Diễn đàn lý luận

Chiến tranh và người lính vấn đề muôn thuở của văn chương

Phạm Quang Long
Lý luận phê bình
14:15 | 18/07/2024
Trong điều kiện hiện nay, nhân vật người chiến sĩ có còn hấp dẫn những người cầm bút như trong thời gian chiến tranh hay không? Đó là một thực tế.
aa

1.

Nhìn lại văn học Việt Nam giai đoạn từ 1945 đến nay, phần hiện thực quan trọng nhất là hiện thực chiến tranh, vấn đề lớn nhất là vấn đề con người trong chiến tranh. Bởi với dân tộc ta, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là vấn đề lớn nhất. Nó gõ cửa từng nhà, đặt tất cả mọi thành viên trước một lựa chọn. Cả đàn ông và đàn bà, cả người già và người trẻ. Nó là mối quan tâm hàng đầu, lớn nhất của đất nước.

Chiến tranh và người lính  vấn đề muôn thuở của văn chương
Ảnh minh họa bài viết

Dù cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc đã im tiếng súng từ nhiều năm nay nhưng dư âm của nó không phải đã chấm dứt. Nó vẫn còn hiện diện chỗ này chỗ kia ở những người bước ra từ cuộc chiến và ở cả những thế hệ chưa hề một lần nghe thấy tiếng gầm rú của bom đạn. Bởi người ta không thể không có quá khứ và ngoài những ám ảnh của quá khứ, những người chưa biết đến chiến tranh lại muốn nhìn lại cuộc chiến ấy từ ngày hôm nay. Bằng chứng là một loạt tác phẩm gần đây viết về cuộc chiến ấy từ góc nhìn mới, cách lý giải khác. Nó thể hiện sự tiếp cận cuộc chiến ấy sau một độ lùi thời gian, sự trưởng thành của nhận thức và lý giải vấn đề đa diện hơn. Nó không chỉ là góc nhìn khác với thời gian qua mà trong cái khác ấy có sự tiếp tục, có cái mới, có sự nhận thức của lý trí, có sự sâu sắc của tình cảm. Và nó đem lại cho con người cảm nhận đa diện, đầy đủ hơn về cuộc chiến và con người đã qua. Về mặt nhân vật, trong văn chương, nếu người lính được thể hiện như một biểu tượng của thời đại, được gắn với những vấn đề của con người, cộng đồng, quốc gia, nhân loại trong hình hài của một số phận riêng biệt thì những tác phẩm ấy đạt tới tầm khái quát cao. Nói như một nhà nghiên cứu thì ở những tác phẩm như vậy, tọa độ lịch sử và tọa độ cá nhân đã hòa vào nhau, tạo nên một biểu tượng giá trị về thời đại mình. Nhưng, cũng phải nói cho công bằng, những tác phẩm như vậy rất hiếm có. Nó đòi hỏi trước hết ở tài năng người cầm bút đã đành mà còn có cả nhiều yếu tố của thời đại mới chung đúc nên một tác phẩm như vậy.

2.

