không khí hòa giải, hòa hợp của nền thơ ca đương đại. Năm 2018, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo văn học về hòa giải, hòa hợp, không biết trong gần 70 tham luận có ai chú ý đến trường hợp Lưu Quang Vũ hay chưa! Nhưng theo tôi, chiến tranh và thân phận con người cùng với tinh thần hòa giải, hòa hợp đã xuất hiện trong thẳm sâu của hồn thơ Lưu Quang Vũ ngay từ thời chiến ở những bài thơ chưa từng được công bố trước đây.
1.
Lịch sử dân tộc Việt Nam luôn phải gánh chịu những cuộc chiến tranh xâm lược, gánh trên vai quá nhiều đau khổ. Chiến tranh, nỗi đau chia cắt hai miền Nam - Bắc giai đoạn 1954-1975 cũng nằm trong nỗi đau lịch sử ấy. Chính vì lẽ đó, ngày trong thời chiến, Lưu Quang Vũ luôn canh cánh bên lòng và kêu gọi sự thương yêu, đùm bọc lẫn nhau để sống: Dân tộc trải xót xa nhiều nỗi khổ/ Phải thương nhau mới sống được trên đời (Đất nước đàn bầu). Dù thừa biết thanh niên miền Nam hầu hết chỉ là những người cầm súng đánh thuê, nhưng Lưu Quang Vũ cũng thấy thực sự đau lòng vì sự bắn nhau vô nghĩa lý ấy: Bây giờ/ Hai đạo quân đã giết hết nhau/ Tiếng trống cuối cùng đã bặt/ Người ngựa đều ngã gục/ Chỉ còn con quạ xám đậu trên bờ (Bây giờ). Trong “cơn bão” chiến tranh ấy, những người con hai miền đứng hai đầu chiến tuyến cực chẳng đã phải bắn giết lẫn nhau. Dù tên tuổi của đội quân miền Nam mang đầy chất “dã thú” do những kẻ cầm đầu đặt tên thì họ vẫn là những chàng thanh niên Việt. Lưu Quang Vũ cũng như nhiều người khác cùng đau nỗi đau này. Nhưng nói lên điều này ở miền Bắc lúc bấy giờ, có lẽ chỉ là Lưu Quang Vũ: một bên là con trai Thanh Hóa, Thái Bình/ một bên là con những bà mẹ Thừa Thiên, Phan Thiết/ những sinh viên Sài Gòn/ những sĩ quan Đà Lạt/ những đội quân mang tên dã thú/.../ chúng tôi nằm dưới đường hào ngập nước/ xa mọi người, xa mẹ, xa quê hương/ ai bảo chúng tôi là tuổi trẻ tươi xanh/ với mũi lê, với phát đạn đầu tiên/ chúng tôi đã không còn trẻ nữa (Cơn bão). “Tuổi trẻ tươi xanh” của họ là những người “bạn cùng làng”, nhưng thời cuộc đã kéo họ về hai bên của cuộc chiến. Lưu Quang Vũ viết:
Bạn cùng làng mỗi đứa mỗi phương
Kẻ lính ngụy, người thành quân giải phóng
Em xa cách trong cắt chia, lửa đạn
Hai mươi năm người cũ khác xưa không
(Mùa xoài chín).
Khi viết về “quân thù”, Lưu Quang Vũ vẫn cho ta cảm giác, tác giả đang đau cùng nỗi đau của chính họ: bên kia đồi gianh khét lẹt/ quân thù cháy giữa vòng vây/ mấy gã tù binh ngồi khóc/ run run những cánh tay gầy (Những đứa trẻ buồn). Và: Những tuổi thơ không có tuổi thơ/ Những đôi mắt tráo trơ mà tội nghiệp/…/ Những bông hoa chưa nở đã tàn/ Những cành cây chưa xanh đã cỗi (Những tuổi thơ). Và cho dù gọi họ đích danh là “lính ngụy” thì Lưu Quang Vũ cũng dành cho họ những lời thơ dữ dội và đau thương về cái chết của “những gương mặt trẻ măng”: xác nguỵ nằm ruồi muỗi bâu đầy/ những đôi mắt bệch màu hoa dại/ những gương mặt trẻ măng xanh tái/ những bàn tay đen đủi chai dầy (Những đứa trẻ buồn). Những câu thơ này quả là một hiện tượng lạ trong thơ ca miền Bắc lúc bấy giờ. Thậm chí, ý thức hòa giải của Lưu Quang Vũ còn mạnh mẽ đến mức, anh mong họ và người thân hãy tha thứ cái việc “chẳng thể làm khác được” của người ở phía bên này:
các anh ơi, đừng trách chúng tôi
các bà mẹ, tha thứ cho chúng tôi
chúng tôi chẳng thể làm khác được
(Những đứa trẻ buồn).