Suốt thời gian kháng chiến và cho đến tận năm 1975, văn học viết về người lính không ngoài cảm quan sử thi và xét về mặt “tư tưởng thi pháp” chưa vượt ra ngoài quan niệm “phản ánh chân thật và hùng hồn” những người thật, việc thật. Nói chi tiết hơn là cách viết mới chỉ dừng lại ở lối kể việc, kể sự kiện, kể người chứ chưa động được đến tầng sâu của phận người. Rất hiếm những tác phẩm viết về chiến tranh và người lính nằm ngoài đường viền này. Có người quy lỗi cho lối viết ấy bởi quan niệm văn nghệ phục vụ chính trị, văn nghệ phản ánh hiện thực, nhà văn là chiến sĩ luôn phục tùng mệnh lệnh của nhà cầm quyền. Điều đó có thực nhưng theo tôi không hoàn toàn chỉ có như vậy. Câu hỏi lớn nhất độc lập, tự do hay là chết là câu hỏi của toàn đất nước, của mọi người dân và nghệ sĩ cũng không thể đứng ngoài việc lớn này. Nói như Nam Cao thì sống đã rồi hãy viết, không chỉ đặt ra với lớp nhà văn kháng chiến chống Pháp mà chống Mỹ cũng vậy. Và từ thực tiễn ấy, họ tự lựa chọn mục đích viết để phục vụ cuộc chiến đấu của cả dân tộc, cho sự tồn tại của mọi người, trong đó có mình và gạt ra ngoài những gì chưa phải là cần nhất. Nhìn lại những cuốn sách viết trực tiếp từ chiến tranh (Xung kích, Bên bờ sông Lô, Trận phố Ràng…) đặc biệt là từ chiến trường Điện Biên Phủ và những cuốn sách có độ lùi về thời gian ra đời nhân dịp 10 năm, 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ thấy điều này: từ cách viết gần với lối mô tả trực tiếp, tái hiện trực tiếp cuộc chiến ấy của những cuốn sách được làm ra “tại trận” đến những cuốn sách có độ lùi vài chục năm sẽ thấy một khoảng cách cần thiết để nghệ sĩ lùi xa, nhìn lại, soi xét toàn bộ cuộc chiến ấy. Thấy cả khoảng cách trong cách nhìn nhận và viết về hiện thực. Không phải chỉ ở góc nhìn về tư liệu trực tiếp hay gián tiếp mà từ góc nhìn nghiên cứu, đánh giá hiện thực, trong đó vấn đề con người đã được bổ sung thêm nhiều khía cạnh khác trước. Vẫn là sự tiếp tục của cách viết sử thi và cảm hứng tụng ca (từ Người người lớp lớp đến Cao điểm cuối cùng, Bốn năm sau, Đằng sau phía trước, Cánh đồng phía Tây, Chuyện người bị bắt, Trong này Điện Biên…) nhưng hiện thực đã đa diện hơn, vấn đề phong phú hơn, góc nhìn cũng đa chiều hơn. Đã thấy chỗ này, chỗ kia thấp thoáng những dấu hiệu mới (nhiều hơn cả là ở Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Tưởng, Hồ Phương). Sau này những tác phẩm viết về chiến tranh chống Mỹ của Anh Đức, Phan Tứ, Nguyễn Quang Sáng, Trần Hiếu Minh (Nguyễn Văn Bổng), Nguyễn Khải, Hồ Phương, Hữu Mai, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Thái Bá Lợi… trong thời kỳ trước và sau năm 1975 cũng mang những dấu ấn và sự dịch chuyển ấy. Có điều biên độ mở rộng hơn và nó tạo ra những dịch chuyển cần thiết, quan trọng, nó là tiền đề cho thế hệ sau viết tiếp, thay đổi, đi tới khác với cách đi của lớp đi trước.

3.

Những chuyển động về ý thức văn nghệ không phải chỉ sau 1975 mới xuất hiện mà nó đã manh nha từ những năm kháng chiến chống Pháp. Nhưng do nhiều lý do khách quan và chủ quan, nó tạm thời bị xếp sang một bên để nhường chỗ cho những nhu cầu cấp thiết, trước mắt không phải cho cá nhân mà cho cộng đồng. Gương mặt chung, tâm hồn chung của cộng đồng, dân tộc cần hơn của cá nhân và khi những ý nghĩ riêng tư đến, nghệ sĩ đã tự mình dẹp nó lại để chú ý đến những cái của chung, đất nước, nhân dân (ý thơ của Chế Lan Viên). Khoảng cách lùi sau chiến tranh và những vấn đề hậu chiến đã khiến người ta phải nhìn nhận lại chính bản thân mình. Cũng là vì cuộc sống, vì tương lai của đất nước nhưng làm gì và đi theo cách nào trở thành câu hỏi của mọi người. Yêu cầu đổi mới trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội không biết có trước hay sau yêu cầu đổi mới góc nhìn, cách viết của các nghệ sĩ nhưng chắc chắn có sự tương hỗ và thúc đẩy lẫn nhau. Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiên phong đặt ra vấn đề này một cách hệ thống, bài bản nhất. Ban đầu là bài Viết về chiến tranh và sau đó là Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa của ông đã gây chấn động đời sống văn nghệ bởi cách đặt vấn đề mới mẻ, sâu sắc và mang ý nghĩa thức tỉnh, yêu cầu nhận thức lại quan niệm về hiện thực đời sống, người lính, con người và cách viết của một thời. Hai bài báo của ông cùng với bài của Hoàng Ngọc Hiến Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua gây ra một “cơn bão” tranh luận trong giới cầm bút. Vấn đề mới mẻ đã đành, những nhận định, đánh giá về cách viết cũ thực sự gây sốc cho cả những nhà văn đã dành gần cả một đời viết theo lối sử thi, tụng ca. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “suy tư tưởng” (chữ dùng của Lê Ngọc Trà) của văn nghệ giai đoạn 1945-1975. Đến khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, vấn đề này đã được giải quyết về căn bản. Thực tiễn đã chứng minh cái gì đúng, cái gì sai, cái gì chệch choạc, cái gì cực đoan, cái gì bị hiểu lầm, xuyên tạc trong những cuộc tranh luận về vấn đề này và trên đường hướng chung góc nhìn về con người đã tiệm cận lẽ phải.

Phải nói một cách công bằng là văn học viết về chiến tranh từ sau những năm Đổi mới đã mang sắc thái khác giai đoạn trước. Từ vấn đề người lính trong chiến tranh giành độc lập được nhìn nhận đa diện hơn trong một thực tiễn chiến tranh gần với chính nó hơn, những vấn đề về con người nói chung cũng đã thay đổi. Từ góc nhìn sử thi, từ cảm hứng tụng ca đã chuyển sang góc nhìn thế sự, đời tư, từ nhân vật “nhất phiến, nguyên khối, trong suốt” (như có nhà phê bình đã tổng kết) chuyển sang góc nhìn đa diện, nhiều chiều gần với đời thường hơn, thậm chí nhân vật đa nhân cách đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm. Nguyễn Minh Châu, Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập… những năm 80, 90 của thế kỷ trước đã khởi đầu cho một giai đoạn cần nhận thức lại nhiều vấn đề về chiến tranh, hiện thực, con người. Họ không phủ nhận thành tựu văn học trước đó, cũng không hề nói đến một thái độ ngược với góc nhìn phổ biến của văn học nước nhà giai đoạn 1945-1975 mà bằng tác phẩm của mình đề xuất một góc nhìn đa chiều, nhiều mặt và tất nhiên nó gần với cuộc sống hơn. Trong những tác phẩm của những người lính trực tiếp cầm súng trên các chiến trường B., C., K. hay biên giới phía Bắc những năm gần đây thực tế chiến tranh và con người trong chiến tranh được soi xét từ nhiều góc độ hơn, cảm hứng cũng đa màu sắc hơn. Nhân vật người lính không chỉ được soi chiếu từ góc nhìn chính trị, cảm hứng anh hùng nữa mà nó được nhìn nhận từ góc độ bản thể nhiều hơn. Khía cạnh thế sự, đời tư, nhiều góc khuất trước đây thường bị “bỏ quên”, bây giờ được phơi bày ra tất cả. Từ góc nhìn ấy giọng điệu, ngôn ngữ kể chuyện cũng đổi khác. Nó không còn một giọng, thống nhất (và tất nhiên đơn điệu) như trước mà nhiều giọng điệu, nhiều bè, đem lại cho người đọc một cảm nhận cuộc sống hiện ra gần gũi, cụ thể, đa màu sắc hơn.

4.