Táo bạo hơn, Lưu Quang Vũ còn gọi “cuộc chiến tranh này là khoản thuế đò ngang” phải nộp để bước qua dòng sông lịch sử, để bước đến hòa bình, thống nhất - bước sang một “bờ mới chín vàng”, “được làm con người trở lại”: quả đồi cháy như một phần quả đất/ bao đời người ta đã giết nhau/ với các anh tôi oán hận gì đâu/ nhưng còn có cách nào khác được/ cuộc chiến tranh này là khoản thuế đò ngang/ con người sang một bờ mới chín vàng/ con người được làm con người trở lại (Những đứa trẻ buồn). Đọc đến đây ta chợt nhớ một đoạn nhạc phản chiến ở miền Nam của Trịnh Công Sơn cũng có ước mơ như vậy: Đêm vui mừng, đêm tưng bừng, người Việt hát cuối làng đầu phố. Đêm xa lạ, đêm chói lòa, người Việt sống như chưa bao giờ (Đêm bây giờ, đêm mai này). Và có thể nói, đỉnh cao của ý thức hòa giải được thể hiện rất rõ trong bốn câu thơ trong bài “Tiếng Việt” nổi tiếng:
Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về
(Tiếng Việt).
2.
Với ý thức hệ giai cấp của mình, Lưu Quang Vũ vẫn nhận biết rất rõ “phía bên kia” nhưng bằng tinh thần hòa hợp, anh vẫn đặt quan hệ giữa “phía bên kia” với “phía bên này” trên tinh thần dân tộc. Đặc biệt hơn nữa, là anh không gọi người thân của những người ở “phía bên kia” gây ra tội ác là “kẻ thù”, dù chính những người ấy là kẻ đã “gieo bom xuống” phía bên này:
Em ở phía bên kia
Giữa ta là đạn lửa
Dẫu chồng em là kẻ
Gieo bom xuống đất này
Anh cũng chẳng gọi em
Là quân thù cho được
(Những vườn dâu đánh mất).
Lưu Quang Vũ đã đứng trên tư thế của phía chính nghĩa để mở lòng bao dung vượt lên “trên mọi điều thù hận” để “những vườn dâu còn lại với con người”: Bao giờ em về/ Phù Lưu hoa gạo thắm/ Nong tằm đã mất/ Sẽ bàng hoàng lá tươi / Trên mọi điều thù hận/ Những vườn dâu còn lại với con người (Những vườn dâu đánh mất). Đây chính là điều “khác thường” trong thơ Lưu Quang Vũ so với thơ ca cùng thời.
Trên tinh thần hòa hợp dân tộc ấy, Lưu Quang Vũ muốn kéo gần mọi người lại với nhau, vì theo anh, điều “đáng sợ nhất trên đời này là những khoảng cách”. Chúng ta là người chiến thắng, nên hãy là người chủ động xích lại gần nhau trên cơ sở của tình yêu Tổ quốc: Tổ quốc là gì, nếu nơi đó không có người mình yêu dấu?/ Tình yêu là gì, nếu không vì nó ta yêu thêm Tổ quốc?/ Chúng ta yêu nhau, chúng ta chiến thắng/ Cái đáng sợ nhất trên đời này: những khoảng cách/ Những khoảng cách giữa thực tại và ước mơ/ giữa những điều ta mong với những gì ta có được (Cho Quỳnh những ngày xa). Ngay trong những ngày chinh chiến ấy, mà chính bản thân mình là người trong cuộc đứng ở phía chính nghĩa, phía “vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy” (Chế Lan Viên), Lưu Quang Vũ dự cảm về phía tương lai. Đọc đoạn thơ đầy tinh thần hòa hợp này của Lưu Quang Vũ ở thời bây giờ ta vẫn có cảm giác lo sợ sự chụp mũ của những người còn quá nặng nề về ý thức hệ:
mai đây bão táp lùi xa
những lớp người sau bình tâm nhìn lại
gọi chúng tôi là những người vĩ đại
hay chỉ là những thế hệ đáng thương?
sẽ xuýt xoa thán phục biết ơn
hay kinh hãi trước bạo tàn bắn giết?