Từ những điều đã trình bày ở trên tôi cho rằng hiện thực chiến tranh, nhân vật người lính vẫn là một hiện thực cần tiếp tục và nhân vật người lính vẫn là nhân vật quan trọng của văn học dân tộc bây giờ và mai sau. Sau mấy chục năm biến đổi và định hình giá trị về con người, trong đó có cả hình ảnh người lính, văn chương đã dần điều chỉnh thái độ của mình. Nhưng vẫn còn đó một vấn đề chưa giải quyết được. Đó là vấn đề suy tư tưởng trong văn chương mà GS Lê Ngọc Trà đã nói đến từ những năm 80 của thế kỷ trước. Tình trạng suy tư tưởng của văn học mà GS Lê Ngọc Trà nói đến không phải do văn học nước nhà không quan tâm tới vấn đề này mà do nó xử lý chiều sâu tư tưởng chưa phải bằng cách làm của văn chương. Nó không biến các tư tưởng của thời đại thành những vấn đề của con người, là chuyện của xã hội thông qua văn chương mà nó dùng văn chương để minh họa cho những vấn đề tư tưởng, nó mới dừng ở chỗ nói lại, nói theo tư tưởng. Nói cách khác, văn học mới chỉ dừng lại ở chỗ “phản ánh hiện thực” mà chưa đạt tới tầm “nghiền ngẫm hiện thực” theo cách của văn chương. Có nhiều người đã bàn về vấn đề này, cả đồng tình và phản đối. Tôi nghĩ, về mặt lý thuyết vấn đề đặt ra rất hay. Bởi không có nhà văn lớn nào, một nền văn nghệ lớn nào lại không nêu ra và thể hiện một cách sâu sắc những tư tưởng lớn về cuộc sống và con người. Tư tưởng chiến đấu vì độc lập tự do, vì quyền sống của con người như mọi người dân Việt đã tiến hành trong suốt nửa thế kỷ qua cũng là những tư tưởng lớn của thời đại, mang tinh thần nhân văn cao cả. Những điều đó dường như thấm đẫm trong toàn bộ nền văn học nước nhà. Vậy mà tại sao vấn đề suy tư tưởng vẫn được đặt ra và vì sao cả người sáng tác (Nguyễn Minh Châu) và nhà nghiên cứu (Lê Ngọc Trà) lại nói như vậy? Nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng văn chương đi tới những tư tưởng lớn của thời đại bằng con đường của riêng nó chứ không phải nói theo, minh họa cho chính trị. Về tư tưởng chính trị, gần như tuyệt đại đa số các tác phẩm đều đúng theo tinh thần chung của thời đại nhưng ít có tác phẩm hay vì văn chương nếu chỉ dừng ở mức minh họa nó sẽ tự chết ngay từ điểm xuất phát. Văn chương cần đến sự sáng tạo, về những cách thức độc đáo lôi cuốn người đọc ở cả tầm tư tưởng và cách thể hiện không nhằm minh họa mà bằng những con đường riêng để đi đến đích. Tư tưởng phải hóa thân vào câu chữ, câu chuyện, số phận, tình cảm… và đỉnh cao tư tưởng của tác phẩm phải được nhận thức sau khi tác phẩm đã kết thúc. Văn chương suy tư tưởng khi nó lựa chọn con đường đi là minh họa cho tư tưởng. Điều này chứng minh cho một nguyên lý: không có tác phẩm nghệ thuật nào không mang tính tư tưởng, không đứng ngoài những luận đề về cuộc đời và con người nhưng đích văn nghệ hướng đến là toàn bộ cuộc sống được trình bày như chính nó, không thể khác và luận đề được chứng minh ở bản thân cuộc sống dưới hình thức hấp dẫn đến mê đắm của nghệ thuật ngôn từ chứ không phải qua những cách thức sắp xếp lộ liễu của tác giả. Nhà chính trị giáo huấn bằng tư tưởng đúng sẽ được ủng hộ còn nhà văn nếu lựa chọn hình thức giáo huấn là đã lựa chọn đi theo, đi sau tư tưởng và lúc đó không cần đến văn chương nữa.

Trong điều kiện hiện nay, nhân vật người chiến sĩ có còn hấp dẫn những người cầm bút như trong thời gian chiến tranh hay không? Đó là một thực tế. Nhưng cũng lại có một thực tế khác: không ít tác phẩm viết về chiến tranh của những người chưa từng trải qua chiến tranh vẫn gây xúc động con người, vẫn đặt ra những vấn đề tư tưởng lớn của thời đại. Chiến tranh và hòa bình của L.Tônxtôi, Chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ của X.Alecxievich hay một số cuốn sách của Phan Thúy Hà gần đây như Đừng kể tên tôi, Tôi là con gái của cha tôi là những cuốn sách viết về chiến tranh có độ lùi về thời gian để suy ngẫm về những câu chuyện của lịch sử đã qua nhưng từ cảm hứng gần với hiện thực đa chiều nhất. Sở dĩ những tác phẩm đó thành công vì các nhà văn ấy đã nhìn những vấn đề của chiến tranh và con người như là một thực tiễn của lịch sử, ở đó khi con người bước chân vào và thoát ra khỏi chiến tranh đều như những con người có vận động, biến đổi cả nhận thức và tình cảm. Họ lựa chọn cầm súng vì cuộc sống đòi hỏi và họ hiểu sâu sắc việc họ làm. Những vấn đề lịch sử và số phận cá nhân được gắn với nhau từ nhiều quan hệ. Và chúng ta hiểu về cuộc chiến ấy, thời đại ấy qua những số phận cá nhân trước những lựa chọn lịch sử. Họ không bị che khuất mà họ nổi lên như những con người của thời đại ấy, sống động như họ đã từng sống. Xét về phương diện văn nghệ nhân vật anh bộ đội vẫn là một trong những nhân vật quan trọng của thời đại. Chiến tranh qua đi, trừ một số người lính gắn bó trọn đời với môi trường quân đội, còn phần đông những người lính nghĩa vụ sẽ rời quân ngũ trở lại với môi trường dân sự, đối mặt với muôn mặt đời thường không khác người dân bao nhiêu. Đó là một thực tế. Vì vậy người lính với tư cách là đối tượng khai thác và phản ánh của văn nghệ dường như có tản mạn hơn, đa diện và cũng khó nắm bắt hơn. Mặt khác những người lính trong quân ngũ ngày nay cũng còn phải sẻ chia nhiều quan tâm khác ngoài đời sống quân ngũ. Đây là một thực tế, là một khó khăn nhưng nhìn ở phía khác lại cũng thấy ở đó có những khía cạnh để nhà văn tiếp cận và khai thác họ ở nhiều góc độ mới.

Xã hội đang biến đổi. Diện mạo xã hội và đời sống con người cũng đang thay đổi. Những chuẩn mực giá trị mới đang vận động, trong đó có cả những điều đúng đắn và cả những lệch lạc. Những điều này cũng có những tác động đến người lính và môi trường sống của họ. Đó cũng là một thực tế không có trong thời kỳ chiến tranh hay nó bị chìm đi trước những đòi hỏi cấp thiết hơn. Nhưng người lính lại cũng đang gánh trên vai những trọng trách lớn. Tính chất đặc biệt trong công việc hàng ngày của họ vẫn đòi hỏi những phẩm chất của những người tiên tiến trong cuộc sống bình thường, là những cái lớn lao trong những cái bình dị. Môi trường sống chết, đòi hỏi cống hiến và hy sinh không dữ dội như thuở đất nước có chiến tranh nhưng không phải họ không phải đứng trước những lựa chọn khắc nghiệt. Đây là giai đoạn mà con người cá nhân, con người riêng tư đang chịu nhiều tác động nhất và mỗi cá nhân cũng đang phải đứng trước những lựa chọn. Có thể những phẩm chất anh hùng và những hành vi phi thường không phải là cái hàng ngày trong đời sống của họ nhưng bản lĩnh của người chiến sĩ luôn đứng ở tuyến đầu vẫn là những đòi hỏi và phẩm chất ở họ. Mặt khác, những vấn đề của chiến tranh, hòa bình, thái độ của con người trước những vấn đề lớn như vậy luôn là những suy nghĩ thường trực của người lính do môi trường sống của họ, trách nhiệm xã hội của họ là những gì họ phải đối mặt hàng ngày cũng vẫn luôn thu hút người cầm bút. Những tác phẩm viết ra từ chiến hào có những lợi thế ở khía cạnh trực tiếp, tươi mới của hiện thực nhưng những tác phẩm có độ lùi của thời gian lại có những lợi thế mà người viết ra trực tiếp không sánh được. Đó là độ lắng của cảm xúc trực tiếp, độ chín của tư duy và soi chiếu của những góc nhìn khác sẽ giúp cho tác phẩm có chiều sâu tư tưởng và cái nhìn toàn diện hơn.

Nhân vật người lính trong văn học, nhìn từ văn học dân gian sang văn học viết, từ nhân loại đến chúng ta, từ xưa đến nay, vì vậy vẫn là một đề tài hấp dẫn và ở nhân vật này bao giờ cũng hội tụ nhiều vấn đề của thời đại và con người.

Báo Văn nghệ số 28-2024

Chiến tranh như nó đã xảy ra! ([1]) Viết về chiến tranh từ cái nhìn đương đại Về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng Bàn giao Hồ sơ Chứng tích Chiến tranh Việt Nam cho thân nhân các gia đình liệt sĩ "Người sót lại của rừng cười" và thân phận người lính nữ trong chiến tranh
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.