(Cơn bão).
Lại thầm thì trên môi ta lời hát của Trịnh Công Sơn: Khi đất nước tôi không còn chiến tranh. Bạn bè mấy đứa đều xanh nấm mồ… Khi đất nước tôi không còn chiến tranh. Mẹ già lên núi tìm xương con mình (Tôi sẽ đi thăm).
Có lẽ chính vì những suy ngẫm sâu sắc ấy, mà ngay sau trận giáp chiến thắng lợi đã thuộc về phía ta, Lưu Quang Vũ vẫn không “thấy lòng thảnh thơi nhẹ nhõm” cho dù đã phải đổ máu xương chiến đấu với tất cả lòng yêu thương và ý chí căm thù: ta đã qua/ bao phố làng đổ sụp/ cổ nghẹn lòng thù hận/ nhìn bao em bé mồ côi/ mà sao chiều nay/ giết xong quân giặc/ chẳng thấy lòng thảnh thơi nhẹ nhõm/ chỉ nỗi buồn trĩu nặng/ dâng lên như đá trên mồ (Những đứa trẻ buồn). Điều đáng ghi nhận là tinh thần hòa hợp của Lưu Quang Vũ được xác lập rất rõ giữa những người “chưa gặp đã cùng chung tiếng nói” khác với những kẻ “thở ra bóng tối”, những kẻ “phá cầu ngăn lối”: dù lạ dù quen/ ở đâu cũng nhận ra nhau/ chưa gặp đã/ cùng tiếng nói/ còn lũ thở ra bóng tối/ còn kẻ phá cầu ngăn lối (Những gương mặt). Và Lưu Quang Vũ cũng khẳng định, cho dù có kẻ cản đường, ngăn lối thì cũng không thể nào “ngăn nổi” sự hòa hợp tất yếu của hai miền khi chúng ta cùng “đứng bên nhau sống chết với đất này”. Từ quá khứ đau thương đã trải, tinh thần hòa hợp sẽ khiến cho dòng sông cách ngăn “tối đen trước mắt” lúc đó sẽ “trong xanh chảy đến với con người”: nhưng chúng ta đã lớn lên/ không gì ngăn nổi/ trải qua mọi điều, không sợ hãi/ chúng ta đứng bên nhau/ sống chết với đất nầy/ nhớ từng nấm mồ, vết đạn, bàn tay/ ôm trong lòng từng viên gạch vỡ nát/ bao thảm kịch, lo âu còn trước mặt/ nhưng dòng sông tối đen trước mắt/ đã trong xanh chảy đến với con người (Những gương mặt). Đọc đoạn thơ này trong bài “Tìm về”, ngay cả đến bây giờ, ta vẫn có cảm giác lo sợ và rưng rưng nước mắt, ai ngờ Lưu Quang Vũ đã viết ngay trong thời chiến ấy: những binh lính áo quần vằn vện/ những tướng già tóc bạc/ những kẻ lãng du những hồn uất hận/ anh em ruột thịt cầm tay/ lạy mẹ lạy thầy/ chúng con hư để thầy mẹ khổ/ từ nay chẳng tham lam mê muội nữa/ súng đạn người ném trả/ oán thù đổ xuống ao sâu/ anh đón em bên cầu/ em xuống hồ sen tắm mát/ rửa sạch đất bùn nhơ nhuốc/ chúng mình tha thứ cho nhau/ anh thương em, lòng đau/ cái mối tình Lạc Việt (Tìm về). Và tất cả hận thù sẽ được nguôi quên, như Lưu Quang Vũ hằng mơ ước:
đập vỡ mọi xích xiềng đê nhục
cho xoá sạch những niềm vui chém giết
cho ta về lợp lại mái nhà xưa
một tương lai mơ ước đã ngàn đời
nơi đoàn tụ mọi con người cách biệt
nơi quây quần mọi gương mặt khác nhau
(Những đám mây ban sớm).
3.
Nhận thấy đây là một hiện tượng lạ trong dòng chính lưu của thơ Việt Nam thời ấy, tôi thử đi tìm nguyên nhân, nhận ra bên cạnh những yếu tố quê hương, cá tính, tài năng của Lưu Quang Vũ thì trong cuốn Di cảo Lưu Quang Vũ có công bố tập thơ Những bông hoa không chết, trong đó có bài thơ ghi Tặng một người bạn Huế. Tất nhiên, thời điểm viết bài thơ, không thể ghi tặng trực tiếp cho ai, nhưng qua nội dung, ta hiểu ngay là Trịnh Công Sơn, bởi ở đó, ngoài việc miêu tả hành tung của “người bạn”, Lưu Quang Vũ còn trích lời hai đoạn nhạc phản chiến của Trịnh và miêu tả rất kỹ về phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên miền Nam lúc ấy: Ta thử đọc một đoạn, sẽ nhận ra ngay điều này: “thành phố gặp nhau những buổi xuống đường/ đốt lửa lên chiếu soi bè bạn/ đốt lửa lên nhìn rõ mặt quân thù/ lựu đạn cay, ma-trắc, lưỡi lê/ Viện hoá đoạ, Tổng nha, Toà đại sứ/ máu Lê Văn Ngọc, lửa Nhất Chi Mai/ máu thiêng liêng liên kết triệu con người/ Trần Quang Long, Tống Phước Thọ, Lê Văn Nuôi/ những người đã khuất/ còn lung linh trong tiếng hát dập dồn/ “không bao giờ nô lệ trăm năm/ không bao giờ nô lệ một năm/ không bao giờ nô lệ một ngày” (Những gương mặt). Như vậy, ta có thể kết luận, khi viết những bài thơ mang tinh thần hòa giải, hòa hợp, Lưu Quang Vũ đã nắm rất rõ về phong trào đấu tranh của tuổi trẻ miền Nam và bằng cách nào đó đã nghe rất nhiều nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Từ đó nẩy sinh trong Lưu Quang Vũ sự “tìm gặp nhau” để “đặt lại những câu hỏi về cuộc chiến tranh này” của tuổi trẻ hai miền: Cô đào nổi loạn Giên Phôn-đô/ trên đê Hải Dương vung nắm tay họp báo/ người ta giết sinh viên Nguyễn Thái Bình/ bằng năm viên đạn/ tuổi trẻ chúng tôi tìm gặp nhau/ đặt lại những câu hỏi/ về cuộc chiến tranh này/ về mọi giá trị trên đời/ nguồn gốc những nguyên nhân/ của chém giết và thù hằn/ bất công và đói rét (Hồ sơ mùa hạ 1972). Câu hỏi đặt ra đó là: Tuổi trẻ hai miền “cần phải làm gì để có lý do mà hy vọng?”: cần phải làm gì/ Hải Phòng Thanh Hóa Nam Định/ những thành phố bị hủy diệt/ những vụ thảm sát khổng lồ/ những thành phố điên/ Huế Đà Nẵng Sài Gòn/ Quảng Trị An Lộc Đường 13/ cần phải làm gì (Hồ sơ mùa hạ 1972).
Giai đoạn 1968 đến 1972 là giai đoạn cuộc chiến tranh diễn ra ngày càng khốc liệt. Đây cũng là giai đoạn Lưu Quang Vũ làm những bài thơ bày tỏ những “góc khuất”, “góc tối”, nỗi cô đơn trong lòng mình - những bài thơ không phải viết để in (vì không thể in) vào lúc đó. Nhưng Lưu Quang Vũ phải viết ra bởi sứ mệnh của thơ ca, thiên năng của một thi sĩ. Nếu Trịnh Công Sơn được xem là người giữ vị trí số một trong dòng nhạc phản chiến ở miền Nam nói nhiều đến tinh thần hòa giải, hòa hợp ngay thời chiến thì Lưu Quang Vũ không những là số một mà còn là một hiện tượng đặc biệt trong nền thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc lúc bấy giờ viết về tinh thần hòa giải, hòa hợp mà đến bây giờ ta mới có điều kiện nhìn nhận giá trị đặc biệt của nó.
_______
Nguồn thơ trích từ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Lưu Quang Vũ (Nxb Hội Nhà văn, 2010); và Lưu Quang Vũ Di cảo (Nxb Trẻ, 2018).
Mai Bá Ấn
Nguồn Văn nghệ số 35+36/2023